Ăn thế nào để đảm bảo vừa ngon miệng lại tốt cho sức khoẻ được nhiều người quan tâm trong dịp Tết.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, Tết là khoảng thời gian nhiều xáo trộn trong sinh hoạt, vận động, ăn uống… tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt với người mắc các bệnh mạn tính.
Nguy cơ có thể do chế độ ăn nhiều chất béo xấu, đường bột, ít rau xanh, ít vận động... Nếu không kiểm soát được loại và lượng thực phẩm tiêu thụ, quản lý thời gian sinh hoạt, sẽ dẫn đến những rối loạn với sức khỏe.
Để đảm bảo sức khỏe, các chuyên gia gợi ý một số bí quyết như sau:
Hạn chế bánh kẹo, nước ngọt
Các loại mứt, bánh ngọt, nước ngọt có ga và các loại hạt như dưa, hướng dương... được nhiều gia đình lựa chọn để tiếp đãi khách, nhưng chúng chứa hàm lượng đường cao nên dễ gây cảm giác ngán.
Các thức ăn này chủ yếu là nhóm đường đơn, chỉ số đường rất cao, rất ít chất xơ, dễ làm tăng đường huyết nên không thích hợp cho bệnh nhân đái tháo đường.
"Ăn đồ ngọt nhiều tạo cảm giác no giả ở trẻ em. Điều này khiến trẻ không muốn ăn các món khác sẽ dẫn tới suy dinh dưỡng", bác sĩ Vũ nói. Đồ ngọt là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh như béo phì, tiểu đường, tim mạch, bệnh thận, gout, loãng xương.
Thêm nhiều rau xanh trong mâm cỗ Tết
Rau chứa nhiều chất xơ, tác dụng giảm hấp thu chất béo, không chế lượng đường và tinh bột đưa vào cơ thể, góp phần giảm cholesterol máu, chống táo bón, điều hòa đường huyết, giảm cân. Đây là thực phẩm rất quan trọng trong dinh dưỡng hàng ngày, song thường bị bỏ quên trong mâm cơm ngày Tết.
Các gia đình cần tăng cường chất xơ từ rau củ quả. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến nghị mỗi người trưởng thành cần ăn đủ tối thiểu 400g rau củ quả mỗi ngày để bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thực vật cho cơ thể.
Bổ sung vừa đủ chất đạm và chất béo
Ngày Tết có nhiều các món như thịt nguội, giò chả, đồ hộp, thịt kho trứng, heo quay, các món chiên xào, các thực phẩm này chủ yếu cung cấp chất đạm và béo nhưng lại chứa nhiều acid béo no bão hòa nên không tốt cho sức khỏe.
Chuyên gia khuyến cáo, đối với người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp nên sử dụng hạn chế, không quá 100g thức ăn này mỗi ngày. Nhóm này cũng cần hạn chế phần mỡ và phần da, hạn chế ăn phủ tạng động vật có nhiều cholesterol. Bác sĩ khuyên nên t tăng cường nguồn đạm từ cá.
Những người bị bệnh gout cần hạn chế các món ăn giàu đạm, các món hải sản, hạn chế sử dụng các món chiên, xào, tăng cường các món hấp, luộc.
"Nếu không quản lý dinh dưỡng từ nhóm này thì sau Tết sẽ dễ bị lên cân, tăng mỡ máu", bác sĩ Vũ nói.
Bổ sung nước uống đúng cách
Nước cần thiết cho việc tạo tế bào và dịch cơ thể, giúp các phản ứng hóa học xảy ra, tạo nước tiểu để tống các chất thải ra khỏi cơ thể. Chúng ta cần phải đảm bảo duy trì đủ lượng nước sạch uống vào để thay thế các dịch mất đi.
Ngày Tết mọi người thường có thói quen dự trữ thực phẩm, nhưng bác sĩ khuyến cáo nên lựa chọn và sử dụng thực phẩm tươi, sạch, an toàn, nguồn gốc rõ ràng. Các gia đình hạn chế trữ nhiều thực phẩm vì dễ bị hư hỏng, biến chất, không an toàn khi sử dụng.
Bạn nên bảo quản thực phẩm tươi sống và thực phẩm chín riêng để tránh lây nhiễm chéo; nên ăn đúng bữa.
Những ngày nghỉ mọi người thường thức khuya, dậy trễ, mất nhiều thời gian cho việc nấu nướng, dọn dẹp, chúc Tết, không có nhiều thời giờ cho việc tập luyện thể thao. Dù vậy, bạn cũng nên tranh thủ đi hoặc chạy bộ 15-30 phút để cơ thể được khoẻ mạnh.