Đậu mùa khỉ đang lây lan mạnh tại nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt đã lây lan ra cộng đồng tại Anh.
Theo WHO, trong đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ gần đây, từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5, tính đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 550 ca mắc tại 30 quốc gia ngoài Tây và Trung Phi. Đến nay chưa ghi nhận ca tử vong do đậu mùa khỉ ngoài Tây và Trung Phi. Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc.
Đậu mùa khỉ xuất hiện ở 30 quốc gia là điều bất thường
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo WHO, các ca bệnh được phát hiện ở châu Âu đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây. Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm virus đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi và có đặc điểm giống virus đậu mùa khỉ lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.
Ngày 1/6, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) thông tin bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan từ người này sang người khác ở Anh. Phần lớn trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Anh (132 trường hợp) đến từ thủ đô London.
Trong đó, 111 ca bệnh là người đồng tính nam, song tính hoặc những người đàn ông quan hệ tình dục với đàn ông (GBMSM). Chỉ có 2 ca bệnh là phụ nữ. Ngoài ra, 34 trường hợp của Anh gần đây đã tới một số quốc gia châu Âu trong vòng 21 ngày kể từ khi thể hiện triệu chứng, chiếm 18% trong số 190 ca bệnh được Anh xác nhận tính đến hôm 31/5.
Cơ quan y tế Anh cho biết, đã xác định được mối liên quan giữa các ca bệnh với các quán bar, phòng tắm hơi dành cho người đồng tính nam và việc sử dụng các ứng dụng hẹn hò ở Anh và nước ngoài. Hiện, các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành, song chưa thể tìm ra chính xác các yếu tố hoặc tiếp xúc liên quan đến các ca bệnh.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổ chức này đang tiến hành điều tra dịch tễ, song sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ tại nhiều nước cùng một thời điểm cho thấy căn bệnh này có thể đã lây lan trong một khoảng thời gian mà không được phát hiện.
Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, trường hợp mắc bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Công gô. Bệnh đậu mùa khỉ có liên quan tới bệnh đậu mùa vốn đã được xóa sổ vào năm 1980.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), bệnh đậu mùa khỉ vốn chỉ xuất hiện ở Tây Phi, nay xuất hiện ở 30 quốc gia chưa từng lưu hành dịch bệnh này là điều bất thường. Những ca mắc tại các quốc gia này lại chưa từng đi từ châu Phi về. Bệnh dịch đang lưu hành ở một khu vực, một địa phương, giờ lan ra các châu lục khác là điều các nước phải chú ý.
Can thiệp sớm, cách ly kịp thời
Đến nay, qua giám sát các cửa khẩu, đặc biệt người đi từ vùng dịch là các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa dân chủ Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan), Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, có thể một thời điểm nào đó sẽ có ca bệnh xâm nhập. Do vậy, Việt Nam phải làm tốt biện pháp kiểm soát dịch ở các cửa khẩu biên giới, đặc biệt để ý tới những người đi từ vùng dịch về. Đồng thời cần chủ động phối hợp với WHO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC), và các tổ chức quốc tế khác để cập nhật thông tin về giám sát, điều tra ca bệnh, kỹ thuật chẩn đoán.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Mặc dù chưa phát hiện bệnh lây qua quan hệ tình dục (mới phát hiện lây qua sinh hoạt tình dục đồng giới) nhưng người dân cũng phải chú ý. Để phòng bệnh, mọi người cần giữ vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, khử khuẩn, không ngủ chung chăn, gối với người nhiễm bệnh, cách ly y tế người nhiễm.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, bệnh đậu mùa khỉ có họ hàng với bệnh đậu mùa, nhưng lây chậm hơn, triệu chứng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn nên từ trước tới nay không bùng thành những đợt dịch lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức đề phòng vì virus có thể biến đổi, biến chủng và cần phải theo dõi chặt chẽ.
Đậu mùa khỉ thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần với các triệu chứng là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch bạch huyết sưng to trong khi bệnh đậu mùa thì không.
Ông Phu cho biết, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Còn WHO thì cho hay, các loại vaccine được phát triển nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh đậu mùa được cho là đạt hiệu quả tới khoảng 85% trong việc ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ, song đang xảy ra tình trạng thiếu hụt cung ứng vaccine.
“Tiêm vaccine đậu mùa có thể phòng tránh được đậu mùa khỉ, khi mắc bệnh sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa đã được xóa sổ trên toàn thế giới từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước bằng vaccine và trên thế giới không tiêm rộng rãi vaccine này trong nhiều năm. WHO khuyến cáo không nên tiêm tràn lan mà chỉ tiêm ở vùng có nguy cơ, người tiếp xúc gần”, ông Phu nhấn mạnh.
Theo cảnh báo của WHO, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ nếu tiếp xúc gần với ca mắc, do đó, tất cả mọi người đều cần phải thay đổi thái độ kỳ thị bởi điều này có thể ngăn cản người mắc bệnh tìm đến sự trợ giúp y tế, khiến việc ngăn chặn lây lan trở nên khó khăn. Trong trường hợp Việt Nam xuất hiện ca bệnh, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chúng ta không được để lây lan, có can thiệp sớm, cách ly người mắc kịp thời.
Y tế của nước ta hoàn toàn đáp ứng được nếu có dịch, vì bệnh triệu chứng nhẹ. Người dân không nên lo lắng quá, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là. Tuy đậu mùa đã được thanh toán từ nhiều thập kỷ trước, chưa phát hiện thấy có bệnh nhân đậu mùa khỉ, song nước ta vẫn lưu hành bệnh thủy đậu, Rona virus, bệnh phát ban có mọng nước… Vì vậy, người dân khi có các triệu chứng trên cần đến cơ sở y tế để thăm khám và loại trừ.