Theo Bộ Y tế, trong tuần qua cả nước ghi nhận 4.375 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk.
Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 75.795 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 18 trường hợp tử vong. Type virus sốt xuất huyết lưu hành năm nay chủ yếu là DEN-1, DEN-2 và không có sự khác biệt với những năm gần đây.
Sốt xuất huyết đang tăng mạnh tại Hà Nội với hơn 1.000 ca mắc/tuần. Điều đáng chú ý, nhiều người bị sốt đã tự mua thuốc điều trị tại nhà, khi nhập viện cấp cứu đã bị biến chứng nặng. Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận nam bệnh nhân 41 tuổi (Thạch Thất, Hà Nội) vào viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu dữ dội... Bệnh nhân sống trong khu vực ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, tuy có triệu chứng sốt, nhưng bệnh nhân chủ quan, tự mua thuốc điều trị tại nhà.
4 ngày sau, diễn biến bệnh nặng lên, kèm theo chảy máu cam, nam bệnh nhân mới tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, tràn dịch ổ bụng và thoát huyết tương do sốt xuất huyết Dengue. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm, cần nhập viện gấp để truyền máu và theo dõi sát sao.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên. Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế, với biện pháp chủ yếu là bù nước và điều trị triệu chứng.
"Ngoài ra, cần hết sức lưu ý với các dung dịch truyền như dung dịch cao phân tử, dung dịch tiểu cầu hoặc truyền albumin đều phải được chỉ định bởi bác sĩ, không được tự ý truyền tùy tiện tại nhà. Thực tế đã xảy ra không ít trường hợp bệnh chuyển nặng, tử vong do vấn đề truyền dịch sai", BS Cường khuyến cáo.