Bọn phạm nhân cung phụng ông Tài, hầu hạ ông Tài chu đáo đến mức ông không thể tưởng tượng nổi. Chúng lo cho ông từng miếng cơm, hớp nước. Có miếng gì ngon nhất gia đình gửi vào, chúng đều dành cho ông. Ước mong của chúng chỉ là đến tối được ông kể chuyện cho nghe.

Con hổ Leng (76 tin)
con ho leng ky 67 Con hổ Leng (Kỳ 66)
con ho leng ky 67 Con hổ Leng (Kỳ 65)
con ho leng ky 67 Con hổ Leng (Kỳ 64)

Một buổi sáng, Đại tá Nguyễn Huy Trực vừa đến phòng làm việc thì đã thấy Thượng tá Trung, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự đã đứng ở cửa chờ sẵn.

Nhìn thấy nét mặt tươi rói của Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Đại tá Nguyễn Huy Trực hỏi:

- Trông nét mặt cậu, hình như có tin vui phải không?

Trung cười:

- Báo cáo anh, đã tìm ra được một thằng trong số ba thằng trốn thoát rồi. Hiện đang lấy lời khai của nó ở dưới huyện.

Đại tá Nguyễn Huy Trực vỗ tay:

- Hay lắm! Thế bước đầu nó khai ra cái gì? Mà thôi, vào đây đã. Uống chén nước rồi trình bày cho cụ thể.

Đại tá Nguyễn Huy Trực mở cửa phòng, rồi tự tay đun nước, pha trà. Tính ông là thế. Cứ lúc nào có việc cần nhanh, gấp rút, thì ông lại tỏ ra điềm tĩnh một cách lạ thường. Thế nhưng, đằng sau sự điềm tĩnh ấy là những tính toán tìm ra phương án điều tra, xử lý công việc mà nhiều khi anh em cấp dưới không thể nào đoán biết được.

Từ xưa đến nay, Đại tá Nguyễn Huy Trực nổi tiếng là người có khả năng thiên bẩm về điều tra án, đặc biệt là các vụ trọng án. Anh em công an kể cho nhau nhiều giai thoại về việc Giám đốc Trực chỉ đạo điều tra các vụ án lớn như thế nào. Ở ông, có một sự linh cảm đặc biệt đối với bọn tội phạm. Có những vụ án, Cảnh sát hình sự của Bộ lên giúp đỡ điều tra, nhưng án vẫn tắc. Chỉ đến khi ông trực tiếp tham gia vào công tác điều tra thì vụ án mới được bóc gỡ. Chẳng thế mà đã có lần lãnh đạo Bộ gợi ý đưa ông về Tổng cục Cảnh sát, nhưng ông kiên quyết từ chối.

Ông nói rằng, ông đã ở tỉnh này từ khi đầu còn xanh tuổi còn trẻ, ông đã bảo vệ vùng biên cương Tổ quốc mấy chục năm rồi nên không muốn đi đâu nữa. Ông ở đây, từng con suối, từng ngọn núi, từng bản, từng làng đã gắn bó với ông. Bà con các dân tộc ở tỉnh nghe đến tên ông là đã thấy một sự kính trọng và tin tưởng ông tuyệt đối. Tất cả những vụ xưng vua, xưng chúa, truyền đạo trái phép, nếu ông có mặt thì mọi chuyện được xử lý một cách hết sức nhẹ nhàng và có tình, có lý. Ở tỉnh này,. hầu hết các vụ khiếu kiện kéo dài hoặc những vụ gây rối đều là do cán bộ gây nên, chưa có vụ nào ở tỉnh này do người dân tự phát. Người dân bị đè nén, bị cán bộ từ cấp thôn, cấp xã, rồi cả huyện, cả tỉnh lợi dụng chức quyền lấy đất, không để cho họ làm ăn yên ổn thì mới sinh chuyện như vậy. Đã có những vụ gây rối mà bà con bắt giam cả Chủ tịch huyện, Phó công an huyện, nguy cơ đổ máu đến nơi vì lãnh đạo tỉnh đã ra lệnh cho công an và quân đội dùng lực lượng mạnh tấn công để giải cứu cán bộ, nhưng ông Trực kiên quyết phản đối. Ông cho rằng công an và quân đội là lực lượng vũ trang của Đảng để đánh địch, chứ không phải để đánh dân. Cứ cho là dân sai, là người dân bị kẻ xấu xúi giục, bị các thế lực phản động giật dây, nhưng thế lực phản động nào, ở đâu, băng nhóm nào, đã có ai chỉ ra không. Việc lộn xộn nào cũng nói là do các “thế lực phản động”, nhưng chưa “tóm” được kẻ nào cầm đầu cả. Còn nếu không thấy, thì biết đâu căn nguyên lại chính do cán bộ của chúng ta sai. Ông Trực xuống thẳng huyện, mời bà con đến họp, mời cả những người đã tham gia bắt cán bộ và cam kết sẽ chỉ đối thoại, chứ không bắt bớ.

