Thỏa thuận giảm tiêu thụ khí đốt chẳng những gây khó cho nền kinh tế của các thành viên Liên minh châu Âu (EU) vốn còn phụ thuộc rất lớn vào mặt hàng nhiên liệu thiết yếu sống còn này mà còn tiềm ẩn mối nguy hại khôn lường là làm tổn hại tinh thần đoàn kết, thậm chí dẫn tới lục đục nội bộ, trong các nước thành viên liên minh - điều vốn rất cần thiết trong cuộc chiến kinh tế với Liên bang Nga hiện nay.
- Thêm một nước châu Âu bị Nga cắt nguồn cung khí đốt
- Vì sao Gazprom cắt giảm vận chuyển khí đốt đến châu Âu?
EU cắt giảm tiêu thụ khí đốt thế nào?
Châu Âu ngày càng lo ngại về thứ vũ khí lợi hại của Nga trong cuộc chiến kinh tế đang song hành cùng cuộc xung đột quân sự tại Ukraine. Việc Nga cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu cùng giá khí đốt gia tăng mạnh khiến châu Âu lo phải đối mặt với “mùa đông giá buốt” với không chỉ nền kinh tế mà đặc biệt là đời sống của người dân, đồng thời cũng là cũng là những cử tri cầm trên tay lá phiếu mang tính quyết định tới các đảng cầm quyền.
Chính vì thế, nhằm vừa thực hiện chiến lược giảm dần sự phụ thuộc, tiến tới chấm dứt nhập khẩu khí đốt từ Nga, vừa chuẩn bị cho mùa đông đang tới gần, Liên minh châu Âu (EU) mới đây đã đạt được thỏa thuận về cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ. Theo thỏa thuận, từ tháng 8 năm nay tới tháng 3-2023, toàn bộ 27 thành viên của liên minh sẽ tự nguyện giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt. Thậm chí, trong trường hợp xảy ra cú sốc về nguồn cung, ví như Nga đóng hoàn toàn đường ống khí đốt, EU có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp và biến tỷ lệ cắt giảm này thành mức bắt buộc và có hiệu lực ngay lập tức.
Tuy nhiên, thỏa thuận của EU miễn trừ cho 3 quốc đảo là Cyprus, Ireland và Malta, là những nước thành viên vốn không kết nối với mạng lưới khí đốt của liên minh. Ngoài ra, mọi quốc gia thành viên EU, đặc biệt là những quốc gia ít kết nối với mạng lưới khí đốt chung hoặc gặp sự cố về nguồn cung cấp điện, đều có quyền yêu cầu được miễn quy định cắt giảm khí đốt bắt buộc.
Khi thực hiện chính sách cắt giảm 15% lượng tiêu thụ có hiệu lực từ hôm nay (1-8), Chính phủ các nước thành viên EU có thể chọn cách thức phân phối khí đốt phù hợp với điều kiện của mình miễn là đảm bảo ưu tiên nguồn cung cho các hộ gia đình. Dù được ưu tiên khi thực hiện cắt giảm tiêu thụ khi đốt, song các hộ gia đình ở châu Âu được khuyến cáo thực hiện trách nhiệm tiết kiệm khí đốt. Giới chức EU cũng thúc giục chính phủ các nước phát động chiến dịch khuyến khích người dân tắt bớt đèn, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ hay máy sưởi.
Theo các chuyên gia, những đơn vị tiêu thụ khí đốt trong lĩnh vực công nghiệp sẽ là đối tượng cảm nhận được áp lực đầu tiên khi cắt giảm loại năng lượng thiết yếu này do các nhà máy có thể bị áp chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng liên quan đến làm mát hoặc sưởi ấm. Vì thế, một số lĩnh vực công nghiệp có thể miễn trừ, không phải áp chỉ tiêu cắt giảm như các cơ sở sản xuất hàng hóa thiết yếu hoặc khó tái khởi động sau khi ngắt nguồn cung năng lượng…
EU thỏa thuận cắt giảm 15% khí đốt tiêu thụ trong bối cảnh nguồn cung từ Nga - đối tác cung cấp tới 40% tổng lượng khí đốt tiêu cho EU lúc trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời là đối thủ của họ trong cuộc chiến kinh tế trừng phạt và cấm vận - đang giảm cung cấp khí đốt cho các nước thành viên liên minh với các lý do khác nhau. Giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga do đó chính là giảm hiệu quả của thứ “vũ khí” lợi hại nhất của Matxcơva trong cuộc kinh tế hiện nay với EU nói riêng, với phương Tây cùng đồng minh nói chung.
Mối nguy rạn nứt trong lòng EU
Lên tiếng về việc đạt được thỏa thuận cắt giảm khí đốt đầy khó khăn, đại diện Chính phủ CH Czech - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU - đã cho rằng: “Đây không phải là nhiệm vụ bất khả thi! Các bộ trưởng đã đạt được một thỏa thuận chính trị về cắt giảm nhu cầu khí đốt trước thềm mùa đông sắp tới”. Thế nhưng, không như tuyên bố nhằm thể hiện sự mạnh mẽ của vị đại diện quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên của liên minh, đã có những ý kiến và cả dấu hiệu lo ngại về tính khả thi của thỏa thuận cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ và đáng lo hơn là có thể dẫn tới chuyện lục đục trong nội bộ EU.
Ai cũng thấy rõ, thỏa thuận mà EU đạt được là một “thỏa thuận chính trị” như lời của vị đại diện nước đương kim Chủ tịch của liên minh, chứ chẳng phải là một thỏa thuận dựa trên sự tính toán rằng các thành viên có thể thực hiện được cam kết này trên thực tế. Không phải quốc gia thành viên EU nào cũng cho rằng đây là một thỏa thuận công bằng.
Trước khi buộc phải “gật đầu” để thể hiện lập trường đoàn kết ứng phó với Nga, Bồ Đào Nha từng phản đối mạnh mẽ đề xuất cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ khi Bộ trưởng Năng lượng nước này Joao Galamba nhấn mạnh, Lisbon “hoàn toàn phản đối” kế hoạch của EU do “đề xuất này không tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia”. Người đứng đầu Bộ Năng lượng Bồ Đào Nha cũng cảnh báo rằng, việc cắt giảm tiêu thụ khí bắt buộc trong bối cảnh sản lượng thủy điện ở bán đảo Iberia thấp có thể gây ra tình trạng cắt điện, điều khiến người dân nước này bất bình, phản đối.
Cùng chung quan điểm, người phát ngôn của Chính phủ Hy Lạp cũng từng nhấn mạnh, Chính phủ nước này “về cơ bản không đồng tình với đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC - cơ quan hành pháp của EU) trong việc giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên”. Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Kostas Skrekas tuyên bố thẳng, nước này phản đối việc bắt buộc thực hiện kế hoạch trên cũng như không nhất trí với mức giới hạn sử dụng khí đốt mà EU công bố.
Một số quốc gia thành viên EU phản đối bởi họ không phụ thuộc vào khí đốt của Nga (nhập khí đốt từ nguồn khác) song vẫn phải thực hiện nghĩa vụ chung cắt giảm khí đốt tiêu thụ. Là quốc gia không nhập nhiều khí đốt Nga, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera từng tuyên bố phản đối đề xuất cắt giảm, đồng thời khẳng định Chính phủ nước này sẽ không yêu cầu người dân phải hạn chế tiêu thụ khí đốt.
Dấu hiệu rạn nứt trong lòng EU càng thể hiện rõ qua những động thái trong chuyến công du Áo của Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban. Phát biểu trong cuộc hội đàm ngày 28-7 vừa qua - tức 2 ngày sau khi EU công bố thỏa thuận cắt giảm khí đốt - với người đồng cấp Hungary, Thủ tướng nước chủ nhà nói thẳng rằng, lệnh cấm vận của EU nhằm vào lĩnh vực khí đốt Nga là “không khả thi” vì các quốc gia EU phụ thuộc lớn vào nguồn năng lượng của Matxcơva. Trước đó, Ngoại trưởng Peter Hungary Peter Szijjarto đã không ngần ngại công khai phản đối thỏa thuận cắt giảm khí đốt vừa được thông qua, cho rằng kết hoạch này là “không chính đáng, vô ích, không khả thi và thậm chí là có hại... và hoàn toàn phớt lờ lợi ích của người dân Hungary”.
Thỏa thuận cắt giảm 15% lượng khí đốt hiện mới chỉ là cam kết chính trị chưa thấy ngay những tác động khi thực hiện. Bất kỳ một sự cắt giảm lượng tiêu thụ loại nhiên liệu thiết yếu sống còn này cũng tác động tới nền kinh tế và đặc biệt là cuộc sống của người dân - những cử tri nắm giữ lá phiếu quyết định vận mệnh của các chính đảng ở những quốc gia thành viên EU. Đây là điều mà giới phân tích cho rằng có thể dễ dàng làm thay đổi những cam kết như cam kết cắt giảm lượng tiêu thụ khí đốt của EU.