Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á tiếp tục vật lộn với nắng nóng gay gắt và nhiệt độ tăng cao kỷ lục. Nắng nóng cực đoan chưa từng thấy không chỉ gây ra những vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe con người mà tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực khác, trong đó có cả về kinh tế.
- Nắng nóng kỷ lục hoành hành khắp thế giới: Tác động sâu rộng tới kinh tế - xã hội
- Nắng nóng kỷ lục tại nhiều nơi trên thế giới: Cần giải pháp ứng phó toàn diện
- Ảnh: Lũ lụt, nắng nóng kỷ lục tấn công khắp thế giới
Đợt nắng nóng kỷ lục tại Đông Nam Á đang gây ra những tác động nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như nhiều lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội |
Liên tiếp phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ
Châu Á đang trải qua một trong những đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất lịch sử. Thời gian qua, nhiều quốc gia Đông Nam Á và các nước khác trong châu lục đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục. Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) mới đây cảnh báo về tình trạng sóng nhiệt ghi nhận ở nhiều nơi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương như: Nepal, Bangladesh, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Lào, Thái Lan, Việt Nam... Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang phải chống chọi với nắng nóng gay gắt và nhiệt độ cao kỷ lục. Nắng nóng cực đoan gây ra nhiều trường hợp đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác. Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore vừa công bố nhiệt độ cao nhất trong 40 năm qua là 37 độ C vào ngày 13-5, vượt qua kỷ lục trước đó ghi nhận vào tháng 5-2022 là 36,7 độ C. Đồng thời, cảnh báo tình trạng khô và nắng nóng tại đảo quốc này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Malaysia cũng đang phải trải qua đợt nắng nóng chưa từng thấy khiến có tới 14 trường hợp đột quỵ và say nắng, trong đó ghi nhận trường hợp một trẻ em chết vì say nắng. Bộ Y tế nước này phải đưa ra khuyến cáo tới người dân về sự nguy hiểm do nắng nóng gay gắt gây ra và cảnh báo tình trạng này có thể còn kéo dài tới tháng 8 khiến số nạn nhân còn tiếp tục tăng. Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ trước đến nay là 44,1 độ C vào đầu tháng 5, trong khi Philippines đã buộc cắt giảm giờ học sau khi nền nhiệt đạt đến mức “nguy hiểm” với sự kết hợp giữa nhiệt độ nằm trong khoảng 42-51 độ C và độ ẩm cao. Thủ đô Vientiane của Lào cũng phá kỷ lục mọi thời đại vào cuối tuần qua với nhiệt độ 42,5 độ C. Thái Lan trải qua ngày có nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận ở Thủ đô Bangkok, lên tới 41 độ C vào cuối tuần trước.
Trước đợt nắng nóng gay gắt hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung, cũng phải trải qua đợt nắng nóng “chưa từng thấy” vào tháng 4 vừa qua. Tiến sĩ Wang Jingyu, chuyên gia nghiên cứu về khí hậu tại Viện Giáo dục quốc gia Singapore, cho biết tháng 4-2023 là “tháng 4 nóng nhất ở châu Á” từ trước tới nay. Nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng nắng nóng chưa từng thấy ở Đông Nam Á được cho là do biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, lũ lụt, nắng nóng… Một nguyên nhân khác theo giới khoa học, là hiện tượng thời tiết El Nino.
Sau gần 3 năm “vắng mặt” để “nhường sân” cho hiện tượng thời tiết đối nghịch La Nina, El Nino được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) dự báo sẽ quay lại trong năm nay. Nhìn nhận về kỷ lục nhiệt độ tháng 4 và tháng 5 đã bị phá vỡ nhiều nơi ở châu Á, WMO cảnh báo, đây chỉ là khởi đầu của một loạt đợt nắng nóng kỷ lục sắp tới khi El Nino - hiện tượng thời tiết còn được gọi với cái tên “cậu bé hư” - trở lại. Trong tuyên bố vừa được đưa ra, WMO cho biết, có 60% khả năng thời tiết chuyển đổi từ La Nina - hiện tượng thời tiết còn được gọi với cái tên “cô bé hư” - trung tính sang El Nino trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7-2023. Khả năng này sẽ tăng lên khoảng 70% vào tháng 6 đến tháng 8 và tới 80% từ tháng 7 đến tháng 9.
Giáo sư Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO, cho biết, thế giới nên chuẩn bị cho sự phát triển của El Nino, hiện tượng thường liên quan đến việc tăng nhiệt độ, hạn hán hoặc lượng mưa ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Trong 3 năm qua, thế giới đã ở trong giai đoạn thời tiết mát của hiện tượng La Nina nhưng vẫn nóng hơn cả năm 2014 là năm El Nino hoạt động dữ dội nhất. Do đó, Tổng Thư ký WMO cảnh báo, sự phát triển của El Nino rất có thể sẽ dẫn đến một đợt nóng lên toàn cầu mới và tăng khả năng phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ.
Những tác hại và hệ lụy khôn lường
Nắng nóng gay gắt tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, dù mới bước sáng mùa hè năm 2023, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng cho cả sức khỏe, môi trường và kinh tế. Trước hết, tình trạng nắng nóng cao độ, kết hợp với chất lượng không khí thấp tại một số quốc gia như Thái Lan được cho có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cho con người như hô hấp, tim mạch. Vấn đề này sẽ ngày càng gia tăng khi tình trạng biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn. Theo bà Erika Garcia, nhà dịch tễ học môi trường tại Trường Y Keck thuộc Đại học Nam California (Mỹ), khi có đồng thời 2 yếu tố là nhiệt độ cao và chất lượng không khí thấp một lúc thì tác động tổng thể của chúng lên sức khỏe của con người sẽ lớn hơn so với từng yếu tố một.
Nắng nóng gay gắt cùng với tình trạng chất lượng không khí kém đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân, đe dọa sức khỏe của hàng triệu người khi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như sốt xuất huyết... Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giới chức y tế cho biết, số ca nhiễm trùng tim và mắc các bệnh về đường hô hấp đã tăng mạnh, trong khi thực tế đã ghi nhận các ca tử vong do thời tiết nắng nóng cực độ vừa qua ở Đông Nam Á. Chính vì thế, IFRC và các tổ chức quốc tế cũng như trong nước ở Đông Nam Á đang khẩn trương hỗ trợ người dân ứng phó với các đợt nắng nóng cực đoan. Theo đó, thiết lập các điểm hỗ trợ ở những nơi công cộng như bệnh viện, trạm y tế... cho người lao động, đồng thời cung cấp khẩu trang nhằm ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về rủi ro khi cơ thể bị mất nước.
Giới y tế cảnh báo, những người dễ bị tổn thương nhất do sóng nhiệt nhất là trẻ em, sản phụ và những người lao động phổ thông ngoài trời. Sóng nhiệt là khoảng thời gian kéo dài của hiện tượng thời tiết nóng bất thường, thường kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần. Sóng nhiệt có thể gây ra các bệnh như chuột rút do nhiệt, đột quỵ do nhiệt và thậm chí tử vong. Sóng nhiệt dẫn đến nóng đột ngột, làm cho cơ thể con người bị mất nước và mất muối, là nguyên nhân chủ yếu gây ra các trường hợp tử vong do thời tiết. Chuyên gia IFRC khuyến cáo, sóng nhiệt là một “mối đe dọa thầm lặng” nên các nước cần cải thiện khả năng dự báo thời tiết để có hành động ứng phó sớm, tránh các thiệt hại nghiêm trọng về người.
Không chỉ gây hại về sức khỏe, nắng nóng cực đoan cũng gây ra thiệt hại về kinh tế. Nguồn cung dầu cọ bị thu hẹp do nắng nóng đang khiến các nhà đầu tư lo lắng, bởi gần như toàn bộ lượng dầu cọ trên thế giới được trồng ở Đông Nam Á. Ủy ban Thường trực Hỗn hợp về thương mại, công nghiệp và ngân hàng của Thái Lan đã cảnh báo, nguy cơ hạn hán do El Nino gây ra vào cuối năm nay có thể đẩy giá lương thực lên cao. Nắng nóng kỷ lục đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp, gia tăng tiêu thụ năng lượng… cũng như dẫn tới thiếu nước trong những tháng sắp tới tại Đông Nam Á. Chính phủ Philippines đang đẩy mạnh sản xuất nước sạch, bao gồm tăng cường các nhà máy xử lý nước và tái sử dụng giếng sâu. Tháng trước, Thái Lan cũng ban hành quy định tiết kiệm nước trong khi Không quân Malaysia đang hợp tác tạo mây gây mưa với cơ quan khí tượng nước này với mục đích là cung cấp nước cho các đập khô hạn trên đảo Penang.
Hiện nay, giới chức các nước Đông Nam Á cũng đang theo dõi sát nguy cơ cháy rừng và ô nhiễm khói bụi khi khu vực phải đối mặt với nắng nóng gay gắt. Năm 2015, do ảnh hưởng của El Nino, nhiều vùng rộng lớn ở Đông Nam Á chìm trong khói mù, một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất tại khu vực.