Và thế là một cuộc đối thoại vô tiền khoáng hậu giữa một ông Giám đốc công an tỉnh và bà con diễn ra suốt từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Buổi trưa, ông cho anh em luộc một nồi khoai to và một rổ ngô để mọi người ăn.

Mỗi người dân trình bày một kiểu, nhưng xâu chuỗi lại thì ông thấy rằng, chính cán bộ đã sai. Ruộng nương đang cày cấy như vậy, tự dưng lại vẽ ra một cái quy hoạch xây dựng một khu công nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để thu ruộng. Nhưng rồi, khu đất ấy lại được bán cho một số doanh nghiệp để đào đãi vàng. Người dân chịu không nổi nên khiếu kiện và rồi bị vu là gây rối. Có một số gia đình theo đạo Tin Lành, lẽ ra phải vận động, phân tích cho người dân hiểu thì lại cử lực lượng xuống đập phá nơi thờ tự. Chuyện nọ xọ chuyện kia, người dân chịu không nổi nên mới làm loạn.

Sau khi nghe xong câu chuyện, Giám đốc Công an tỉnh quyết định đình chỉ công tác Phó công an huyện và báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy đình chỉ công tác Phó chủ tịch huyện, đồng thời tổ chức xin lỗi và trả lại ruộng đất cho bà con.

Mọi việc được giải quyết êm thấm. Sau này, khi đoàn cán bộ dân vận từ Trung ương, bao gồm cả lãnh đạo Bộ Công an về kiểm tra thì đều thấy rằng phương án xử lý của Giám đốc Trực có tình có lý và hết sức nhân văn. Ông Trực luôn luôn quan niệm rằng, các vụ bà con khiếu kiện kéo dài, hoặc thậm chí gây rối thì hầu hết nguyên nhân là từ cán bộ và từ cả chính sách đề bù, giải tỏa, thu hồi đất - “Quan bức dân phản” - Ông thường nhắc lại câu nói này trong các hội nghị và khẳng định, đối với người dân, họ có mong ước gì cao xa đâu. Chỉ là mong có việc làm, có cuộc sống ấm no, làm gì có người dân nào lại thích đối đầu với chính quyền. Người dân chỉ phản khi cán bộ trở thành đám cường hào kiểu mới.

con ho leng ky 67
Tác giả chụp ảnh cùng chú hổ con

Đại tá Nguyễn Huy Trực rót trà, rồi nói:

- Bây giờ cậu kể đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe để xem thế nào.

Trưởng phòng Cảnh sát hình sự thuật lại quá trình điều tra tìm ba tên đã trốn thoát trong nhóm bắt trộm hổ của ông Tài.

Hóa ra cả ba gã này đều có tiền án, tiền sự, thậm chí có gã từng ngồi tù 15 năm và mới được ra tù. Trong ba tên ấy, đang chú ý nhất là có tên Túc, biệt danh là Túc “cao” vì hắn là tay chuyên nấu cao, cả cao giả lẫn cao thật. Hắn cũng được coi là người có nhiều kinh nghiệm trong nấu cao hổ cốt và có cả một đường dây đưa hổ từ bên Lào về. Và anh em bắt được khi hắn đang đang chuẩn bị qua cửa khẩu sang Lào.

Ngay sau khi bắt được tên Túc, anh em cảnh sát đã tập trung quần hắn, nhưng hắn chỉ một mực khai hắn và hai tên nữa cùng làm đi bắn con hổ và đi nhờ xuồng của ông Đạt về.

Những lời khai của hắn khá lung tung và rất mâu thuẫn, cho nên anh em cảnh sát điều tra càng có cơ sở để cho rằng dứt khoát đằng sau hắn phải có người đứng ra tổ chức, thậm chí bảo kê.

Trong những điều Túc đã khai ra thì có thể thấy đằng sau câu chuyện còn có một nhân vật tên là Sơn “xồm”. Tuy nhiên, hắn cũng mới chỉ khai rất nhỏ giọt và có thái độ cực kỳ sợ hãi khi bị hỏi xoáy vào vai trò ai là chủ mưu.

Trung nói:

- Báo cáo anh, nó còn bảo nếu nó khai thì khi vào trại giam nó cũng sẽ bị giết chết, vì người mà thuê bọn chúng cực kỳ có thế lực. Hắn còn khai rằng, kẻ đó từng phạm tội mà có đàn em đứng ra nhận tội thay.

Ông Trực nhíu mày:

- Gớm thế cơ à. Theo cậu, ở tỉnh ta có thằng nào như vậy không?

Trung gật đầu:

- Nếu dính đến vụ đi tù thay thì có. Đó là vụ án giết thằng Thào người Thái ở bản Mom, cách đây cả chục năm. Vụ ấy nghi phạm chính là thằng Sơn “xồm”. Nhưng sau đó, chính hắn khai ra một gã tên là Lù, dân tộc Thái. Gã khai nhận là đã nhỡ tay đánh chết thằng Thào vì tội ăn chia không sòng phẳng. Mặc dù chứng cứ còn sơ sài, nhưng do hết thời hạn điều tra nên vẫn kết tội hắn. Tòa xử 15 năm tù, được 3 năm thì hắn chết trong trại vì bị sơ gan cổ trướng. Sau này, đặc tình trại giam của em cũng nói về việc này và bảo thằng Sơn thuê thằng Lù với giá 10 cây vàng. Quả thực, thằng Sơn là kẻ cực kỳ nham hiểm và có nhiều thủ đoạn. Tài liệu trinh sát về hắn thì có nhiều, nhưng chứng cứ cụ thể lại rất ít.

Đại tá Nguyễn Huy Trực hỏi:

- Hiện nay thằng Sơn “xồm” ở đâu?

Trung nói:

- Báo cáo Giám đốc, ngay sau khi có thông tin, em đã cho giám sát Sơn “xồm” chặt chẽ. Tuần tới, em sẽ cho triệu tập Sơn “xồm” vì có nhiều đơn tố cáo hắn buôn lậu bên Lào và nấu cao giả, lừa người dân. Nghe nói, còn cả vụ đào mả người chết bị sét đánh lấy xương bán cho thầy cúng ở bên Lào.

Đại tá Nguyễn Huy Trực gật gù:

- Thế thì xoáy vào những việc đó. Tôi có nghe chuyện thằng này mua xương chó dưới Hà Nội về nấu cao, rồi pha thêm thuốc phiện giả làm cao hổ. Những người bị thấp khớp uống cao của nó đều thấy dễ chịu ngay, vì trong cao có thuốc phiện, mà thuốc phiện thì giảm đau rất tốt. Các cậu tập trung đấu tranh với thằng này.

***

Từ hôm được chuyển về phòng giam cũ ở cùng Quyết đại ca, ông Tài thấy thoải mái hơn hẳn. Ở phòng giam riêng đúng là có cái hay là được tự do, điều kiện sinh hoạt tốt, anh em quản giáo đối với ông hết sức trọng thị, thậm chí hằng ngày anh y sĩ của trại giam còn đến hỏi han sức khỏe ông, có hôm còn đo cả huyết áp và nhịp tim. Tuy nhiên, ông Tài vẫn cảm thấy có điều gì đó áy náy, bởi ông biết phòng giam này dành riêng cho những người có chức sắc, mà ông thì chỉ là dân đen, lại còn phạm trọng tội như lời cán bộ điều tra nói. Bất luận vì lý do gì, mà bắn chết 2 người, rồi lại bắn bị thương Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thì từ xưa đến nay là chuyện hiếm.

Trở về phòng giam ở cùng đám tội phạm hình sự, ông Tài thấy vui hẳn lên. Hằng ngày, bọn phạm nhân xúm xít xung quanh nghe ông kể chuyện. Ông kể cho chúng nghe chuyện từ ngày ông còn là lính công an vũ trang đi tiễu phỉ trong chiến dịch 800, rồi những năm tháng ông sống ở rừng Mường Mun… Ông kể cho chúng nghe về những đàn thú, những suối Voi, mỏ Muối, lũng Bom… Và khi ông kể, thì cả phòng giam cứ im phăng phắc.

Bọn phạm nhân ở đây hầu hết vào tù vì cờ bạc, tội phạm có tổ chức bảo kê bến bãi, rồi buôn lậu, đâm thuê chém mướn. Trong số chúng, có những thằng tiền án, tiền sự còn “nhiều hơn tiền mặt”. Dường như mỗi đứa trong phòng giam này trước nay chỉ nghĩ mưu, nghĩ kế để làm thế nào cướp được, kiếm được, móc túi được thật nhiều tiền. Vậy nên bây giờ được nghe ông kể về lịch sử một vùng đất hoang vu, về những con thú, những loại cây rừng và cả những món ăn, chúng rất thích thú. Chúng vô cùng ngạc nhiên khi nghe ông kể rằng, ông đi rừng thì chỉ cần một cái niêu con, một nhúm muối và ít gạo, rồi bằng tay không ông cũng kiếm được thức ăn. Ông kể cho chúng những cách làm bẫy chuột rừng, bẫy sóc, bắt rắn trong hang. Rồi ông kể cho chúng nghe về những ngày ông chăm con Leng. Và khi ông kể đến đoạn con Leng bị người ta bắn bị thương, trong lúc sức tàn lực kiệt, cái chết đang đến với nó từng giờ, nó nhớ đường và bò về nhà, ông Tài bật khóc rưng rức.

Quyết đại ca an ủi ông Tài, rồi nói với bọn phạm nhân:

- Tao nói cho chúng mày biết, ở đời, phạm tội cũng có dăm bảy loại. Cái loại suốt đời phạm những tội hèn hạ như anh em mình thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng như bố Tài đây, bố phạm tội là bởi vì bố đã dám trừng trị những kẻ đã phạm tội ác tày trời. Những người có nhân cách thì cũng phạm tội có nhân cách, chúng mày phải nhớ lấy điều ấy.

Bọn phạm nhân cung phụng ông Tài, hầu hạ ông Tài chu đáo đến mức ông không thể tưởng tượng nổi. Chúng lo cho ông từng miếng cơm, hớp nước. Có miếng gì ngon nhất gia đình gửi vào, chúng đều dành cho ông. Ước mong của chúng chỉ là đến tối được ông kể chuyện cho nghe.

Ông Tài ở trong tù, nhưng vẫn ức vì không biết bọn nào bày mưu tính kế giết con Leng. Chắc chắn là chúng giết con Leng chỉ là để lấy xương nấu cao, chứ chẳng có ý đồ gì khác.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới