Bây giờ tôi chỉ có một mong muốn là các anh nuôi dạy thằng Minh nên người, đừng làm xấu hổ bố nuôi và bố đẻ nó. Hôm nay được gặp các anh thế này là tôi mãn nguyện lắm rồi. Tôi chẳng còn mong muốn gì nữa.
Con hổ Leng (Kỳ 74) |
Con hổ Leng (Kỳ 73) |
Con hổ Leng (Kỳ 72) |
Con Leng
Từ hôm ông phải vào trại, đã có 3 lần Pờ Chinh Mai đến thăm ông. Minh đi học hơn một năm thì Pờ Chinh Mai lấy chồng. Chồng cô cũng là một sĩ quan công an. Cả hai người đều coi ông Tài như bố. Ông vào trại mấy ngày thì Pờ Chinh Mai vào thăm ông. Cô ôm lấy ông và khóc như mưa như gió.
Mai không nói được gì nhiều. Cô chỉ nghẹn ngào:
- Bố ơi, sao bố khổ thế này! Bố cứ bình tĩnh nhé. Mọi việc có chúng con.
Ông Tài:
- Con ạ, bây giờ bố chẳng thiết sống nữa. Con hãy chăm sóc thằng Minh nhé. Đừng nói cho nó biết chuyện của bố như thế này.
Lần thứ hai vào gặp ông Tài, Mai đã nói với ông rằng, Minh đã biết chuyện và đang xin kết thúc khóa học sớm để về với bố.
Ông Tài nói:
- Không được đâu con. Đi học ở Liên Xô cơ mà. Ở đấy người ta nghiêm lắm. Con nói với nó bố không sao đâu. Cái gì xảy ra đã xảy ra rồi. Nó phải cố mà học.
Mỗi lần vào thăm, Mai đều mang cho ông Tài những thứ ông thích. Đó là kẹo, ít đồ ăn, một cái áo bông dày và một cái khăn len do chính tay cô đan.
Lần thứ ba vào thăm ông Tài, Mai đi cùng chồng, là một Thượng úy ở Phòng An ninh điều tra. Anh là người dân tộc Hà Nhì. Lần gặp nào, Mai cũng khóc như mưa như gió. Cuối cùng, ông Tài lại là người phải an ủi Mai. Trong thâm tâm, ông Tài vẫn nghĩ rằng, Pờ Chinh Mai chính là hiện thân của vợ mình ngày xưa.
Lần này được gọi lên, ông Tài không biết có chuyện lành hay dữ, nhưng sau khi được cán bộ điều tra kể lại vụ giết con hổ Leng của Sơn “xồm”, trong lòng ông Tài bỗng dấy lên một cảm giác lạ lùng. Nếu như trước kia, ông căm thù bọn chúng đến tận xương tủy, ông muốn tự tay bắn chết từng thằng để trả thù cho con Leng, thì bây giờ bỗng nhiên ông lại muốn buông tất cả, thả tất cả.
Những ngày ở trong trại giam đã giúp ông ngộ ra nhiều điều. Hóa ra cuộc sống ở trong trại giam với những cách người ta đối xử với nhau chẳng giúp người ta sống tử tế hơn, lương thiện hơn. Cuộc sống trong trại giam sẽ chỉ là nơi rèn luyện cho những kẻ phạm tội đầy thủ đoạn thêm thủ đoạn, thêm mưu mô. Một khi chúng đã quen với trại giam rồi thì chẳng có cách nào giúp chúng hoàn lương được, trừ khi tự chúng muốn hoàn lương.
Còn ông, ông muốn quên đi, muốn gạt đi tất cả. Ông cảm thấy thương hại cho những thằng bị ông bắn chết.
Tự dưng trong suy nghĩ của ông Tài, khi ra Tòa, người ta kết tội ông như thế nào không còn quan trọng nữa. Mang ông đi bắn cũng được, mà có lẽ như thế lại càng tốt. Còn giam ông ở trong trại giam thì ông đã nghĩ đến cách giải thoát cho mình rồi. Ông cũng như con hổ bị nhốt trong lồng là phòng giam với bốn bức tường, thà chết đi còn hơn. Điều làm ông suy nghĩ nhiều nhất là con trai ông đang học ở Liên Xô, chưa được về. Từ trong sâu thẳm, ông vẫn mong muốn có ngày được nói sự thật về câu chuyện ngày xưa của bố và mẹ nó. Nhưng ông cũng biết, bây giờ chẳng còn ai biết đến câu chuyện đó và nếu làm vậy chỉ càng thêm đau lòng Minh mà thôi.
Ông Tài được đưa lên phòng khách của trại giam. Đây là lần đầu tiên ông được đưa lên đây.
Trong phòng khách, trên bàn có bày sẵn một đĩa dưa hấu, hai đĩa kẹo, một đĩa bánh quy.
Anh quản giáo mời ông ngồi:
- Bác chờ một lát. Các thủ trưởng sẽ đến gặp bác bây giờ.
Ông Tài hút hết một điếu thuốc, thì một chiếc xe U-oát đỗ xịch ngoài sân. Ông quay ra nhìn thì thấy từ trên xe, có 3 người bước xuống. Ông thấy mấy người có nét quen thuộc, nhưng không nhận ra ai. Trong đó, người đi sau cùng có dáng người cao lớn hơn cả thì ông Tài nhận ra ngay - đó chính là ông Vũ Minh Tâm.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Nhìn thấy ông Minh Tâm và Đại tá Nguyễn Huy Trực trong bộ quân phục oai vệ, ông Tài sững người và nghĩ ngay đến thân phận mình đang là một thằng tù can án giết người.
Ông Tài đứng dậy, khoanh tay lại:
- Dạ! Chào hai cán bộ ạ.
Nghe ông Tài nói vậy, Vũ Minh Tâm òa lên khóc.
Ông Tâm ôm lấy ông Tài:
- Tài ơi! Tao có lỗi với mày. Mày tha lỗi cho tao. Mày tha lỗi cho tao.
Còn Đại tá Trực cùng Trưởng giám thị Trại giam và mấy cán bộ nữa đứng lặng người bên cạnh.
Ông Tâm khóc một lúc, rồi gạt nước mắt, đỡ ông Tài ngồi xuống ghế:
- Mày không phải nói gì nữa cả. Tao biết hết rồi. Tao và Trực đau khổ lắm. Buồn lắm! Nhưng mày cứ yên tâm, việc gì đỡ được cho mày thì tao sẽ cố gắng làm. Mấy chục năm nay, mày đã khổ vì tao. Bây giờ tao sẽ không để mày khổ nữa.
Ông Tài lúc này đã bình tĩnh trở lại.
Ông xoa khắp người Vũ Minh Tâm:
- Tao nghe nói mày bị thương nặng lắm cơ mà?
Ông Tâm cởi phăng bộ đồng phục gắn quân hàm Thiếu tướng, rồi lật cả áo sơ-mi lên và cho ông Tài nhìn vết sẹo khủng khiếp bên ngực phải, chạy dài suốt từ ngực phải đến tận rốn.
Ông Tâm nói:
- Đến tận bây giờ, nhiều lúc tao vẫn không hiểu tại sao tao lại sống được. Vì vết thương này mà tao làm khổ mày, làm khổ thằng bé bao nhiêu năm nay.
Sau những câu chuyện không đầu không cuối, ông Tài hiểu ra rằng, trên đường hành quân vào Nam năm ấy, Vũ Minh Tâm đã bị một trận bom B52 rải thảm xuống trúng đội hình. Ông Tâm bị một mảnh bom xé dọc ngực và bị vùi trong hố bom. Những người đồng đội còn sống sót đi tìm, nhưng không thấy ông, nên cuối cùng đành hành quân tiếp. Còn ông Tâm không biết đã nằm bất tỉnh bao lâu, may mắn không chết ngạt, ông bò lên và được một đoàn dân công người Ba Na đang gùi gạo và đạn cho bộ đội nhặt được. Họ đưa ông về bản và cứu chữa cho ông. Vết thương như vậy, nhưng khi ấy, thứ thuốc sát trùng duy nhất mà bà con có chỉ là nước muối và thuốc chữa vết thương chỉ là lá rừng đắp lên. Ấy vậy mà ông vẫn qua khỏi. Mãi hơn một năm sau, ông Tâm mới tìm thấy đơn vị và tiếp tục chiến đấu. Sau giải phóng miền Nam, ông được giữ lại, rồi đi truy quét Fulro ở Lâm Đồng, rồi Đắk Lắk. Thế là như một lẽ tự nhiên, ông gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên suốt mấy chục năm. Sau một lần được gặp Đại tá Nguyễn Huy Trực, ông Tâm được kể về những chuyện ông Tài gặp phải và tình hình ra sao.
Ông Trực khuyên ông Tâm:
- Bây giờ việc đã như thế rồi, mày lại đang là Phó giám đốc Công an tỉnh. Nói chuyện ấy ra thì không khéo lại người này người kia đàm tiếu. Chuyện thằng Tài đã qua lâu rồi. Bao năm nay nó chăm sóc thằng Minh như con đẻ. Không ai có thể nghi ngờ tình cảm của ông Tài và thằng Minh đâu, nên mày cứ yên tâm.
Lời nói của bạn làm ông Tâm nguôi ngoai đi một chút. Bao nhiêu năm qua, sự dằn vặt đã nhiều lần khiến ông mất ăn mất ngủ.
Thực ra, sau giải phóng miền Nam, khi Trực và Tâm gặp nhau, hai người bàn nhiều về việc này và Trực bảo Tâm:
- Trong tâm trí của rất nhiều người, mày đã chết rồi. Ngay bây giờ, cái tên Vũ Minh Tâm cũng có còn ai biết đâu. Mày đi làm an ninh trong đó, đã thay tên đổi họ, giờ chỉ dùng bí danh. Thôi! Người đã chết rồi thì hãy để cho người ta yên nghỉ.
Thế rồi, Vũ Minh Tâm cũng lấy vợ. Vợ anh chính là cô gái người Ba Na đã tìm thấy anh năm xưa. Khi ấy, cô mới chỉ là một cô bé 12 tuổi theo bố mẹ đi gùi đạn cho bộ đội. Sau này, khi cô được tuyển vào làm ở công an tỉnh, Vũ Minh Tâm mới nhận ra ân nhân của ḿnh. Họ nên vợ nên chồng và đã có với nhau hai mặt con.
Nhưng từ khi câu chuyện của ông Tài lan ra, ông Tâm thấy mình không thể yên lặng được nữa. Ông quyết định ra Bắc.
Ông Tâm tới gặp Đại tá Trực và nói dứt khoát:
- Trực ạ, kể cả bây giờ tao có bị kỷ luật, cách chức, giáng cấp hàm hoặc bất cứ hình thức nào, tao cũng chấp nhận. Tao không thể im lặng được nữa. Tao đã làm khổ một con người. Liệu anh em đồng đội sẽ nghĩ như thế nào khi tao bỏ bạn bè, bỏ người đã cứu tao về danh dự, cứu cả Đồn Biên phòng Mường Mun ngày ấy.
Ông Tâm viết một lá thư gửi cho Bộ trưởng, trong thư ông kể rõ mọi chuyện, rồi mối quan hệ với Sáo và ông Tài như thế nào. Trong thư ông cũng khảng khái chấp nhận mọi hình thức kỷ luật nếu lãnh đạo Bộ thấy cần thiết. Bởi suốt bao nhiêu năm qua, ông đã phạm một tội không thể tha thứ là nói dối. Đối với một cán bộ công an, lừa dối cấp trên là điều không thể chấp nhận. Trong một lần ông về Hà Nội họp. Bộ trưởng đã mời ông ăn cơm tại nhà riêng và nói về lá thư của ông. Bộ trưởng bảo ông: “Tôi hiểu điều khó xử của cậu. Nhưng bây giờ chưa phải lúc nói ra sự thật. Tôi chịu trách nhiệm về việc này”.
Sau những câu chuyện hàn huyên, chiều hôm đó, Ban Giám thị Trại giam làm một bữa cơm rất thịnh soạn để ông Tài ngồi ăn cùng ông Tâm và Đại tá Trực.
Sau khi uống hai chén rượu, ông Tài nói với ông Tâm:
- Tâm ạ, theo tôi, anh không cần phải quá khổ tâm như thế. Việc ngày xưa là ngày xưa. Bây giờ anh là người đang có cương vị. Nhưng còn có một việc: Tôi muốn trao lại thằng Minh cho anh. Cũng may là nó đang đi học ở Liên Xô. Nó chưa biết chuyện này đâu. Khi nó về, chúng ta phải nói cho nó hiểu.
Ông Trực vỗ tay:
- Tôi ủng hộ ý kiến này. Thằng Minh sẽ có hai ông bố. Ông bố đẻ thì chưa nuôi dưỡng nó ngày nào, bây giờ phải chuộc lại lỗi lầm đó. Ông bố nuôi không đẻ, nhưng đã nuôi dưỡng, rèn luyện nó thành người. Ông bố nuôi phải được hưởng những vinh quanh mà ông đáng được hưởng. Tôi sẽ báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban về trường hợp của anh. Những người đồng đội cũ của Đồn biên phòng Mường Mun sẽ phải tụ họp nhau lại để xin lỗi anh vì ngày ấy đã kỷ luật oan cho anh.
Ông Tài xua tay:
- Thôi! Thôi! Không cần phải thế. Chuyện cũ rồi, không nên nói lại làm gì. Bây giờ tôi chỉ có một mong muốn là các anh nuôi dạy thằng Minh nên người, đừng làm xấu hổ bố nuôi và bố đẻ nó. Hôm nay được gặp các anh thế này là tôi mãn nguyện lắm rồi. Tôi chẳng còn mong muốn gì nữa. Giá mà bây giờ tôi nhắm mắt được luôn thì tốt quá.
Ông Tài nói với anh quản giáo:
- Cán bộ làm ơn cho tôi xin một tờ giấy và một cái phong bì.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong