Một thanh niên chết não hiến đa tạng, hơn 150 y bác sĩ Bệnh viện 108 thiết lập 12 bàn mổ lấy và ghép tạng cho 6 bệnh nhân.

Các bác sĩ đã ghép hai phổi cho một bệnh nhân bị xơ phổi; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp. Hai thận được ghép cho hai bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Hai cẳng bàn tay người hiến được ghép cho một bệnh nhân bị cụt cả hai cẳng tay do tai nạn chất nổ.

Cả 4 ca ghép tạng này được tiến hành tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Trái tim được ghép cho một bệnh nhân bị viêm cơ tim giai đoạn cuối, tiến hành tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Các ca lấy và ghép tạng được thực hiện ngày 16/9, đến nay sức khỏe những bệnh nhân nhận tạng đều ổn định mới được bệnh viện công bố. Đây là ca ghép đa mô tạng thứ tư tại Bệnh viện 108.

Để thực hiện ca lấy ghép đa mô tạng này, bệnh viện đã huy động hơn 150 bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên, còn có sự phối hợp từ đội ngũ Bệnh viện Phổi Trung ương.

2007 toan canh

Các bác sĩ cúi đầu mặc niệm người hiến tạng chết não, trước khi phẫu thuật nhận và ghép tạng, hồi tháng 9. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Phó giáo sư Nguyễn Minh Lý, Chủ nhiệm khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện 108, cho biết để chuẩn bị cho các ca nhận và ghép tạng này, đội ngũ y tế phải lên kế hoạch chi tiết cho từng kíp một, phân công nhiệm vụ ở từng vị trí phẫu thuật...

"Chúng tôi phải chuẩn bị từng viên đá vô trùng, các trang thiết bị, từ cái kim sợi chỉ cho từng kíp mổ. Có những kíp ở lại làm đến nửa đêm", bác sĩ Lý, nhớ lại.

Sau hơn 10 giờ phẫu thuật, các ca ghép đều thành công, diễn biến đến nay rất thuận lợi.

2114 bn ghep phoi

Bệnh nhân được ghép phổi hồi phục tốt, đã được xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bệnh nhân được ghép phổi là nam, 54 tuổi, được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát từ hai năm nay. Đây là bệnh lý gây xơ hóa phế nang và mô kẽ của phổi dẫn đến cơ thể bị thiếu oxy nghiêm trọng. Ghép phổi là cơ hội duy nhất mang lại sự sống cho người bệnh. Ghép phổi được đánh giá là một trong thách thức khó khăn trong lĩnh vực ghép tạng, kể cả với những nước có nền y học tiên tiến trên thế giới hiện nay.

Ca ghép gan từ người cho chết não lần này là ca ghép gan thứ 51 thực hiện thành công tại Bệnh viện 108. Ca ghép cẳng tay đánh dấu thành công trong lĩnh vực ghép chi thể của Việt Nam. Người được ghép là bệnh nhân nam 18 tuổi, cách đây ba năm bị tai nạn chất nổ mất hai cẳng tay. Trước đó, ca ghép bàn tay đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống đã được thực hiện thành công tại Bệnh viện 108 vào tháng 1/2020.

Sức khỏe các bệnh nhân được ghép tạng đều ổn định. Những người ghép gan, thận và phổi đã xuất viện. Người ghép cẳng tay đang tập phục hồi chức năng tại bệnh viện.

2212 38a

Thanh niên được ghép tay đang tập phục hồi chức năng. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Trung tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108, đánh giá thành công của ca lấy ghép đa mô tạng từ người cho chết não đã "khẳng định khả năng làm chủ các kỹ thuật đỉnh cao y học của người lính áo trắng".

Sau ba năm thực hiện đề án nghiên cứu khoa học Tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người, Bệnh viện 108 đã thực hiện thành công 240 ca ghép tạng, bao gồm ba ca ghép phổi, hai ca ghép chi thể. Số ca ghép thận là nhiều nhất, với 69 ca; ghép tế bào gốc 62 ca; ghép gan 51 ca; ghép tủy 36 ca; ghép giác mạc 17 ca.

Bệnh viện 108 là nơi đã thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam và ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống.

Ghép tạng là một trong những thành tựu y học lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Nhờ ghép tạng, hàng chục nghìn bệnh nhân trên thế giới được cứu sống.

Lê Nga

Lần đầu tiên tại Việt Nam ghép ruột từ người cho còn sống Lần đầu tiên tại Việt Nam ghép ruột từ người cho còn sống
Kỷ lục ghép tạng: 13 ngày ghép thành công 23 tạng Kỷ lục ghép tạng: 13 ngày ghép thành công 23 tạng

/ vnexpress.net