Chỉ vì một lời nói bâng quơ của con trẻ, một câu nói bóng gió của hàng xóm, một chút băn khoăn trong lòng về nguồn gốc đứa trẻ, hay để giải oan cho toà án lương tâm người ta đã nhờ đến công nghệ xét nghiệm ADN.

Mỗi người đến xét nghiệm ADN mang một tâm trạng, có một hoàn cảnh khác nhau. Kết quả dù thế nào những người làm xét nghiệm cũng nhẹ lòng và mãn nguyện. Thế nhưng, cũng có trường hợp đau khổ trước sự thật được phơi bày.

Với muôn vàn chuyện éo le có thể xảy ra, Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm giám định ADN - Viện Khoa học Hình sự, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, hiện là cố vấn khoa học tại Công ty cổ phần phân tích di truyền Gentis khẳng định: "Trong cuộc sống này, mọi chuyện đều có thể xảy ra".

Ai là bố các con tôi?

Chiều muộn, người đàn ông khoảng hơn 50 tuổi tìm gặp Đại tá Hà Quốc Khanh. Người đàn ông này vốn có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng đều có việc làm và thu nhập ổn định cùng hai đứa con, một trai và một gái. Người con gái 11 tuổi và con trai 7 tuổi, hai đứa trẻ đều đều khỏe mạnh và xinh xắn. Những tưởng đó là một hạnh phúc toàn mỹ nhưng nó lại chứa đựng những nỗi băn khoăn, day dứt, không biết chia sẻ cùng ai.

Mỗi ngày trôi qua, nhìn hai đứa trẻ lớn lên, người bố cảm thấy có điều gì đó không ổn, nhất là sự khác biệt về ngoại hình, khuôn mặt cũng như là tính cách giữa anh và các con. Nhưng điều này thật mơ hồ, chẳng có chứng cứ hoặc cơ sở khoa học nào để giải thích cho sự khác biệt này. Cuối cùng anh quyết định cùng hai đứa con đi xét nghiệm ADN huyết thống.

Đại tá Khanh kể tiếp, khi tiếp chuyện anh, trông dáng vẻ anh cũng bình thường, nhưng phản ứng qua giao tiếp thấy có phần chậm chạp, không linh hoạt. Khi được hỏi lý do anh đi làm xét nghiệm ADN thì anh cho biết cũng chỉ là điều nghi ngờ mà không thể nói ra. Và rồi mẫu của anh cùng hai người con đã được lấy và xét nghiệm ADN.

Kết quả thật bất ngờ, cả hai đứa con đều không phải là con đẻ của anh. Nhưng điều đặc biệt hơn là khi phân tích kiểu gen của anh thì thấy ở kiểu gen xác định giới tính có biểu hiện bất thường.

Để khẳng định sự nghi ngờ này, bằng kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp, chúng tôi tiến hành thêm một số xét nghiệm khác kể cả giải trình tự ADN.

Cuối cùng kết quả cho thấy anh bị hội chứng bệnh Kleinfelter - thuộc nhóm bệnh liên quan đến lệch bội số lượng nhiễm sắc thể khiến người đàn ông phải sống trong cảnh “làm chồng không trọn vẹn” bởi cơ thể họ… mang gen nữ.

(Hội chứng Klinefelter ảnh hưởng đến khả năng phát triển của người bệnh, tinh hoàn kém phát triển, kích thước nhỏ so với người bình thường. Những người đàn ông mắc hội chứng này có ít hoặc không có tinh trùng, gây rối loạn tạo ống sinh tinh và vô sinh).

“Ngày nhận kết quả đã đến, khi nhận tờ kết quả trên tay, anh biết mình không phải là bố đẻ của hai đứa con, tôi thấy anh lặng người đi trong giây lát. Anh chỉ nói nhỏ “cám ơn” và lặng lẽ ra về.

Vậy bố đẻ của hai đứa con là ai, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Có lẽ chỉ có mẹ của chúng mới biết. Nhưng điều đó, tôi nghĩ không còn thực sự quan trọng nữa khi anh đã đi được hơn nửa cuộc đời. Khoa học đã cho anh biết những thông tin về cơ thể của mình” Đại tá Khanh chia sẻ.

Cuộc ngã giá tiền tỉ

Đại tá Khanh kể đã chứng kiến những cuộc ngã giá thay đổi kết quả xét nghiệm để có kết quả theo ý khách hàng, chủ yếu liên quan tới mục đích thừa kế, làm hồ sơ pháp lý.

"Nhiều người đã mang tiền ra để mua chuộc chúng tôi. Số tiền ít nhất chúng tôi được đề nghị là 200 triệu đồng và lớn nhất là 1-2 tỉ. Chúng tôi hiểu kết quả ADN sẽ ảnh hưởng, thậm chí thay đổi cuộc đời của một hoặc rất nhiều người như thế nào. Việc xét nghiệm cho kết quả sai là điều kinh khủng. Chúng tôi có những quy trình và chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả nên không cho phép sự nhầm lẫn, sai trái", Đại tá Hà Quốc Khanh nói.

"Làm nghề giám định, nhất là giám định ADN cần phải có cả cái tâm và tầm, đồng thời không được phép chủ quan, bởi chỉ một sai lầm nhỏ về kết quả ADN có thể ảnh hưởng tới cuộc sống, thậm chí có thể gây ra bi kịch cho một gia đình”, Đại tá Khanh nói.

Theo các chuyên gia, kết quả xét nghiệm ADN chỉ đảm bảo độ chính xác cao lên đến 100% đối với trường hợp không có quan hệ huyết thống và 99,9% đối với trường hợp có quan hệ huyết thống khi và chỉ khi toàn bộ quy trình xét nghiệm ADN được diễn ra với sự giám sát nghiêm ngặt và tuân theo đầy đủ các tiêu chuẩn ISO trong phòng lab hiện đại, tiên tiến với hệ thống giải trình tự gene hiện đại, tối tân.

Thế nhưng thực tế cũng cho thấy để đảm bảo kết quả xét nghiệm không chỉ phụ thuộc vào máy móc, trang thiết bị mà còn cả quy trình lấy mẫu (mẫu gốc tóc, móng chân, móng tay... nên được lấy trong điều kiện vô trùng, không nhiễm chéo, bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm. Các kỹ thuật viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xét nghiệm để không ảnh hưởng đến kết quả) mà còn có vai trò đặc biệt của việc người đọc kết quả.

Người vô tội mang vạ vì mẫu ADN
Người đàn ông vô sinh do mang gene nữ giới
Cô gái dẫn 4 chàng trai đi xét nghiệm ADN nhận cha cho con

/ laodong.vn