Đầu tháng 7-2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được tổ chức ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh này. Trước đó, ngày 5-5, Cơ quan tình báo Trung ương Hàn Quốc thông báo nước này đã trở thành thành viên chính thức của Trung tâm Hợp tác phòng thủ không gian mạng ưu việt của NATO.
- Ông Boris Johnson được "nhắm" vào vị trí Tổng Thư ký NATO
- Nga tuyên bố phá hủy kho tên lửa Harpoon NATO cung cấp cho Ukraine
Đây cũng là lần đầu tiên một quốc gia châu Á gia nhập một thổ chức trực thuộc NATO. Tổ chức an ninh mạng này được thành lập vào tháng 5-2008 nhằm mục đích xây dựng hệ thống an ninh mạng có thẩm quyền chính thức của NATO. Ngay từ tháng 7-2019, Hàn Quốc đã gửi thư xin gia nhập và bây giờ được chấp thuận, nâng tổng số thành viên của tổ chức này lên 32 quốc gia.
Về vấn đề này, một số học giả cho rằng mặc dù đây là một tổ chức trực thuộc khối quân sự NATO và có các thuộc tính quân sự nhưng việc Hàn Quốc gia nhập tổ chức này không có nghĩa là Hàn Quốc trở thành thành viên chính thức của NATO. Trên thực tế, ngoài Hàn Quốc, tổ chức này cũng có các thành viên khác không thuộc NATO.
Chiến tranh mạng là bộ phận cấu thành quan trọng của chiến tranh hiện đại. Chiến tranh mạng thường quyết định chiều hướng của tình hình trên chiến trường. Do đó, tính nghiêm trọng của việc Hàn Quốc tham gia tổ chức này không nói cũng rõ. Có thể thấy, nếu Hàn Quốc chia sẻ thông tin tình báo với NATO thì thông tin mạng của toàn bộ khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Bắc Á, NATO sẽ nắm được. Điều này sẽ giúp NATO nhanh chóng mở rộng sang châu Á và có tác động nghiêm trọng đối với hòa bình và sự ổn định của châu lục này.
Mặc dù trước đây Mỹ từng tìm cách thiết lập NATO ở châu Á, nhưng đường lối chiến lược của Mỹ dường như đã thay đổi. Mỹ đang cố gắng biến NATO thành một tổ chức mang tính toàn cầu. Việc Nhật Bản và Hàn Quốc được mời tham dự Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên NATO và Hội nghị Thượng đỉnh NATO là minh chứng cho thấy Mỹ đang thực hiện ý đồ chiến lược này. Nếu Hàn Quốc và Nhật Bản trở thành thành viên của NATO thì châu Á sẽ chịu sự răn đe chiến lược của tổ chức này. Là một khối quân sự, NATO sẽ triển khai các hoạt động ở khu vực châu Á thông qua phương thức đối đầu tập thể. Điều này sẽ tác động xấu đến cục diện địa chính trị cũng như hòa bình, ổn định của khu vực châu Á.
NATO là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khối này từng phải đối mặt với câu hỏi sẽ đi đâu về đâu. Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy NATO đã điều chỉnh hướng đi. Một mặt tiếp tục mở rộng về hướng Đông, chĩa mũi nhọn vào Nga. Mặt khác, tìm cách mở rộng hoạt động ở châu Á, lôi kéo các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc gia nhập khối quân sự này để triển khai những hành động chung theo Hiến chương của NATO. Nếu Hàn Quốc và Nhật Bản gia nhập NATO thì khi xung đột xảy ra ở các nước châu Á, các nước thành viên NATO có thể tham chiến. Đây sẽ là tín hiệu đáng lo ngại đối với sự phát triển hòa bình và ổn định của khu vực châu Á.
Vậy tại sao các nước châu Âu lại ủng hộ việc NATO mở rộng về phía Đông và tại sao Mỹ lại không ngừng tăng cường sức mạnh của NATO? Sau khi xảy ra các cuộc “cách mạng màu”, các nước Đông Âu đã tiếp nhận các quan niệm giá trị của Mỹ và hệ thống chính trị của các nước phương Tây. Các nước Đông Âu đã trở thành động lực chính để NATO mở rộng về phía Đông bởi họ muốn tìm kiếm sự bảo vệ của NATO. Việc Mỹ ra sức tuyên truyền về mối đe dọa đến từ Nga để các nước châu Âu, đặc biệt là các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhận thức được rằng chỉ khi khối quân sự NATO được củng cố thì họ mới có thể chống lại sự “hiếu chiến” của Nga. Trước đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói rằng NATO đã “chết não”. Tuy nhiên, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, ông lại cho rằng NATO đã “trở về từ cõi chết”. Một cách khách quan, cuộc chiến Nga - Ukraine đã buộc các nước EU phải hiểu rằng việc củng cố vai trò của NATO có ý nghĩa quan trọng đối với chính họ.
Cuối cùng là do Mỹ, nước đứng đầu NATO, luôn cố gắng tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Âu thông qua tổ chức này để từ đó củng cố vị thế chiến lược của mình ở châu lục. Nếu các nước châu Âu thiết lập cơ chế phòng thủ quân sự của riêng mình thì Mỹ chắc chắn sẽ bị gạt ra ngoài. Do đó, một mặt Mỹ tìm cách trực tiếp hoặc gián tiếp can thiệp sự hợp tác quân sự giữa các nước châu Âu, mặt khác, họ yêu cầu các nước châu Âu tăng cường đầu tư vào NATO.
Thông qua việc khoét sâu vào các mâu thuẫn và lên kế hoạch cho một cuộc chiến ở Ukraine, Mỹ đã khiến các nước châu Âu phải đi theo mình và dựa vào liên minh quân sự quan trọng là NATO để bảo vệ an ninh quốc gia. Mỹ coi NATO là công cụ quan trọng để kiểm soát châu Âu và là vũ khí quan trọng để củng cố vị thế bá chủ của mình. Mỹ không chỉ dựa vào NATO để mở rộng thị phần của mình trên thị trường buôn bán vũ khí, mà điều quan trọng hơn là Mỹ đang tìm cách lợi dụng NATO để tiếp tục thống trị thế giới.
Việc NATO trở thành tổ chức mang tính toàn cầu sẽ mang lại cho Mỹ một nhóm vũ trang quốc tế tiện dụng của riêng mình. Và, việc các nước châu Âu hết lòng đi theo Mỹ sẽ tăng cường vai trò của NATO. Một số quốc gia châu Á và là đồng minh thân tín của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc đang mong muốn gia nhập NATO và muốn dựa vào sức mạnh của tổ chức này để củng cố vị thế quân sự của mình. Trong tương lai, thế giới có thể sẽ trở thành một liên minh quân sự với nòng cốt là NATO, có thể tấn công các nước không thuộc NATO bất cứ lúc nào? Các quốc gia chưa gia nhập hoặc không muốn gia nhập NATO có thể trở thành đối tượng bị NATO tấn công. Tình trạng mất cân bằng quốc tế sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. NATO, lúc ấy, sẽ trở thành chiếc gậy quyền lực trong tay Washington và Mỹ sẽ dựa vào đó để củng cố vị thế bá chủ của mình.
https://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/nato-dang-mo-rong-sang-chau-a--i662407/