Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt, đây là dịp để các thành viên trong gia đình trở về đoàn tụ, quây quần bên nhau. Những món khoái khẩu ngày Tết luôn hấp dẫn nhưng lại là “kẻ thù” với người bệnh đái tháo đường...Đặc biệt, nếu không bảo quản thức ăn tốt, còn gây ngộ độc thực phẩm.
- Nỗi lo an toàn thực phẩm dịp cuối năm: Hà Nội yêu cầu phải công khai các vụ vi phạm
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm
Người bệnh đái tháo đường, tim mạch chớ chủ quan
TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Tết là thời điểm có nhiều nguy cơ với người bệnh mắc đái tháo đường. Khoảng mùng 2 Tết trở đi, Khoa sẽ tiếp nhận nhiều trường hợp nhập viện với 4 tình trạng chủ yếu.
Một là, bệnh nhân bị hôn mê do tăng đường huyết, tăng lực thẩm thấu do bỏ quên không uống thuốc đúng giờ. Hai là, bệnh nhân bị hạ đường huyết do thay đổi chế độ ăn và uống rượu.
Thứ ba, bệnh nhân viêm tụy cấp do uống nhiều rượu và chế độ ăn nhiều thịt. Cuối cùng, bệnh nhân bị nhiễm trùng do nhiễm lạnh, chủ yếu là viêm phổi hoặc bị chấn thương nhiễm trùng bàn chân nặng lên dịp tết do không được chăm sóc kịp thời.
Tết là thời điểm nhiều tiệc tùng, thay đổi chế độ ăn, quên uống thuốc, thời tiết diễn biến thất thường, người bệnh có thể đi chơi xa… nên khả năng tiếp cận y tế hạn chế người bệnh có nguy cơ biến chứng dịp tết.
“Chúng tôi tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường nhập viện cấp cứu vì những lý do hoàn toàn tránh được”, bác sĩ Bảy cho hay.
Bác sĩ cũng cho biết, Tết là thời điểm mọi người bị đảo lộn sinh hoạt và thói quen ăn uống. Bệnh nhân thức khuya, dậy sớm hoặc ngủ suốt ngày; có người đi chơi xa, vận động thể lực nhiều; có người uống thuốc không đầy đủ… Đặc biệt, bệnh nhân đái tháo đường còn có nhiều yếu tố ảnh hưởng như ăn đồ nếp, ăn đồ lạ khiến làm tăng lượng đường; uống nhiều rượu có thể gây ra hạ huyết áp.
Rất nhiều người mắc đái đái tháo đường băn khoăn có được sử dụng bánh chưng trong những ngày Tết hay không, nếu được thì lượng ăn thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe? Điều dưỡng Phạm Thị Kim Thu, Khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, mỗi chiếc bánh chưng bao gồm 400g gạo nếp, 200g thịt ba chỉ và 200g đỗ xanh. Năng lượng ước tính mỗi chiếc bánh chưng mang lại khoảng 2.560 kcal, tương ứng 6 bát phở đặc biệt, cũng là mức năng lượng cần thiết cho 1 ngày của một người có cân nặng 70-80 kg.
Đặc điểm của bánh chưng là nhiều năng lượng, chất béo chủ yếu đến từ thịt ba chỉ, loại chất béo không tốt và nhiều chất bột đường gây tăng đường huyết nhanh. Ngoài ra, mọi người còn có thói quen sử dụng bánh chưng rán, điều này làm làm tăng lượng chất béo và tăng năng lượng. Hoặc dùng bánh chưng kết hợp dưa hành muối, giò chả cũng làm tăng lượng muối… tất cả đều không tốt đối với sức khỏe của người bệnh.
Điều dưỡng Kim Thu cho hay, bánh chưng không nằm trong khuyến cáo cấm sử dụng với bệnh nhân đái tháo đường mà chỉ cần lưu ý cách thức và lượng dùng. Bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn bánh chưng rán mà ăn rau trước để bổ sung chất xơ, giúp ổn định đường huyết. 1/8 chiếc bánh chưng tương ứng 1 miệng bát con cơm. Người đái tháo đường nặng 50-60 kg được ăn 1 miệng bát con cơm, do vậy có thể thay thế bằng 1/8 miếng bánh chưng. Ngoài ra, không sử dụng thêm các thực phẩm chứa tinh bột khác như miến dong, xôi, canh khoai…
Không nên ăn kết hợp bánh chưng với các thực phẩm chứa nhiều muối như dưa, hành muối, giò, chả…Duy trì thói quen tập thể dục giúp tiêu hao năng lượng và kiểm soát đường huyết.
Tránh rượu bia, đảm bảo an toàn thực phẩm
Tết cũng là thời điểm có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm phải vào nhập viện do lễ hội, tiệc tùng nhiều, thức ăn đường phố không bảo đảm.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào dịp Tết từ mùng 2 trở ra, Trung tâm thường tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu và ngộ độc thực phẩm. Người dân thường có thói quen mua sắm, dự trữ nhiều đồ ăn, thực phẩm trong ngày Tết. Mọi người vẫn nghĩ, tủ lạnh có tác dụng "vạn năng" nên cất vào đó là an toàn. Thức ăn chín để lẫn với ngăn thức ăn sống, không bọc cẩn thận, dễ lây nhiễm vi khuẩn.
Có nhiều gia đình mua quá nhiều thực phẩm, để trong ngăn đá tủ lạnh cả tháng tới vài tháng. Điều này không tốt, nếu muốn bảo quản lâu dài, phải để vào tủ cấp đông.
Đặc biệt, sau Tết, nhiều gia đình còn dư thừa thực phẩm. Việc bảo quản không đúng cách, chế biến đi chế biến lại và sử dụng các thực phẩm hết hạn sử dụng hoặc để quá lâu ngày, để nấm mốc... dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn.
BS Nguyên cảnh báo, ngộ độc thực phẩm sau Tết xảy ra có thể xảy ra sau khi ăn, uống phải thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây độc, thức ăn bị ôi thiu…Đặc biệt, uống phải rượu rởm, rượu chứa methanol...Nhiều ca ngộ độc rượu vào cấp cứu trong tình trạng rất nặng, hôn mê, thậm chí tử vong.
Thông thường ngộ độc thực phẩm cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1 - 2 ngày sau khi ăn. Ngộ độc thực phẩm nặng thì có thể dẫn tới tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh.
Người bệnh ngộ độc thường có các biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở... tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc.
Vì vậy, khi thấy chính mình hoặc người thân có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm, cần thực hiện các bước sơ cứu như: Gây nôn (nếu người bệnh không có biểu hiện nôn), đây là biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn.
Nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Khi gây nôn cho người bệnh, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc cho người bệnh. Với người bệnh bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
Cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi bằng nước lọc, nước oresol hoặc uống nước gạo rang để bù nước cho người bệnh. Gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.