Trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhiều bệnh viện tiếp nhận số ca đột quỵ gia tăng, có nơi còn quá tải bệnh nhân cần can thiệp cấp cứu. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau tim mạch và ung thư.
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, những dịp lễ, Tết thường số lượng bệnh nhân đến cấp cứu đột quỵ rất đông do tuyến dưới chuyển tuyến nhiều hơn, tuy nhiên chưa năm nào tăng đột biến như năm nay, tình trạng quá tải xảy ra ngay từ những ngày đầu Tết Nguyên đán.
Chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết, Khoa Đột quỵ não tiếp nhận 68 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu và bệnh nhân nặng chuyển từ tuyến dưới lên. Ngày cao điểm nhất đã tiếp nhận 15 bệnh nhân, tăng 20-30% so với ngày thường. Trong đó có 28 bệnh nhân cần can thiệp nội mạch cấp cứu (16 ca nhồi máu não sớm can thiệp lấy huyết khối, 12 ca xuất huyết dưới nhện can thiệp nút túi phình động mạch), và 5 bệnh nhân xuất huyết não cần phẫu thuật cấp cứu.
Theo BS Tuyến, khí hậu thay đổi thất thường là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ; một số bệnh nhân dừng không uống thuốc điều trị huyết áp (đặc biệt là bệnh nhân trẻ) hoặc không tuân thủ các thuốc điều trị huyết áp như ngày thường cũng là nguyên nhân dẫn tới đột quỵ gia tăng.
Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trước và sau Tết Nguyên đán đã tiếp nhận gia tăng số ca cấp cứu do đột quỵ, có ngày tiếp nhận gần 20 ca, trong đó có nhiều người trẻ. Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, trước Tết có các đợt rét đậm, trời lạnh khiến áp lực dòng máu tăng cao, nhiều người tăng huyết áp đột ngột gây đột quỵ. Ngoài ra, thay đổi nhiệt độ gây co mạch, môi trường lạnh khiến nhiều người mắc các bệnh nhiễm trùng hơn là nguyên nhân gây ra đột quỵ não.
Theo các bác sĩ, nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi, nhưng ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ). Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích, đi kèm với lối sống lười vận động làm gia tăng tình trạng béo phì cũng như các bệnh lý khác.
Giám đốc Trung tâm Đột quy cũng cho biết thêm, tỷ lệ đột quỵ não tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%. Điều đó có nghĩa, cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ não, sẽ có 25 trường hợp bị tái phát. Còn theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia Hoa Kỳ, 10% những người bị đột quỵ não phục hồi gần như hoàn toàn; 25% phục hồi với những khiếm khuyết nhỏ và 40% khác trải qua các khiếm khuyết từ trung bình đến nặng, cần được chăm sóc đặc biệt.
Để phòng tránh đột quỵ não, TS.BS Nguyễn Văn Tuyến khuyến cáo, người trẻ tuổi có bệnh nền nên thực hiện lối sống lành mạnh và đặc biệt tuân thủ chế độ dùng thuốc khi điều trị bệnh nền như tăng huyết áp để tránh hậu quả khôn lường đến từ nguy cơ đột quỵ não. Đồng thời đo huyết áp thường xuyên và nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình.
Đặc biệt, người dân cần có kiến thức nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ để đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời, giảm được di chứng tàn tật sau này. Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4-6 tiếng. Người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng như: Cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng; mờ hoặc mất thị lực một phần hay hoàn toàn; khuôn mặt bị mất cân đối, chạy xệ một bên mặt, nhân trung bị lệch; cơ thể mệt mỏi, không còn sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên người; giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường. Khi bắt gặp các triệu chứng trên, hãy gọi ngay số cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.