Tối 24/8 (giờ địa phương), tỉ phú người Pháp gốc Nga Pavel Durov, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) ứng dụng nhắn tin Telegram đã bị bắt giữ tại Pháp để phục vụ một cuộc điều tra sơ bộ của cảnh sát tập trung vào việc Telegram thiếu các biện pháp kiểm duyệt. Sự kiện địa chấn trong giới công nghệ này cho thấy những thách thức mà các nền tảng trên toàn cầu đang phải đối mặt.
- Pháp công bố 12 cáo buộc chống CEO Telegram
- Điện Kremlin phủ nhận thông tin Tổng thống Putin từng gặp CEO Telegram
- Cảnh báo nguy cơ tội phạm trên mạng xã hội Telegram
Ngày 27/8, Công tố viên Thủ đô Paris của Pháp, bà Laure Beccuau, thông báo ông Pavel Durov bị bắt để điều tra về 12 cáo buộc hình sự. Bà cho biết vụ bắt giữ diễn ra trong khuôn khổ một cuộc điều tra tư pháp bắt đầu từ ngày 8/7, tiếp sau cuộc điều tra do đơn vị chống tội phạm mạng thuộc Văn phòng Công tố Paris khởi xướng.
Cuộc điều tra này liên quan đến các cáo buộc về các giao dịch bất hợp pháp, tàng trữ hoặc cung cấp hình ảnh khiêu dâm của trẻ vị thành niên… Ngoài ra, Cảnh sát Pháp cũng điều tra xung quanh hành vi từ chối cung cấp thông tin hoặc tài liệu cần thiết khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu để thực hiện các hoạt động giám sát hợp pháp.
Bà Laure Beccuau cũng lưu ý rằng, việc giam giữ ông Durov có thể kéo dài tới 96 giờ kể từ ngày 24/8, theo thủ tục áp dụng đối với tội phạm có tổ chức. Khi thời gian thẩm vấn đầu tiên kết thúc, ông Pavel Durov có thể được trả tự do hoặc bị buộc tội danh và tiếp tục bị giam giữ.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phủ nhận việc bắt giữ ông Pavel Durov mang động cơ chính trị, nhấn mạnh việc đưa ra phán quyết vụ án tùy thuộc vào các thẩm phán điều tra. Ông khẳng định, Pháp “cam kết sâu sắc” với quyền tự do ngôn luận nhưng “quyền tự do được duy trì trong khuôn khổ pháp lý, cả trên mạng xã hội và ngoài đời thực, để bảo vệ công dân và tôn trọng các quyền cơ bản của họ”.
Trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin, Telegram đã phản ứng bằng thông điệp được đăng tải trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) và gửi cho người dùng Telegram. Trong thông điệp, Telegram khẳng định ứng dụng này tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, nhấn mạnh rằng các hành vi điều tiết nội dung của Telegram đáp ứng các tiêu chuẩn của ngành và đang không ngừng cải tiến. Công ty khẳng định rằng, CEO Pavel Durov không có lý do gì để tránh đi lại ở châu Âu.
Telegram cũng phản đối quan điểm cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nền tảng đó nên chịu trách nhiệm về việc người dùng lạm dụng dịch vụ của mình. Công ty bày tỏ tin tưởng vào một giải pháp nhanh chóng cho tình hình hiện tại và khẳng định lại cam kết của mình đối với người dùng. Trong khi đó, luật sư riêng của CEO Telegram, ông Dmitry Agranovsky nhấn mạnh, những cáo buộc chống lại thân chủ của ông là “hoàn toàn vô lý”. “Các cáo buộc này cũng giống như đổ lỗi cho một nhà sản xuất ôtô khi chiếc ôtô được sử dụng cho mục đích tội phạm, hoặc gây tai nạn”, ông nói.
Về phía Nga, trong một phát biểu ngày 26/8 (giờ địa phương), người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow “vẫn chưa biết ông Pavel Durov bị cáo buộc chính xác điều gì” và “chưa có bất kỳ tuyên bố chính thức nào về vấn đề này”. Ông cho rằng không nên vội đưa ra kết luận trước khi ông Pavel Durov bị khép tội.
Đại sứ quán Nga tại Pháp hiện đang thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ quyền của tỷ phú Pavel Durov và tìm cách tiếp cận lãnh sự với ông, nhưng “cho đến nay phía Pháp vẫn tránh tham gia vào vấn đề này”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nga Vladislav Davankov kêu gọi Pháp ngay lập tức trả tự do cho ông Pavel Durov và cho rằng, vụ việc “có thể có động cơ chính trị và nhằm truy cập thông tin cá nhân của người dùng Telegram”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã chất vấn các nhóm nhân quyền quốc tế rằng, liệu các nhóm này có gây sức ép lên Pháp sau vụ ông Pavel Durov bị bắt hay không. Bà nhắc lại việc các nhóm nhân quyền quốc tế đã chỉ trích gay gắt Nga cách đây vài năm khi cho rằng, Moscow cố gắng quản lý hoạt động của Telegram.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng, trong thời gian Chính phủ Nga có vấn đề pháp lý với Telegram về các thông số kỹ thuật thì nhà sáng lập của nền tảng này vẫn được tự do. Bà nêu câu hỏi: “Ông Pavel Durov vẫn tự do trong suốt thời gian này và tiếp tục phát triển Telegram. Bạn nghĩ sao, liệu lần này các tổ chức phi chính phủ có kháng cáo lên Paris và yêu cầu thả ông ấy hay sẽ giữ im lặng?”. Chia sẻ quan điểm này, người đứng đầu Liên đoàn Internet An toàn của Nga và là thành viên của Phòng Dân sự Nga Ekaterina Mizulina cáo buộc Mỹ yêu cầu Pháp bắt CEO Telegram.
