Nhưng rồi con Leng bỗng như bừng tỉnh khi thấy trong hơi gió có mùi của đồng loại. Toàn thân nó căng ra và mỗi tế bào khứu giác như lọc lấy từng phân tử mang hơi của giống hổ bay theo làn gió.

Con hổ Leng (76 tin)
con ho leng ky 52 Con hổ Leng (Kỳ 51)
con ho leng ky 52 Con hổ Leng (Kỳ 50)
con ho leng ky 52 Con hổ Leng (Kỳ 49)

Con Lếch lao như tên bắn xuống đón con Leng rồi nó lại phóng lên ngồi cạnh ông Tài chờ đợi... Con Leng tha con lợn tới nơi, nó thả con lợn xuống trước mặt ông Tài và mẹ nuôi rồi ngước mắt nhìn ông bằng ánh mắt đầy tự hào, kiêu hãnh.

Ông Tài cười rạng rỡ: “Giỏi lắm. Giỏi lắm con ơi. Vậy là ông sắp cho mày về với rừng được rồi”. Ông lấy dao, mổ phanh con lợn ra, lấy buồng phổi cho con Leng, quả tim cho con Lếch, ông cắt lấy một đùi mang để mình ăn, còn lại, ông bảo con Leng: “Mày làm thế nào ăn cho hết thì làm”. Đùi lợn cắt ra, ông Tài mang vào bếp, nướng nguyên cả lông. Biết là bì lợn rừng dày và ăn khá ngon, nhưng bây giờ có tuổi, răng yếu nên ông Tài thường bỏ đi.

Con Leng ăn hết buồng phổi, lá gan và ít lòng non của con lợn thì đã thấy ngang dạ. Nó muốn để dành cho đến ngày mai... Bản năng mách bảo nó cách giấu thịt là phải mang xuống dưới suối. Nó lại tha con lợn xuống núi, tới một khe nước nhỏ mà đứng trên hang nhìn xuống cũng thấy. Nó chọn một vụng nước sâu đến hơn một mét rồi thả con lợn ăn dở xuống. Nước suối lạnh sẽ giữ cho con lợn lâu bị thối và cũng là để ngăn chặn bọn chó sói đến cướp... Giống hổ to đến mấy cũng không bao giờ dám chống lại đàn chó sói đông tới hơn chục con và nếu là chó sói lửa thì chỉ cần hai hoặc ba con là chúng có thể dám cướp trắng con mồi mà hổ vừa săn được.

Ông Tài nhìn con Leng mang con lợn đi giấu mà thấy khoan khoái lạ thường. Điều làm ông ngỡ ngàng nhất là con Leng đã nhanh chóng hòa nhập với rừng và bản năng hoang dã trong nó đã trỗi dậy một cách mạnh mẽ không ngờ được.

***

Sáng hôm sau, con Leng lại mò xuống suối từ sớm. Nó lôi con lợn lên và xé từng miếng ăn chậm rãi.

Sau khi đã no bụng, nó lại thả con lợn xuống vụng nước và lững thững đi sang cánh rừng bên kia suối.

Sau khi luồn lách qua một cánh rừng già, nó ra một cánh đồng cỏ. Nó thấy những chú nai con nhảy cẫng lên quanh mẹ và đàn công sặc sỡ đang quây vòng múa vui vẻ. Nó ngạc nhiên thật sự vì ở nhà đã bao giờ nó thấy cảnh này đâu. Ngay cả những lần ông Tài cho nó đi theo vào rừng đặt bẫy bắt bọn chồn, chuột đất hoặc con nhím gai góc, nó cũng chưa từng thấy bọn thú lạ lẫm kia. Nó muốn được vui đùa với chúng và thế là con Leng phóng ra đồng cỏ. Vừa thấy con Leng xuất hiện, đám công rối rít bay đi, còn bọn nai co cẳng chạy biến. Duy có lũ trâu là đứng chụm lại, chĩa sừng ra ngoài, cúi đầu thủ thế.

Con Leng trố mắt ngạc nhiên. Nó lững thững đi vòng quanh bọn trâu, gầm lên nho nhỏ. Sao bọn trâu kia lại gườm gườm nhìn nó chẳng chút thân thiện. Leng có làm gì chúng đâu. Ở nhà Leng vẫn đùa với con bò của ông Tài, vẫn chơi với lũ lợn con. Chả bao giờ chúng phải bỏ chạy hay có thái độ thù địch với Leng. Đi quanh một lúc, thấy đàn trâu không tỏ thái độ gì thân thiện, con Leng bỏ đi. Nó tóm được một gã chuột đất và bắt đầu trêu chọc con vật khốn khổ đang sợ đến chết khiếp. Nó càm con chuột, tung nó lên hoặc thả cho chạy rồi đuổi theo lật ngửa nó ra. Con chuột thét lên choe chóe. Nghe mãi cái giọng chói tai và thấy con chuột chả thích đùa, con Leng thả nó rồi lại đi. Đàn trâu vẫn đứng chăm chú theo dõi từng cử chỉ của con Leng và chúng lạ lẫm, ngúc ngoắc cái đầu thô kệch nhìn nhau như thể dò hỏi: Con vật vàng, vằn đen kia có phải là hổ không? Con Leng lại đùa bằng cách tóm những con châu chấu voi, nhẹ nhàng vặt hết cánh rồi thả ra và khoái chí nhìn chúng bò cuống quít.

Nhưng rồi con Leng bỗng như bừng tỉnh khi thấy trong hơi gió có mùi của đồng loại. Toàn thân nó căng ra và mỗi tế bào khứu giác như lọc lấy từng phân tử mang hơi của giống hổ bay theo làn gió. Con Leng nhận thấy có mùi nước tiểu của đồng loại. Nó lần theo hướng mùi nước tiểu bay tới và không khó khăn lắm, nó đã tìm thấy nơi có một con hổ nào đó đã để lại. Mùi nước đái hổ vẫn còn khá đậm đặc, chứng tỏ con hổ mới đái ở đây không lâu và chắc chắn chưa bỏ đi xa. Qua mùi nước đái, nó biết đây là con hổ đực... Bỗng dưng nó thấy bực mình. Tại sao có kẻ nào lại dám đến đây? Hôm qua, ta đã gầm lên, báo cho muôn loài rằng ta đã có mặt ở đây và ta đã đánh dấu lãnh thổ của ta bằng nước đái. Kẻ nào dám xâm phạm nơi ta đã chiếm cứ, có giỏi thì ra đấy xem nào? Con Leng gầm lên liên tiếp mấy tiếng liền. Tiếng gầm của nó biểu hiện thái độ thách thức và khiêu khích. Nhưng đáp lại tiếng gầm của nó vẫn chỉ là tiếng gió rì rào, tiếng con hoẵng tác... tác xa xa; tiếng lũ nghé con gọi mẹ và xen lẫn là tiếng lũ gà rừng gáy từng tiếng cụt lủn kéc kè ke... kẹc!

con ho leng ky 52
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Dù không có tiếng đáp lại nhưng con Leng vẫn linh cảm thấy có một gã hổ đực đang lẩn quất quanh đây. Rõ ràng là gã, bởi ngoài mùi nước đái còn có những tia sáng tâm linh của giống hổ đang len lỏi trong rừng già và đến với nó. Mi không chịu hiện diện thì ta sẽ đi tìm - Nghĩ vậy, con Leng chạy đi tìm gã. Nó lùng xục khắp nơi và phát hiện ra thêm vài chỗ có nước đái hổ nữa, nhưng hình bóng gã thì vẫn chẳng thấy. Và cho đến quá nửa buổi chiều thì con Leng chán hẳn. Nó nằm lăn ra bãi cỏ, đùa nghịch với chính cái bóng của mình đang đổ dài trong nắng chiều.Và lúc này, nó hoàn toàn chẳng nhớ gì tới ông Tài và mẹ nuôi nữa.

Nhưng con Leng không ngờ được rằng, cách nó chỉ hơn nửa cây số thì có một gã hổ đực đang nấp trong một bụi cây mua nở hoa tím nhạt, theo dõi con Leng và một đàn trâu rừng ngoài bãi cỏ.

Gã hổ này cũng phát hiện ra con Leng từ sáng và đã lặng lẽ theo dõi thái độ của con Leng. Sở dĩ gã không xuất hiện ngay là vì bản năng mách bảo cho gã, con Leng không phải là sống hoang dã như gã. Nếu là hổ hoang dã, thì không bao giờ nó lại hiền lành đến mức như ngu ngơ, chơi đùa cả với những con thú hạ đẳng. Gã lờ mờ nhận ra rằng, con hổ cái kia hình như chưa có thói quen săn mồi, chưa biết mình là chúa rừng xanh và có quyền uy tuyệt đối. Gã vốn không phải ở vùng này. Lãnh thổ của gã là khi rừng bên kia đỉnh núi, thuộc tỉnh Phong Sa Lỳ của Lào. Gã mới dạt sang đây được ít ngày là bởi vì chả hiểu sao gần đây có những đoàn người nói tiếng lạ mang theo rất nhiều máy móc, xe cộ đến mở đường, rồi phá rừng trồng cao su. Đám người này không chỉ mở đường, xây cầu cống mà còn len lỏi vào những cánh rừng nguyên sinh tìm cây thuốc quý, săn bắn hổ, gấu và bẫy rất nhiều chim họa mi, khiếu bách thanh...

Chỉ mới vài tháng từ khi có bọn người ấy đến, đã có năm con hổ bị bắn chết… Lo sợ cho số phận mình, gã liền vượt núi sang lũng Bom và ở nơi này, gã thấy yên tâm hơn hẳn. Gã ở đây đã cả tháng và không cảm thấy có mối đe dọa nào. Gã những tưởng từ nay gã có thể làm chủ khu rừng này và chỉ còn chờ đợi một con hổ cái nào đó. Nhưng từ chiều hôm qua, gã đã thấy có mối đe dọa khi từ trên đỉnh núi có tiếng hổ gầm vọng xuống. Gã nghe tiếng gầm và nhận ra đó là một con hổ cái chưa tới độ trưởng thành. Gã đã lao về phía tiếng gầm của con hổ mới đến, nhưng rồi gã nhanh chóng nhận ra sự có mặt của con người và rõ ràng, ả hổ kia có mối quan hệ mật thiết với con người. Chính vì lẽ đó mà gã lẳng lặng chuồn vào rừng già, lặng lẽ quan sát, theo dõi... Buổi sáng, gã vẫn lặng lẽ theo dõi con hổ lạ mặt kia và khi nó đến gần, gã lại lỉnh ra xa hơn. Gã luôn giữ một khoảng cách vừa đủ phát hiện ra con hổ kia, vừa không để cho nó thấy mình. Thái độ của con hổ kia cho gã hiểu rằng, ả đang đi tìm mình. Giống hổ có khứu giác, thính giác và có sự nhạy cảm bậc nhất trong các loài thú. Mặc dù mỗi con hổ tự khoanh cho mình một vùng lãnh thổ rộng hàng chục cây số vuông, nhưng nếu có bất cứ con hổ lạ nào xâm nhập, chúng dễ dang phát hiện ra ngay. Và nếu là hổ cùng giống thì thế nào cũng xảy ra một trận huyết chiến. Như gã đây, khi còn ở bên Lào, gã cũng từng nhiều lần phải chiến đấu với những con hổ đực khác để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Cuộc chiến tranh ấy diễn ra ngắn ngủi nhưng cực kỳ quyết liệt và không bao giờ có chữ “hòa”. Kẻ thua phải cụp đuôi ra đi và đừng có ảo tưởng sẽ quay lại kiếm ăn ở nơi nó từng bị đả bại. Đi qua thì được, ở lại lén lút thì cũng còn có thể, nhưng chớ có mà nghênh ngang, gầm lên những tiếng kiêu hãnh… Gã là một con hổ đực mới khoảng chục tuổi - độ tuổi sung sức nhất của loài hổ. Trong gã luôn khát khao có một cuộc sống gia đình, được sống bên cạnh một nàng hổ cái… Gã cũng từng có vài ba lần có cuộc sống êm đềm như thế và cũng đã từng có những đứa con. Nhưng bi kịch cho gã và cũng là cho cả bọn hổ đực là bọn hổ cái chỉ tử tế với chúng khi chúng cần giống đực. Còn khi chửa đẻ xong, lũ hổ con đủ sức kiếm được miếng ăn là chúng lập tức bị xua đuổi. Ả hổ cái từng gắn bó với gã trở mặt rất nhanh, coi chúng như kẻ xa lạ, sẵn sàng xua đuổi chúng ra khỏi vùng rừng mà chúng đã đánh dấu chủ quyền.

Khi thấy con hổ lạ kia không còn có ý định đi tìm mình nữa, gã liền chuyển sự chú ý vào đám trâu rừng. Đã gần một tuần rồi, gã chưa kiếm được miếng ăn nào. Chẳng phải vì gã hèn kém, mà vì trước đó gã vồ được con nai tơ và phải mất bốn ngày gã mới xơi hết gần nửa con nai, khi phần còn lại đã bốc bùi khăn khẳn, gã mới nhường nó cho bọn chó sói. Sức gã, nếu ăn thỏa thích, mỗi ngày gã có thể chén hơn hai chục cân thịt. Ăn một lần no kễnh, gã lại nhịn vài ngày. Gã chỉ đi kiếm mồi khi nào thấy đói thật sự.

Gã nằm bẹp xuống và bò dần về phía đàn trâu. Khi còn cách đàn trâu khoảng trăm mét, gã rúc vào một bụi cây dã quỳ đang nở hoa vàng rực và chờ đợi. Bọn trâu ăn cỏ thong dong nhưng vẫn khá trật tự. Lũ trâu đực ở vòng ngoài, rồi đến lũ trâu cái và phía trong cùng là bọn nghé… Gã thừa biết tấn công vào một đàn trâu có tổ chức chặt chẽ là công việc khó khăn và không ít nguy hiểm. Bản thân gã đây, trên mình vẫn còn dấu tích của những cặp sừng kia để lại trong những trận hỗn chiến.

Đàn trâu rừng sau khi ăn no thì bắt đầu quên đi sự cảnh giác. Bọn nghé con cuồng cẳng chen bắn bọn trâu già đang vây tròn bên ngoài để ra lăn vào những vụng nước nhỏ trên đồng cỏ…

Gã hổ kia chỉ chờ có thế. Gã lại bò tới gần hơn, gần nữa và khi một con trâu già phát hiện ra nó, cất tiếng gọi lũ nghé với vẻ hoảng hốt thì đã muộn.

Gầm lên một tiếng rung cả rừng, gã phóng ra và chỉ ba nhịp nhảy, gã đã chồm lên lưng một con nghé. Gã cắn vào gáy rồi vật con nghé xuống. Một miếng đớp chính xác nữa, con nghé bị đứt động mạch cổ, máu phun thành vòi. Không để cho đàn trâu kịp ổn định đội hình tấn công lại, gã cắn gãy xương cổ con nghé rồi bỏ đấy và nhảy vào giữa đàn trâu rừng. Thế là đội hình trâu rừng hoàn toàn rối loạn, chúng không thể tấn công lại con hổ vì nó đã ở giữa. Những cú vả khủng khiếp cùng với tiếng gầm dữ dội của con hổ đã đè bẹp ý chí chiến đấu của đàn trâu. Con đầu đàn vùng bỏ chạy, lập tức cả đàn rùng rùng chạy theo, bỏ mặc chú nghé đang giãy giụa trong cơn hấp hối.

Con Leng nằm chơi cách đó không xa, nên khi nghe tiếng hổ gầm và thấy đàn trâu chạy tán loạn, nó biết con hổ đực kia đã xuất đầu lộ diện. Nó chạy lần lại gần chỗ con nghé và trong khoảnh khắc, ánh mắt nó chạm ánh mắt gã hổ kia. Nhìn ánh mắt gã lóe lên những tia sáng dữ dội, con Leng lập tức tỏ thái độ thân thiện bằng cách ngồi ngay xuống, chiếc đuôi dài vẫy qua, vẫy lại vui vẻ.

Thái độ của con Leng khiến gã yên tâm. Gã đến gần con Leng, hít hít mấy hơi và ngay lập tức, gã nhận mùi khói bếp, hơi người và cả hơi của chó vương vấn trên bộ lông mịn màng… Những thứ mùi này đã giúp gã khẳng định con hổ cái này đúng là không phải sống trong rừng mà là ở nhà với con người. Nhưng tại sao nó lại ở được với giống người nhỉ? Trong suy nghĩ của gã, thì giống người là giống tàn ác, tham lam và nham hiểm bậc nhất trong tất cả các loài động vật. Sự nham hiểm, tàn ác của con người còn được nhân lên gấp bội bởi các loại vũ khí mà chúng dùng để hại các loài động vật khác. Loài hổ có sức mạnh vô địch, nhưng đó là sức mạnh trời cho chúng, là sức mạnh của chính bản thân chúng. Còn con người, chúng biết sử dụng những thứ công cụ khác để tăng thêm sức mạnh cho mình.

Nhưng dù ả hổ đang ngồi trước mắt gã đây từng sống ở đâu, trong hoàn cảnh nào thì đó vẫn là một nàng hổ đang độ tuổi dậy thì, mà gã thì đang cần có một mái ấm gia đình. Gã đi vòng quanh con Leng vài lần, hít thêm vài hơi nữa rồi bỏ ra chỗ con nghé: “Mặc kệ cô em, ta phải chén cái đã. Đói lắm rồi”.

Và chỉ trong khoảnh khắc, gã dường như quên phắt mất sự hiện diện của nàng hổ xinh đẹp. Gã vội vã xé tung ổ bụng con nghé và say sưa ăn bộ phổi. Vừa ăn gã vừa gầm gừ, mắt vẫn nhìn quanh cảnh giác. Con Leng men đến gần thì gã hổ đã chồm dậy, nhe răng hộc lên.

Con Leng bực mình, thật là đồ bần tiện, ta đâu có thèm tranh ăn với mi. Ở nhà ông chủ còn phải dỗ ta ăn những miếng thịt lợn mềm ngọt, những con gà non tơ mơn mởn. Sáng nay, ta cũng đã ăn đẫy bụng thịt lợn, mà đó là lợn do ta săn được, ta có phải là kẻ sắp chết đói, chết khát đâu…

Gã hổ kia lôi cả bộ lòng con nghé ra chỗ khác và ăn ngấu nghiến. Giống hổ, khi săn được mồi, bao giờ cũng chén lục phủ ngũ tạng của con vật trước, chúng đặc biệt khoái khẩu với phổi, tim, lòng non của con vật.

Thấy con hổ tha bộ lòng ra chỗ khác, con Leng lại gần. Mùi máu tanh nồng cộng với màu thịt đỏ sẫm và hơn cả là cơ thể bất động của con vật mới đây còn chạy nhảy, còn gặm cỏ, lại đánh thức bản năng của loài thú ăn thịt ẩn náu trong con Leng. Nó hít hít rồi thè lưỡi rụt rè liếm vào xác con nghé rồi rứt một mảnh thịt, nhai chậm chạp. Những thớ thịt nghé ngọt đậm đà làm tan biến nỗi e dè và gây cho nó sự hứng thú đặc biệt. Nó nằm phục xuống, hai chân trước giữ chặt lấy con nghé. Nó vội vàng rứt, xé, nhai vội vàng từng miếng thịt... Và cũng vừa ăn vừa gầm gừ làu nhàu…

Gã hổ đã chén xong, gã đến gần con Leng và bình thản nhìn cô ả ăn ngấu nghiến. Gã chưa kịp tỏ thái độ thì nghe vẳng đâu đây có tiếng người. Gã vội vàng co giò chạy biến, còn con Leng bỏ xác con nghé, quay về phía có tiếng gọi:

- Leng... eng ơi! Leng... ơi! Leng... eng...

Tiếng gọi tên nó và kèm theo là tiếng con Lếch sủa oăng oẳng. Khẽ gầm lên một tiếng trả lời rồi con Leng lại ngồi xuống, chờ đợi. Chỉ lát sau, cái dáng đậm chắc của ông chủ đã hiện ra với khẩu súng cầm trong tay và chiếc đèn pin. Ông Tài hơi sững người khi thấy con Leng ngồi bên xác con nghé. “Trời ơi, hóa ra con Leng đã biết đi vồ nghé”. Ông Tài thốt lên rồi chạy vội đến. Con Leng ngoe nguẩy đuôi mừng rỡ đón ông. Khẽ vỗ vào đầu con Leng, rồi ông đi xung quanh xác con nghé và khi nhìn cái gáy bị cắn nát của con nghé, ông thở phào nhẹ nhõm. Vết cắn này không thể là của con Leng, đó là vết cắn của một con hổ khác, con này đã dày dạn kinh nghiệm trong việc săn mồi. Chỉ có những con hổ trưởng thành, già dặn trong chiến đấu với các loài thú mới dám tấn công trâu rừng, biết chọn những con nghé non và để đè bẹp sức kháng cự, nó cắn vào gáy, bẻ gãy xương cổ con vật. Con Leng chưa đủ sức làm việc đó. Mà bữa nay, gặp đàn trâu rừng, nếu con Leng xông vào, ắt nó không thể còn nguyên vẹn thế kia. Trời bắt đầu tối. Cây đèn pin trong tay ông Tài soi thấy nơi gã hổ ăn bộ lòng con nghé còn thừa chút ít. Vậy là đúng rồi, con Leng mò ra đây chơi và được thừa hưởng bữa ăn thừa của con hổ đó. Ông Tài cẩn thận xem vết cắn và khẳng định con hổ đó khá to và là hổ đực. Vì nếu là hổ cái thì ắt con Leng không thể đụng đến được một miếng.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới