Chuyên gia đưa ra lời khuyên để bảo quản thực phẩm tốt nhất trong ngày Tết.
BS Hoài Thu - Phòng khám chuyên khoa Dinh dưỡng VIAM chia sẻ, chế biến thức ăn đúng cách, trữ đông thực phẩm, để riêng các loại thức ăn với nhau và rửa tay đều là những cách có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn.
Nấu chín thức ăn đúng cách
Thịt, gà, hải sản và trứng có thể mang mầm bệnh gây ngộ độc thực phẩm, vậy nên bạn cần nấu chín các loại thực phẩm này đúng cách để loại bỏ mầm bệnh. Bạn có thể sử dụng nhiệt kế thực phẩm để đảm bảo những thực phẩm này đã được nấu chín đến nhiệt độ an toàn, đủ tiêu diệt các mầm bệnh và vi khuẩn.
Không để thực phẩm ở nhiệt độ nguy hiểm
Vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng trong vùng nguy hiểm từ 4°C đến 60°C. Sau khi thức ăn được chế biến có nhiều cách được người lựa chọn để bảo quản thực phẩm như giữ nóng thức ăn.
Bạn không nên để thực phẩm dễ hỏng nào bên ngoài quá 2 giờ mà nên cho vào tủ lạnh để làm lạnh hoặc trữ đông sớm. Với những thực phẩm đã tiếp xúc với nhiệt độ trên 32°C bạn nên cất vào tủ lạnh trong vòng một giờ. Nhiệt độ trong tủ lạnh nên được đặt ở hoặc dưới 4°C và tủ đông ở hoặc dưới -17°C.
Rửa tay
Bạn nên rửa tay trong ít nhất 20 giây bằng xà phòng và nước sạch, trong và sau khi chuẩn bị thức ăn cũng như trước khi ăn. Bạn cũng cần rửa tay sau khi xử lý thịt lợn, thịt gà và các loại gia cầm, hải sản, bột mì hoặc trứng khi chưa được nấu chin.
Bạn không nên để thực phẩm dễ hỏng bên ngoài quá 2 giờ, mà nên cho vào tủ lạnh để làm lạnh. (Ảnh minh họa)
Cẩn thận với các loại bột mỳ thô
Bột mỳ thô làm từ bột mỳ hoặc trứng có thể chứa vi khuẩn có hại, như E. coli và Salmonella. Vậy nên bạn tuyệt đối không nếm hoặc ăn bột mỳ sống khi khi chưa được nấu chín.
Bảo quản và để riêng thực phẩm
Bạn cần để riêng thịt, thịt gà, hải sản và trứng với tất cả các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh. Bạn cũng cần ngăn nước từ thịt lợn, thịt gà và hải sản nhỏ giọt hoặc chảy ra các thực phẩm khác bằng cách bảo quản từng loại thịt riêng rẽ trong hộp hoặc túi kín. Bạn cũng nên bảo quản trứng trong hộp ở ngăn chính của tủ lạnh.
Không giữ thức ăn thừa quá lâu
Bạn chỉ nên ăn thức ăn đã nấu chín (bảo quản trong tủ lạnh) trong vòng 3-4 ngày.
Kiểm soát lượng thực phẩm đã mua
Với dịp lễ tết dài ngày sắp tới bạn nên lên danh sách các loại thực phẩm cũng như món ăn sẽ chuẩn bị cho ngày Tết để mua. Bạn nên chuẩn bị một lượng vừa đủ tránh mua quá nhiều gây khó bảo quản và lãng phí thực phẩm.
https://vtc.vn/meo-bao-quan-thuc-pham-tot-nhat-trong-ngay-tet-ar736462.html