Thực tế cho thấy chi phí ghép tạng và chi phí dùng thuốc chống thải ghép thấp hơn rất nhiều so với điều trị kéo dài bằng phương pháp khác, chưa kể lợi ích xã hội khi người bệnh sớm được cứu sống, trở về cuộc sống bình thường, tăng khả năng lao động...

Chính vì vậy, rất cần có các giải pháp phát triển chương trình ghép tạng, xây dựng cơ chế tài chính, nguồn lực cho ghép tạng.

ghep-tang.jpg
Các bác sĩ thực hiện một ca ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Nhiều lợi ích kinh tế khi ghép tạng

Khẳng định lợi ích kinh tế khi phát triển ghép tạng, PGS.TS, bác sĩ Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người thông tin, số liệu so sánh chi phí lọc máu và ghép thận ở nhiều quốc gia trên thế giới đều chứng minh, việc ghép thận có chi phí thấp hơn nhiều so với lọc máu chu kỳ.

Tại Hàn Quốc, lọc máu chu kỳ hết 60 triệu won/năm; trong khi đó, chi phí ghép thận là từ 60 đến 80 triệu won, nhưng điều trị sau ghép chỉ tốn từ 5 đến 10 triệu won/năm. Tính trong 3 năm, chi phí ghép và thuốc ít hơn nhiều so với lọc máu chu kỳ. Không chỉ vậy, chất lượng cuộc sống của người bệnh sau ghép cao hơn. Người ghép thận có thể lao động và tham gia mọi hoạt động xã hội, tuổi thọ sau ghép cũng cao hơn.

Tại Việt Nam, do chưa có định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ xác định chi phí ghép tạng nên giá ghép tạng mỗi nơi mỗi khác. Kết quả khảo sát của một nhóm nghiên cứu chi phí của người bệnh suy thận giai đoạn cuối tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho thấy, nếu trung bình chi phí lọc máu chu kỳ hết khoảng 174 triệu đồng/năm/bệnh nhân, thì trung bình chi phí ghép thận và dùng thuốc chống thải ghép chỉ khoảng 84 triệu đồng/năm/bệnh nhân.

Tại Trung tâm Ghép tạng (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) có hơn 90% ca ghép tạng được phẫu thuật thành công, tỷ lệ sống tiếp 10 năm lên đến 75%. Theo PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm, kết quả điều trị sau ghép tạng cho thấy, dù chi phí ban đầu cao, nhưng giảm dần theo thời gian. Bù lại, người ghép tạng có chế độ ăn, sinh hoạt bình thường, cho thấy việc ghép tim, phổi, thận… là phương pháp điều trị hiệu quả, góp phần kéo dài thời gian sống và chất lượng sống.

Bàn thêm về nội dung này, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Tám, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội chia sẻ, mỗi bệnh nhân chạy thận nhân tạo chừng 3 lần/tuần, mỗi lần từ 4 giờ đến 6 giờ, ảnh hưởng rất lớn đến công việc và gia đình của họ. Trong khi đó, người ghép thận có thể trở về cuộc sống bình thường, làm tốt các công việc. Ghép tạng không những cứu sống nhiều người mà còn giúp giảm chi phí điều trị, giảm chi phí bảo hiểm y tế.

Sớm gỡ vướng để hiến và ghép tạng

Hiện nay, tại Việt Nam, có 31 bệnh viện được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện lấy, ghép 1 trong 6 bộ phận cơ thể người, bao gồm ghép thận, gan, phổi từ người hiến sống và từ người hiến chết não, ghép tim, tụy, ghép tụy - thận từ người hiến chết não… Tính từ ngày 4-6-1992 đến 10-6-2025, có 10.027 ca ghép tạng được thực hiện, phổ biến nhất là ghép thận với 9.071 ca, tiếp đó là gan (804 ca), tim (132 ca)…

“Nhu cầu ghép tạng rất lớn, nhưng số ca chết não hiến tạng tính từ năm 2008 đến ngày 23-6-2025 mới đạt 236 trường hợp; số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não tính đến ngày 23-6-2025 trong cả nước chỉ đạt 133.530 trường hợp”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, lợi ích của ghép tạng trong việc cứu chữa, duy trì sự sống cho người bị mắc các bệnh suy mô, tạng là không phải bàn cãi, vì vậy, cần có các giải pháp đồng bộ để phát triển chương trình ghép tạng. Trong đó, cần cập nhật và hoàn thiện khung pháp lý về hiến ghép mô tạng, cho phép người dưới 18 tuổi và người chết tim hiến mô, tạng. Nhằm tăng cường vận động hiến tạng từ người cho chết não, chết tim, tăng tỷ trọng tạng hiến từ nguồn chết não, chết tim, cần nâng cao trách nhiệm của các bệnh viện, nâng cao năng lực chuyên môn trong việc hồi sức chết não, chết tim, năng lực vận động hiến, chẩn đoán chết não, chết tim.

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tám cho biết, hiện nay, tồn tại một số vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế bệnh nhân ghép tạng. Đơn cử, do Bộ Y tế chưa xây dựng giá cho phẫu thuật ghép tạng (mới có giá của phẫu thuật ghép thận tự thân trong cấp cứu do chấn thương cuống thận), bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế sử dụng thực tế trong cuộc mổ. Các chi phí vận chuyển tạng hiến chưa có định mức chi trả. Các bệnh viện tự xây dựng giá cho phẫu thuật ghép tạng tại bệnh viện và thu của người bệnh. Chi phí bình quân điều trị sau ghép tạng hằng tháng tại các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau đối với cùng một bệnh. Người hiến tạng vẫn phải chuyển cấp cơ sở khám chữa bệnh theo quy định, chưa được ưu tiên, chưa tính mức hưởng, phạm vi… Quyền lợi người bệnh liên quan đến hiến, ghép tạng chưa được bảo đảm theo Luật Bảo hiểm y tế.

Vì vậy, cần khẩn trương xây dựng giá cho các phẫu thuật ghép tạng để cơ quan bảo hiểm y tế có cơ sở thanh toán chi phí phẫu thuật cho người bệnh. Bên cạnh đó, cân nhắc nghiên cứu nâng tỷ lệ chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế đối với các thuốc chống thải ghép, nhằm giảm chi phí từ người bệnh.

Các giải pháp này nhằm khuyến khích nhiều người tham gia hiến tạng, ghép tạng, góp phần giảm chi phí y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tất cả nhằm bảo đảm nguyên tắc: “Mọi cư dân đều có quyền tiếp cận dịch vụ hiến và ghép tạng”.

https://hanoimoi.vn/can-giai-phap-khuyen-khich-hien-tang-ghep-tang-709948.html

Mai Hoa / Hà Nội Mới