Ông Tài nhìn đống cá con Leng kiếm được với vẻ mãn nguyện. Ông vỗ đầu nó, khen: “Con giỏi lắm Leng ạ. Ngày mai ông sẽ cho mày thử sức với bọn trâu, xem mày làm ăn được gì không”.
Con hổ Leng (Kỳ 50) |
Con hổ Leng (Kỳ 49) |
Con hổ Leng (Kỳ 48) |
Ngày thứ nhất, ông vượt qua đầu nguồn suối Leng rồi leo qua một con dốc dài có đến chục cây số. Dốc không dài nhưng có nhiều đoạn như dựng ngược trước mặt. Có những đoạn phải đi như chui trong những vòm cây rậm rạp và con đường mòn gần như đã bị biến mất dưới cây cỏ phủ kín. Có đoạn, ông Tài phải dùng dao quắm phạt cây để mở lối. Cũng có đoạn đi theo lối mòn mà các đàn voi di chuyển đã mở đường. Đoạn đường nào của voi đi thì khá bằng phẳng và rộng.
Lần đầu tiên đi xa và leo dốc đứng như vậy, nhưng con Leng không tỏ ra mệt mỏi. Có lẽ sức mạnh của giống hổ di truyền từ đời này sang đời khác ẩn náu trong nó, giờ mới bộc phát, khiến nó đi khá thong dong. Nhưng càng đi, con Leng càng thấy khó hiểu là tại sao lần này ông đi xa thế. Mọi khi đi rừng, cùng lắm cũng là hết nửa ngày… Lần này, ông cứ đi lùi lũi và cứ khoảng sau hai giờ đi thì ông nghỉ một lát. Con Lếch cũng vậy, nó luôn luôn đi trước và thi thoảng lại sủa lên một tiếng như muốn đánh động cho các loài thú khác.
Xuống hết dốc thì trời đã về chiều. Ông Tài đến thẳng một vách núi chìa ra như mái nhà và trông xuống dòng suối nhỏ. Ông hạ gùi xuống, rồi nói với hai con vật: “Hôm nay ông con mình nghỉ tại đây. Mai đi tiếp”.
Chỉ chờ có thế, con Leng lao ngay xuống suối dầm mình. Con Lếch không tắm mà đứng trên bờ quan sát. Nó thấy ở cách chỗ con Leng tắm không xa có một hủm nước có vẻ khá sâu. Linh cảm mách bảo nó nơi ấy thế nào cũng có cá to. Nó lại gần hủm nước, trèo lên một tảng đã cao nhòm xuống. Quả nhiên, nó thấy trong làn nước xanh ngăn ngắt có những bóng cá đen trùi trũi... Nó vội vàng sủa gọi con Leng. Thấy mẹ nuôi gọi có vẻ gấp gáp, con Leng lội ngược suối đến và khi thấy có cá quẫy trong hủm, nó hiểu ngay việc phải làm. Nó rón rén bò nhẹ nhàng xuống hủm, để nước ngập ngang mặt và há miệng chờ đợi... Rồi nó cuộn bụng, trớ ra một ít thức ăn còn sót lại trong dạ dày. Bọn cá thấy có thức ăn vội vàng lao đến và khi một con cá hốc to như ống tre mon men đến gần mõm, nhanh như tia chớp, con Leng đớp luôn. Cả đầu con cá chui vào vào mõm nó, con Leng vùng chạy lên bờ, nó nhả con cá trong miệng ra, nhìn con Lếch bằng ánh mắt đắc thắng. Con Leng sủa lên mấy tiếng vui mừng rồi nhảy xuống, càm con cá mang về cho ông Tài.
Con Leng lại xuống suối và vẫn với cách ấy, nó bắt luôn được ba con.
Ông Tài nhìn đống cá con Leng kiếm được với vẻ mãn nguyện. Ông vỗ đầu nó, khen: “Con giỏi lắm Leng ạ. Ngày mai ông sẽ cho mày thử sức với bọn trâu, xem làm ăn được gì không”.
Ông nhặt củi đốt đống lửa to rồi đi chặt một cây bương về cắt lấy ba đoạn. Một đoạn ông dùng đun nước uống, một đoạn ông nhét con cá to nhất vào, rắc thêm ít muối ớt rồi đặt lên đống than, ông cắt một con cá ra làm bốn khúc, cho vào ống bương, ông nhặt mấy quả sổ chín rụng ven suối, bổ từng mảnh cho vào để nấu canh chua... Xong đâu đấy, ông đi mắc võng
Khi trời tối sập, trong ánh lửa bập bùng, ông Tài ăn bữa tối cùng con Leng, con Lếch. Con Leng thì không thích ăn cá nướng, nên nó chỉ nằm nhai chậm rãi những miếng thịt trâu khô và nhìn ông Tài bằng ánh mắt thương yêu vô bờ bến.
Sáng hôm sau, ông Tài lại đi tiếp. Sau khi vượt qua một quả núi thấp thì trước mắt ông là cả một thung lũng rộng với rậm rịt lau sậy và các loại cây thấp. Chen giữa lau sậy là những bãi cỏ và dưới đó, thấp thoáng bóng những con nai, hoẵng và đàn trâu rừng thảnh thơi gặm cỏ. Thung lũng này có cái tên rất lạ: Lũng Bom. Sở dĩ có tên này là vì hồi năm 1967, chẳng hiểu vì cơn cớ gì mà một tốp máy bay Mỹ từ Lào sang ném bom xuống đây. Ông Tài khi đó đang là lính công an vũ trang được cử đi trinh sát để tìm hiểu tại sao chúng lại ném bom xuống chốn này. Nhưng sau mấy ngày ở lại cũng không thấy nó ném bom tiếp nữa và cũng chẳng ai lý giải được tại sao lại như vậy. Và thế là từ đó có cái tên Lũng Bom.
Lũng Bom là một khoảng đầm lầy xen lẫn với những gò đất thấp và mỗi chiều rộng có đến ba cây số. Đây là nơi tụ họp của rất nhiều loài thú và hầu như vẫn còn giữ được vẻ nguyên sơ. Sở dĩ nơi này vẫn còn nguyên vẹn được là vì từ Mường Mun đi đến đây xa quá. Hơn nữa, vùng này lại là vùng biên giới chưa được hoạch định giữa Việt Nam và Lào, cho nên các loài thú bị xua đuổi từ khắp nơi dồn về. Mấy năm trước, một số người Mông ở các tỉnh bên cũng đã mò đến, nhưng họ không ở nổi vì nơi này nóng khủng khiếp. Vì thung lũng này nằm giữa bốn bề là núi cao, cho nên vào mùa hè thì thung lũng như một cái chảo lửa và đặc biệt, đến mùa gió Lào vào tháng Ba, tháng Tư thì cả thung lũng cứ như bị một đống than được rải từ trên trời xuống.
Vì trước đây, nhiều lần đi trinh sát ở khu vực này nên ông Tài khá thông thạo địa hình, ông đến ngay một cái hang mà ông đã từng ở. Hang nằm trong lòng một quả núi đá thấp và rất khô ráo, sạch sẽ. Đây là hang dơi và vì lắm dơi nên cũng khá nhiều rắn. Lũ rắn bò vào trong này để bắt dơi, mà nhiều nhất đó là rắn ráo. Ở đây, ông Tài đã từng bắt được những con rắn ráo dài hơn hai mét. Ông cũng đã bắt được cả trăn nữa. Vào mùa mưa, cả thung lũng như chìm trong biển nước. Những bụi lau sậy chỉ còn phất phơ bông trắng trên mặt nước đục ngầu. Lũ rùa vào mùa cạn thì sống trong các đầm và trong các đám lau sậy, còn mùa mưa chúng bò hết lên núi. Vào mùa mưa thì các quả núi đi chỗ nào cũng thấy chuột, rắn, rùa. Còn vào mùa xuân, những đàn thú đi ra mỏ muối ở cách đó chừng hơn chục cây số uống nước muối để có thêm sức cho mùa sinh sản và kéo nhau về thung lũng. Cánh thợ săn ở Mường Mun cũng ít ai vào tới khu vực này, bởi ở khu rừng cấm Mường Báng chẳng cần đi xa lắm cũng vẫn bắn được thú. Hơn nữa đi bộ hàng mấy ngày, bắn được thú sấy thịt khô rồi mang về cũng chẳng bõ.
Thấy có người vào, tiếng chó sủa, rồi tiếng hổ gầm nho nhỏ, lũ dơi ở trong hang lao ra ngoài. Bọn dơi bay ra thấp đến nỗi cả con Lếch và con Leng đều vồ được. Chỉ trong vòng vài ba phút, con Leng vồ được ba con dơi, con Lếch cũng được hai con. Con Leng chén ngay những con dơi vừa bắt được. Con Lếch thấy con Leng ăn ngon lành thì cũng chỉ ăn một con, nhường cho con Leng một con. Ông Tài ra ngoài cắt mấy ôm cỏ gianh mang vào rải làm nệm. Rồi ông đốt một đống lửa trong hang. Ông cũng lấy đèn pin đi soi những ngóc ngách quanh chỗ ông nằm để xem lũ rắn có ở đấy không. Lũ rắn ráo thì chẳng ngại, nhưng sợ nhất là rắn khô mộc. Giống rắn này con to nhất chỉ dài khoảng một mét. Chúng có màu nâu, mốc thếch và đặc biệt là có kiểu nằm rất lạ, thẳng đuỗn như cái que. Người đi rừng vô ý xéo vào chúng bị chúng đớp, nếu không có thuốc cứu nhanh thì chỉ sau một giờ là chết. Ngày ông Tài ở công an vũ trang, đã có lần ông phải cứu đồng đội bằng cách lấy dao găm rạch chỗ chân bị rắn cắn ra, rồi ghé miệng vào mút lấy máu. Công an vũ trang ở vùng này lúc nào cũng phải thủ mấy viên thuốc chống rắn cắn của Trung Quốc.
