Ông am hiểu rừng Mường Báng hơn tất cả những người dân ở đây. Ông thuộc từng ngọn núi, từng vạt rừng, thuộc từng khe suối và đặc biệt là ông rất thuộc các đàn voi, đàn trâu rừng, bò rừng và các đàn nai.
Con hổ Leng (Kỳ 42) Lần đầu tiên trong đời, Tài hiểu được cảm giác có người thân là thế nào. Huy cũng hiểu nỗi lòng của Tài và thực ... |
Con hổ Leng (Kỳ 41) Tài có thể ngồi hàng giờ, lắng nghe tiếng chim kêu, vượn hú trong những cánh rừng già. Tài chìm đắm trong tiếng gió chạy ... |
Con hổ Leng (Kỳ 40) Bố thương con Leng mới nhỏ mà đã chết mất mẹ một phần, nhưng bố thương khu rừng cấm này mười phần. Chúng nó không ... |
Tâm đi rồi, Tài đến nhà Sáo, anh bảo cô:
- Tâm nói hết với anh rồi, nó có dặn gì em không?
Sáo buồn bã lắc đầu:
- Không, anh ấy chỉ bảo em cố gắng nuôi con, chờ anh ấy về.
Tài ấp úng:
- Sáo à, em cứ yên tâm. Anh thương Tâm... và em lắm. Nhưng Tâm nó đi không biết khi nào về. Anh... anh không muốn em mang tiếng là chửa hoang, đứa con sinh ra, trong khai sinh không có tên bố. Và anh không muốn đồn Mường Mun bị ảnh hưởng...
Sáo khẽ gật đầu, hiểu ý anh và cô khóc tấm tức.
Ít ngày sau, Tài làm đơn báo cáo với đơn vị là xin được xây dựng gia đình với Sáo. Lá đơn của anh không khác gì quả bom ném vào đơn vị và khủng khiếp hơn, khi anh thú nhận với Chính trị viên Nguyễn Huy Trực rằng Sáo đã có thai.
Những cuộc họp như đấu tố được tổ chức. Mọi người ghê tởm, xa lánh anh, đến mức suốt ngày Tài chỉ muốn lang thang ngoài rừng. Tài bị giáng cấp từ chuẩn úy xuống hạ sĩ và điều đi chăn ngựa. Lễ cưới của anh và Sáo được tổ chức với sự tham gia miễn cưỡng của anh em trong đồn. Nhiều lúc đau khổ quá, Tài đã định nói hết sự thật với chính trị viên Trực, nhưng anh biết nếu bây giờ có nói cũng chẳng ai tin. Không khéo còn mang tiếng là trút tội cho bạn. Mà cái tội ấy còn đáng nguyền rủa hơn nhiều so với tội quyến rũ Sáo. Điều bí mật ấy tưởng chừng chỉ có Sáo, Tâm và Tài biết, ai ngờ còn có người thứ tư biết... Khi Sáo chết vì đẻ khó và nghe tin Tâm bị bom hy sinh trên đường hành quân thì Tài biết nỗi oan của anh vĩnh viễn không được giải.
Đứa trẻ mới sinh được đặt tên là Lý Pờ Minh, tên đệm lấy họ Pờ của mẹ.
Từ đó Tài ở vậy nuôi con và anh chăm Lý Pờ Minh bằng tất cả tình cảm của mình. Hình như trong Tài, chưa bao giờ có ý nghĩ rằng Minh không phải là con của mình. Minh càng lớn thì lại càng giống mẹ và kỳ lạ là lại có khá nhiều nét giống Tài, đặc biệt là cặp mắt và cái mũi. Chính vì thế dân bản cũng như anh em công an đồn Mường Mun không ai có chút nghi ngờ gì. Thật ra, cũng có lúc Tài thấy ngạc nhiên rằng tại sao Minh lại giống mình. Có một lần, Chính trị viên Trực đến chơi với ông Tài, khi đó Tài vừa chuyển sang kiểm lâm. Ông cũng khen Minh giống bố. Nhưng rồi trước khi ra về, ông lại nói một chuyện rằng ở phương Tây, khi người mẹ mang thai, họ hay ngắm những diễn viên, những người nổi tiếng qua ảnh… Và có trường hợp đứa con đẻ ra lại giống người họ mê. Rồi cũng có trường hợp, đứa con không phải do mình đẻ ra, nhưng tình thương yêu, sự chăm sóc bằng cả trái tim mình của người bố hoặc mẹ làm cho đứa trẻ thay đổi và biến đổi… Câu chuyển ấy khiến ông Tài cứ ngẫm nghĩ và thấy có lẽ đúng như vậy. Chắc vì ông nuôi Minh từ lúc mới lọt lòng, chắc vì Minh không mẹ và ông Tài là người vừa là bố, vừa là mẹ, cho nên Minh đã giống bố. Khi Minh đến tuổi đi học, thì cả xã Mường Mun chỉ có một trường tiểu học, mà từ bản Mun đến trung tâm xã đi bộ cũng mất gần hai tiếng đồng hồ. Nhưng ông Tài vẫn quyết tâm cho Minh đi. Ngày nắng ráo thì Minh tự đến trường với lũ bạn trong bản. Còn vào những ngày mưa gió bão bùng, ông Tài đưa Minh đi học. Hình ảnh ông bố cõng con lội suối, băng rừng đến trường đã được các chiến sĩ đồn Mường Mun và các thầy cô giáo mang ra làm điển hình cho sự hiếu học và lo cái chữ cho con trẻ. Minh học không giỏi nhưng rất ngoan và đặc biệt là rất thương bố. Khi lớn lên, Minh cũng nhiều lần nói với bố là phải lấy vợ, nhưng lần nào ông Tài cũng chỉ bảo: “Bố có con là đủ rồi”.
Và khi rừng cấm Mường Báng được thành lập thì ông Tài được phục viên và chuyển ngành sang kiểm lâm. Ông làm ở Trạm kiểm lâm Mường Mun và từ đó, tất cả tâm trí ông chỉ dồn vào những cánh rừng và những đàn thú của rừng.Ông am hiểu rừng Mường Báng hơn tất cả những người dân ở đây. Ông thuộc từng ngọn núi, từng vạt rừng, thuộc từng khe suối và đặc biệt là ông rất thuộc các đàn voi, đàn trâu rừng, bò rừng và các đàn nai.Ở trạm, có một việc mà cấp trên bao giờ cũng chỉ giao cho ông, ấy là vào giữa mùa xuân, ông ra mỏ Muối đếm thú rồi làm báo cáo gửi về Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Cũng có không ít cô gái bản muốn làm vợ ông, trong đó có cả người em gái của Sáo. Nhưng Tài khéo léo từ chối tất cả. Mọi người không ai hiểu được tại sao Tài lại như vậy.
Nguyễn Huy Trực được điều ra tỉnh, trước khi đi, ông đến thăm ông Tài. Hai người uống với nhau hết cả chai rượu nửa lít và toàn nói những chuyện không đâu. Ông Tài biết rõ, ông Trực có điều gì muốn nói với mình nhưng khó nói thành lời. Ông cũng muốn giãi bày với ông Trực về chuyện mình với Sáo và Tâm, nhưng rồi ông cũng lại sợ là nói ra, có khi Trực cũng chả tin. Đến lúc ra về, ông Trực mới bảo Tài: “Tôi được cấp trên điều đi, nếu phải đi đâu xa thì không nói làm gì. Nhưng nếu tôi ở tỉnh, tôi sẽ lo cho thằng Minh sau này. Anh cứ yên tâm. Còn anh, chả lẽ định ăn đời ở kiếp với Mường Mun hay sao? Có cần tôi giúp gì không?”. Ông Tài lắc đầu: “Tôi sống ở đây và chết cũng ở đây thôi. Anh biết lý lịch của tôi quá rồi còn gì. Tôi làm gì có cha mẹ, có quê quán. Bây giờ Mường Mun là quê tôi, bản Mun là nhà tôi, bà con ở đây là anh em, họ hàng của tôi”. Nghe ông Tài nói vậy, ông Trực nghẹn lời. Ông muốn an ủi, chia sẻ nhưng không nói được… Ông ôm chặt lấy Tài và cố giấu đi những giọt nước mắt.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Hôm sau, vào lúc nửa buổi sáng, Lý Pờ Minh đang ngồi chải lông cho con Leng thì nghe thấy tiếng vó ngựa lóc cóc… Anh ngẩng lên nhìn và rất ngạc nhiên khi thấy có người cưỡi ngựa là một cô gái lại mặc quân phục công an. Khi con ngựa tới gần, Minh nhận ra Pờ Chinh Mai. Anh đứng phắt dậy, gọi to:
- Mai, anh đây.
Mai, đúng là Pờ Chinh Mai, cô giơ tay vẫy và giật cương cho ngựa rẽ vào nhà. Khi con ngựa vừa tới ngoài cổng thì nó đứng lại và quay ngoắt lại, chạy thẳng. Mai không hiểu tại sao con ngựa lại dở chứng. Cô hò hét, ghìm cương thế nào cũng không được. Và cũng phải cố lắm cô mới không bị con ngựa hất ngã. Chạy tới gần cuối bản, Mai mới dừng được con ngựa lại. Nhưng con ngựa vẫn cuống quýt, khua vó lung tung và ánh mắt bạc đi sợ hãi. Mai xoa vào mắt con ngựa, nói nhẹ nhàng: “Hôm nay mày sao thế? Tại sao lại bỏ chạy. Mày phải đưa tao về nhà người yêu tao chứ”. Con ngựa vẫn lắc đầu sợ hãi. Mai chưa biết làm thế nào thì Minh và con Lếch chạy tới. Minh bảo ngay:
- Nó sợ con hổ Mai à.
Rồi Minh nắm tay Mai:
- Sao em không báo cho anh biết trước. Mà mới được phát quân phục à?
Mai sung sướng:
- Em được tuyển vào công an hơn một tuần rồi. Tuần tới, em được về Hà Nội học văn hóa.
Minh mừng quá:
- Ôi, vui quá rồi. Mà sao không báo để anh đi đón.
Mai đỏ mặt:
- Em muốn để anh bất ngờ - Rồi Mai trách - Anh về nhà từ hôm ấy mà chẳng gọi cho em.
Minh lúng túng:
- Từ nhà ra huyện xa mà. Anh lại phải làm nhiều việc cho bố. Hôm nay định đi gọi điện cho em.
Minh vuốt ve đôi quân hàm mới tinh trên vai áo Mai:
- Em mặc quân phục đẹp quá. Khi nào mình cưới, mặc quân phục nhé?
Mai đấm vào vai anh:
- Ai lại thế. Em mặc váy Hà Nhì, anh mặc quân phục.
Rồi Mai khẽ thở dài:
- Mà còn lâu lắm. Anh thì đi học Liên Xô ba năm, em cũng lại đi học văn hóa ba năm…
Con ngựa bỗng hí lên một tiếng làm cắt ngang mạch nghĩ của Minh và Mai. Minh chợt nhớ ra việc con ngựa bỏ chạy:
- Con ngựa sợ con hổ đấy. Bây giờ phải gửi nó.
Minh dắt con ngựa đến nhà Trưởng bản và gửi vợ anh ta. Cô con gái Trưởng bản nhanh nhẹn buộc nó vào gốc đào đầu hồi, lấy cho nó ít thóc và cỏ khô cùng một xô nước. Minh xoa đầu con bé:
- Sao cháu thạo chăm ngựa thế?
Con bé nói bùi ngùi:
- Bố cháu cũng có một con. Nhưng nó bị gấu vồ chết năm trước. Chưa biết bao giờ mới có ngựa. Có ngựa, cháu đi học hơn đấy.
Minh đưa Pờ Chinh Mai về nhà. Tới cổng anh bảo con Lếch:
- Mày đi tìm ông về. Bảo có khách quý nhé.
Con Lếch ngước cặp mắt đen lóng lánh nước nhìn Minh như hiểu ý rồi phóng vụt đi. Mai ngạc nhiên:
- Nó biết nghe tiếng người à?
Minh cười:
- Nó nghe được và hiểu được em ạ.
Mai không tin, nhưng cô cũng không muốn bắt bẻ Minh. Con Leng thấy Minh và Mai về thì ngoe nguẩy đuôi ra đón. Thấy con hổ, Mai sợ hãi nép vào sau lưng Minh. Con Leng lại vòng ra sau, hếch mũi lên ngửi. Minh bật cười, anh cốc vào đầu nó:
- Người nhà đấy. Sau này mày phải chú ý bảo vệ Mai nhé.
Mai hỏi rụt rè:
- Nghe nói nó làm bị thương mấy người rồi phải không?
Minh ngạc nhiên:
- Ai nói thế. Ở bản này, nó thân với tất cả mọi người. Làm gì có chuyện đó.
Mai kể:
- Mấy hôm trước, Phòng Cảnh sát kinh tế mời cơm lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm. Em nghe mấy ông kiểm lâm kể như vậy.
Minh khó chịu:
- Toàn lời xấu như rắn độc. Nếu nó mà làm bị thương ai ở đây, chắc chắn kiểm lâm họ chẳng để yên đến lúc này. Em chưa biết đấy, nhiều người muốn tịch thu con hổ này lắm.
Vào trong nhà, Mai ngắm nhìn quanh và chợt ánh mắt cô nhìn như bị hút vào bức vẽ truyền thần đặt trên bàn thờ - đó là bà Sáo, mẹ của Minh. Cô linh cảm thấy giữa bà Sáo và cô có gì đó rất gần gũi và thân thuộc.
Cô thắp nén hương lên bàn thờ và đứng cúi đầu, nhưng không biết nói gì. Bỗng nhiên nước mắt cô ứa ra, cô nói thầm trong lòng: “Mẹ ơi, con là Pờ Chinh Mai. Rồi con sẽ về đây ở với mẹ nhé”.
Minh đi đun nước còn Mai ngồi với con Leng. Cô rụt rè chạm tay vào mấy sợi râu của nó. Con Leng thè lưỡi liếm bàn tay Mai. Lưỡi nó ram ráp làm Mai giật mình. Minh nhìn thấy, anh bảo:
- Lưỡi nó như lưỡi mèo em ạ. Nó bắt đầu quý em rồi đấy.
Mai hỏi:
- Sao nó quý em nhanh thế?
Minh cười:
- Nó thấy anh quý em mà. Con hổ này cũng như con chó Lếch. Thấy anh và bố quý ai thì nó cũng quý người đó.
Mai lấy tay gãi gãi vào nách con Leng. Ngón tay Mai làm con Leng thấy buồn buồn, dễ chịu. Nó xán lại gần Mai như muốn để cô gãi mạnh hơn… Minh nhắc Mai:
- Em đừng để nó vui quá nhé. Nó mà cào nhẹ là rách áo, rách quần ngay.
Quả nhiên, Minh vừa nói xong thì con Leng quờ chân trước cào vào ống quần Mai. Cô không kịp rụt chân lại và bộ vuốt nhọn, sắc như dao xé toạc ống quần. Mai hốt hoảng vội co chân lên ghế.
Minh mắng con Leng:
- Hư nào, Leng.
Con Leng tiu nghỉu, vội lùi ra góc nhà nằm im. Nó ngước cặp mắt màu vàng nhìn Mai có vẻ ân hận. Mai hiểu điều con Leng muốn nói qua ánh mắt ấy. Cô bảo:
- Leng, lại đây nào.
Con Leng lấm lét nhìn Minh như dò xem thái độ của anh thế nào. Thấy Minh bật cười, nó lại rón rén đi ra với Mai. Minh bảo:
- Nó như trẻ con, như con chó, con mèo khi nhỏ, chỉ thích có người để đùa.
Rồi Minh lại hỏi Mai:
- Em về với anh được mấy ngày?
Nét mặt Mai chợt buồn hẳn đi:
- Chiều em phải về rồi. Sáng mai có xe ôtô của Ủy ban huyện ra tỉnh, em đã xin đi nhờ. Ngày kia em phải về Hà Nội để nhập học. Từ huyện về nhà anh, em đi ngựa mà cũng hết hơn ba tiếng đấy.
Minh nhìn đồng hồ, đã gần 11 giờ. Vậy là Mai chỉ còn ở với anh được vài ba tiếng nữa. Anh bảo Mai:
- Anh nấu cơm, chờ bố về rồi ăn nhé.
Mai hỏi:
- Nhà có kim chỉ không anh. Em khâu tạm vết rách lại đã.
Minh xua tay:
- Để đấy anh khâu cho. Em chưa biết, anh vá quần áo khéo lắm đấy.
Rồi Minh vo gạo, đặt nồi cơm trước. Anh lấy cá khô treo gác bếp xuống, ngâm vào nước gạo cho nhạt mùi khói, lấy thịt lợn muối trong vại ra cũng ngâm nước cho nhạt muối… Xong đâu đấy, anh mở lấy hộp kim chỉ trong ngăn kéo bàn ra lấy cuộn chỉ đen, xỏ vào kim rất thành thạo… Minh nhấc chân có ống quần rách của Mai, đặt lên đùi mình rồi khâu khép vết rách lại rất nhanh. Mai lặng lẽ nhìn Minh làm và cô có cảm giác đấy không phải là người con trai mà là một phụ nữ đảm đang, tháo vát việc nhà.
Chờ cho Minh khâu xong, Mai khẽ khàng:
- Anh ạ. Em thấy hình như em giống mẹ trong ảnh lắm.
Minh gật đầu:
- Lần đầu tiên gặp em, anh cũng đã thấy thế. Anh không biết mặt mẹ, mà chỉ thấy bà trong tranh và trong mơ.
Có tiếng chó sủa vang, Minh bảo:
- Con Lếch gọi được bố về rồi. Hôm nay, bố anh đi đặt bẫy lợn rừng. Con Leng này bây giờ ăn cũng tốn. Nếu thả sức cho nó ăn, mỗi ngày phải vài ba cân thịt.
Mai giật mình:
- Thế thì kiếm đâu ra đủ thịt cho nó ăn?
- Thế cho nên bố anh mới phải đi bẫy thú. Sau nhà, bố anh có cả một khu chuồng nuôi gà để cho nó ăn. Bà con trong bản cũng thương con Leng, nhà nào thịt lợn hay bò cũng đều mang cho nó… Nhưng nghe nói khi nó lớn hẳn, thì cũng khó mà kiếm đủ thức ăn cho nó đấy.
Minh và Mai chạy ra đón ông Tài. Ông cõng trên lưng một lù cở khá nặng. Minh đỡ lù cở cho ông xuống và thấy trong đó có con lợn đến hơn chục cân.
Nhìn thấy Mai, ông Tài sững lại.
Trời ạ. Sao lại có người giống Sáo đến mức thế này. Giống từ khuôn mặt, từ đôi mắt và cái miệng, cái mũi, cũng nước da trắng hồng, cũng khuôn mặt bầu bầu và dáng đi khoan thai... Ông suýt thốt lên: “Ơ, cô Sáo”, nhưng rồi ông cố ghìm lại được.
Mai đon đả và chào ông bằng tiếng Hà Nhì. Ông Tài cũng đáp lại bằng tiếng Hà Nhì và thế là chả hiểu sao, từ lúc đó, ba người chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Hà Nhì. Thoạt nhìn Mai, ông Tài thấy ưng ngay và thầm khen con trai có con mắt tinh khi chọn vợ. Rồi cách Mai chào ông bằng tiếng Hà Nhì cũng làm ông rất vui, vì ông biết, đó là người không quên gốc.
Ngồi hỏi chuyện Mai mà ông Tài cứ tưởng như mình đang gặp lại Pờ Thị Sáo ngày xưa. Mấy lần ông dụi mắt vì cứ ngỡ Sáo đang hiển hiện... Còn Mai, cô cũng thấy rất lạ khi trong cô có cảm giác như đã quen biết ông Tài từ lâu lắm rồi. Cô thấy ông thân thuộc, ấm áp và cách nói chuyện thì lúc như bố với con, lúc lại như bạn bè. Ánh mắt của ông nhìn cô thoắt âu yếm, thoắt yêu thương và từ trong đáy mắt, cứ lấp lánh nước.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong