Khoảng 30% người Việt thiếu hoạt động thể lực, ăn muối quá nhiều, ít rau xanh và nhiều thức ăn nhanh.
Tiến sĩ Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, xu hướng bệnh tật của người Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm do thói quen lười vận động, ăn nhiều thịt, ít rau, ăn nhiều muối...
Tại Việt Nam, báo cáo điều tra quốc gia STEPS năm 2015, cho thấy cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp và cứ 20 người thì có một người bị đái tháo đường. Ước tính, hiện nước ta có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, khoảng 3 triệu người đái tháo đường.
Bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó trưởng Khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, cho biết Việt Nam đang phải đối mặt bệnh tật, trong đó béo phì ở mức đáng báo động. Hơn 10 năm qua, chỉ tính riêng TP HCM, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới năm tuổi tăng gấp ba lần. Năm 1996 tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tại Hà Nội và TP HCM là 12%. Năm 2009 tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì lên đến 43%.
"Tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì tăng hiện nay chủ yếu do tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga, cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động", bác sĩ Vân nói.
Trẻ em Việt Nam ngày càng béo phì do thói quen ăn uống sai cách và lười vận động. Ảnh: S.N. |
Viện Dinh dưỡng cũng khảo sát mức độ hoạt động thể lực của học sinh tiểu học và THCS ở Hà Nội, TP HCM. Kết quả đến 39% học sinh tiểu học và 46% học sinh THCS được xếp vào nhóm ít hoạt động.
"Các em chỉ là chuyển động đơn thuần còn hoạt động thể dục thể thao gần như không tham gia. Phiếu khảo sát về các hoạt động thể thao cũng cho thấy phần lớn trẻ không chơi", bác sĩ Vân nói.
Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy rằng nếu trẻ hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ, trung bình, ngủ dưới 8 tiếng một ngày có nguy cơ thừa cân, béo phì gấp 3 lần với trẻ hoạt động thể lực nhiều, ngủ đủ, ngồi màn hình máy tính ít hơn.
Không chỉ trẻ nhỏ, người lớn cũng thiếu vận động thể lực ở mức báo động. Số liệu nghiên cứu của Cục Y tế dự phòng cho thấy có tới 30% người trưởng thành thiếu vận động thể lực.
Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Tim mạch quốc gia cho biết vận động thể lực đúng cách giúp phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh lý tim mạch.
Các chuyên gia tim mạch trên thế giới cũng khuyến cáo nên vận động hàng ngày 30-60 phút. Đi bộ nhanh, bơi, tập aerobic (cường độ vừa phải), tập yoga là những hoạt động tốt cho tim mạch.
Với lứa tuổi học sinh, bác sĩ Vân khuyên cần vận động thể dục thể thao 1-2 tiếng mỗi ngày. "Hãy kiên trì từng chút một cho quá trình luyện tập, đầu tiên chỉ 5-10 phút đạp xe, đi bộ rồi tăng dần theo từng ngày, đạt mức 60 phút mỗi ngày tập luyện đều đặn là rất lý tưởng", bác sĩ Vân nói.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm 10% số người thiếu hoạt động thể lực, kiểm soát thừa cân béo phì xuống dưới 15%, kiểm soát gia tăng huyết áp dưới 30%. Chương trình Sức khỏe Việt Nam nhằm tăng cường vận động thể lực cho người dân bằng cách phát động phong trào 10.000 bước chân mỗi ngày, khuyến khích người dân tham gia và duy trì thói quen vận động thể lực bằng hình thức đi bộ.
Người Việt bỏ ra 7 tiếng/ngày để sử dụng Internet Theo thống kê của bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đứng thứ 16 thế giới về số người sử dụng Internet. |
Lý do nhiều người Việt cư xử kém văn minh dù ở nước ngoài lâu \'Một số thói quen của người Việt là bình thường, nhưng ra nước ngoài lại là phạm pháp, ví dụ câu cá, bắt chim\', theo ... |