Phần Lan hôm 4/4 đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Phát biểu tại lễ kết nạp ở Brussels (Bỉ), Tổng thống Sauli Niinistö gọi bước đi này là lịch sử, giúp Hensinki bắt đầu một kỷ nguyên mới sau hàng thập kỷ không tham gia liên minh quân sự. Vậy, Phần Lan có khả năng trợ lực những gì cho NATO?
- Tăng gấp đôi đường biên giới của NATO với Nga
- Phần Lan chính thức trở thành một phần của NATO vào ngày 4/4
- Sau kết nạp Phần Lan, NATO mời Tổng thống Ukraine họp thượng đỉnh
Tờ News Week hôm 4/4 đưa tin, trong khi Mỹ vẫn thường xuyên kêu gọi các nước NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Phần Lan đã đáp ứng việc chi hơn 2% GDP (khoảng 6 tỷ USD). Con số này được dự đoán có khả năng điều chỉnh tăng trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang giữa Hensinki và Moscow.
Theo bảng xếp hạng Global Firepower Index, quân đội Phần Lan mạnh thứ 51 trên thế giới. Mặc dù lực lượng vũ trang thường trực của họ chỉ có 23.000 quân, nhưng trong thời chiến, Helsinki có thể mở rộng quân đội lên khoảng 280.000 quân, lấy từ 900.000 quân dự bị được huấn luyện thường xuyên.
Matti Pesu, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện quan hệ quốc tế Phần Lan nhận định: "Năng lực tổng thể của Phần Lan là rất lớn. Việc giúp NATO gia tăng đường biên giới với Nga sẽ tạo điều kiện để liên minh bảo vệ tốt hơn cho toàn khu vực. Quân đội Phần Lan và các lực lượng trên bộ nước này sẽ tạo thành xương sống của các lực lượng trên bộ thuộc các nước đồng minh Bắc Âu".
Về khí tài quân sự, Phần Lan sở hữu khoảng 239 xe tăng chiến đấu chủ lực, trong đó 179 chiếc được cho là sẵn sàng phục vụ. Trong số này có khoảng 100 chiếc Leopard 2A4 và Leopard 2A6 do Đức sản xuất, tương tự như những chiếc xe tăng được gửi đến Ukraine để hỗ trợ Kiev. Với hàng nghìn xe bọc thép trong biên chế, Phần Lan có hơn 100 xe chiến đấu bộ binh (IVF) CV-90 do Thụy Điển sản xuất. Loại này cũng đang được gửi tới Ukraine và được coi là một trong những IFV mạnh nhất trên thế giới.
Helsinki cũng vượt trội về hỏa lực pháo binh với hơn 100 khẩu pháo tự hành, trong số đó có 39 khẩu K9 Thunders do Hàn Quốc sản xuất - một trong những loại pháo được quan tâm nhất trên thị trường. Ngoài ra, Phần Lan cũng có 29 hệ thống tên lửa phóng loạt M270, cùng với hệ thống hỏa lực HIMARS có bánh xe và cơ động hơn. Tháng 12/2022, Tướng Timo Kivinen - chỉ huy hàng đầu của Phần Lan trong một cuộc phỏng vấn tuyên bố: "Chúng tôi có khả năng phòng thủ đáng kể để chiến đấu trên thực địa như những gì đang xảy ra ở Ukraine".
Liên quan đến sức mạnh trên không, phi đội máy bay của Helsinki gồm 55 chiếc F/A-18 Hornet do Mỹ sản xuất, được trang bị vũ khí tiên tiến gồm tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder và tên lửa hành trình không đối đất AGM-158 JASSM. Phi đội này sẽ giúp bảo vệ không phận phía Đông Bắc của liên minh.
Được biết, từ năm 2026, những chiếc F/A-18 của Phần Lan sẽ bắt đầu được thay thế bằng 64 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ. Kế hoạch này dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2030. Hiện tại, vùng Lapland của Phần Lan có thể trở thành khu vực huấn luyện không chiến lớn nhất của NATO ở châu Âu.
Ngoài không lực, Phần Lan có đường bờ biển dài khoảng 4.441 km trên biển Baltic. Theo chuyên gia Pesu, Phần Lan có lực lượng hải quân lớn thứ 12 thế giới với hạm đội gồm 8 tàu tên lửa và 10 tàu quét mìn. Với việc Phần Lan đã trở thành thành viên NATO trong khi Thụy Điển vẫn đang chờ được phê duyệt, biển Baltic có thể được coi như “vùng biển của NATO”.
Về vấn đề đặt căn cứ quân sự, truyền thông quốc tế nhận định rằng, dư luận Phần Lan dù ủng hộ việc gia nhập NATO, nhưng lại bất đồng về việc đặt căn cứ thường trực của liên minh trên lãnh thổ nước này. Do đó, giới chuyên gia nhận định, trong những năm đầu gia nhập NATO, giải pháp của Phần Lan là tạm triển khai quy mô căn cứ nhỏ.
Hơn nữa, nước này nên tập trung vào những ưu tiên trước mắt như mời đồng minh tham gia tập trận để làm quen với cách tiếp nhận và chiến đấu cùng nhau. Lực lượng của liên minh từ đó cũng học được cách chiến đấu hiệu quả trong thời tiết khắc nghiệt của vùng Bắc Âu.
Ở chiều ngược lại, khi đã yên ghế trong NATO, Phần Lan được tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ lãnh thổ của mình. Điều 5 trong Hiến chương NATO chỉ rõ, các thành viên của khối sẽ được hưởng lợi từ sự đảm bảo an ninh tập thể. Khi xảy ra bất kể một cuộc tấn công nào vào một thành viên của liên minh, sẽ đồng nghĩa với việc đó là một cuộc tấn công vào tất cả khối.
Tại lễ kết nạp hôm 4/4, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh: “Khi trở thành thành viên, Phần Lan sẽ nhận được sự đảm bảo an ninh chắc chắn. Điều 5, điều khoản phòng thủ tập thể của chúng tôi, một vì tất cả, tất cả vì một, từ hôm nay sẽ áp dụng cho Phần Lan”.
Không những vậy, giới chuyên gia cho rằng, với việc tham gia vào một liên minh chiếm hơn 60% tổng chi tiêu quốc phòng của thế giới, Phần Lan sẽ có thể tiết kiệm được chi phí mua sắm trang thiết bị trong bối cảnh vũ khí quân sự ngày càng đắt đỏ.
Được biết, các thành viên NATO đã gửi lời chúc mừng tới Phần Lan nhân sự kiện này. Đặc biệt, Thủ tướng Đức Olaf Scholz mô tả việc Phần Lan gia nhập liên minh là một chiến thắng cho an ninh xuyên Đại Tây Dương. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, châu Âu và NATO đang đoàn kết hơn bao giờ hết trong việc đối phó với mọi thách thức mà các thành viên phải đối mặt.