Ông cắn vào tai nó, ông sờ từng chiếc răng của nó. Con Leng nhìn ông bằng ánh mắt nồng nàn. Và thỉnh thoảng thè cái lưỡi ráp như lá “máy tra” liếm vào tay ông. Từ sâu thẳm của tri thức, con Leng nhớ lại ngày còn sống bên ông.
Con hổ Leng (Kỳ 57) |
Con hổ Leng (Kỳ 56) |
Con hổ Leng (Kỳ 55) |
Sang đến ngày thứ năm, khi mặt trăng đã hiện lên méo mó chẳng ra một thứ hình thù gì thì bỗng buổi đêm con Lếch đang nằm ngay dưới võng của ông nó nhổm dậy. Nó vươn cổ ra đánh hơi khìn khịt rồi nó khẽ rít lên ư ử. Ông Tài giật nhổm dậy theo và vớ khẩu súng CKC. Con Lếch nằm xuống, đuôi cụp vào tận bụng. Nhìn thái độ con Lếch, ông Tài khẽ thốt lên: “Có hổ về”. Ông vỗ vào đầu con Lếch: “Mày thính mũi, thử ngửi xem có đúng hổ không hay con Leng về đấy?”. Nghe nhắc đến chữ Leng, con Lếch lại bò ra mép sàn đón hướng gió và hếch mũi lên hít hít. Dường như nó đang lọc ra trong làn gió từng phần tử của con hổ. Và rồi chỉ trong khoảnh khắc nó nhận ra cái mùi hổ đang mơ hồ bay theo gió đấy là mùi của con Leng.
Mất khoảng một tiếng sau thì mùi hơi hổ đã rõ dần và bây giờ với khứu giác tuyệt vời của mình, con Lếch nhận ra con Leng đã có mặt ở đây. Nó cất tiếng sủa vang như thể muốn gọi: “Leng ơi, mẹ Lếch đây. Mẹ đang ở đây đợi con”. Con Lếch sủa vừa dứt thì ông Tài gọi to: “Leng ơi Leng!”. Tiếng ông gọi tha thiết xen lẫn tiếng chó sủa hối hả làm náo động cả một khu thung lũng yên tĩnh. Và chỉ không lâu sau, có tiếng hổ gầm trả lời. Người ông Tài run lên như phát sốt: “Ôi đúng con Leng rồi. Con ơi con ở đâu mau ra đây với ta”.
Từ trong vạt tre ven đồi, một con hổ chậm rãi xuất hiện. Nó tiến thẳng về phía gốc cây sung. Dưới ánh trăng mờ, hình bóng con hổ đi điềm tĩnh, oai vệ và đầy tự tin. Cả ông Tài và con Lếch đều cuống quýt. Con Lếch sủa liên hồi như thể muốn gọi: “Con ơi, ta đây, đến đây với ta”. Ông Tài cũng gọi: “Leng ơi, ta ở đây”.
Con Leng bước đi thủng thẳng như thể vừa đi vừa suy nghĩ điều gì đó. Nếu là ngày xưa thì hẳn nó đã nhảy những bước dài đến chỗ ông, nhưng bây giờ đã hàng tháng rồi nó sống trong hoang dã. Tiếng gọi của ông và tiếng sủa con Lếch đã làm thức tỉnh ký ức về những ngày tháng sống với ông và với bà mẹ nuôi khác giống đang dần dần trỗi dậy. Nó đến cách gốc sung chừng năm chục mét thì dừng lại. Ông Tài vội cho con Lếch vào rổ thả xuống trước, rồi ông tụt theo thang xuống. Tay ông vẫn cầm khẩu súng. Bởi ông phải cảnh giác biết đâu có một gã hổ đực loanh quanh gần đây. Ông Tài dựa lưng vào thang, hai tay ông giơ ra phía trước: “Con ơi, nếu con đúng là Leng thì lại đây với ta nào”.
Con hổ nhổm dậy, nó chậm chạp đi đến ông và khi chỉ còn cách hơn chục mét thì đột nhiên nó lao vụt về phía ông như thể đi vồ mồi. Và trong khoảnh khắc cái đầu to lớn của nó dụi vào ngực ông, nó vật ông xuống và liếm láp khắp người ông. Con Lếch cũng cuống quýt chạy quanh và liếm con hổ. Đúng là con Leng rồi, nó rời ông Tài và quay sang liếm con Lếch. Ông Tài lại ôm ghì đầu nó vào lòng và nói: “Con ơi, đúng con rồi. Không biết ta có nằm mơ hay không đây. Con lớn thế này rồi à? Mày đã có chồng chưa? Dạo này con ở đâu, sống ở khu rừng nào. Ta nhớ con đến chết mất. Con ơi, hay bây giờ ta chuyển về đây sống với con nhé”. Con Leng cứ gừ gừ lên trong cổ họng. Ông Tài ôm lấy vòng bụng con Leng và bàn tay ông chạm vào những đầu vú đã mòng mọng: “Leng ơi! Con đã lớn thế này rồi ư? Ôi, nó có chửa đây này. Sao, chồng con đâu? Chà chà, hay mày về nhà bố mà đẻ. Con mày bố nuôi cho, khi nào lớn, bố lại thả về rừng. Mày biết không, vắng mày tao nhớ đến mất ăn mất ngủ, tao chỉ lo bọn người bắn mất mày”.
Ông nói với con Leng như thể nói với thằng Minh hồi nhỏ. Ông cắn vào tai nó, ông sờ từng chiếc răng của nó. Con Leng nhìn ông bằng ánh mắt nồng nàn. Và thỉnh thoảng thè cái lưỡi ráp liếm vào tay ông.
Từ trong sâu thẳm của tiềm thức, con Leng nhớ lại ngày còn sống bên ông. Nó nhìn ông, ánh mắt như muốn nói: “Bố ơi, con là Leng đây. Từ ngày bố cho con về rừng con đã trưởng thành lên nhiều. Bây giờ, con đã biết cách tấn công bọn trâu rừng đi thành bầy, con đã biết tránh những cú húc chết người của bọn lợn lòi, con đã học được cách câu cá bằng đuôi, cách bắt cá bằng mồm. Con cũng đã gặp nhiều người lạ và cũng bị chúng bắn, chúng chăng lưới... nhưng con vẫn thoát được. Bây giờ, chúng đừng hòng nhìn thấy con. Bố biết không, cũng có lần đi qua, từ trên đỉnh núi nhìn xuống con thấy nhà ta và thấy bố đang bổ củi... Hôm nào con lại về với bố nhé. Chồng con sắp về rồi đấy, bố có ngửi thấy hơi trong gió không...”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Phút giây êm đềm kéo dài không lâu khi một con hổ đực xuất hiện. Nó gầm lên dậy đất rồi phóng thẳng vào ông Tài. Nhanh như cắt, ông Tài leo lên chòi, con con Lếch vội vàng chui tọt vào cái hang của con trăn. Con hổ đực lồng lộn đi quanh, đôi lúc lại nhảy chồm lên thang.
Nhìn con hổ đực ông Tài cười, mắng yêu:
- Sư bố anh, ghen gì với tao. Mày thử hỏi vợ mày xem, tao là thế nào. Leng... Con nói cho nó biết đi.
Con Leng cố ngăn cản cơn ghen của chồng bằng cách lấy đầu ẩy nó đi chỗ khác. Còn gã hổ đực thì kiên quyết kéo vợ đi, không cho con Leng nằm dưới gốc cây sung nữa.
Ông Tài khấp khởi mừng thầm vì con Leng sắp đẻ. Ôi, thế là rừng này lại có thêm những chú hổ con. Chúng sẽ làm cho rừng thêm sức sống. Chúng sẽ là con vật tô điểm cho rừng thêm kỳ vĩ, thâm nghiêm. Rồi sẽ có một đàn hổ... một đàn hổ.
Trời sáng rõ, con Leng và con hổ đực lại đi đâu mất. Đến chiều, ông mới thấy chúng về liếm nước khoáng đọng trên các tảng đá gần mạch nước. Và con hổ đực luôn bám theo con Leng, không rời nửa bước. Khi chiều tà, con hổ đực bỏ đi đâu đó, con Leng lại đến gốc sung và nó lại lăn xả vào ông Tài... Những phút dây ngập tràn niềm vui như thế thường kéo dài không lâu. Khi con hổ đực sắp về là con Leng biết. Nó vùng dậy, ủi đầu vào ngực ông như thể muốn nói: “Ông lên chòi đi. Thằng chồng con nó về đấy. Con bảo nó rồi, nhưng nó không tin rằng con từng ở với ông, từng được ông nuôi nấng, cưu mang”.
Con Leng ở với ông được hơn ba ngày thì nó lại ra đi. Trước lúc đi, nó đứng gần gốc sung, ngửa mặt hướng lên chòi và gầm lên như muốn nói: “Ông ơi, con phải đi đây... Con đi đây”.
Nghe tiếng gầm của nó, ông Tài run lên bần bật. Ông gục mặt xuống sàn chòi, không dám nhìn nó...
***
Ngay sau khi con Leng đi, ông Tài cũng thu dọn các thứ và trở về bản. Ông chạy ngay ngay đến nhà kiểm lâm Phú khoe rối rít:
- Phú ơi, tao gặp con Leng rồi, nó đang có chửa. Nó đẹp lắm, đẹp lắm.
Phú cười rạng rỡ và hỏi:
- Nó có nhớ ra ông không?
- Có chứ. Nó nhớ lắm. Nó đến đùa với tao, với con Lếch. Mày ngửi người tao mà xem... Còn mùi hổ đây này.
Phú bỗng trầm tư:
- Lạ nhỉ, không thể hiểu được bác với bọn hổ này là thế nào? Em thấy thầy Tào bảo, kiếp trước bác là hổ.
Ông Tài cười:
- Kiếp trước, tao là hổ, là chó.
***
Hàng tháng sau, trong ông Tài vẫn có cảm giác sung sướng ngây ngất khi nghĩ tới con Leng đàn hổ con.
Một hôm ông qua trạm gác rừng phía bắc, một nhân viên kiểm lâm hí hửng khoe với ông rằng: “Chúng tôi vừa tóm được ba chú hổ con rất đẹp. Thằng hổ bố bị bắn ngót hai chục viên AK mới chết, con mẹ chạy thoát”. “Thế bọn hổ con đâu?” - Ông Tài hỏi, giọng run bắn. “Bán ngay, đem ra tỉnh bán ngay. Hai chỉ vàng một con. Ông biết không, con hổ đực tát chết một người, còn thằng Mon ở trạm, bị nó tát bay cả xương quai xanh”. Ông Tài bật khóc như trẻ con khi nghe gã nói thế. Ông muốn đấm vào bộ mặt nhơn nhơn của gã, ông nguyền rủa bọn chúng và tiếc rẻ sao con hổ đực không tát chết chúng đi.
Con Leng nằm bất tỉnh đã hai ngày liền. Trong hai ngày đó, ông Tài không rời nó phút nào. Ông khóa cửa chính và đi bằng cửa ngách phía sau. Ông không muốn cho ai biết việc con Leng bị thương nặng và đã trở về.
Ông giết gà, lấy tiết đổ vào mồm nó. Ông cho thịt bò vào cối giã nhuyễn rồi lọc lấy nước đổ cho nó uống. Ông chạy ra một hiệu thuốc tư nhân ở gần thị trấn và mua được ít Penixilin, rồi thuốc bổ B1, Vitamin C… Ông rắc bột Penixilin lên vết thương của con Leng và ông lấy lông nhím đốt thành tro, giã mịn rắc thêm vào. Chả hiểu bài thuốc trị vết thương hở bằng tro lông nhím ai tìm ra và có từ bao giờ, nhưng với người dân Mường Mun, nếu bắt được con nhím, thì họ không bao giờ vứt lông đi. Họ bó lông nhím lại treo lên gác bếp, hoặc đốt thành tro bỏ vào lọ và đi rừng sâu thì luôn mang theo. Bị đứt chân, đứt tay, hay bất cứ chỗ nào bị chảy máu là rắc tro lông nhím. Ngày ông Tài còn là lính công an vũ trang, khi đi tiễu phỉ, trong túi thuốc của y sĩ, thế nào cũng có một ống nữa đựng tro lông nhím. Ông đã chứng kiến một chiến sĩ của đồn bị đạn của phỉ bắn xuyên đùi. Anh y sĩ đổ tro ra lòng bàn tay ấp vào… Thế mà cầm máu rất nhanh. Nhưng sau này, có một bác sĩ của Bộ Tư lệnh dẫn một đoàn vào kiểm tra công tác phòng dịch, chống sốt rét của đồn, ông phê phán không tiếc lời cái thứ “thuốc cầm máu bằng lông nhím” và yêu cầu chấm dứt ngay. Ông nói nhiều quá, khiến anh y sĩ của đồn phát cáu. Anh ta nói: “Thủ trưởng bảo chúng tôi phản khoa học, mất vệ sinh, là chữa vết thương bằng phương pháp lạc hậu, ngu muội… Chúng tôi chả biết tro của lông nhím có chất gì, nhưng chỉ biết thứ đó cứu được nhiều anh em của đồn và bà con trong bản. Còn nếu thủ trưởng không cho chúng tôi dùng thì hãy cung cấp đủ thuốc kháng sinh”.
Quả thật, chỉ sau hai ngay, vết thương con Leng đã se miệng, không còn rỉ nước vàng và mùi hôi thối cũng hết. Con Lếch thì suốt ngày liếm láp cho con Leng và mỗi khi thấy con Leng cựa mình là mắt nó lại sáng lên.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong