Nhiều gia đình ở TP.HCM đang chủ quan khi trẻ bị sốt xuất huyết, không điều trị kịp thời khiến bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, hôn mê, suy đa tạng.
- Dịch sốt xuất huyết trên cả nước tăng 75%, tại Hà Nội đang diễn biến ra sao?
- Sốt xuất huyết tăng mạnh, nguy cơ xảy ra dịch
Trong căn phòng điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chân tay của trẻ bị sốt xuất huyết nặng được các bác sĩ cột cố định vào khung giường để phòng ngừa trẻ co giật, các loại máy móc được chạy ngày đêm nhằm điều trị tích cực cho trẻ.
Trẻ bị sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Vừa được vào thăm con, chị Phạm Thị Huyền (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) buồn bã kể về ngày con nhập viện trong tình trạng hôn mê. Chị Huyền cho biết, mấy ngày nay, gia đình chị rất lo lắng khi con gái bị sốt xuất huyết giai đoạn 4 - giai đoạn nguy kịch.
Theo chị Huyền, bé sốt cao liên tục 3 ngày, đến ngày thứ 4 kêu đau bụng, ói, tay chân lạnh, khi nhập viện thì đã bị sốc sâu, huyết áp tụt. Chị choáng váng khi bác sĩ thông báo con bị sốc sốt xuất huyết nặng, phải tiến hành chống sốc, dùng các thuốc vận mạch, hỗ trợ hô hấp, đặt nội khí quản thở máy, lọc máu.
Chị Phạm Thị Huyền được vào thăm con.
"Trước đó bé sốt, ho với ói nhiều và kêu đau bụng, gia đình đưa bé nhập viện thì bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt xuất huyết và đã nặng rồi, tỷ lệ tử vong cao nên chúng tôi vô cùng lo lắng", chị Huyền nói.
Con gái chị Huyền đã nằm phòng hồi sức gần 1 tuần. May mắn, bé qua cơn nguy kịch, đang phục hồi tốt và phải theo dõi thêm 1 thời gian nữa.
Theo các bác sĩ, hiện nay nhiều phụ huynh có tâm lý chủ qua với bệnh sốt xuất huyết nên khi trẻ mắc bệnh và chuyển nặng mới đưa bé đi nhập viện, điều này dẫn đến trẻ bị sốc, suy đa tạng, thậm chí tử vong.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay, con anh bị sốt cách 5 ngày, khu nhà đang ở có dịch sốt xuất huyết. Thầy bé sốt nên chỉ đi mua thuốc hạ sốt, đến ngày thứ 3 đã cắt cơn sốt nhưng người bé bị mệt mỏi, lừ đừ nên gia đình mới đưa vào nhập viện.
"Để con diễn biến nặng như thế này một phần là do sự chủ quan người lớn, đến lúc nhập viện, gia đình được bác sĩ thông báo bé bị sốt xuất huyết ở giai đoạn 4", anh Mạnh nói.
Con bị sốt xuất huyết nặng, anh Mạnh cho rằng lỗi do người lớn chủ quan.
Hiện, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đang điều trị cho nhiều trẻ bị sốt xuất huyết nặng ở thành phố và các tỉnh thành lân cận. Có nhiều bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch, tổn thương đa cơ quan, phải nhờ sự trợ giúp của máy thở, máy lọc máu.
Theo PGS TS BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, phần lớn trẻ em nhập viện do sốt xuất huyết trong tình trạng tổn thương các cơ quan rất nhiều, điều này làm cho bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.
"Các bé bị suy hô hấp phải thở máy, suy gan, suy thận... nên phải lọc máu kéo dài nên đòi hỏi phải có thời gian cho các bé phục hồi. Đối với các bé may mắn qua được thì thời gian điều trị có thể kéo dài 1 - 2 tuần", bác sĩ Quang cho hay.
PGS TS BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đang thăm khám cho trẻ bị sốt xuất huyết.
So với vài tháng trước, bệnh sốt xuất huyết nặng ở Nhi đồng 1 tăng dần theo từng ngày, chưa thấy chiều hướng dừng lại. Đa phần sốt xuất huyết sẽ tự khỏi, chỉ khoảng 10% mới vô bệnh viện, và trong 10% vô bệnh viện thì chỉ 1-2% nặng, cần phải nằm hồi sức. Bên trong phòng ICU, các em nhỏ đang phải chống chọi với bệnh sốt xuất huyết mức độ nặng nhất.
Năm 2021, Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận hơn 4.000 trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết, tuy nhiên chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022 bệnh viện đã tiếp nhận hơn 4.000 trẻ, trong đó 303 bé bị sốc sốt xuất huyết, 5 ca tử vong. Đây là những con số cho thấy bức tranh tổng thể về diễn biến sốt xuất huyết tại TP.HCM đang ngày càng gia tăng và nguy hiểm.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 25, thành phố ghi nhận thêm 2.548 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 31,6% so với trung bình 4 tuần trước.
Trong đó, số ca bệnh nội trú là 1.467 ca và 1.081 ca ngoại trú. Tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay là 18.976, tăng 151,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm ngoái là 7.542 ca).
Toàn thành phố, có 21/22 quận, huyện ghi nhận số ca bệnh trong tuần tăng so với số ca trung bình 4 tuần trước (trừ quận 12), cao nhất là quận 3, quận 8, quận 11.
Những phường, xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Cô Giang (quận 1), phường 11 (quận 3), phường 15 (quận 8), phường An Phú Tây (huyện Bình Chánh), phường 11 và phường 22 (quận Bình Thạnh), phường 1 (quận Gò Vấp).
Cũng trong tuần 25, toàn thành phố ghi nhận 174 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 89 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện, TP Thủ Đức, tăng 38 ổ dịch mới so với tuần trước đó.