Nhiều người có tiếng nói cùng nhiều chính trị gia và các doanh nhân, cả ở phương Tây và Nga, đã chỉ trích vụ bắt giữ đồng thời cáo buộc rằng, việc Pháp bắt người sáng lập Telegram có thể tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho người đứng đầu các nền tảng truyền thông xã hội khác. Tỉ phú Elon Musk - CEO của X - ủng hộ phong trào đòi trả tự do cho ông Pavel Durov (“FreePavel”). Viết trên X, ông nhắc lại những lệnh cấm gần đây của các nước liên quan vấn đề tự do ngôn luận, gọi đây là “thời điểm nguy hiểm”.
Trong khi đó, CEO nền tảng video trực tuyến Rumble, ông Chris Pavlovski, cũng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Pháp bắt giữ ông Pavel Durov. Ông tuyên bố: “Pháp đã đe dọa Rumble và hiện đã vượt qua ranh giới đỏ khi bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov, được cho là vì không kiểm duyệt nội dung. Rumble sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý để đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận. Hiện tại chúng tôi đang đấu tranh tại tòa án Pháp và chúng tôi hy vọng Pavel Durov sẽ được trả tự do ngay lập tức”. Ông Chris Pavlovski cho biết thêm rằng bản thân mình đã rời khỏi châu Âu sau khi thông tin ông Pavel Durov bị bắt được công bố.
Về phần mình, ông Robert F. Kennedy Jr., người từng tranh cử Tổng thống Mỹ 2024 với tư cách ứng viên độc lập, bày tỏ: “Nhu cầu bảo vệ quyền tự do ngôn luận chưa bao giờ cấp thiết hơn thế”. Liên quan tới vụ việc này, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cùng ngày cho biết đã nắm được thông tin về vụ bắt giữ tỷ phú Pavel Durov nhưng hiện chưa thể đưa ra bình luận. Trong thông báo, cơ quan trên nêu rõ: “Ở giai đoạn điều tra này, chúng tôi không có đủ thông tin và sẽ còn quá sớm để chúng tôi đưa ra bình luận”.
Việc bắt giữ ông Pavel Durov đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của Telegram. Thời gian tới, các thủ tục pháp lý liên quan đến vụ việc này sẽ là tâm điểm chú ý, nhất là các cáo buộc đối với vị tỉ phú này và phản ứng của ông. Trong bối cảnh này, các hoạt động hàng ngày của Telegram có thể gặp gián đoạn, và công ty này có thể cần nhân sự lãnh đạo tạm thời.
Những lo ngại về quyền riêng tư của người dùng cũng có thể tăng lên, buộc Telegram phải giải quyết những vấn đề này để duy trì niềm tin của người dùng. Sự giám sát về mặt quy định được dự đoán sẽ gia tăng trên toàn thế giới, với khả năng sẽ có nhiều nỗ lực mới để quản lý Telegram. Các chính sách điều tiết nội dung có thể được thắt chặt nếu vụ bắt giữ nói trên liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp trên Telegram.
Ngoài ra, tương lai của Toncoin và sự liên quan của Telegram đến tiền điện tử có thể ảnh hưởng đến thị trường tiền điện tử nói chung. Trong các trường hợp cực đoan, thậm chí có thể nảy sinh các câu hỏi về quyền sở hữu và kiểm soát của Telegram nếu ông Pavel Durov gặp phải những rắc rối pháp lý lâu dài. Tương lai của Telegram sẽ phụ thuộc nhiều vào các cáo buộc cụ thể và phản ứng của các bên liên quan.
Việc bắt giữ CEO Telegram là một sự kiện địa chấn trong giới công nghệ. Diễn biến này cho thấy những thách thức mà các nền tảng trên toàn cầu đang phải đối mặt. Quyền riêng tư, bảo mật và vai trò của công nghệ trong thế giới kết nối giờ đây đang thu hút sự chú ý của dư luận. Vụ việc này sẽ có nghĩa gì đối với quyền riêng tư trong môi trường số? Nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giao tiếp trên toàn cầu như thế nào? Và điều gì đang chờ đợi Telegram? Câu trả lời cho những câu hỏi này có thể tái định hình bối cảnh kỹ thuật số toàn cầu.