Những lần đi vào rừng, tuy không gặp con Leng nhưng nhìn dấu chân hổ để lại trên nền đất ướt, ông Tài lại lấy thước ra đo và đã có lần ông có linh cảm đó là chân con Leng. Ông giơ tay lên, thầm xin trời phật phù hộ cho con hổ cái mà ông đã dày công nuôi dưỡng.

Con hổ Leng (76 tin)
con ho leng ky 57 Con hổ Leng (Kỳ 56)
con ho leng ky 57 Con hổ Leng (Kỳ 55)
con ho leng ky 57 Con hổ Leng (Kỳ 54)

Cả tháng trời sau khi thả con Leng đi, ông Tài như người mất hồn.

Nỗi thương nhớ con Leng đến với ông trong lúc ông ăn ngủ, lúc ông đi rừng và ở đâu ông cũng thấy hơi hướng của nó. Có khi ông đứng tần ngần cả nửa tiếng đồng hồ trước cửa hang trong khu chuồng con Leng. Ông hình dung ra những lúc nó nằm gối cái đầu khỏe mạnh, kiêu hãnh lên hai chân và chờ đợi ông… Ông nhớ lại những lúc nó lăn xả vào ông, liếm chân tay, liếm mặt ông… Nhưng ông nhớ nhất là ánh mắt của nó. Ánh mắt ấy nó nhìn ông lúc nào cũng lấp lánh những tia sáng tin cậy, chờ đợi và thấm đẫm yêu thương.

Còn con Lếch, nó cũng nhớ đứa con nuôi đến bỏ cả cơm. Ban đêm, nó ngửa mặt lên trời tru từng hồi dài để gọi con Leng về. Mỗi khi thấy ông Tài chuẩn bị vào rừng là con Lếch lại mừng cuống quýt. Nó quấn lấy chân ông và luôn nhìn ông bằng ánh mắt cầu khẩn. Nó tưởng ông đi rừng để gọi con Leng về, nhưng đến lúc ông vỗ vào đầu nó, chỉ tay vào thềm nhà ra hiệu cho nó ở lại thì nó thất vọng. Nó nằm thượt ra, tai thõng xuống buồn bã. Lúc ấy nó chỉ biết trút cơn bực bội vào bất cứ con lợn, con ngựa của ai đó đi qua, thậm chí một bóng chim đại bàng cũng làm nó lồng lộn sủa tức tối.

Cũng từ sau ngày thả con Leng, ông Tài chăm đi rừng hơn và ông cũng vài lần đến lũng Bom. Ông để ý tìm dấu vết nó và cũng là để phát hiện những gã thợ săn. Ngày xưa, khu rừng cấm quốc gia Mường Báng được bảo vệ nghiêm ngặt. Người dân ai muốn vào rừng làm nương phải xin phép, muốn vào bắn con gà, con lợn cũng phải xin phép. Nhưng từ khi có chủ trương cho trồng cây cao su ở một tỉnh Tây Bắc, rồi mở đường vào huyện và xu thế làm ăn được bung ra, việc bảo vệ rừng cấm tự dưng bị sao nhãng hẳn. Các nhân viên kiểm lâm ở mấy trạm quanh rừng Mường Báng cũng lo đi buôn gỗ, thậm chí đi sang Trung Quốc đánh hàng, chẳng mấy ai tâm trí đâu mà lo giữ rừng, ngăn chặn nạn săn trộm nữa.

Ngày ông Tài còn gác rừng, dân các xã đều nể trọng, bọn đi săn trộm cũng kiềng mặt ông. Hễ thấy bóng ông Tài là chúng vội kéo nhau chuồn cho xa, vì chúng biết, nếu để ông bắt được thì mất súng như chơi. Đã có kẻ căm ông Tài tới mức tổ chức răn đe ông bằng ngón đòn hội chợ, nhưng chúng không ngờ ông Tài vốn là dân trinh sát công an vũ trang, giỏi võ có tiếng, nên chỉ sau vài cú đấm đá là chúng biết nên chạy nhanh thì tốt hơn cả.

Những lần đi vào rừng, tuy không gặp con Leng nhưng nhìn dấu chân hổ để lại trên nền đất ướt, ông Tài lại lấy thước ra đo và đã có lần ông có linh cảm đó là chân con Leng. Ông giơ tay lên, thầm xin trời phật phù hộ cho con hổ cái mà ông đã dày công nuôi dưỡng.

Cho đến năm sau, vào mùa xuân, ông Tài ra mỏ Muối và lần này ông đã gặp con Leng.

Mỏ Muối nằm ở khu rừng giáp ranh với Lào và cách lũng Bom chỉ không đầy hai chục cây số.

Gọi là mỏ Muối thì nghe có vẻ to tát, chứ thực ra, nơi đây chỉ có một mạch nước ngầm rỉ ra từ trong một quả núi đá. Vào mùa mưa, nước từ mạch này chảy xuống một cái hồ nhỏ chỉ rộng khoảng hai héc-ta và nông choèn choẹt. Dưới đáy hồ toàn đá cuội lổn nhổn và khá nhiều rong đuôi chồn. Loại rong này, người chẳng ăn mà thú cũng chẳng thèm. Đến mùa khô, nước kiệt, có lúc đáy hồ trơ toàn đá cuội, rong đuôi chồn chết khô, nhưng chen giữa đá cuội là những vũng nước nhỏ. Thứ nước này hơi mặn và có mùi tanh của hơi kim loại, nấu cơm không được, đun nước uống cũng chẳng ra gì… Nhưng bọn thú rừng thì lại rất thích thứ nước này.

Cứ vào mùa xuân, thú rừng từ khắp vùng dồn về đây uống nước khoáng để chuẩn bị bước vào mùa sinh đẻ.

Bọn thú ăn cỏ là voi, trâu, bò, nai, hoẵng… rất thích nước khoáng và chúng thường ở đây tới cả tháng. Uống nước khoáng, chúng thải ra ngoài giun, sán và một loại con ký sinh trùng giống như sán lá sống trong dạ dày… Bọn thú ăn thịt thì không uống nước mà cứ liếm những hòn đá cuội…

Người ta cũng lấy mẫu nước ở đây đem về Hà Nội xét nghiệm. Kết quả ra sao, cũng chẳng thấy ai công bố. Và cũng chỉ nghe nói rằng bọn thú uống nước ấy là vì trong đó có những nguyên tố vi lượng giúp cho sự sinh sản của chúng.

con ho leng ky 57
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ở mỏ Muối này, vào mùa xuân, xảy một hiện tượng kỳ lạ. Ấy là bọn thú ăn thịt và thú ăn cỏ sống chung với nhau.

Ngày thường bọn thú ăn thịt và thú ăn cỏ có bao giờ gần nhau được, nhưng khi ra đến suối khoáng, ta có thể thấy một con hổ đứng cạnh đàn nai uống nước, một con báo nằm uể oải nhìn đàn công múa chỉ cách vài ba mét và ngay cả đám voi vốn ồn ào, khi đến mỏ Muối cũng rất trật tự. Lũ voi con được vào uống trước, sau đến là voi cái, cuối cùng là voi đực. Trong khu mỏ Muối, không hề có tiếng hổ gầm, voi rống mà chỉ có một khung cảnh yên tĩnh, thanh thản và cực kỳ hòa thuận giữa các loài thú.

Nhưng những ngày hòa bình đó kéo dài không lâu. Chỉ khoảng chục ngày đầu của tháng Hai âm lịch, sau đó bọn thú lại tản đi và cho đến sang năm...

Có một truyền thuyết rằng: Ngày xửa ngày xưa, tất cả bọn thú đều do một cha mẹ đẻ ra, chúng vốn là anh em sống dưới một mái nhà. Nhưng vì sinh đẻ quá nhiều và lắm loài nên không con nào chịu con nào, vì vậy chúng luôn đánh nhau. Cha mẹ chúng buồn lắm nên đuổi chúng đi nhưng hẹn mùa xuân về, khi mẹ chúng vắt sữa ra thì chúng phải về để uống sữa cho cha mẹ thấy mặt.

Ngày còn làm kiểm lâm, năm nào cứ vào dịp tháng Hai âm lịch, ông Tài cũng được giao nhiệm vụ ra mỏ Muối đếm thú. Các nhân viên kiểm lâm khác chẳng mấy ai hào hứng với việc đó, nên họ gần như giao khoán cho ông Tài. Ông ra đây, dựng chòi trên một cây sung cổ thụ và ở đó, có khi cả gần tháng. Khi bọn thú kéo về, ông đếm từng con rồi ghi vào sổ. Và theo thời gian, số lượng thú cứ ít dần, ít dần, thậm chí có năm không thấy bóng một con hổ, con báo nào. Lũ voi, thời trước năm 1980, có khi kéo cả đàn hai chục con về uống nước, nhưng gần đây, có năm chẳng thấy con nào. Mỗi lần ra mỏ Muối đếm thú về, ông lại thấy trong lòng buồn day dứt. Nhưng ông cũng hoàn toàn không biết rằng, các báo cáo về số lượng thú của ông thường bị sửa chữa, thay đổi rất nhiều… Thậm chí có năm số lượng thú lại còn… tăng thêm.

Khi chuẩn bị đi ra mỏ Muối, ông Tài sang nói chuyện với kiểm lâm Phú:

- Chú Phú à, tôi định vài ngày nữa ra mỏ Muối. Cũng muốn xem năm nay thú còn bao nhiêu và cũng mong gặp con Leng. Nói thật với chú, từ ngày cho nó ði, tôi cứ nhý mất ðứa con. Con Lếch cũng buồn lắm...

Phú nói luôn:

- Bác ạ, thôi đừng ra đó cho mất công. Con Leng chắc nó cũng chẳng về đâu. Em có hỏi chuyện một số tay thợ săn, chúng nó bảo, rừng bên mình hết sạch thú rồi. Nếu còn chỉ là lũ lợn thôi. À, nhân đây em hỏi ý kiến bác. Em định làm một trang trại nuôi lợn rừng. Có người ở dưới xuôi đầu tư cho em, nuôi được bao nhiêu, họ mua hết. Mà giá lợn rừng, dù là lợn mình nuôi, cũng đắt gấp năm lần lợn ỉ. Bác thấy thế nào?

Ông Tài gật đầu:

- Tôi cũng nghe nói dưới xuôi bây giờ thịt lợn rừng đang là đặc sản. Mà lạ lắm, cái gì bây giờ cũng là “đặc sản”. Thằng Minh nhà tôi nó bảo, quả vả thái mỏng ngâm dấm cũng là đặc sản, rồi ngọn rau dớn, mà họ gọi là cây dương xỉ cũng là đặc sản. Nhưng nuôi được lợn thì dễ mà chuyển nó ra được ngoài mới khó, chẳng lẽ gùi lợn cuốc bộ ra tỉnh à?

Phú cười:

- Họ đang mở đường nhựa rồi. Chỉ giữa năm nay là xong. Nếu em nuôi, bác cho em mượn cái chuồng nhốt con Leng nhé. Em thả vào đấy khoảng hai chục con.

Ông Tài hào hứng:

- Tôi đồng ý. Chú cứ mang vào đó mà thả. Chỉ có điều, bọn lợn rừng nó hay đào bới lắm, nên phải kiểm tra lại chỗ chân hàng rào.

Phú vui vẻ:

- Bác cứ yên tâm, em sẽ xem lại. Thả thêm vào đó vài con gấu cũng được. Mật gấu bây giờ có giá lắm.

Rồi bỗng ông Tài nhăn mặt:

- Tôi thấy người dưới xuôi bây giờ ngu lắm. Nghe nói rằng người ta đua nhau uống rượu mật gấu. Thế thì chết. Mật gấu pha với rượu chỉ để xoa vết thương thì tốt, còn uống rượu lại hại gan vô cùng.

Phú gật đầu:

- Một ông bác sĩ bảo em mật gấu chỉ pha với nước lã thì chữa được nhiều bệnh, ngăn được cả ung thư - Phú ngừng lại rồi hỏi tiếp - Bác định đi ra mỏ Muối mấy ngày?

Ông Tài nghĩ một lát rồi nói:

- Tôi phải ra hết nửa tuần trăng. Cầu trời khấn phật cho con Leng nó về mỏ Muối.

Phú thở dài:

- Em sợ nếu nó gặp bác bây giờ nó cũng quên rồi. Mà bác phải rất cẩn thận đấy nhé. Nó mà ra mỏ Muối là thường có thằng hổ đực đi theo đấy. Mà vào mùa động dục, hổ đực bảo vệ hổ cái cũng ghê lắm.

Ông Tài gật đầu:

- Chú cứ yên tâm, tôi đi, giao tất cả nhà cửa cho chú. Con Lếch nó cũng phải theo tôi. Có đàn gà thì tôi thả hết vào chuồng hổ rồi. Kệ chúng nó lên kho ngô tự nhặt lấy mà ăn.

***

Ông Tài chuẩn bị cho chuyến đi ra mỏ Muối rất cẩn thận. Ông mang theo võng, chăn, hai cái xoong, một cái nấu thức ăn và một cái nấu cơm. Ông lại mang thêm ba chục mét dây dù, rồi muối, ớt, gạo và một chiếc đài bán dẫn.

Sáng sớm ông đi. Lưng ông đeo gùi và thêm một chiếc balô đeo trước ngực. Con Lếch vui ra mặt. Nó nhảy cẫng lên xung quanh ông vì nó biết như thế này là ông sẽ đi rừng rất lâu. Và trong linh cảm nó nghĩ rằng ông sẽ đi tìm con Leng. Từ ngày con Leng đi đến giờ đã được vài tháng, nhưng con Lếch cũng vẫn cảm thấy hình bóng con Leng như đang lẩn khuất đâu đây. Nó khao khát có một ngày được gặp lại đứa con nuôi to xác mà ngờ nghệch. Nó sẽ lại được đưa con Leng đi chơi trong bản, đi ra nương, cùng nhau săn bọn lợn rừng. Nó cũng mơ tới một ngày con Leng đi trước, nó đi sau và nó có nhiệm vụ phải bảo vệ, che chở cho con Leng.

Phải mất một ngày rưỡi thì ông Tài và con Lếch mới ra đến mỏ Muối. Ở trên cây sung rất lớn nằm sát mép hồ, trên đấy ông Tài đã dựng một cái chòi từ lâu rồi. Bây giờ mưa gió đã làm cái mái mục nát hết. Việc đầu tiên của ông Tài là tìm chỗ ở cho con Lếch. Ông đi loanh quanh và thấy trong một gốc cây vả có một cái hốc lớn, ông bảo con Lếch: “Mày chui vào thám thính xem có ở được không?”. Con Lếch ngửi ngửi ở cửa hang rồi bỗng sủa váng lên. Tiếng nó sủa rất gắt. Ông Tài giật mình và biết ngay trong đó đang ẩn náu một con thú nào. Ông chặt một đoạn tre dài để chọc vào hang. Cái hang sâu hun hút và ông cảm thấy ngay trong đấy có con gì đó. Ông nghe thấy tiếng thở phì phì, rồi ông reo lên: “Trăn đất rồi”. Quả nhiên chỉ mấy phút sau, lù lù cái đầu con trăn đất màu nâu nhạt hiện ra. Con trăn thò đầu ra khỏi hang lấc láo nhìn xung quanh. Con Lếch định lao vào cắn. Ông Tài vội vàng túm gáy lôi nó lại. Giống trăn đất hiền lành chẳng gây hại cho ai bao giờ nên ông không muốn giết nó. Con trăn bò ra ngoài. Nó dài có đến ba mét và khoảng bụng giữa của nó to như cái phích hai lít rưỡi. Ông Tài để mặc con trăn bò đi rồi ông bảo con Lếch: “Thôi mày không ở hang này được. Mày lên ở cùng với tao”. Thế rồi ông đi chặt tre, đan một cái rổ, buộc dây dù vào đấy rồi ông trèo lên chòi bảo con Lếch: “Mày vào rổ để tao kéo lên”. Nó hiểu ý, ngồi vào trong đấy rồi ông Tài kéo cái rổ lên. Được lên chòi, nhìn xuống xung quanh, con Lếch thích lắm. Rồi ông Tài sửa lại cái thang, bắc lên cho chắc chắn. Ông đi chặt lá chuối rừng đã khô mang về lợp mái. Chỉ khoảng ba tiếng đồng hồ là căn chòi đã trở nên tươm tất. Rồi ông lại đi chặt ống mương, lấy nước đổ vào và mang lên trên chòi. Ông lại nhặt củi, làm một cái bếp nhỏ ngay trên chòi. Chòi khá vững cho nên ông có thể mắc võng nằm hoặc cũng có thể nằm dưới sàn. Nhưng ông Tài rất thích nằm võng, cho nên ông không quan tâm đến chỗ ngủ ở dưới.

Ngày hôm sau, ông Tài xách khẩu súng CKC đi loanh quanh và ông bắn được một con lợn khoảng mười lăm cân. Ông xẻ thịt nó ra, xát muối vào rồi đốt lửa nướng sơ sơ. Chỗ thịt này đủ cho ông ăn thoải mái cả tháng.

Vào ngày mùng Ba tháng Hai âm lịch, khi mặt trăng như cái lưỡi liềm nhô lên thì ông Tài thấy trong lòng mình hồi hộp lạ thường, bởi ông biết theo quy luật từ lúc có trăng như thế này bọn thú sẽ kéo về. Quả nhiên, sáng ngày hôm sau ông Tài đã thấy có một đàn trâu khoảng hơn chục con kéo vào uống nước, rồi lục tục thấy xuất hiện những con nai, con hoẵng và đến chiều thì ông thấy có một đôi bò rừng. Con bò đực có cái sừng chĩa ra phía trước to như hai cái ống bương nhọn hoắt màu vàng ngà. Nhìn thấy cặp bò rừng, ông Tài nổi máu thợ săn. Ông biết rằng, nếu ông bắn con bò kia cắt cái đầu nó mang về thì ông sẽ có được món tiền khá. Người ta vẫn mua cái đầu bò rừng có khi với giá đến nửa cây vàng. Nhưng ông chỉ nghĩ thế thôi. Ông ngồi lẩn mẩn đếm bọn thú và ghi chép vào sổ. Ông làm hệt như ngày xưa ông đã từng làm. Nhưng ba ngày trôi qua, bọn thú kéo về mỗi lúc một đông nhưng tuyệt nhiên không nhìn thấy một con thú ăn thịt nào. Nhiều nhất vẫn chỉ là bọn trâu, nai và lũ lợn rừng. Bọn lợn rừng đi đến đâu là gây ồn ào đến đấy. Chúng bới, chúng ủi. Rồi lũ lợn con thì nghịch ngợm suốt ngày nhưng khi ra đến mỏ Muối tự nhiên chúng khác hẳn. Chúng lặng lẽ xuống uống nước, rồi cũng lên bờ nằm phơi nắng. Bọn trâu cũng vậy. Chúng nằm trên bãi cỏ uể oải, vô tư lự và mặc cho lũ chim sáo nâu, sáo đá rúc cả vào lỗ tai bắt rận. Đôi bò rừng thì suốt ngày kiên nhẫn liếm những hòn đá ở nơi mạch nước ngầm chảy ra. Lũ trâu thì uống nước ở dưới hồ đã cạn trơ khấc chỉ còn lại những vũng nước nhỏ. Và cũng thật lạ, bọn trâu vốn thích nước, nhưng có một khoảng nước sâu nhất ở giữa hồ chúng cũng không lao xuống để tắm.

Cứ mỗi một giờ qua đi, nỗi thất vọng khi không thấy một con thú ăn thịt nào trong ông Tài lại lớn dần.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới