Từ trong cặp mắt ấy, những tia mắt như muôn ngàn lưỡi kim vô hình đâm vào mắt, vào người lão. Những tia ánh mắt hổ chứa đầy sự căm uất như một cái lưới chụp xuống, khiến lão nhũn người, quỵ xuống…
Con hổ Leng (Kỳ 9) |
Con hổ Leng (Kỳ 8) |
Con hổ Leng (Kỳ 7) |
Lần ấy, lão và hai gã thợ săn khác, cũng là người Mường Tùng mang hai khẩu súng kíp và một cây nỏ đi săn. Vào đến chân núi Si Pa, bỗng lão phát hiện ra một con hổ đang vác cái bụng lặc lè chui vào hang.
Giống hổ, khi gần đến ngày đẻ là chúng phải kiếm một cái hang kín đáo. Chúng đẻ con xong, ở luôn trong hang cho đến khi đàn con trưởng thành, đủ sức tự kiếm ăn thì mới chuyển đi nơi khác. Với hổ mẹ, chúng có thể đi khắp nơi kiếm sống, nhưng đến khi có chửa lứa tiếp theo, chúng lại trở về chốn cũ. Chúng chỉ bỏ hang nếu như cảm thấy nơi ấy không còn an toàn… hang của hổ thường khá sâu và có nhiều ngóc ngách. Khi chúng đã chui vào trong đó thì chẳng ai dám mò vào, vì vậy phải tìm cách dụ nó ra. Lão cùng hai gã thợ bò vào gần hang, bố trí hai khẩu súng kíp, nạp đạn chì đúc thỏi, chứ không dùng đạn ghém rồi hét lên để cho con hổ chạy ra. Quả nhiên, con hổ lao ra để tìm đường chạy trốn. Khi con hổ vừa thò đầu ra khỏi hang nhìn ngó thì hai khẩu súng kíp nổ gần như đồng loạt. Một viên đạn bắn trúng ngực, còn một viên trúng mạng sườn… Ở khoảng cách chưa đến hai chục mét, hai viên đạn đã vào trúng chỗ hiểm và con hổ chỉ gầm lên đươc một tiếng, lao vọt ra rồi nặng nề rơi xuống. Ðể chắc ăn, lão nạp thêm viên đạn nữa, đến gần khoảng 2m và bắn thẳng vào đầu con hổ.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Con hổ chết hẳn nhưng mắt vẫn mở he hé. Lão đạp chân lên mình con hổ và nhìn thẳng vào đôi mắt ấy, rồi cười khoái chí. Lão lấy báng súng gõ lên đầu con hổ và nói: “Mày chết rồi mà còn dọa tao à… Mày làm gì được tao nữa nào?”. Bỗng nhiên, đôi mắt con hổ mở to và lóe sáng. Từ trong cặp mắt ấy, những tia mắt như muôn ngàn lưỡi kim vô hình đâm vào mắt, vào người lão. Những tia ánh mắt hổ chứa đầy sự căm uất như một cái lưới chụp xuống, khiến lão nhũn người, quỵ xuống… Hai tay thợ kia cũng hốt hoảng bỏ chạy ra xa và ngồi bệt xuống, thở hồng hộc như bị bóp cổ. Phải mất một lúc lâu, khi đôi mắt hổ từ từ nhắm lại, lão Puôn mới như bừng tỉnh. Thấy bụng con hổ động đậy, ông biết đó là bọn hổ con đang đạp. Lão hét hai gã kia mang dao lại và mổ bụng con hổ mẹ, lôi ra ba chú hổ con đang sống nguây nguẩy. Lão dùng chuôi dao đập cho chúng chết hẳn và khoái chí nói với hai gã kia: “Ðem về ngâm rượu, bán nhiều tiền lắm đấy”. Rồi như đã thành thói quen, lão moi buồng gan hổ, cắt một miếng, chấm muối ăn luôn…
Xác con hổ mẹ được xả thịt, chia cho một số người bà con của lão Puốn ở bản Pó. Bộ xương hổ được đem bỏ vào rọ và đích thân lão kiếm một chỗ kín đáo trên con suối Mo Cứ dưới chân núi Si Pa… Còn ba con hổ moi trong bụng mẹ nó ra, lão lấy rượu rửa sạch rồi bỏ hết vào một chum rượu ngô, thả thêm vào đó mấy củ xuyên khung cho bớt mùi tanh, lấy lá chuối khô nút lại và chôn xuống góc nhà. Lão bảo rượu ngâm hổ con còn tốt hơn cao hổ. Nhưng phải ngâm ít nhất là 6 tháng. Ðược ít hôm, có hai người dưới xuôi lên, tìm gặp lão và gạ mua chum rượu ngâm hổ con với giá nửa lạng vàng. Thấy được món tiền lớn, lão bán ngay. Nửa lạng vàng ngày ấy là món tiền rất lớn, có thể về huyện, thậm chí ra thị xã mua được căn nhà tử tế. Lão giấu vợ con về số vàng đó.
Mãi tới nửa năm sau, lão mới kể với thằng con lớn. Nó gạ gẫm bảo lão đưa cho nó lấy vốn làm ăn. Rồi nó hứa đưa lão ra thị xã để sống sung sướng hơn. Lão nghe bùi tai và đưa cho nó.
Nó cầm vàng sang Lào buôn ma túy. Ðược chuyến đầu thuận lợi, thằng con lão lại làm tiếp chuyến nữa. Lần này, nó dốc toàn bộ tiền và vay lãi thêm mười triệu nữa để đi mua ba chục bánh hêrôin, loại con sư tử đạp lên quả cầu. Nó cùng thằng em trai mang hêrôin về, nhưng vừa đến thị xã Yên Hưng thì bị công an bắt. Thằng em nó chém một anh công an xả một bên vai, còn nó bắn chết một người đi đường để cướp xe chạy trốn. Nhưng cả hai đều bị bắt và bị kết án tử hình. Nửa năm sau, cả hai thằng con lão đều bị xử bắn cùng một ngày.
Còn hai gã cùng đi bắn hổ với lão Puôn, nửa tháng sau, một gã dẫm phải đinh gỉ, bị nhiễm trùng uốn ván. Và trong cơn co giật trước khi chết, gã cứ lắp bắp: “Con lạy ngài hổ. Ngài tha cho con…!”. Một gã nữa, cưỡi ngựa đi sang Lào buôn hàng. Dọc đường, con ngựa nghe tiếng gầm của hổ, chạy lồng lên, hất gã ngã xuống vực, đầu đập vào đá vỡ toác… Gã chết mà không ai biết. Mãi đến khi cái xác trương phềnh lên, bốc mùi thối bay xa cả cây số thì người ta mới biết. Không thể nào khênh cái xác đang phình to như con bò, người ta đào hố bên cạnh rồi hất xác xuống… Nhưng dân bản Pó bảo, hai thằng ấy chết nhanh là còn may mắn, chứ sống như lão Puôn sau này thì còn nhục, còn khổ hơn chết.
Bộ xương hổ ngâm dưới suối thì bị một trận lũ ống cuốn đi mất luôn.
Còn lão Puôn, lão lại không được “may mắn” như hai gã kia.
Kể từ khi bắn chết con hổ sắp đẻ ấy, lão Puôn sống như người khác. Lão bỗng ngơ ngẩn và thi thoảng lại lên cơn hoảng loạn. Lão bảo với vợ con rằng cứ nhắm mắt lại là lão lại thấy mắt con hổ trừng trừng nhìn…
Lão Puôn lấy hai lần vợ và có bảy đứa con. Người vợ đầu cho lão 4 đứa con, ba trai, một gái. Nhưng hai thằng bị tử hình về tội buôn ma túy từ Lào về, người con gái thứ 3 bị tù chung thân cũng buôn ma túy, để lại ba đứa cháu cho ông bà ngoại nuôi, vì gia đình nhà chồng chối bỏ. Thằng thứ tư, đang học hành tử tế, ngoan ngoăn, sau một trận sốt v́ viêm màng năo, thế là bại liệt một chân và đi sống với mẹ, là người vợ đầu của lão. Người vợ thứ hai cho lão ba con gái. Ðứa lớn xấu ma chê quỷ hờn, chẳng có ai lấy, nhưng được cái làm ăn buôn bán cũng kha khá ở chợ Yên Hưng. Hai đứa em gái thì mới 14 tuổi và 12 tuổi đã bỏ học, ra thị xã đi làm thuê. Và rồi nghe lời dụ dỗ của bọn buôn người, sang Trung Quốc và bặt tăm bặt tích. Cảnh nhà tan nát, chẳng ra gì như thế, đám con và các bà vợ của lão đều nói là do lão ác quá, giết chóc nhiều quá, nên trời bắt tội. Lúc đầu thì lão chẳng tin. Nhưng từ sau lần bị gấu tát thì lão Puôn mới ngộ ra tội ác của mình.
Lần ấy, lão đi ra suối bắt cá bằng cách vò lá cây say ném xuống suối. Cá bị ngấm thuốc say lử đử và nổi phềnh lên…
Ðang lúi húi nhặt cá thì tự dưng lão Puôn thấy như có ai nhìn vào gáy mình. Lão quay ngoắt lại và sững người khi thấy có con gấu ngựa to lừng lững đang ngồi nhìn. Lão vội vàng bỏ chạy thì con gấu lao theo, vật lão xuống. Khi lão lồm cồm bò dậy thì con gấu lao bổ vào lão và giáng một cú tát như thể trả thù cho đồng loại. Cú tát bóc đi gần như toàn bộ da thịt ở má phải và nát luôn một con mắt. Và cũng thật kỳ lạ, con gấu cũng chỉ tát lão Puôn một phát rồi lững thững bỏ đi mất hút… Lão Puôn không chết, nhưng khuynh gia bại sản vì vết thương, bởi mất gần một năm trời nằm viện, vá víu đủ kiểu, khuôn mặt của lão mới lành được, nhưng bị biến dạng đến mức, đám cháu chắt không dám nhìn mặt lão. Sau lần ấy, bà vợ thứ hai cũng bỏ đi ở với con gái…
Cũng từ đó, dân bản Pó xa lánh bởi lão có bộ mặt gớm ghiếc quá. Lũ trẻ con ở bản, hễ trông thấy lão là ù té chạy. Và lão đi đến đâu là mọi người biết ngay vì lũ chó cũng ghê cái mặt lão, nên đua nhau sủa khản cả tiếng.
Người ta bảo đấy là trời quả báo. Còn lão Puôn, lão cứ sống khi mê, khi tỉnh… Lúc mê, lão ngồi một mình trên bậu cửa và nói chuyện với mấy con gà, cùng con chó vàng nhôm nhoam. Con vật duy nhất không tởm cái mặt lão là con chó vàng. Nó vẫn rất trung thành với lão, mặc dù không mấy khi được ăn cơm, mà chủ yếu sống bằng thứ lão Puôn thải ra. Lão có thể ngồi nói chuyện lảm nhảm với lũ gà và con vàng hàng tiếng đồng hồ. Nhưng khi tỉnh, lão lại đi trồng rau, đi ra suối bắt cá, đi bẫy gà rừng, bẫy sóc, bẫy chồn…Và lúc nào, kè kè bên hông lão là chiếc đài bán dẫn. Lão nghe đài như thể cho đỡ cô quạnh.
Khi tỉnh, soi cái mặt mình vào gương, lão Puôn lại muốn tự tử. Từ khi bà vợ hai cùng con cháu bỏ đi thì lão tuyệt vọng hẳn. Lão tìm đến cái chết bằng cách treo cổ. Lần thứ nhất không thành vì dây đứt. Lần thứ hai, lão chưa kịp đạp ghế thì bà vợ mang rau, mắm về cho lão đã trông thấy…
Lão chưa kịp tự tử lần nữa thì tình cờ gặp ông nhà sư người Thái Bình.
Nhà sư này từng là công an vũ trang chiến đấu ở biên giới phía Bắc tỉnh Yên Hưng năm 1979. Trước đó, từ những năm đầu thập niên 70, nhà sư cũng có thời kỳ đóng quân ở Mường Báng và chả lạ gì khu vực Mường Mun, Mường Tùng. Nhà sư khoác áo lính này đang trụ trì một ngôi chùa lớn ở Thái Bình. Ông lên Yên Hưng là để tìm nơi xây cất một ngôi đền thờ vong linh những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu với quân Trung Quốc để giữ gìn biên cương vào năm 1979.
Tìm được đất xây đền, làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh xong, nhà sư bèn đi vào Mường Tùng… Nghe người dân kể chuyện về lão Puôn, nhà sư thấy chạnh lòng, bèn lần tìm vào tận nhà lão Puôn ở.
Gặp nhà sư, lão Puôn bỗng thấy như có được cứu tinh. Lão bèn kể lại chuyện bắn giết thú rừng của mình và cũng nói luôn là đã hai lần tự tử mà không chết. Nghe lão kể xong, nhà sư bảo, lão có tự tử thêm lần nữa cũng chưa thể chết được, lão làm thế chỉ khốn khổ hơn mà thôi. Lão chưa chết được vì còn phải trả nợ đời, phải đền bù cho tội ác của mình đã gây nên.
Nhà sư khuyên lão từ nay đừng sát sinh nữa mà hằng ngày phải ngồi sám hối trước bức tranh hổ hai lần, vào sáng sớm và trước khi đi ngủ.
Từ sau khi được nhà sư chỉ bảo, lão Puôn đi chợ Mường Báng, mua bức tranh Bạch Hổ về treo. Và hằng ngày lão ngồi sám hối đúng như nhà sư chỉ bảo.
Sau lần ấy, lão quyết định ăn chay, sám hối… Ngồi sám hối thì đúng là lão làm được. Ngày nào, vào khoảng 6 giờ sáng và 9 giờ tối, lão cũng ngồi trước bức tranh vẽ Bạch Hổ kèm theo những chữ Hán loằng ngoằng và chỉ đọc mấy câu ngắn gọn: “Con là Lò Văn Puôn, ở bản Pó, xã Mường Tùng huyện Mường Báng tỉnh Yên Hưng. Con đã sát sinh quá nhiều thú rừng, quá nhiều ngài hổ. Con xin các ngài hổ tha tội. Từ nay, con theo điều thiện, bỏ điều ác. Mong các ngài tha tội, đại xá”.
Chẳng biết các thần hổ có tha thứ cho hay không, nhưng quả thực từ ngày sám hối, lão ngủ ngon hơn, ít lên những cơn hoảng loạn, ít lang thang ra đường và vừa đi vừa cười vu vơ… Nhưng ăn chay thì lão chỉ thực hiện được vài ngày rồi phải bỏ. Cơm không có tí mỡ lợn, không có cá, thịt thì lão không nuốt nổi, dù đó chỉ là vài con cá suối hoặc miếng thịt lợn muối…
Một sớm, lão đi vào rừng hái cây thuốc chữa cho người bị đau gan thì tình cờ nhìn thấy vết chân hổ in trên nền đất ẩm. Vốn quá nhiều kinh nghiệm về săn hổ, nên lão Puôn biết ngay là có hai con hổ đang ở quanh đây. Và chỉ nhìn vết chân, lão biết chúng đang ở thời kỳ giao phối. Bình thường, lũ hổ đi trong rừng, hay đi trên đường mòn là vết chân rất đều nhau… Nhưng khi vết chân lộn xộn, thì rõ là chúng vừa đi vừa đùa… Mà loài hổ, chỉ đùa nhau khi động dục. Loài hổ, dù có là chúa tể của muôn loài, dù có là chúa sơn lâm, thì khi yêu nhau chúng cũng mê muội. Hổ là loài luôn luôn cảnh giác cao độ. Chúng có thính giác tuyệt vời nhất trong các loài thú nên có thể nghe thấy tiếng con người từ cách xa cả nửa cây số… Bình thường, không bao giờ con hổ lại đi vào con đường mòn do con người tạo nên. Nếu có, thì chỉ là băng qua… Nhưng những vết chân hổ in rành rành trên đường thế này, rõ ràng, chúng đang mê muội vì yêu…
Nhìn thấy vết chân hổ, tự dưng, lão Puôn thấy gai người như lên cơn sốt rét. Một cảm giác thèm khát được dẫm chân lên xác những ông chúa sơn lâm này tưởng như đã chôn vùi trong lão từ lâu, nay chợt bùng lên như lửa cháy. Loài hổ, khi đã bị bắn chết, nhìn chúng vẫn uy nghiêm. Chúng chết, hầu hết nhắm mắt. Nhưng cũng có con mắt mở trừng trừng và không phải ai cũng có can đảm nhìn vào đôi mắt hổ chết. Từ đôi mắt bất động ấy, vẫn lóe lên những tia sáng căm thù, uất hận khôn nguôi.
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ cuối) |
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 11) |
Cuộc chiến đấu với tướng cướp Bạch Hải Đường (Kỳ 10) |
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong