Trong tuần qua, số ca mắc và tử vong do COVID-19 gia tăng, đặc biệt tăng cao ở Hà Nội và Cà Mau – 2 địa phương luôn dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới. Trung bình số ca mắc trong 7 ngày qua của Việt Nam là 15.609 ca, tử vong là 244 ca (chiếm 1,9% tổng số ca nhiễm).

Mặc dù độ bao phủ vaccine của Việt Nam tương đối cao, đang triển khai tiêm mũi 3, song số ca tử vong đang tăng lên, chủ yếu là người cao tuổi có bệnh nền, chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine.

Theo Bộ Y tế, ngày 21/12, cả nước ghi nhận 250 ca tử vong, trong đó TP Hồ Chí Minh 58 ca, Tây Ninh 31 ca (trong 2 ngày), Đồng Nai 20 ca, Tiền Giang 15 ca, Bình Dương 14 ca, Cần Thơ 12 ca… Đặc biệt, đây là ngày Hà Nội có số ca tử vong cao (8 ca).

hcm14.jpg -0

Phân tầng điều trị để giảm bệnh nhân chuyển nặng và tử vong.

Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Đức Giang và Bệnh viện Thanh Nhàn, nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng cao nhất của Hà Nội (bệnh nhân nặng và nguy kịch), tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong đã giảm nhiều so với khi chưa tiêm vaccine.

Các ca nặng và tử vong chủ yếu là người cao tuổi chưa tiêm vaccine, hoặc tiêm chưa đủ mũi, hoặc là mắc nhiều bệnh lý nền. Có cụ già 90 tuổi nằm liệt cũng mắc COVID-19, do gia đình chủ quan nghĩ cụ chỉ nằm một chỗ, không đi đâu nên không tiêm vaccine. Khi mắc cụ biến chứng nặng rất nhanh, phải điều trị ở tầng cao nhất – tầng 3.

Theo Bộ Y tế, làn sóng dịch thứ 4 đã từng bước được khống chế, ngăn chặn, các địa phương đang chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19. Tuy nhiên, hiện số mắc tại các tỉnh vẫn tăng, trên thế giới đã xuất hiện biến chủng mới siêu lây nhiễm, có thể tác động rất lớn đến hệ thống y tế.

Nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.

Trong những ngày qua, Hà Nội liên tục ghi nhận từ 1.500-1.700 ca mắc mới, gây áp lực rất lớn lên hệ thống y tế của Thủ đô khi nhiều F0 chưa được đưa đến cơ sở y tế điều trị; F0 điều trị tại nhà chưa nhận được ngay sự tư vấn, theo dõi sức khỏe của y tế cơ sở ở những địa bàn dịch đang bùng phát mạnh, quá tải.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) với số ca mắc tiếp tục tăng cao, F0 điều trị tại nhà, thì y tế cơ sở đặc biệt quan trọng, phải tiếp cận được bệnh nhân để họ không chuyển nặng.

“Phải tăng cường hệ thống cơ sở điều trị, tiếp cận với bệnh nhân càng sớm càng tốt, tránh bệnh nhân chuyển nặng, đây là điều vô cùng quan trọng lúc này, chúng ta không để bệnh nhân nặng, không quá tải bệnh viện dẫn tới tử vong”, ông Phu nói. Ông Phu cũng nhấn mạnh, Hà Nội còn nhiều người nhập cư, cần rà soát ai chưa tiêm thì tiêm vaccine ngay cho họ để tránh mắc COVID-19 bệnh nặng và tử vong.

Giải pháp của Hà Nội đưa ra cấp bách lúc này là thành lập tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà, với lực lượng thanh niên là nòng cốt và chủ trì triển khai. Nhiệm vụ của tổ hỗ trợ là thực hiện tiếp nhận thông tin từ F0 tại nhà theo quy định, cập nhật vào hệ thống phần mềm quản lý F0, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn các biện pháp thực hiện cách ly tại nhà, ghi chép các thông tin và khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của người cách ly thì thông báo ngay cho cán bộ y tế của Trạm y tế. Theo các chuyên gia, quan trọng của Hà Nội và các địa phương là F0 điều trị tại nhà phải được sớm tiếp cận với các túi thuốc A,B,C.

8 giải pháp cần phải làm ngay

Ngày 22/12, Bộ Y tế có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong. Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai 8 giải pháp để công tác điều trị tốt hơn, giảm tử vong do COVID-19. Cụ thể:

Rà soát khả năng đáp ứng của các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều trị các tuyến. Rà soát, rút kinh nghiệm và khắc phục bất cập trong việc tổ chức, quản lý, điều hành thu dung, điều trị người bệnh COVID-19, trong đó có việc thực hiện các chỉ đạo của trung ương; Chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ việc "Phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị".

Trạm y tế lập danh sách các trường hợp F0 tại nhà và phân chia theo các nhóm nguy cơ để quản lý, theo dõi đánh giá trường hợp tăng nặng và chuyển tuyến kịp thời; triển khai "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ". Cập nhật và áp dụng các hướng dẫn điều trị; Sở Y tế và các bệnh viện tầng 3 điều phối hoạt động chuyển tuyến giữa các cơ sở điều trị; chỉ đạo, tư vấn, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới. Củng cố hệ thống cấp cứu, vận chuyển người bệnh từ cộng đồng đến bệnh viện và giữa các bệnh viện. Xây dựng lại kế hoạch nhân lực, ca kíp, hạn chế tối đa việc nhân viên y tế trực quá 8 tiếng 1 ngày.

Tuyệt đối tránh tình trạng chuyển tầng khi quá muộn; Tiếp tục huy động sự tham gia của cộng đồng và mạng lưới các tình nguyện viên, "Thầy thuốc đồng hành", tổ chức thiện nguyện, người có tâm huyết, người bệnh COVID-19 đã bình phục, y tế tư nhân, chính quyền cơ sở, tổ dân phố… cùng tham gia vào tư vấn, điều trị, chăm sóc, quản lý người nhiễm tại nhà.

Xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên cụ thể bằng tài chính và phi tài chính với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19; Áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin để quản lý ca bệnh và điều hành, quản lý. Củng cố công tác thống kê, báo cáo của địa phương và trên phần mềm https://cdc.kcb.vn để có các thông tin và chỉ đạo chính xác, kịp thời. Kiểm tra, đánh giá, phân tích công tác điều trị trong giai đoạn trước để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho hợp lý.

Trần Hằng

Bộ Y tế đề nghị huy động người nhà vào viện chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nếu cần Bộ Y tế đề nghị huy động người nhà vào viện chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nếu cần
Khẩn cấp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19 Khẩn cấp bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19

/ cand.com.vn