Tiếng nó gầm dù đã có âm thanh “Hu… uôm! Hu… uôm!” nhưng nghe vẫn rất non nớt, thơ dại. Tuy thế, bên trong sâu thẳm của tiếng gầm của con trẻ đã ẩn chứa sự oai phong của giống chúa sơn lâm.
Con hổ Leng (Kỳ 30) |
Con hổ Leng (Kỳ 29) |
Con hổ Leng (Kỳ 28) |
Vẫn đang mùa mưa, đường từ tỉnh về huyện Mường Báng hỏng gần như hoàn toàn, cho nên chỉ còn mỗi cách cuốc bộ.
Từ thị xã Yên Hưng về huyện Mường Báng, đường ôtô là khoảng 120 cây số. Nhưng đường đi bộ thì lại ngắn hơn đường ôtô bởi đi tắt được qua nhiều dãy núi. Chặng này chỉ khoảng bảy chục cây số và phải đi mất hai ngày, phải vượt qua bốn con dốc mà dốc dài nhất là vượt qua đỉnh núi Tà Tùng cao 1.700m so với mặt nước biển. Lên dốc khoảng hai chục cây số, xuống dốc cũng chừng ấy cây số nữa. Nếu người leo núi chưa thạo chân thì phải mất một ngày để leo lên rồi mất một ngày tụt xuống. Nhưng với Minh, leo dốc, xuống dốc thì chỉ mất có một ngày.
Vào mùa khô, nếu đường tốt thì ôtô cũng chạy từ sáng đến chiều mới tới nơi, còn vào mùa mưa thì không nói trước được điều gì. Với Minh chuyện cuốc bộ vài trăm cây số là bình thường. Hơn nữa, chặng đường này là quá quen thuộc đối với anh và thường là chỉ mất hai ngày. Sở dĩ Minh đi được nhanh như vậy là vì anh đi khá nhanh và luôn giữ đều tốc độ, ít nghỉ vặt và biết luồn rừng đi tắt. Thường là anh đi từ rất sớm để đến khi chiều tà thì kịp đến một bản nào đó nghỉ. Trên trục đường từ thị xã về đến huyện, có đến gần hai chục bản của ba xã, nhưng anh không lạ chỗ nào cả. Thời gian làm cảnh sát hình sự tuy chưa lâu, nhưng anh đã đi không còn sót chỗ nào.
Cho nên đến đâu cũng có thể ở nhờ, đến đâu cũng có cơm ăn. Các bản người Hà Nhì, người Thái, người Mông, người Mảng, người La Hủ, người Khù Sung ở các bản dọc đường Minh biết rất nhiều và ở đâu anh cũng có bạn bè. Chẳng hiểu sao Minh lại có biệt tài về ngôn ngữ, mặc dù anh chẳng học hành gì cho có bài bản. Anh nói tiếng Kinh có thể chưa giỏi, ngôn từ còn thiếu nhưng anh nói tiếng Thái, tiếng Mông thì chẳng thua kém bất cứ người bản xứ.
Mất hai ngày cuốc bộ cật lực, Minh về đến nhà vào lúc chiều tà.
Con Lếch và con Leng đang nằm hong nắng chiều ở ngoài sân.
Cả bản Mun vắng lặng lạ thường. Thi thoảng lắm mới có tiếng chó sủa, tiếng trẻ con gọi nhau.
Sắp vào vụ thu hoạch ngô và sắn, nên người lớn phải ra nương trông hết. Ở bản chỉ còn người già và lũ trẻ. Các nương ngô, sắn và lúa của bà con ở cách xa bản đến hàng cây số. Bà con lại có thói quen dựng chòi canh và kho chứa ngay ngoài nương. Ngô bẻ về, buộc thành túm treo lên cho tự khô. Sắn đào về cũng thái ngay ra phơi khô, rồi cả lúa nương thu về cũng để ngoài kho ở nương, khi nào cần bao nhiêu thì ra gùi về. Ở đây, không có chuyện mất trộm mất cắp, nhưng chống ăn trộm thì dễ mà chống lũ thú rừng mới là vất vả. Bọn lợn rừng, hàng tháng trước trốn biệt ở đâu, bây giờ đến mùa thu hoạch thì chúng kéo đàn kéo lũ về. Một nương sắn rộng hàng héc-ta, dăm chục con lợn ủi một ngày đêm là tan hoang hết. Lũ khỉ cũng từ trên rừng sâu kéo về và đua nhau bẻ ngô, rồi lại chuột, nhím, chồn… và cả lũ vẹt cũng ùa về tranh cướp. Chúng chí chóe suốt ngày trên những rặng cây ven nương, chỉ chờ vắng người là lao bổ xuống. Loài thì như dưới đất chui lên, loài như trên trời lao xuống, rình cướp công người trồng. Ðể bảo vệ, bà con phải làm đủ các thứ bù nhìn; giăng các loại ống bơ nương để khua cho có tiếng động… Còn lũ chó thì suốt ngày sủa đến khản cổ vì phải xua đuổi bọn thú đến ăn trộm, ăn cướp… Bà con ra nương trồng ngô, sắn, có khi cả tuần mới về nhà.
Thấy mẹ nuôi nằm có vẻ buồn bã, đầu gối lên hai chân trước, con Leng bò lại gần và khẽ ngoạm cái đuôi con Lếch. Biết con nuôi muốn đùa, nhưng chẳng hiểu sao con Lếch chẳng thấy hứng thú chút nào. Ông Tài đi nương chưa về, mà cũng lạ, mọi hôm đi nương thì ông vẫn cho con Lếch đi theo, nhưng hôm nay ông lại bắt nó ở nhà.
Ông Tài có một nương ngô, một nương sắn và một nương trồng lúa nếp. Ba khoảnh nương ấy diện tích cộng lại cũng chỉ hơn một héc-ta và cách nhà đến gần hai cây số. Con Lếch thích nhất là được theo ông đi nương. Ông thì chăm sóc nương, còn nó thì tha hồ lùng sục khắp nơi và nó thích nhất được săn đuổi lũ thỏ rừng, lũ chuột đang ẩn náu trong những luống sắn, luống ngô.
Nó cũng thích ra oai với lũ khỉ mà khi vào mùa ngô là chỉ rình ăn trộm. Ðã có lần nó nằm xem bọn khỉ bẻ trộm ngô như thế nào và nó thấy có lẽ ngu nhất trong các giống thú đó là bọn khỉ. Ðầu tiên là chúng bẻ ngô rồi ăn ngấu nghiến rồi tích vào hai túi ở hai bên má phồng lên rồi bắt đầu bẻ ngô mang về. Bẻ được một bắp nó kẹp vào bên nách trái, bẻ bắp thứ hai nó kẹp vào bên nách phải. Thế rồi nó lại giơ tay trái lên để bẻ bắp khác và thế là bắp ngô trong nách rơi ra. Và đến khi con Lếch cất tiếng sủa, chúng bỏ chạy và chỉ cầm được một bắp ngô mang về. Cứ vào mùa ngô chín, sắn đã già củ thì có khi cả ngày và đêm nó cùng ông Tài phải ở ngoài đó để trông lũ khỉ hay đuổi lũ lợn rừng.
Nhưng từ ngày có con Leng, thì số lần đi nương ít hẳn. Nó biết là ông chủ bắt nó phải ở nhà để trông con Leng.
Nó nhìn đứa con nuôi đã to gần gấp ba mình và trong lòng cũng thấy có sự mãn nguyện. Mới bốn tháng trước con Leng còn bé tý, lúc nào nhớ sữa lại bò quanh nhà cất tiếng kêu như con mèo. Còn bây giờ đã lớn, nhưng con Leng vẫn nhớ hàng vú chảy sệ của mẹ nuôi. Thỉnh thoảng nó rúc vào, ngậm lấy chiếc vú đã khô sữa mút mát thèm thuồng. Những lúc như thế, con Leng phải cố chịu đựng để chiều đứa con nuôi, còn nó thì rất ghét cái lưỡi ráp như mọc gai của con Leng. Con Leng tuy là hổ nhưng khi được con chó cho bú sữa thì mặc nhiên nó coi đó là mẹ. Có những lúc nó lên cơn nhớ mẹ nuôi, nó lồng lộn chạy đi tìm. Khi được gặp mẹ nuôi, nó sung sướng nằm lăn ra, giơ bốn chân lên khua rối rít. Gần đây, con Leng cũng đã bắt đầu tập gầm. Tiếng nó gầm dù đã có âm thanh “Hu… uôm! Hu… uôm!” nhưng nghe vẫn rất non nớt, thơ dại. Tuy thế, bên trong sâu thẳm của tiếng gầm của con trẻ đã ẩn chứa sự oai phong của giống chúa sơn lâm.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Khẽ ngoái đầu lại nhìn đứa con nuôi đang ngậm cái đuôi của mình. Con Lếch nhìn con Leng bằng ánh mắt vừa đôn hậu, vừa bao dung nhưng cũng pha nét nghiêm khắc của một người mẹ trước đứa con ngày càng nghịch ngợm. Mà con Leng thì có cái tính hay đùa dai cho nên con gấu May, con trăn Gió và cả thằng khỉ Tiểu Hầu cũng không muốn đùa với nó. Bởi nó chỉ tát nhẹ thì cũng có khi gây thương tích, nó cắn yêu thì cũng để lại vết thương.
Khi nào có con Lếch ở nhà thì con Leng vào khuôn phép, nhưng hễ con Lếch đi theo ông Tài mà con Leng lại không bị nhốt thì hôm ấy thế nào nó cũng làm loạn nhà.
Ðã có lần nó đuổi theo con khỉ làm đổ hết nồi, xanh, xoong, chảo ở trên giá bếp, rồi giường ông Tài cũng trở thành một bãi chiến trường. Tấm chăn bông của ông Tài bị nó xé tan. Còn cái màn nhuộm xanh của ông thì chỉ còn là một đống vải xô vụn. Nó đặc biệt thích thú khi được xé vải hoặc được lôi cái ấm đun nước bằng nhôm của ông ra vần vò. Chả hiểu sao nó rất thích gặm cái vòi ấm. Ðã có lần nó nhá cái vòi ấm bẹp dí. Khi về ông Tài đã phải kì cạch chữa lại mất cả nửa buổi. Mỗi khi nó phá phách như vậy, ông Tài chỉ lẳng lặng đi dọn mà không nói nặng với nó nửa lời. Ðây là điều làm con Lếch hết sức ngạc nhiên, trong trí nhớ của nó, khi còn nhỏ cũng đã có lần bị ông vụt vì tội nhá nát một đôi giày của ông, con gấu May cũng có lần cào đến bong một khúc vỏ cây đào ở ngoài sân cũng bị ông lấy roi vút cho ba cái. Trong nhà ông có một cây roi bằng mây dài khoảng mét rưỡi, đó là công cụ để ông dạy bảo và trừng phạt lũ vật trong nhà. Chỉ cần thấy ông cầm cây roi quất vào không khí làm nên những tiếng rít là tất cả lũ vật nuôi trong nhà đều nằm rạp xuống và nem nép sợ hãi. Nhưng thường là những lần ông lấy roi ra như thể ra oai với chúng còn sau đó ông lại ôm lấy từng con vỗ về và nói:
- Ông không đánh mày đâu!
Trong những con vật ở nhà, Lếch ghét nhất là con trăn Gió. Nó không hiểu tại sao ông Tài lại có thể yêu quý con trăn này được. Ðúng là nó có công lớn trong việc bảo vệ kho ngô, kho lúa khỏi bị lũ chuột vào phá, nhưng cứ nhìn cái dáng bò oằn oài của con Gió, hai cái lưỡi chẻ dài lúc nào cũng cứ thò ra thụt vào nom lấc láo như một thằng ăn cắp. Và cái tiếng nói của nó chỉ là tiếng “phì, phì”, chả biết là vui hay buồn. Và mùa đông cũng như mùa hè, cái lớp da có vảy luôn lạnh tanh… rất thiếu thiện cảm, vì thế con Lếch không thích. Con Leng cũng như con gấu May, con Tiểu Hầu biểu lộ tình yêu, sự tôn kính đối với ông Tài bằng ánh mắt, bằng những cử chỉ cụ thể, bằng tiếng nói riêng của mình, còn con trăn chỉ biết nằm cuộn khoanh cái đầu giấu giữa những khoang vằn vện.
Ðang nằm, bỗng con Lếch nghe trong văng vẳng tiếng gió từ nơi xa thổi đến có âm thanh gì đó quen thuộc, nó áp tai xuống nền đất, rồi nó ngẩng đầu lên hít trong hơi gió đưa đến. Rõ ràng là có một âm thanh, một tiếng bước chân đi quen thuộc, có một mùi hơi quen thuộc của con người.
Toàn thân con Lếch như căng ra, tai nó vểnh lên để thu nhận tất cả mọi âm thanh đang lan truyền tới. Hàng triệu tế bào ở mũi nó như đang lọc lấy từng phân tử ở trong không khí để nhận ra mùi hơi người quen thuộc. Nó nhận ra trong gió, trong tiếng rì rào của những cây rừng đong đưa có hơi thở, có tiếng bước đi của một người quen đang đến với nó. Những dấu hiệu quen thân ấy lúc đầu còn mơ hồ, nhưng càng lúc càng rõ hơn.
Nó nhổm dậy và chạy ra ngoài đường, rồi lại nằm bẹp xuống. Từ nơi nào xa lắm vẳng đến tiếng bước chân của một người mà nó đã từng ở bên cạnh. Tiếng bước chân như êm nhẹ, nhanh nhưng chắc chắn và biểu cho một cơ thể cường tráng. Rồi bên cạnh đó là tiếng huýt sáo nhè nhẹ.
Ðến bây giờ thì nó không thể nhầm lẫn được nữa, những âm thanh quen thuộc đấy, mùi mồ hôi quen thuộc đấy là của Lý Pờ Minh.
Mắt nó sáng rực lên, ông chủ thứ hai của nó đã về. Nó lao vút đi như tên bay, nhưng được khoảng trăm mét thì nó vội phóng ngược trở lại vì nhớ ra con Leng. Nó hất đầu ra hiệu cho con Leng đi theo nó.
Con Leng vội vàng nhổm dậy chạy theo mẹ nuôi. Chúng nó chạy trên đường như hết tốc lực. Cũng có những người ở bản đi ngược chiều thấy một con chó và hổ chạy thì rất ngạc nhiên, không hiểu hai con này đi tìm cái gì mà lao nhanh như thế. Và khi chúng lao lên một con dốc ngắn, thì từ giữa lưng chừng dốc bên kia đã thấy Lý Pờ Minh đang leo lên. Con Lếch dừng lại chờ, nó muốn ngồi lại trên đỉnh dốc để chờ Minh, con Leng thấy mẹ nuôi ngồi cũng ngồi theo. Nhìn thấy con hổ và con Lếch đang ngồi trên đỉnh dốc đón mình, Minh như muốn có thêm đôi cánh để bay lên đón chúng.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong