Từ ngày con Leng về, bà con bản Mun, chả ai bảo ai nhưng đều thấy phải có trách nhiệm với con Leng và ông Tài. Nhà nào thịt lợn, thịt bò cũng đem cho con Leng, thậm chí, cho nó cả chục trứng gà, trứng vịt.

Con hổ Leng (76 tin)
con ho leng ky 64 Con hổ Leng (Kỳ 63)
con ho leng ky 64 Con hổ Leng (Kỳ 62)
con ho leng ky 64 Con hổ Leng (Kỳ 61)

Vết thương bắt đầu kéo da non. Suốt ngày con Leng có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, nhưng cảm giác đó khá dễ chịu, không như ngày vết thương lở loét. Sau mỗi ngày, cảm giác ngứa ngáy bớt dần.

Dù nhận thấy được sự thay đổi trong con Leng và một niềm tin rằng con Leng sẽ không còn tính hoang dã nữa đã lớn dần, nhưng ông Tài vẫn thấy cần phải cảnh giác. Vì thế, ông Tài nhờ bà con trong bản dựng lại khu chuồng phía sau. Mọi người kiểm tra từng cái cột, cái nào hỏng được thay bằng cái mới. Ông Tài nói với mọi người rằng, từ bây giờ cái chuồng này sẽ là ngôi nhà vĩnh viễn của con Leng. Do đó, mọi người làm lại cả cái hang, cái chòi cho con Leng. Chưa ai thấy hổ đẻ bao giờ nên mọi người tham gia làm khu chuồng cho con Leng với sự thích thú. Trưởng bản Pờ Văn Minh còn cho khoét một lỗ nhỏ bí mật để quan sát khi con Leng đẻ. Và cũng chưa ai được nuôi hổ con, nên có mấy nhà đã đăng ký ông Tài cho nuôi, trong đó có hai người mà ông Tài cảm thấy khó từ chối, đó là thầy cúng Tào và anh Phú kiểm lâm.

Cũng từ ngày có con Leng về, bản Mun chợt đông hẳn lên. Câu chuyện con Leng đến với từng gia đình, đến từng lớp học và không ít người đã hào hứng vẽ ra một viễn cảnh là bản Mun trở thành một bản nuôi được nhiều hổ và sau này sẽ là nơi cho khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh lấy tiền… Và bản Mun, có khi đổi thành bản Khà Dừ . “Khà dừ”, tiếng Hà Nhì là con hổ. Khi nói đến “tương lai” bản Mun sẽ thành bản Khà Dừ, ai cũng thấy hay và có ý nghĩa. Còn “Mun”, nghĩa là gì, chả ai biết được.

Và cũng thật kỳ lạ, từ ngày con Leng về, bà con bản Mun, chả ai bảo ai nhưng đều thấy phải có trách nhiệm với con Leng và ông Tài. Nhà nào thịt lợn, thịt bò cũng đem cho con Leng, thậm chí, cho nó cả chục trứng gà, trứng vịt. Có người đi chợ huyện, thấy có người bán thịt trâu bị ế, thế là cũng mua mấy cái cẳng chân trâu về cho con Leng. Con Leng dường như cũng cảm nhận được tình cảm của bà con bản Mun, nên khi đi lại được khá bình thường, nó hay ra cửa, đứng nhìn mọi người qua lại bằng ánh mắt vui vẻ và thể hiện bằng sự ve vẩy đuôi.

Ông Tài đưa con Leng vào khu chuồng, nhưng nó không thích. Nó nhìn ông bằng ánh mắt cầu khẩn, van xin. Ông rất hiểu ánh mắt ấy.

Ông Tài nói với con Leng:

- Con ơi, con phải thương ta. Ta cũng muốn cho con ở bên cạnh ta lắm, nhưng ta thì tin con, chứ mọi người có tin con đâu. Người ta lại còn nói rằng để con thế này, lỡ con nổi thú tính lên, gây chuyện không hay thì biết làm thế nào đây.

con ho leng ky 64
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tuy vậy, chỉ lúc nào ra khỏi nhà, ông Tài mới cho con Leng vào chuồng và khóa lại. Còn khi ông ở nhà, nó cứ quanh quẩn bên ông. Con Leng lẽo đẽo theo ông Tài đến mức ông vừa buồn cười vừa thương. Ông đi ra vườn, nó cũng đi theo, ông cuốc đất trồng rau, nó cũng nằm bên cạnh, rồi thậm chí khi ông xuống suối gùi nước, nó cũng theo ông xuống suối. Ông Tài có cảm giác rằng đi đâu, làm gì đều có hình bóng của nó ám ảnh đằng sau.

Ban ngày là thế, ban đêm ông ngủ, con Leng nằm dưới chân phản. Ông biết rõ, thỉnh thoảng nó lại rón rén bò dậy, chồm lên phản và lặng lẽ ngắm nhìn ông.

Cũng có lần, ông tỉnh giấc đúng lúc đó, ông vỗ vỗ nhẹ nhẹ vào đầu nó:

- Ngủ đi con! Mày bây giờ phải lo cho mấy đứa ở trong bụng đấy.

Lũ hổ con trong bụng con Leng lớn lên trông thấy. Giống hổ chỉ chửa hơn ba tháng là đẻ. Bây giờ chẳng biết được bao lâu, nhưng khi sờ bụng con Leng, ông Tài cảm nhận rõ lũ hổ con đang cựa quậy bên trong. Ông Tài đoán lần này con Leng đẻ ba con. Nghĩ đến lúc con Leng đẻ ra một lũ hổ con, ông Tài thích lắm. Ông luôn luôn hình dung tới một ngày, ông cùng con Leng và lũ hổ con đi chơi trong bản. Nghĩ thế thôi, ông Tài đã thấy một cảm giác sung sướng, mãn nguyện bao trùm.

Rồi ông Tài lại phân vân không biết tới khi đó, mọi người sẽ nhìn nơi này như thế nào.

Nghe ông Tài kể những hy vọng, phân vân của mình, Pờ Văn Minh nói:

- Chỉ cuối năm nay thôi là đường đã thông về đến tận xã, theo em, đến lúc ấy, bác cứ thu tiền người nào muốn xem và chụp ảnh với mấy con hổ. Ai muốn xem phải trả tiền, ai muốn chụp ảnh cũng phải trả tiền. Bác phải có tiền thì mới mua đủ thức ăn cho mấy con hổ. Nuôi một mình con Leng đã khó rồi, tới lúc đó có thêm mấy con hổ con nữa. Em đọc báo thấy trong miền Nam người ta nuôi hổ, mỗi ngày phải cho một con hổ ăn ít nhất 5-7kg thịt. Bác thử tính xem, nếu vậy thì bác phải nuôi bao nhiêu trâu bò để thịt cho nó ăn.

Ông Tài bật cười:

- Bà con đã đến xem nó, thăm nó mà lại thu tiền thì nghe không có lý chú ạ.

Minh:

- Bác có thu tiền của người dân bản Mun đâu. Dân bản Mun này, ai cũng yêu quý con Leng. Chỉ có người ở xa đến thì mới thu tiền.

***

Một buổi chiều, ông Tài đang ăn cơm thì Minh chạy sang:

- Bây giờ bác phải cẩn thận đấy. Dân bản Pó nói con Leng tát chết hai người bên ấy. Có thể chúng nó sẽ kéo sang trả thù.

Ông Tài cười nhạt:

- Tôi cũng có nghe thầy Tào nói cẩn thận không bị trả thù đấy. Cứ chờ xem chúng nó dám đưa ai đến đây.

Minh:

- Nghe nói là tay trưởng bản bên ấy muốn kiện bác vì đã nuôi con Leng. Nhưng anh em bộ đội biên phòng đã can ngăn và phân tích cho hắn rằng việc họ tự ý đi săn hổ là sai. Còn chuyện con Leng hay con hổ nào đó tát chết người thì đó là phản xạ bình thường của con thú. Bên đồn biên phòng và công an huyện đang cố dàn xếp và vận động họ đừng làm chuyện gì không hay, sắp bầu cử rồi.

Ông Tài cười, rồi chỉ lên khẩu súng CKC:

- Trong khẩu súng kia còn mấy viên đạn đấy, để xem đứa nào dám vác mặt tới đây.

***

Quả nhiên, ngày hôm sau, ông Tài đang ở nhà thì có ba người ở bản Pó đến. Ông Tài chỉ lờ mờ nhớ mặt một người trong số ba người đó. Đó là tay trưởng bản, người dân tộc Thái, tên là Vương Văn Hà.

Ngày trước, Hà cũng từng đi bộ đội, cũng là lính biên phòng. Nhưng rồi anh ta xuất ngũ và làm công tác ở bản. Tuy nhiên, Hà không phải là người được dân bản yêu quý bởi tính vụ lợi và cũng là người hay tổ chức săn bắn thú rừng để nấu cao có tiếng ở khu vực huyện Mường Báng. Nhưng dân bản Pó vẫn bỏ phiếu bầu cho Hà bởi hắn là người có đầu óc làm kinh tế. Chính hắn đã vận động bà con trong bản đào ao thả cá và nuôi nhím, nuôi chồn để bán cho nhà hàng đặc sản dưới xuôi. Hắn cũng là người có công đi kêu với huyện tình trạng đói nghèo ở bản. Trong một cuộc họp các trưởng bản ở huyện, có sự tham gia của Chủ tịch tỉnh và cả cán bộ của Ủy ban Dân tộc miền núi, Hà đã dám đứng lên chỉ trích các chính sách về giúp bà con nghèo là chỉ có trên giấy, còn ở dưới - đặc biệt là các ngân hàng thì chỉ tìm cách gây khó dễ khi bà con xin vay tiền, thậm chí phải hối lộ mới được vay. Chả hiểu hắn học được từ ai câu nói “Nghị quyết trên trời, cuộc đời dưới đất” và sang sảng đọc ở hội trường. Cách nói thẳng đuột của hắn lại tạo ra được sự chú ý của lãnh đạo và ông Chủ tịch đã biểu dương hắn là dám nói thẳng, nói thật, rồi ông phê phán cán bộ huyện, xã quan liêu, phê phán chi nhánh ngân hàng nông nghiệp của huyện tiêu cực, nhũng nhiễu… Và thế là trước lãnh đạo huyện, Trưởng chi nhánh ngân hàng đã phải hứa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con vay tiền. Từ sau lần ấy, Hà nổi lên như một cán bộ năng động, mạnh mẽ và quyết đoán. Quả thực, được vay vốn ngân hàng để nuôi cá, nhím, chồn, đã có gần chục gia đình ở bản Pó phất lên trông thấy. Hắn được đi báo cáo điển hình ở tỉnh, rồi về Hà Nội, được gặp lãnh đạo Chính phủ.

Việc hai người ở bản Pó bị hổ tát chết và lão Puốn chết vì ngộ sát, Hà rất hiểu nguyên nhân và cũng thấy chẳng có lý do gì để kiện tụng ông Tài. Hơn nữa, với ông Tài, tuy là người khác bản, khác dân tộc, nhưng tiếng tăm của ông thì hắn rất biết. Và hắn hiểu rõ rằng đụng vào ông Tài là rất không ổn. Tuy nhiên, vì hắn trót nhận ít tiền “bồi dưỡng” của mấy gia đình có người chết nên cũng liều đến gặp ông Tài. Hắn rủ thêm một tay công an viên và một thợ săn, người chứng kiến con hổ tát chết hai người.

Sau vài ba câu chuyện đãi bôi, chào hỏi, Hà đặt vấn đề:

- Bác Tài ạ, hôm nay tôi đại diện cho người dân bản Pó tới đây nói chuyện với bác về con hổ Leng.

Ông Tài nhìn Hà và hai người còn lại bằng ánh mắt không có chút nào thiện cảm:

- Có việc gì thì các anh cứ nói đi.

Hà điềm tĩnh:

- Việc con Leng vô cớ tát chết mấy người ở bản Pó chắc là bác đã biết. Dân bản Pó đang đi nương thì bị con này và một con hổ đực phục kích vồ người. Anh em phải tự vệ bắn chết con hổ đực và bắn bị thương một con. Sau này mới biết đó là con Leng. Nếu từ lúc đầu, mọi người biết là con Leng thì chả dám làm thế. Bây giờ chúng tôi sang đây nói chuyện với bác. Bác là người nuôi con hổ này thì bác phải có trách nhiệm đền bù sinh mạng hai người đã chết.

Ông Tài quắc mắt nhìn Hà:

- Nếu tôi không đền bù thì sao?

Hà thay đổi thái độ:

- Cái đấy tùy bác thôi. Nếu bác không đồng ý thì dân bản Pó sẽ kiện bác ra tòa án. Bác nuôi con hổ này thì bác phải có trách nhiệm chứ. Bác thả nó ra để nó đi vồ người à?

Ông Tài, đặt mạnh chén rượu xuống bàn:

- Này! Tao nói cho chúng mày biết. Chúng mày thích đi kiện ở đâu thì kiện. Chúng mày tổ chức săn bắn hổ và bị nó tát chết là việc của chúng mày. Còn con hổ này, đúng là ngày xưa tao nuôi nó, tao thả nó về rừng và nó đã sống mấy năm ở trong rừng rồi. Nó là của rừng chứ không phải là của tao. Còn bây giờ, tao nói cho chúng mày biết, chúng mày đừng hòng động vào con hổ và đừng mong tao đền bù gì cả. Chúng mày săn bắn hổ là đã vi phạm luật Nhà nước rồi. Cút ngay khỏi nhà tao!

Thấy ông Tài nổi nóng, gã công an viên đi cùng Hà nói:

- Thôi! Thôi! Bác Tài! Chúng tôi lạ gì bác đâu. Từ xưa đến nay, bác là người chúng tôi kính trọng. Bây giờ xảy ra việc như thế, theo chúng tôi, bác cũng nên có trách nhiệm với gia đình những người đã bị con hổ tát chết. Đưa nhau ra pháp luật làm gì!

Ông Tài cười khẩy:

- Tao chẳng có trách nhiệm gì với gia đình những đứa bị chết. Chúng nó vào rừng săn hổ, bị hổ tát chết thì phải chịu. Còn chúng mày, tao nói lại lần nữa, chúng mày thích đi kiện đâu thì kiện.

Nói xong, ông Tài đuổi cả đám về.

Mấy hôm sau, có đơn kiện ông Tài thật. Nhưng ai cũng thấy có sự vô lý nên chẳng ai bênh vực đám đi săn trộm này. Những lá đơn gửi đi bị vứt xó ở Ủy ban nhân dân huyện, Tòa án và Công an.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới