Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, kíp cấp cứu đã nhanh chóng ép tim ngay trên cáng, hỗ trợ hô hấp, khẩn cấp đưa bệnh nhân vào khu can thiệp cao trong Khoa Cấp cứu.

Ngừng tim 2 lần, lần lâu nhất là 120 phút nhưng khi thoát khỏi tử thần, người mẹ trẻ tên T vẫn nhớ mình có 3 con, vẫn biết cháu bé sơ sinh đã được về nhà, nhớ mình bị ngất từ trước khi sinh...

Điều đó chứng tỏ não bộ của bệnh nhân không bị thương tổn.

Đây là một trong những kỳ tích của nền y học Việt Nam và kỳ tích này được lập nên nhờ sự nỗ lực, tập trung trí tuệ tập thể của các chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngay trong những ngày phải cách ly y tế, ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng.

Sự hồi sinh đầy kỳ tích của sản phụ T và nhiều bệnh nhân khác cũng khẳng định rằng quyết định của Bộ Y tế là chính xác khi giao cho Bệnh viện Bạch Mai dù bị phong tỏa, cách ly vẫn tiếp nhận bệnh nhân rất nặng từ các tuyến chuyển về.

Dù trong hoàn cảnh khó khăn, Bệnh viện Bạch Mai vẫn luôn khẳng định vị trí không thể thiếu trong hệ thống y tế Việt Nam.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai: Trưa 3/4/2020, Khoa Cấp cứu A9 nhận được yêu cầu hỗ trợ của Bệnh viện đa khoa Hà Đông về sản phụ 30 tuổi, sinh con thứ 3 được chẩn đoán: Sốc mất máu, rối loạn đông máu nặng, suy tạng sau mổ cắt tử cung do rau bong non, chưa loại trừ tắc mạch ối.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai đã nhanh chóng hội chẩn trực tuyến và đồng ý tiếp nhận người bệnh, hướng dẫn vận chuyển an toàn, chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bạch Mai theo quy trình.

\\"ky

Hình ảnh cắt từ clip các bác sỹ ép tim ngay trên cáng để cấp cứu bệnh nhân. (Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai)

Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ngừng tuần hoàn.

Dây chuyền cấp cứu ngừng tuần hoàn được khởi động. Kíp cấp cứu nhanh chóng ép tim ngay trên cáng, hỗ trợ hô hấp, khẩn cấp đưa bệnh nhân vào khu can thiệp cao trong Khoa Cấp cứu.

Sau 15 phút, bệnh nhân đã tái lập tuần hoàn và được điều trị tại khu vực cách ly đặc biệt của Khoa Cấp cứu.

Nhưng các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ở mức vô cùng thấp: Sốc nặng, huyết áp kiểm soát khó khăn với các thuốc vận mạch liều cao, ống dẫn lưu ổ bụng ra máu đỏ, rối loạn đông máu...

Bệnh nhân được thực hiện các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, một khối lượng hồng cầu lớn cùng các chế phẩm máu khác (khối tiểu cầu, plasma tươi đông lạnh, cryo) được truyền cho người bệnh.

Tiến sỹ Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện đã chủ trì cuộc hội chẩn liên khoa, quy tụ các chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực để tìm phương án tối ưu bởi đây là một trường hợp sốc nặng, nguy cơ tử vong cao.

Các kịch bản, phương án điều trị tích cực nhất cho bệnh nhân, kể cả ECMO - tuần hoàn ngoài cơ thể cũng được sẵn sàng sử dụng; tập trung mọi nguồn lực cao nhất để hồi sức chuyên sâu…

Sản phụ T được các bác sỹ theo dõi sát sao, đưa ra các phác đồ điều trị linh hoạt, bám sát thực tiễn diễn biến của bệnh.

Đến 16 giờ 20 ngày 3/4/2020, bệnh nhân T ngừng tuần hoàn lần 2. Kíp cấp cứu tiếp tục thực hiện ép tim liên trục trong 15 phút, 30 phút, 45 phút rồi 60 phút nhưng trái tim của sản phụ T vẫn không có nhịp.

Với quyết tâm “còn nước còn tát,” các biện pháp hồi sức tích cực vẫn được tiến hành dưới sự chỉ đạo của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu.

Sau hơn 120 phút ép tim liên tục, bằng sự kiên trì và quyết tâm của kíp cấp cứu A9, sản phụ T tái lập tuần hoàn trở lại.

Tuy nhiên, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân vẫn rất bấp bênh, nguy cơ tử vong rất cao...

Mọi nguồn lực được tập trung, đội ngũ chuyên môn kỹ thuật được huy động ở mức độ cao nhất.

Các máy móc hiện đại nhất cũng được sử dụng để theo dõi, điều trị cho người bệnh...

Sau 24 giờ điều trị tích cực, tình trạng huyết động của bệnh nhân dần ổn định, nhưng vẫn cần sự hỗ trợ của máy thở, tiếp tục truyền 4,8l máu (6 đơn vị khối hồng cầu và các chế phẩm máu khác).

Sau 48 giờ điều trị, tình trạng bệnh nhân có xu hướng cải thiện dần nhưng tình trạng mất máu vẫn tiếp diễn, sonde dạ dày bệnh nhân ra máu đỏ tươi.

Bệnh nhân lập tức được nội soi dạ dày cầm máu cấp cứu. Sau 72 giờ, huyết động bệnh nhân đã ổn định hơn, huyết áp 110/70 mmHg, không còn toan chuyển hoá...

Bệnh nhân được ngừng an thần, đánh giá ý thức. Điều đáng mừng là sau thời gian dài ngừng tim nhưng các dấu hiệu về tri giác của bệnh nhân có biểu hiện phục hồi.

\\"ky

Bác sỹ Nguyễn Văn Chi, Trưởng khoa Cấp cứu thăm khám cho bệnh nhân. (Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai)

Tới chiều 7/4/2020, sau khi đã ngừng tất cả các thuốc an thần, sản phụ T đã hoàn toàn tỉnh táo, không cần đến các máy hỗ trợ hô hấp và một số thiết bị chuyên sâu hỗ trợ tuần hoàn.

Lúc này anh Hoàng Văn Toàn, chồng bệnh nhân vào gặp vợ sau 5 ngày thập tử nhất sinh, hai lần chạm lưỡi hái tử thần.

Khoảnh khắc gặp nhau, hai vợ chồng chỉ biết cầm tay nhau khóc.

Đến ngày 9/4/2020, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, ý thức và vận động hồi phục hoàn toàn…

Anh Hoàng Văn Toàn chia sẻ các bác sỹ Bệnh viện Hà Đông đã giải thích là vợ anh nguy kịch, phải chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Anh đã đồng ý ngay vì anh biết đến Bệnh viện Bạch Mai là vợ anh có cơ hội sống.

Đêm 5/4, bác sỹ trưởng khoa gọi anh thông báo tình trạng vô cùng nguy kịch của vợ, gia đình phải chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất…

Đến bây giờ, vợ anh đã hồi sinh sau thời gian thập tử nhất sinh, anh và gia đình đều hết sức vui mừng.

Từ tận đáy lòng, anh Toàn và gia đình chân thành cảm ơn các bác sỹ, điều dưỡng, hộ lý của Khoa Cấp cứu A9 đã giúp vợ chồng anh được đoàn tụ, gia đình vẫn đầy đủ các thành viên, các con anh vẫn còn có mẹ./.

\\"ky Bệnh viện Bạch Mai hết phong toả vào ngày 12/4

Sau 14 ngày cách ly, bệnh viện Bạch Mai sẽ được dỡ lệnh phong toả để trở lại khám, chữa bệnh bình thường.

\\"ky Đón sinh nhật tuổi 18 ở bệnh viện Bạch Mai

Huyền My nằm yên lặng một mình trên giường bệnh tại khoa Hồi sức tích cực. Mẹ, người chăm sóc cho em, đã đi cách ly khi bệnh ...

/ www.vietnamplus.vn