Dọn dẹp chỗ ngủ xong đâu đấy, ông Tài bảo con Lếch: “Mày ở đây với ông, còn để con Leng đi xuống thung lũng xem có kiếm được cái gì ăn không”. Ông giữ con Lếch ở lại là vì muốn thử xem con Leng vào rừng một mình như thế nào.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Con Leng nằm phủ phục ngoài cửa hang, mắt nhìn đăm đắm xuống thung lũng. Nó nhìn những con trâu, con nai đang ung dung gặm cỏ và những đàn lợn đang đầm mình trong các vụng nước trên đồng cỏ. Tự nhiên bản năng hoang dã trong nó tưởng như đã bị chôn vùi bởi những tháng ngày sống với ông Tài trỗi dậy. Nó phóng thẳng xuống thung lũng, rẽ đám lau sậy rậm rịt và ra ngoài đồng cỏ. Nó gầm lên những tiếng hoang dại và đầy quyền uy. Lũ nai, hoẵng, trâu, bò và bọn lợn rừng giật mình chạy tán loạn. Con Leng thong thả xuất hiện trên đồng cỏ với dáng đi đủng đỉnh và đầy tự tin, thể hiện sự oai phong của Chúa sơn lâm. Bọn trâu rừng thấy con Leng xuất hiện thì quây tròn lại, lũ nghé con được đứng giữa, bọn trâu đực với cặp sừng nghênh ngang bảo vệ bên ngoài. Con Leng đến gần đàn trâu và nhìn chúng với cặp mặt tò mò. Thái độ của đàn trâu khiến nó hiểu rằng, lũ này đang rất sợ mình.
Con Leng đi một vòng quanh đàn trâu, thi thoảng lại gầm lên một tiếng nho nhỏ. Bản ngã tâm linh trong con người nó đang mách bảo rằng, chớ có đụng đến lũ này. Bởi một mình con Leng thì không thể nào chống chọi được với lũ trâu rừng mà có con nặng gần cả tấn kia. Lũ trâu rừng, bình thường thì rất hiền lành, nhưng khi chúng đã lên cơn điên thì không thứ gì, loài nào có thể ngăn cản chúng tấn công. Hơn nữa, chúng lại là số đông, chỉ cần bị chúng giẫm đạp cũng đã đủ vỡ đầu, bẹp ruột. Ngắm nghía đàn trâu hồi lâu, con Leng lại lững thững đi ra chỗ vụng nước nông có đàn lợn rừng đang nhi nhúp trong đó. Lũ lợn thấy con Leng, vội vàng lao lên bờ. Hai mụ lợn sề có những chiếc răng nanh to như quả chuối cong vắt lên hùng hổ lao về phía con Leng. Không chút sợ hãi, con Leng ngồi xuống, bình thản chờ đợi và quắc mắt nhìn chúng đe nẹt, như muốn nói: “Tao chỉ tới đây xem chúng bay thôi. Đừng có mà dại dột gây sự với tao”. Hai con lợn sề lao đến cách con Leng khoảng ba chục mét thì dừng lại, bởi vì chúng thấy thái độ của con hổ kia rõ ràng là không có gì đe dọa chúng. Bọn lợn con thấy thế cũng quây lại bên cạnh hai con mẹ và giương mắt nhìn con Leng với vẻ lạ lẫm. Lạ nhỉ, tại sao lại có con hổ tới đây rồi ngồi nhìn mình?
Từ trước, chúng cũng đã nhiều lần phải đối mặt với hổ và với chó sói. Bọn hổ thì cậy sức mạnh, thường là ẩn nấp một chỗ kín đáo, chờ bọn lợn tới gần rồi phóng ra, kèm theo tiếng gầm rung rừng chuyển núi. Tiếng gầm của hổ có uy lực đặc biệt, khiến không một loài thú nào còn đủ can đảm, đủ bình tĩnh để nghe ngóng rồi phán đoán xem sau tiếng gầm ấy là gì. Nhưng giữa tiếng gầm và hành động tấn công của hổ thường là không có khoảng cách về thời gian. Có khi tiếng gầm chưa dứt đã thấy bóng con hổ như bay trên không trung, lao bổ vào con mồi. Con Leng lặng lẽ nhìn đàn lợn và rồi tự nhiên, một nỗi khát khao lớn dần lên trong nó. Đó là nỗi khát khao được vồ con lợn, được cắm hàm răng vào cái gáy chắc lẳn của chúng, được nghe tiếng chúng rít lên thê thảm vì đau đớn, rồi được cắn xé, được nhai lá phổi đẫm máu ngọt lịm, được ăn quả tim có thớ thịt dai, chắc chắn. Nó cũng đã có lần cùng với con Lếch tấn công đàn lợn ở gần nương ông Tài và cũng vồ được một con. Nhưng dù sao, lần đấy nó cũng được mẹ nuôi trợ giúp và sau lưng nó là có ông Tài. Còn bây giờ ở đây, nó chỉ có một mình...
Nhìn đàn lợn, bản năng săn mồi, bản năng hổ trong con Leng bỗng cháy lên như lửa khiến tim nó như đập nhanh hơn, máu chảy giần giật trong từng thớ thịt... Và gần như ngay lập tức, bản năng của loài thú ăn thịt đã như mách bảo rằng nó phải làm gì. Nó nằm bẹp xuống, nhích từng xăng ti mét về phía bọn lợn. Nó bò chậm đến nỗi hai mụ lợn sề kia không cảm nhận được. Và dường như thấy con hổ kia là vô hại nên hai con lợn sề quay lại... Như chỉ chờ có thế, con Leng bò lại gần nhanh hơn. Chỉ còn khoảng hai tầm nhảy, con Leng gầm lên, lao vút vào lũ lợn nhỡ... Tiếng gầm đột ngột của nó khiến lũ lợn khiếp đảm, hai con lợn sề phóng chạy trước, lũ lợn con kêu choéc choéc và rùng rùng bỏ chạy. Nhưng với khoảng cách ngắn ngủi thì dù có chạy nhanh đến mấy lợn cũng không thoát khỏi cú vồ của con Leng. Chỉ hai tầm nhảy, con Leng đã vồ được một con khoảng gần ba chục cân. Nó vật con lợn ra và hàm răng sát thủ của nó cắm ngập vào cổ họng con lợn. Nó quăng con lợn lên rồi giật xuống, cổ họng con lợn bung ra, máu phun thành vòi... Cú ra đòn nhanh, chính xác và mạnh như sét đánh khiến bọn lợn không dám nghĩ đến chuyện chống trả, mặc dù lợn sề là nổi tiếng hung dữ khi bị tấn công.
Con Leng nhìn con lợn đang giãy chết bằng ánh mắt đắc thắng, hả hê... Rồi nó lại gầm lên.
Tiếng gầm này như báo cho ông Tài và mẹ nuôi biết rằng, nó đã chiến thắng trong lần đi săn độc lập đầu tiên.
Từ trên cửa hang, nghe tiếng con Leng gầm, linh tính mách bảo cho ông Tài biết rằng con Leng đã săn được được thú.
Một sự xúc động trào lên trong lòng, ông quỳ thụp xuống, chắp tay và khấn rất to: “Con cầu xin thần núi, thần rừng phù hộ cho con hổ Leng. Các thần hãy cho nó sức mạnh để nó là của rừng”.
Con Leng ngắm nghía con lợn một lát rồi lại lao vào, tung con lợn lên như thể muốn phô diễn sức mạnh vô địch của mình. Khi con lợn còn đang lơ lửng trên không thì nó cũng như bay lên và tát văng con lợn đi chỗ khác. Con lợn nặng ngót ba chục cân mà con Leng tung nó như thể một quả bóng.
Vầy vò con lợn chết một hồi như đã đủ chán, nó xé bụng con lợn ra... Nhưng vừa cắm hàm răng vào lớp da dày, bỗng nó nghĩ đến ông Tài, đến con Lếch. Và tự nhiên, nó muốn mang con lợn về để khoe chiến công đầu tiên của mình. Ý nghĩ và hành động diễn ra gần như đồng thời, nó cắn vào gáy con lợn rồi tha lên chỗ hang...
Ông Tài đứng trên cửa hang nhìn xuống, thấy rõ con Leng lôi con lợn đi băng băng và hình như nó không có cảm giác mệt nhọc gì cả. Khi tới chân núi, con Leng vẫn không giảm tốc độ, nó lôi con lợn leo dốc mà như đi trên đường bằng... Nhìn con Leng, ông Tài nhớ lại hồi xưa, khi ông gài bẫy súng bắn được con hổ hay mò về đồn vồ bò... trúng đạn bị thương rất nặng, vậy mà chỉ trong một đêm, nó vẫn lết đi được gần chục cây số rồi mới chịu chết gục ven bờ suối. Ông nghe người ta nói, con hổ trong một ngày có thể đi xa hơn trăm cây số... Nghe nói thì chả biết thế nào, nhưng chuyện hổ vào chuồng, tát chết bò rồi tha con bò nhảy qua hàng rào cao có đến gần ba mét thì ông đã thấy.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong