Biến thể BA.5 đang lây lan nhanh trên thế giới đã xâm nhập vào nước ta và để phòng bệnh, vaccine tiếp tục là yếu tố không thể thiếu.
- Châu Âu tiếp tục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới
- Thượng Hải tuyên bố chiến thắng COVID-19
Giới chuyên gia nhận định, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhất là khi biến thể phụ mới của Omciron là BA.5 xuất hiện tại Việt Nam và vaccine vẫn là cách phòng bệnh tốt nhất.
Ca mắc tăng, SARS-CoV-2 khó lường
Theo số liệu của Bộ Y tế, từ ngày 26/6 đến nay, số người mắc mới COVID-19 ở nước ta liên tục tăng. Cụ thể, ngày 26/6 là 557; đến 1/7, số ca mắc tăng lên 927. Trong hai tuần gần đây, có ngày nước ta ghi nhận số ca tăng vọt lên hơn 1.600 người. Dù không nhiều như giai đoạn trước đây, điều này cảnh báo chúng ta không được lơ là công tác phòng chống dịch.
Trong khi đó, Việt Nam đã ghi nhận biến chủng BA.5. Biến chủng này lần đầu được phát hiện tại Nam Phi vào tháng 1, đến nay, nó trở thành chủng phổ biến tại một số quốc gia như Isarel, Đức... Một số đánh giá nhỏ lẻ cho thấy BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến chủng cũ (BA.2), song chưa có bằng chứng về tỷ lệ trở nặng.
Theo các nhà khoa học virus SARS-CoV-2 có sự tiến hóa khôn lường. Thực tế ghi nhận nhiều biến thể mới và khả năng tiếp tục xuất hiện tương lai, tức là virus SARS-CoV-3, 4 có thể xuất hiện. Còn chủng virus lưu hành là còn nguy cơ mắc bệnh nặng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhà khoa học cũng đưa ra nhận định, COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới.
Theo ông Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lực lượng chức năng cần tiếp tục theo dõi biến chủng mới và thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, từ đó điều chỉnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
“Nếu đánh giá nguy cơ không đúng, sẽ không kiểm soát được dịch", ông nói và lưu ý việc cần thực hiện những biện pháp dự phòng, phòng bệnh cá nhân, đeo khẩu trang ở những nơi có nguy cơ cao, phòng kín, và tiếp tục tiêm vaccine.
Vị chuyên gia này cũng đồng quan điểm Omicron hiện nay tuy là biến thể phổ biến nhất trên thế giới, có thể vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Việc xuất hiện biến thể mới là hoàn toàn có khả năng.
Các chuyên gia dịch tễ dự báo khả năng số người mắc và tái nhiễm đều tăng, do đó người dân vẫn phải thực hiện tốt dự phòng, không chủ quan và thực hiện việc tiêm vaccine đầy đủ.
Cho rằng việc tái nhiễm COVID-19 là khó tránh khỏi nên dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, BS Trần Văn Phúc, BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), khuyên người dân không được chủ quan. "Bệnh tật chỉ đến khi chúng ta không hiểu biết, còn khi có hiểu biết và nhìn với con mắt khoa học thì chúng ta sẽ biết để tránh”, BS Phúc nói.
Gia tăng bệnh nhân COVID-19 nhập viện
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, hai tuần trở lại đây, nhóm người nguy cơ như cao tuổi, bềnh nền, ung thư... nhập viện gia tăng. Mỗi ngày, Khoa Virus Ký sinh trùng của bệnh viện tiếp nhận 7 - 10 người. Trước đó, tháng 4 - 5, đơn vị chỉ tiếp nhận 2 - 3 ca thuộc nhóm nguy cơ.
So với cùng kỳ tháng trước số bệnh nhân nặng nhập viện gia tăng gấp đôi, khoa phải ưu tiên thêm giường điều trị. Hiện, khoa điều trị cho 60 bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền.
Tại Khoa Hồi Sức tích cực của bệnh viện, bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch đang điều trị tại đây là 17, trong khi chỉ có 20 giường hồi sức. Hầu hết bệnh nhân điều trị tại đây đều có bệnh nền như béo phì, ghép thận, ghép gan, suy tủy, HIV…
Các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân khiến số bệnh nhân nhập viện tăng là do miễn dịch giảm sau thời gian dài sau tiêm vacicne, có người thậm chí còn chưa tiêm vaccine. Thứ hai, có thể do khả năng phòng ngừa của vaccine với biến chủng mới không cao, khiến dễ mắc bệnh hơn.
Cần thiết tiêm mũi tăng cường
Tại Tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng COVID-19 trong bối cảnh hiện nay?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 1/7, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, với sự tiến hóa khôn lường của virus SARS-CoV-2, các biện pháp phòng chống lây lan nhanh hoặc các biện pháp hành chính xã hội hoặc thuốc khó có thể đáp ứng được một cách lâu dài. Tuy nhiên, vaccine sẽ tạo miễn dịch cho con người, giúp chúng ta đi lại thoải mái mà vẫn an toàn. Vì vậy, tiêm vaccine mũi 3, 4 giúp người dân củng cố thêm miễn dịch.
Với các biến thể phụ hiện nay của Omicron, chúng ta vẫn có khả năng đáp ứng phòng bệnh từ vaccine. Nếu không may mắc bệnh, sẽ không nặng, dù tốc độ lây lan của virus rất nhanh", ông Lân nói.
Nghiên cứu khoa học chỉ ra khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc bệnh sẽ giảm dần theo thời gian, sau 4 đến 6 tháng. Do đó, nếu người dân tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Đây cũng là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như BA.4, BA.5 và kể cả những biến thể khác.
Với tình huống xấu nhất có thể dự báo, là những chủng biến thể mới không còn hiệu quả với vaccine, virus lây lan nhanh và xuất hiện nhiều ca nặng, ông Lân nói lúc này cần kết hợp tất cả các biện pháp và kinh nghiệm phòng chống dịch trong thời gian qua, bao gồm cả biện pháp hành chính xã hội để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trên hết, trước hết.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, dẫn các nghiên cứu trên thế giới ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine COVID-19 giảm dần theo thời gian trong 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy, những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
"Người từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, gồm cả trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực. Vì vậy, tiêm mũi nhắc lại vaccine COVID-19 là cần thiết", bà Hồng nhận định.
Theo hầu hết chuyên gia, người đã tiêm vaccine không may mắc COVID-19, bệnh sẽ nhẹ hơn, giảm thấp nhất ca nặng, hạn chế ca tử vong, từ đó giúp hệ thống y tế không bị quá tải.
Liên quan vấn đề tiêm vaccine cho trẻ, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, qua tra cứu y văn thấy rằng vaccine không những có tác dụng giúp tránh mắc MIS-C mà còn bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ mắc MIS-C. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong những bệnh nhân mắc MIS-C, mức độ nặng cần phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ hầu như là trẻ chưa tiêm vaccine.
"Đây là bằng chứng khoa học rõ ràng, khuyến cáo người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng để bảo vệ chính con mình, giảm bớt nguy cơ bệnh nặng cho trẻ sau khi mắc COVID-19", PGS.TS Điển nói.
Tiêm vaccine là để phòng chống dịch
Theo Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, hiện người dân có tư tưởng chủ quan trong phòng chống dịch, gồm cả việc tiêm vaccine COVID-19. Theo đánh giá của các nhà khoa học, vaccine COVID-19 không sinh kháng thể vĩnh cửu, mà phải tiêm nhắc lại để tạo miễn dịch chống dịch. Việc tiêm vaccine là để phòng chống dịch, nghĩa là tất cả người dân đều phải tiêm để tránh lây lan ra cộng đồng, tránh dịch bùng phát trở lại.
"Bộ Y tế đề nghị người dân tích cực chủ động tiêm mũi 3 và mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu chủ quan lơ là, không thực hiện phòng chống dịch, tiêm vaccine thì nguy cơ dịch bùng phát trở lại rất hiện hữu", Thứ trưởng Tuyên nói.
"Kịch bản bây giờ vẫn là tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch nhưng cốt lõi là phải làm sao đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine mũi nhắc lại (mũi 3, 4), đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em 5 - 11 tuổi, đảm bảo độ bao phủ vaccine. Cùng đó, chúng ta phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Nghị quyết 38 của Chính phủ, trong đó gồm các kịch bản, giải pháp đưa ra với từng tình huống cụ thể ở giai đoạn hiện nay", ông Tuyến nói thêm.
Nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện các biến chủng mới, vaccine COVID-19 giảm khả năng miễn dịch theo thời gian, Bộ Y tế vừa có công văn hỏa tốc gửi 9 bộ về việc tăng cường tiêm vaccine COVID-19 cho quân nhân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. 9 bộ nhận công văn gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Công Thương; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tại Việt Nam, Hệ thống quản lý điều trị COVID-19 ghi nhận, trong 32.212 trường hợp tử vong do COVID-19 có 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine COVID-19; 29,8% tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ 7,3% tiêm 3 mũi. Số liệu này khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.
Ngày 2/7, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 4114 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Để tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo trước đó của Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng, chống dịch và tiêm vaccine.