Thời tiết giao mùa ở phía Bắc, bệnh nhi mắc virus hợp bào hô hấp (RSV) gia tăng. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2023 đến ngày 5/3, có 1.025 ca mắc virus RSV được ghi nhận; riêng từ ngày 1-5/3, Bệnh viện này đã khám, điều trị cho 157 ca mắc. Hà Nội đã xuất hiện nhiều ổ dịch thuỷ đậu ở trường học, đặc biệt tại huyện Chương Mỹ ghi nhận 130 ca từ đầu năm tới nay.
Mặc dù là Chủ nhật (12/3) nhưng khi tới Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi ghi nhận có đông phụ huynh đưa trẻ tới khám do sốt, ho, thở khó. Người mẹ trẻ bế con 8 tháng tuổi trên tay đang chờ kết quả khám cho biết: "Cháu sốt 38,9 độ, ho, quấy khóc, sáng nay thấy cháu thở khò khè tôi lo quá đưa con đến viện. Giờ đang chờ kết quả xét nghiệm máu". Cùng đó, một ông bố bế con gái đang sốt cao chờ khám cũng lo lắng: "Cháu sốt 2 ngày không hạ, nôn trớ, đã khám ở phòng khám tư, nhưng hôm nay sốt cao hơn nên gia đình tôi vội vàng cho cháu vào viện".
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, các giường bệnh đều kín mít. Phòng 118 có 3 bệnh nhi đang điều trị thì cả 3 đều mắc virus hợp bào hô hấp. Cháu N.G.H (15 tháng, Hưng Yên) nhập viện được 2 ngày, đến sáng 12/3 cháu đỡ sốt hơn, tuy vẫn còn thở khò khè nhưng đã bắt đầu chơi cùng mẹ. "Hôm qua cháu vẫn còn sốt cao lắm, quấy khóc suốt. Ngày đầu cháu phải thở khí dung, nhưng hôm nay cháu không phải khí dung nữa", mẹ bé kể. Theo mẹ bé kể, cháu bị viêm phế quản do mắc virus RSV, phải nhập viện điều trị.
Theo đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện số ca mắc virus RSV đến khám đang có xu hướng tăng, đặc biệt virus này gây ra những diễn biến nặng ở nhóm trẻ nhỏ và có bệnh lý nền. RSV là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm.
Virus RSV là một loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi… Triệu chứng của bệnh giống như cảm lạnh. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng thành nhiễm trùng phổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người đang mắc các bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, bệnh nền mãn tính… RSV có 2 tuýp, tuýp 1 gây sốt cao, tiên lượng nặng; tuýp 2 gây sốt nhẹ, thậm chí không sốt. Bệnh nhân nhiễm RSV biến chứng nặng có nguy cơ tử vong, với tỷ lệ 2,8-22% trên toàn thế giới.
PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, virus RSV xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi hoặc miệng. Nó dễ dàng lây lan trong không khí thông qua các giọt bắn mang mầm bệnh do người bệnh phát tán ra. Virus này truyền sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp, chẳng hạn bắt tay với người bệnh hay chạm vào bề mặt cứng có virus RSV. Người bị nhiễm virus hợp bào có khả năng lây lan cao nhất trong vòng vài ngày đầu sau khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn có thể tiếp tục lây lan trong vài tuần sau đó.
Từ đầu tháng 3 đến nay, số ca đến khám và phải nhập viện do thời tiết giao mùa gia tăng ở nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ghi nhận nhiều trẻ nhiễm cúm A biến chứng viêm phế quản phổi phải nhập viện. Bên cạnh đó, trẻ mắc thuỷ đậu cũng ghi nhận tăng ở nhiều bệnh viện. BS Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, nếu năm trước, cùng thời điểm này không ghi nhận ca mắc thuỷ đậu nào thì năm nay đã có 24 bệnh nhân khám và điều trị. Trong đó, có một số ca bội nhiễm mụn mủ nhiều, biến chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm họng.
Điển hình là trường hợp cháu bé 17 tháng tuổi ở Gia Lâm (Hà Nội), nhập viện trong tình trạng sốt cao, mệt mỏi, các vết phỏng mọc toàn thân kèm theo ho nhiều, tức ngực, kém ăn. Bệnh nhi được chẩn đoán thuỷ đậu biến chứng viêm phế quản phổi, kèm theo bội nhiễm tại các nốt phỏng thuỷ đậu và phải nằm điều trị kéo dài gần 2 tuần.
Mặc dù đến thời điểm này, Hà Nội chưa bùng phát dịch thủy đậu, tuy nhiên đã ghi nhận các ổ dịch rải rác, đặc biệt tại huyện Chương Mỹ đã ghi nhận 2 ổ dịch tại Trường Tiểu học Văn Võ với 12 ca mắc và ổ dịch tại Trường Mầm non Đồng Lạc với 22 ca mắc. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, riêng tại huyện này đã có gần 130 ca mắc. Các bác sĩ khuyến cáo, thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao, tạo điều kiện cho virus gây bệnh thuỷ đậu phát triển và lây lan. Do vậy, phụ huynh cần tiêm phòng vaccine thuỷ đậu đầy đủ cho con. Bởi biến chứng của bệnh thuỷ đậu rất nặng nề, gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng sau này.
Còn với bệnh do virus hợp bào, do chưa có vaccine phòng bệnh, PGS.TS Nguyễn Thị Quỳnh Hương khuyến cáo phụ huynh thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây; tránh để trẻ sờ tay lên mặt, mũi, hoặc miệng bằng tay chưa rửa sạch; tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với người khác nếu trẻ bị ho hoặc bị bệnh. Khi có triệu chứng chảy nước mũi trong, ho khan, hắt hơi, sốt nhẹ, sốt cao hoặc khó thở, giảm cảm giác thèm ăn thì cho con đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.
https://cand.com.vn/y-te/gia-tang-benh-nhi-mac-virus-hop-bao-ho-hap-thuy-dau-i686407/