Việc Phần Lan chính thức trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO đã tăng đường biên giới của liên minh quân sự này với Nga lên gấp đôi, khiến cán cân lực lượng giữa 2 bên có thể mất cân bằng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh nghiêm trọng không chỉ ở châu Âu mà cả bình diện thế giới.

NATO áp sát nước Nga từ phía Bắc ảnh 1

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) giao văn kiện gia nhập NATO cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) trước sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

NATO “Đông tiến”

Ngày 4-4 vừa qua đánh một dấu mốc mới của NATO khi liên minh quân sự này tiến thêm một bước trong chiến lược “Đông tiến” bằng việc kết nạp Phần Lan làm thành viên thứ 31. Quốc gia Bắc Âu này đã từ bỏ vị thế một quốc gia trung lập khi Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto bàn giao văn kiện gia nhập NATO cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (tại trụ sở NATO ở Thủ đô Brussels của Bỉ) trước sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ngày 4-4 cũng là ngày NATO kỷ niệm 74 năm thành lập (ngày 4-4-1949). Việc chính thức trở thành thành viên NATO kết thúc quá trình thương lượng khá nhanh chóng và dễ dàng của Phần Lan sau chưa đầy 1 năm kể từ ngày đệ đơn xin gia nhập. Ngày 18-5-2022, chưa đầy 3 tháng sau khi Nga mở “Chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine, 2 quốc gia Bắc Ấu là Phần Lan và Thụy Điển đã cùng nộp đơn xin gia nhập NATO nhằm tìm kiếm sự bảo vệ của liên minh quân sự này trước điều mà họ cho là “mối đe dọa an ninh từ Nga”. Hiện tại Thụy Điển vẫn chưa được kết nạp do chưa có được sự đồng thuận của 2 thành viên liên minh là Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Phần Lan gia nhập NATO là bước ngoặt lớn không chỉ trong quan hệ ngày càng căng thẳng giữa liên minh quân sự này với Nga, mà còn có thể dẫn tới sự thay đổi không nhỏ trong cán cân quân sự giữa 2 bên. Trước hết, với việc kết nạp thêm Phần Lan, chiều dài biên giới đất liền của NATO với Nga sẽ tăng gấp đôi, từ gần 1.300km lên hơn 2.600km. Trước đó, NATO chỉ có các quốc gia thành viên gồm 3 nước vùng Baltic (Estonia, Latvia, Litva) cùng Na Uy và Ba Lan là có biên giới trực tiếp với Nga. Giờ đây, liên minh quân sự này có thêm đường biên giới dài 1.340 km từ biển Barents ở phía Bắc đến Vịnh Phần Lan ở phía Nam.

Theo giới quân sự, Phần Lan dù chưa nhập NATO nhưng với tiềm lực quân sự khá mạnh cũng có thể tự mình bảo vệ biên giới lãnh thổ. Các lực lượng vũ trang Phần Lan được đánh giá là được huấn luyện tốt và có tính cơ động cao. Không giống như ở hầu hết các quốc gia châu Âu khác, Phần Lan cho đến nay vẫn thực hiện chế độ quân dịch. Phần Lan hiện có 24.000 quân nhân tại ngũ và 900.000 quân nhân dự bị đã qua đào tạo. Nếu được huy động, lục quân, hải quân và không quân Phần Lan có thể tăng lên 280.000 người - con số khá lớn so với tổng số 5,5 triệu dân của quốc gia Bắc Âu này.

Nhìn nhận về việc Phần Lan gia nhập NATO, cựu Phó Tổng thư ký NATO Camille Grand cho rằng, Phần Lan sẽ là “một nhà cung cấp an ninh” đáng kể cho liên minh. Với sự gia tham gia của Helsinki, sức mạnh quân sự của NATO được bổ sung thêm 100 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 A6 và 60 máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Một lợi thế cho NATO là lực lượng vũ trang Phần Lan đã đạt cấp độ của NATO và có thể dễ dàng tích hợp vào tất cả các quy trình chiến đấu của liên minh. Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Phần Lan là một trong không nhiều quốc gia châu Âu chi 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho ngân sách quốc phòng hàng năm.

Leo thang đối đầu nguy hiểm NATO - Nga

 

Theo giới quan sát, việc Phần Lan trở thành thành viên NATO là bước đi đáng kể của liên minh quân sự này trong chiến lược “Đông tiến” vốn được hoạch định sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu với nòng cốt sức mạnh là Tổ chức Hiệp ước Warszawa (tên chính thức Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ) tan rã cuối những năm 1980, đầu những năm 1990. Chiến lược này được NATO càng đẩy mạnh hơn khi nước Nga - quốc gia kế thừa Liên Xô trước đây - dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin trỗi dậy mạnh mẽ. Bất chấp thỏa thuận năm 1990 với Liên Xô trước đây (liên minh quân sự này cam kết không mở rộng về phía Đông, không kết nạp các nước Đông và Trung Âu từng nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa và Tổ chức Hiệp ước Warszawa), NATO vẫn không ngừng áp sát biên giới nước Nga. Bất chấp không còn lý do để tồn tại khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và đối trọng là khối Warszawa đã tan rã, NATO vẫn liên tục tiến thêm các bước mà Matxcơva cho rằng ngày càng nguy hiểm.

Kế hoạch mở rộng về phía Đông là một phần không thể thiếu trong việc chuyển đổi mô hình chiến lược của NATO và chiến lược toàn cầu của Mỹ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hành trình “Đông tiến” vì thế luôn được NATO (do Mỹ “cầm trịch”) coi là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển tương lai của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh tới nay, NATO đã 3 lần “Đông tiến”, trong đó đợt mở rộng quy mô và ồ ạt nhất là năm 2004 với việc kết nạp đồng loạt 3 nước Baltic và 4 nước Đông Âu. Trước Phần Lan, quốc gia gần nhất gia nhập NATO là Macedonia vào tháng 3-2003. Giới quan sát cho rằng, sớm muộn quốc gia Bắc Âu khác là Thụy Điển cũng sẽ trở thành thành viên của NATO. Với việc liên tục kết nạp thêm thành viên mới từ Đông Âu và Bắc Âu, NATO không ngừng tăng cường hiện diện quân sự. Binh lính và vũ khí của NATO đang ngày càng áp sát nhiều hơn với biên giới nước Nga.

Matxcơva từng tuyên bố, những quốc gia như Ukraine là “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua của NATO. Chiến dịch quân sự đặc biệt phát động hồi tháng 2-2022 được xem là một sự đáp trả khi liên minh quân sự này phớt lờ cảnh báo của Nga. Đáp lại chiến lược “Đông tiến” mà Matxcơva cho rằng là hành động “khiêu khích và gây hấn” đầy nguy hiểm của NATO, Nga cũng tăng quân bảo vệ sườn phía Tây, bao gồm việc thành lập 2 sư đoàn mới tại Quân khu miền Tây và 1 sư đoàn mới ở Quân khu miền Nam. Hơn 2.000 loại thiết bị quân sự mới hoặc đã được nâng cấp sẽ được đưa vào hoạt động trong các đơn vị của Quân khu miền Tây, trong đó có hệ thống tên lửa phòng không S-400. Một quân đoàn mới cũng đã được thiết lập trong Hạm đội Baltic. Mới đây nhất, ngày 2-4 vừa qua Matxcơva tuyên bố sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới Belarus với các nước láng giềng NATO.

Người phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 4-4 nhấn mạnh, Nga xem sự mở rộng của NATO là hành động xâm phạm an ninh và lợi ích của nước này. Ông Peskov khẳng định, Matxcơva sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ về mặt chiến thuật và chiến lược. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng, việc Phần Lan gia nhập NATO làm gia tăng nguy cơ xảy ra xung đột thì Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cũng cho biết, nước này sẽ tăng cường lực lượng tại phía Tây và Tây Bắc nhằm đáp trả.

Hoàng Hà / ANTD