Theo Scitech Daily, các nhà nghiên cứu tại Göttingen, Đức, đã phát triển một loại kháng thể siêu nhỏ (nanobodies), có khả năng ngăn chặn hiệu quả nCoV và những biến chủng nguy hiểm của chúng.

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Viện Hóa lý Sinh học Max Planck ở Göttingen, Đức và Trung tâm Y tế Đại học Göttingen (UMG) thực hiện. Họ phát hiện các kháng thể siêu nhỏ mang tất cả đặc tính cần thiết cho một loại thuốc chống Covid-19.

Các nanobodies mà nhóm chuyên gia phát hiện có nguồn gốc từ lạc đà Alpaca. Để tạo ra kháng thể, các nhà nghiên cứu đã tiêm protein tăng đột biến nCoV vào 3 con lạc đà là Britta, Nora, Xenia, được lấy từ phòng thí nghiệm của Viện Hóa lý Sinh học Max Planck.

Sau đó, những con lạc đà cái tạo ra kháng thể. Nhóm nghiên cứu lấy máu của chúng và trích xuất thành một tỷ bản thiết kế nanobodies. Sau khi phân tích trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã chọn ra những kháng thể tốt nhất.

Không phải mọi kháng thể đều vô hiệu hóa được virus. Do đó, chúng tiếp tục được thử nghiệm chống lại SARS-CoV-2 và cải thiện khả năng sau nhiều vòng nghiên cứu.

Đặc biệt, ngay cả với các biến chủng nCoV mới, kháng thể đều cho hiệu quả chống virus mạnh mẽ. Đây cũng là niềm hy vọng của nhóm tác giả trước thực trạng biến chủng Delta ngày càng lây lan.

Các kháng thể giúp hệ miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh. Phân tử kháng thể sẽ gắn vào bề mặt gai của virus và vô hiệu hóa chúng, khiến nCoV không còn khả năng lây nhiễm sang tế bào khác.

Thông thường, kháng thể có thể sản xuất nhân tạo, sử dụng cho bệnh nhân nặng. Chúng hoạt động như một loại thuốc, giúp giảm các triệu chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. Đây là cơ chế được sử dụng để điều trị bệnh dại, viêm gan B.

Các kháng thể cũng được sử dụng để điều trị bệnh nhân Covid-19. Song, việc sản xuất các phân tử này ở quy mô công nghiệp quá phức tạp và tốn kém. Sự xuất hiện của các nanobodies có thể giải quyết vấn đề này.

Trước đó, nhóm tác giả Trung Quốc, Mỹ, Nam Phi cũng đã phối hợp thực hiện và công bố phát hiện siêu kháng thể chống được 23 biến chủng nCoV.

Siêu kháng thể được tìm thấy có khả năng vô hiệu hóa hàng loạt biến chủng nCoV, ngay cả ở nồng độ phân tử siêu nhỏ. Ngoài ra, trong môi trường ống nghiệm, các siêu kháng thể kết hợp với nhau có thể giảm nguy cơ sinh đột biến của nCoV.

Theo Medical News, các nhà khoa học xác định được siêu kháng thể này từ mẫu huyết tương của những bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh. Nhóm chuyên gia đã phân lập, xác định đặc tính kháng thể chống lại miền liên kết thụ thể từ những bệnh nhân đã khỏi Covid-19.

Các kháng thể được phân lập từ 4 bệnh nhân hiến tặng huyết tương. Họ bị nhiễm biến chủng nCoV Washington (WA-1) - chủng lưu hành tại Mỹ.

4 kháng thể trung hòa rất mạnh, nhắm thẳng vào miền thụ thể liên kết tăng đột biến. Ngay cả ở cấp độ nano, chúng cũng gây sức ép và bất hoạt nCoV, ngăn virus sản sinh đột biến. Vì vậy, các tác giả ví chúng là những "siêu kháng thể" tự nhiên.

Theo Medical News, tất cả kháng thể khi thử nghiệm đều cho thấy khả năng bất hoạt mạnh nhất với đột biến D614G trong biến chủng WA-1. Phân tích sâu hơn, nhóm tác giả phát hiện các siêu kháng thể duy trì sức mạnh với 10 biến chủng khác.

Đặc biệt, ba trong 4 thử nghiệm cho thấy chúng bất hoạt 13 biến chủng được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm quan tâm/đáng quan ngại như Alpha (B.1.1.7), Beta (B.1.351), Gamma (P.1/P.2), Delta (B.1.617/B.1617.1/B/1.617.2), B.1.427, B.1.429, B.1.526...

Bên cạnh đó, nhóm tác giả phát hiện kết hợp các siêu kháng thể khi điều trị có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện đột biến trong virus, ngăn chúng tiến hóa và kháng thuốc.

Phần lớn kháng thể sử dụng để điều trị người mắc Covid-19 hiện nay đều được thiết kế dựa trên trình tự protein đột biến của chủng nCoV lần đầu phát hiện ở Vũ Hán. Chủng nCoV này tạm coi là chủng gốc.

Tuy nhiên, các kháng thể này ít hiệu quả hơn trong việc vô hiệu hóa các biến chủng mới đáng quan ngại (nhóm VOC, do Tổ chức Y tế Thế giới xếp loại) như B.1.1.7, B.1.351, P.1 và B.1.617.2.

Do đó, nghiên cứu mới nói trên rất có giá trị trong công cuộc ngăn chặn đại dịch. Bởi virus nCoV biến chủng là điều xảy ra thường xuyên, nhất là với tốc độ lây lan hiện nay, tỷ lệ hình thành biến chủng mới càng cao. Việc ngăn virus biến chủng với những đột biến nguy hiểm sẽ giúp chúng ta đi trước một bước.

PV (th)

Bùng phát biến chủng Delta, quân đội Mỹ cân nhắc tiêm chủng bắt buộc cho binh sỹ Bùng phát biến chủng Delta, quân đội Mỹ cân nhắc tiêm chủng bắt buộc cho binh sỹ
Thành tích tiêm vaccine của Trung Quốc trước mối đe doạ biến chủng Delta Thành tích tiêm vaccine của Trung Quốc trước mối đe doạ biến chủng Delta
Biến chủng Delta lây nhiễm mạnh, tổng thống Biden cứng rắn với chiến dịch tiêm chủng của Mỹ Biến chủng Delta lây nhiễm mạnh, tổng thống Biden cứng rắn với chiến dịch tiêm chủng của Mỹ

/ Nghề nghiệp và cuộc sống