Giới khoa học dự đoán Covid-19 sẽ bùng phát lần thứ 4 vào cuối tháng 3-4, nhanh chóng bị đẩy lùi khi mùa hè đến. Các biến thể nCoV vẫn khiến nhân loại bất định.

Tại Mỹ và nhiều khu vực trên thế giới, Covid-19 dường như đang hạ nhiệt. Đường cong dịch tễ dần được làm phẳng, số ca nhiễm và trường hợp tử vong giảm nhanh chưa từng có.

Nhiều người cho rằng đó là dấu hiệu đại dịch sắp kết thúc. Sau một năm bị vùi dập bởi những con số thống kê nghiệt ngã, bị cản trở tiếp xúc với cộng đồng, họ cảm thấy đây là sự giải thoát được hứa hẹn từ lâu. Hầu hết các nhà khoa học hiện nay tin rằng Mỹ sẽ chiến thắng Covid-19 và trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch. Trong một cuộc phỏng vấn của New York Times, toàn bộ người được hỏi đều lạc quan rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Họ kỳ vọng vào mùa hè này, cuộc sống sẽ về với quỹ đạo vốn có.

Song các chuyên gia cũng lo ngại nước Mỹ, đang ở gần với vạch đích, một lần nữa đánh giá thấp virus. Đến nay, các loại vaccine đã phê duyệt đều có hiệu quả cao. Sau thời gian khởi đầu chậm chạp, chiến dịch tiêm chủng đang lấy đà trở lại. Loại vaccine thứ ba được cấp phép, bổ sung vào nguồn cung quốc gia.

Song còn nhiều tuần trước khi chiến dịch tiêm phòng tạo ra "khoảng lặng" của đại dịch. Giờ đây, nCoV đang thay đổi nhanh hơn dự kiến, phát triển thành các biến thể phần nào vượt qua hệ thống miễn dịch. Biến thể mới nhất, B.1.526, được phát hiện tại thành phố New York trong tuần này. Biến thể khác là CAL.20C, đáng ngại không kém, đang lây lan nhanh chóng tại California. Các nhà khoa học cũng cho biết biến thể B.1.1.7 của Anh sẽ chiếm ưu thế ở Mỹ vào cuối tháng 3.

Con đường trở lại cuộc sống bình thường còn nhiều ẩn số. Vaccine hiệu quả thế nào trong ngăn chặn nCoV lây lan, còn tác dụng với biến thể mới nổi không, tốc độ chủng ngừa của thế giới ra sao? Song dấu hỏi lớn nhất là hành vi của cộng đồng. Liệu những người tuyệt vọng mong muốn trở về cuộc sống bình thường có đủ kiên nhẫn tiếp tục đeo khẩu trang và giãn cách với gia đình, bạn bè? Các doanh nghiệp, trường học, văn phòng sẽ đóng cửa trong bao lâu nữa?

Có thể số ca nhiễm nCoV không còn tăng nhanh như trong quá khứ, điều tồi tệ nhất đã lùi về sau. Song các chuyên gia lo ngại, nếu mất cảnh giác quá sớm, cộng với lượng biến thể lan nhanh, Mỹ sẽ đón đợt bùng phát tiếp theo trong những tuần tới. Các nhà khoa học gọi đó là "làn sóng thứ tư". Theo Adam Kucharski, chuyên gia dịch tễ học tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, các biến thể mới có nghĩa nhân loại đang đối mặt với "đại dịch lồng trong đại dịch".

5026 2

Bác sĩ an ủi bệnh nhân nằm trong khu hồi sức tích cực của Trung tâm Y tế Marian, California, tháng 1/2021. Ảnh: NY Times

Mỹ hiện ghi nhận hơn 500.000 người chết vì Covid-19, một con số được cho là khủng khiếp. Tính đến sáng 28/2, ít nhất 29 triệu người đã mắc bệnh. Tỷ lệ ca mắc mới giảm 35% trong hai tuần qua, theo cơ sở dữ liệu của New York Times. Số người nhập viện giảm 31% và tử vong giảm 16%. Nhưng các con số vẫn ở mức cao khủng khiếp, giống với tháng 11. Hôm 24/3, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 3.210 người, không có gì đảm bảo rằng con số này sẽ đi xuống.

Marc Lipsitch, chuyên gia dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan ở Boston, cho biết: "Dù đại dịch suy yếu, số ca nhiễm cao cũng không phải một tin tốt. Lấy mức giảm đó làm cái cớ để mở lại nền kinh tế có thể khiến đại dịch leo thang".

Cuối tháng 11, Thống đốc Gina Raimondo của Rhode Island ban bố lệnh hạn chế tụ tập và hoạt động thương mại trong bang. 8 ngày sau, số ca mắc mới bắt đầu giảm. Toàn bang gỡ lệnh hạn chế. 8 ngày tiếp theo, đồ thị ca nhiễm leo cao trở lại.

Các chuyên gia cho biết đợt sụt giảm ở Rhode Island và hầu hết bang khác là kết quả của nhiều yếu tố. Thứ nhất, ngày càng nhiều người miễn dịch với nCoV do đã nhiễm bệnh hoặc tiêm chủng.Thứ hai, người dân thay đổi hành vi để chủ động phòng tránh Covid-19. Cuối cùng, ảnh hưởng của nhiệt độ và độ ẩm đối với mầm bệnh.

Vaccine được ưu tiên cho người già ở viện dưỡng lão, những người có nguy cơ chuyển nặng và qua đời cao nhất. Điều này giải thích vì sao số ca nhập viện và tử vong ít hơn.

Song thanh thiếu niên mới là nhóm thúc đẩy sự lây lan của mầm bệnh. Hầu hết trong số đó chưa tiêm phòng. Phần lớn nguồn cung vaccine của thế giới được các nước giàu có thu mua. Những quốc gia này tích trữ nhiều hơn 1 tỷ liều so với lượng cần thiết.

Bên cạnh đó, vaccine không thể trả lời cho câu hỏi tại sao dịch bệnh hạ nhiệt ở ngay cả những quốc gia không có ai được chủng ngừa, như Honduras, Kazakhstan hay Libya.

Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân rõ ràng hơn là cộng đồng đã thay đổi hành vi. Nhà lãnh đạo Mỹ và nhiều khu vực đã tăng cường hạn chế sau kỳ nghỉ lễ - cao điểm dịch bệnh. Ngoài ra, hoạt động của từng cá nhân cũng rất quan trọng, theo Lindsay Wiley, chuyên gia về luật và đạo đức sức khỏe cộng đồng tại Đại học Mỹ ở Washington.

"Mọi người tự nguyện thay đổi hành vi của họ khi thấy bệnh viện địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, khi nghe về các đợt bùng phát trong khu vực. Nếu đó là lý do khiến mọi thứ được cải thiện, xu hướng này có thể bị đảo ngược rất nhanh chóng", bà nói.

5110 3

Tình nguyện viên tiêm thử vaccine của Johnson & Johnson tại Trung tâm Thanh niên Quỹ HIV Desmond Tutu ở Masiphumelele, Nam Phi, tháng 12/2020. Ảnh: NY Times

Số ca nhiễm sẽ tăng trở lại khi người dân chủ quan hơn. Sự phấn khích được về với cuộc sống bình thường trên toàn quốc, cộng với việc các thống đốc bị thúc ép dỡ lệnh hạn chế là công thức để biến thể B.1.1.7 cùng những biến thể khác bùng nổ.

"Ai cũng mệt mỏi, mọi người đều muốn cuộc sống khởi sắc trở lại. Việc phải chịu áp lực chính trị ngay bây giờ, khi mọi thứ đang đi đúng hướng, sẽ khiến chúng ta phải trả giá về lâu về dài", tiến sĩ Ashleigh Tuite, chuyên gia mô hình bệnh truyền nhiễm, Đại học Toronto, nhận định.

Phần lớn các nhà khoa học dự đoán Mỹ sẽ trải qua đợt bùng phát thứ 4 vào cuối tháng 3 hoặc tháng 4. Song họ nhấn mạnh đây không phải điều khó tránh khỏi. Nếu các quan chức chính phủ và người dân duy trì biện pháp phòng ngừa trong vài tuần nữa, viễn cảnh xấu có thể không xảy đến.

Một số ít chuyên gia lạc quan hơn, nói rằng họ mong đợi vào các loại vaccine mạnh mẽ và một đợt tiêm chủng mở rộng. Những người khác đứng trung lập.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, cho biết: "Chúng ta đang ở ngã ba đường, nơi tình huống có thể diễn biến tốt đẹp hoặc xấu đi".

Cho đến nay, vaccine đã được chứng minh là hiệu quả hơn những gì nhân loại kỳ vọng, đủ sức ngăn ngừa triệu chứng nghiêm trọng và tử vong ở gần như tất cả người dùng. Hiện tại, khoảng 1,4 triệu người Mỹ được tiêm chủng mỗi ngày. Hơn 45 triệu người đã nhận ít nhất một liều vaccine.

Một nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle đã cố gắng tính toán số lần tiêm chủng cần thiết mỗi ngày để tránh đợt bùng phát thứ tư. Trong mô hình dịch tễ hoàn thành trước khi xuất hiện biến thể, các chuyên gia ước tính chỉ cần tiêm vaccine cho một triệu người Mỹ mỗi ngày sẽ hạn chế là sóng thứ 4.

"Nhưng các biến thể mới đã thay đổi hoàn toàn điều đó. Nó là thách thức lớn về mặt khoa học. Mọi thứ đang chuyển biến rất, rất nhanh", tiến sĩ Joshua T. Schiffer, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Natalie Dean, nhà thống kê sinh học tại Đại học Florida tự nhận thấy mình "lạc quan hơn chút". "Chúng ta thật ngớ ngẩn khi coi thường vaccine", bà nói, đồng thời lưu ý các liều tiêm đủ hiệu quả chống lại biến thể B.1.1.7.

Bất chấp tình hình bất ổn, các chuyên gia dự đoán đợt bùng phát cuối cùng (nếu có) sẽ hạ nhiệt vào khoảng đầu mùa hè. Nếu chính quyền ông Biden giữ lời hứa tiêm chủng cho mọi người Mỹ trưởng thành, các biến thể sẽ bị vaccine đẩy lùi. Tiêm phòng, khả năng miễn dịch tự nhiên và việc người dân ra ngoài nhiều khi thời tiết ấm lên đủ để ngăn chặn bất cứ đợt bùng phát lớn nào, dù đây chưa hẳn là miễn dịch cộng đồng, theo Youyang Gu, chuyên gia dữ liệu độc lập.

5146 4

Chuyên viên phân tích trình tự gene nCoV tại Đại học Duke ở Durham, tháng 2/2021. Ảnh: NY Times

Số ca nhiễm tiếp tục giảm. Quan trọng hơn, các ca nhập viện và tử vong sẽ xuống tới mức không đáng kể, đủ để mở cửa trở lại đất nước. Stefan Baral, chuyên gia dịch tễ tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết: "Đôi khi mọi người mất đi cái nhìn thực tế rằng vaccine ngăn ngừa nhập viện và tử vong. Đó thực sự là điều mà mọi người nên quan tâm".

Ngay cả khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát, người dân vẫn cần đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thực hiện giãn cách xã hội, vì một lượng đáng kể trong cộng đồng chưa được chủng ngừa, bao gồm trẻ em.

"Nếu xử lý rất cẩn thận và mọi người không phát điên lên, chúng ta sẽ có một mùa hè bình thường. Nhưng hy vọng mọi thứ sẽ được giám sát chặt chẽ hơn so với mùa hè năm ngoái", Emma Hodcroft, chuyên gia dịch tễ học phân tử tại Đại học Bern, Thụy Sĩ, cho biết.

Virus vẫn sẽ lưu hành, song ở mức độ nào phụ thuộc vào độ hiệu quả của chương trình tiêm chủng. Dữ liệu về vaccine khá tích cực, nhưng nó không ngăn chặn hoàn toàn sự lây truyền.

Shweta Bansal, chuyên gia mô hình bệnh truyền nhiễm, Đại học Georgetown, nhận định: "Nó (tác dụng của vaccine) không ở mức 0, mà cũng không phải 100. Con số nằm trong ngưỡng nào sẽ rất quan trọng. Nó phải đủ hiệu quả để chúng ta không cần tiêm cho 100% dân số".

Về lâu dài, công chúng đặt câu hỏi liệu virus có bị tiêu diệt khi cả người lớn và trẻ em ở Mỹ đã chủng ngừa? Đến nay, tất cả các chuyên gia từng được tạp chí Times phỏng vấn đều nói không. Ngay cả sau khi phần lớn dân số nước này được dùng vaccine, Covid-19 sẽ xuất hiện thành từng cụm, tận dụng các lỗ hổng để lây lan.

Nhiều năm sau đó, nCoV vẫn lưu hành ở mức độ thấp, như cảm lạnh hoặc cúm mùa. Các nhà khoa học cho biết nỗi lo lớn nhất hậu đại dịch là các biến thể mới sẽ ít nhạy cảm hơn với vaccine. Hàng tỷ người trên toàn thế giới vẫn không được bảo vệ, mỗi lần lây nhiễm lại mang đến cho virus cơ hội đột biến.

Thục Linh (Theo NY Times)

Mỹ nói vaccine một liều Johnson & Johnson hiệu quả Mỹ nói vaccine một liều Johnson & Johnson hiệu quả
Trung Quốc xem xét cấp phép hai loại vaccine COVID-19 mới Trung Quốc xem xét cấp phép hai loại vaccine COVID-19 mới
Phát hiện biến thể COVID-19 mới có thể kháng vaccine, đang lan rộng ở Mỹ Phát hiện biến thể COVID-19 mới có thể kháng vaccine, đang lan rộng ở Mỹ

/ vnexpress.net