May cho con đấy. Nó còn đang nhỏ. Chứ nếu nó lớn một chút, mà ngửi thấy hơi máu có khi nó xé con ra rồi. Con chó con muốn xích nó vào cũng phải mất vài ngày, huống hồ đây là con hổ...
Con hổ Leng (Kỳ 35) |
Con hổ Leng (Kỳ 34) |
Con hổ Leng (Kỳ 33) |
Con Leng ngạc nhiên quá… Sao lại thế này? Sao mình làm anh ta bị thương, máu me bê bết thế kia mà anh ta lại bình thản thế? Sao anh ta vẫn nói rất nhẹ nhàng với mình? Nhưng mùi máu khiến con Leng không cưỡng lại được thèm muốn. Nó đứng im để để Minh lết lại gần và chìa bàn tay ướt máu vào miệng nó. Con Leng rụt rè thè lưỡi liếm… Minh vẫn nói thầm thì:
- Tiên sư bố mày. Nào liếm cho sạch máu đi, cho nhớ mùi máu của tao nhé…Tao biết giống hổ chúng mày nhớ mùi máu dai lắm.
Rồi Minh đưa bàn tay kia xoa đầu con Leng và gãi gãi vào mang tai nó. Thấy nó vẫn đứng im, Minh dùng một tay nhẹ nhàng tháo chiếc khóa vòng cổ, rồi anh cầm chiếc vòng ném ra xa.
Chiếc vòng vừa rời khỏi cổ thì con Leng như bừng tỉnh. À, hóa ra không phải người này ác gì với mình. Không phải là kẻ thù…Một nỗi ân hận vì cú tát của mình bao trùm toàn bộ suy nghĩ của nó. Nó biểu lộ sự ân hận bằng cách lại dụi đầu vào ngực Minh. Anh ôm đầu nó vào lòng:
- Mày liếm vết thương cho tao đi. Nghe nó nước dãi hổ sát trùng mạnh lắm. Lần sau, mày đừng có như thế nữa nhé.
Con Leng liếm vào vết thương của anh một cách chậm chạp và nhẹ nhàng. Quả nhiên, vết thương đang rỉ máu đã trắng bệch ra, và cầm máu ngay. Còn Minh, anh không cảm thấy đau rát nữa và cứ như có liều thuốc tê đang ngấm vào vết thương.
Vừa lúc ấy, ông Tài và con Lếch về. Con Leng không tung tăng ra đón như mọi khi mà nó lủi ngay vào gậm giường của Minh… Thái độ của nó khiến ông Tài ngạc nhiên, ông hỏi Minh:
- Nó làm sao thế?
Minh quay lưng lại cho ông Tài xem vết thương và bảo:
- Nó vừa tát con đấy.
Ông Tài giật bắn người:
- Sao, tại sao nó tát con?
- Con định buộc nó vào gốc đào cho quen, ai ngờ nó nổi cáu… Nhưng con và nó làm lành rồi. Nó vừa liếm vết thương cho con đấy.
Ông Tài tái mặt:
- Sao con dại thế? Việc này muốn làm được là phải làm hết sức từ từ. Từ bé đến giờ nó có quen bị trói, bị xích đâu. Chắc là con buộc dây vào cổ nó rồi con kéo phải không?
Minh cười ngượng ngập:
- Vâng. Con cũng cứ nghĩ nó như con chó. Ai ngờ nó nhảy bổ vào con. Nhưng mà nó cũng khôn thật. Lúc nó định đớp vào cổ con, thì con quát Leng, thế là nó thôi.
Ông Tài thở dài:
- May cho con đấy. Nó còn đang nhỏ. Chứ nếu nó lớn một chút, mà ngửi thấy hơi máu có khi nó xé con ra rồi. Con chó con muốn xích nó vào cũng phải mất vài ngày, huống hồ đây là con hổ, mà cũng đừng nghĩ đến chuyện xích nó nữa. Bố đang muốn nó càng hoang dã càng tốt. Bố mong muốn con hổ này khi thả về rừng thì nó đích thực là con hổ của rừng. Nhưng nó sẽ không quên được ngôi nhà này, không quên được bố và con, và cả con Lếch nữa. Ngày mai, bố con mình cho nó ra nương xem sao.
Rồi ông Tài vào nhà lấy một nắm lông nhím ra đốt ra lấy tro, ông rắc cho lông nhím lên vết thương của Minh. Ông dặn:
- Nhớ kiêng nước lấy hai ngày.
Minh thắc mắc:
- Con nghe người ta nói rằng, hổ là giống ăn thịt cho nên nước dãi của nó rất độc. Con vật nào mà bị nó liếm vào vết thương là cứ lở loét ra mà chết. Mà chính nó khi liếm vết thương của nó sẽ gây nhiễm trùng.
Ông Tài lắc đầu:
- Ðấy là những người không hiểu biết mới nói thế. Các loài vật đều có khả năng tự chữa lành vết thương của mình, mà một trong những thứ hiệu nghiệm nhất để chữa là từ nước bọt.
Minh chợt nghĩ đến ánh mắt của con Leng khi nó ngửi thấy mùi máu khiến anh cũng cảm thấy sợ hãi:
- Kể cũng nguy hiểm thật. Khi nó ngửi thấy mùi máu ở vai con, mắt nó sáng rực lên. Cứ nghĩ lúc đấy nó sẽ nhảy vào ăn thịt con luôn.
Ông Tài gật đầu:
- Ðúng là may đấy. Bố nghe nói ở nước ngoài có những diễn viên dạy xiếc thú bị lũ hổ ăn thịt ngay ngoài sân khấu. Nó là con thú mình nuôi nó từ bé, nhỏ thì nó như con chó, con mèo nhưng khi nó lớn lên cũng phải hết sức cảnh giác.
Sáng hôm sau, ông Tài và Minh cùng con Lếch, con Leng đi ra nương ngô. Lần đầu tiên được đi xa nhà một chút, con Leng thích lắm. Ðang đi thỉnh thoảng nó lại phóng thẳng lên phía trước, rồi lại ngồi chờ. Nó quấn quýt quanh ông Tài và Minh. Cái đuôi ve vẩy liên tục. Nhìn thái độ của nó thì rõ ràng nó đang hết sức khoái trí. Ðến nương ngô, ông Tài cho nó đi quanh một vòng rồi nó dẫn nó vào chòi canh ngô và kho chứa ngô, như để cho nó nhận biết làm quen rồi ông bảo con Lếch:
- Ông cho mày đưa nó đi chơi, nhưng nhớ không được đi xa đấy, khi nào ông gọi thì phải về.
Nói rồi, ông Tài lấy trên kho ngô ra một chiếc tù và bằng sừng bò rừng. Ông rúc lên một hồi dài. Tiếng tù và trầm ấm vang xa lan khắp núi rừng. Ông thổi liền ba hơi như để cho con Leng nhận biết. Con Lếch thì quá quen thuộc với tiếng tù và này. Những lần đi nương trước, nếu nó đi chơi xa, chỉ cần nghe tiếng tù và là nó cong đuôi chạy về.
Ông Tài kéo con Lếch vào lòng dặn dò:
- Mày đưa nó đi nhưng nhớ đấy nhé. Hễ nghe tiếng ông gọi là phải về ngay, và nếu có gặp người thì phải tránh.
Con Lếch ngước cặp mắt long lanh, đen láy như hạt nhãn nhìn ông dám chừng như đã hiểu ý. Rồi nó sủa lên một tiếng rồi gọi con Leng đi chơi.
Ảnh minh họa (Nguồn:Internet) |
Xung quanh nương ngô là một cánh đồng cỏ thưa và một cánh đồng cỏ tranh, ở đó chỉ có những cây dẻ cằn cỗi và những bụi tre gai. Lúc đầu, con Leng lăn ra bãi cỏ để mặc cho mẹ nuôi vần như khúc gỗ. Nhưng rồi chỉ được một lát, nó bỗng thấy từ trong hơi đất của rừng như có cái gì đang tỏa ra. Rồi từ trong tiếng gió của rừng, có những âm thanh gì đó đang vẫy gọi. Nó bắt đầu đi khám phá xung quanh. Và chỉ một lát, khứu giác tuyệt vời của nó đã đánh hơi được một mùi vật lạ. Nó lần theo mùi đó và đến một cái hang nhỏ nằm trong núi tre gai. Một con nhím từ đâu cung cúc chạy về, con Leng nhảy xổ ra chặn đường. Con nhím dúm lại, nhưng rồi nó lại xù những cái lông nhọn hoắt lên. Con Leng xông vào bất thình lình, con nhím phóng ra những chiếc lông nhọn và có hai cái cắm luôn vào môi trên của con Leng. Bị cú đòn khá bất ngờ, con Leng vùng bỏ chạy. Con Lếch nhìn thấy cảnh đấy và trong lòng nó chợt thấy khoái chí: “Cho mày biết nhé. Mày tưởng mày là hổ mà không ai làm gì được mày à. Lần sau trông thấy những con này thì tránh xa ra”. Rồi con Leng nhớ đến những hình ảnh con rắn hổ mang chúa dài 2-3 mét, thân to như gốc ống tre, vươn cao, mang bành ra và phun nọc độc phì phì. Gặp những con rắn đấy mà con này lại đùa với nó thì khéo nó mổ chết.
Con Leng đến gần mẹ nuôi. Hai cái lông nhím vẫn cắm ở miệng. Con Lếch nhìn con Leng với ánh mắt thương hại và nó cắn những chiếc lông nhím nhổ ra. Máu ứa ra, con Lếch dịu dàng liếm máu cho con. Chỉ một lát, cơn đau đã dịu đi. Nhưng môi trên của con Leng đã bị sưng lên một chút. Con Lếch dẫn con Leng đi lùng sục xung quanh và lần này chúng tóm được một con thỏ rừng. Con Leng nhai nghiến ngấu con thỏ. Còn con Lếch nằm bên cạnh chăm chú nhìn.
Bỗng nhiên chúng nghe từ xa có tiếng tù và văng vẳng đấy. Con Lếch bật dậy và đớp nghe vào chân con Leng ra lệnh phải quay về. Con Leng vẫn cố gắng ăn nốt con thỏ rồi theo mẹ chạy về hướng tù và.
Nhìn thấy con Leng chạy về mồm bê bết máu, ông Tài ngạc nhiên: “Ơ nó kiếm được cái gì ăn thế này?”. Có mấy sợi lông vàng nhạt bám ở mép con Leng. Ông Tài nhặt ra xem rồi bảo: “À nó bắt được thỏ rừng. Mày giỏi lắm Leng ạ. Lần đầu đi với ông vào rừng mà mày bắt được thỏ rừng. Thế là tốt rồi. Giỏi lắm. Ơ sao mép mày lại bị thế này, có vết thương sưng lên...?”.
Ông quay sang bảo con Lếch: "Mày trông con thế à?".
Con Lếch vẫn ngoe nguẩy đuôi vui vẻ. Ông Tài sờ kỹ vết thương rồi nói với Minh:
- Vết này là vết bị lông nhím đâm đây. Ðược, cho mày bị một lần, lần sau trông thấy thì tránh xa ra.
Rồi ông mắng con Lếch: "Mày nhìn thấy con đến gần con nhím thì phải ngăn nó chứ. Lần sau mà để nó bị thương như vậy là ông đánh đòn đấy". Rồi ông lại bảo con Lếch: "Mày dẫn con Leng ra suối kiếm cá về đây".
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong