Thi thoảng trên báo chí lại có thông tin về những ca chết não hiến tặng mô tạng để cứu nhiều người bệnh hiểm nghèo. Tất cả đều là những câu chuyện đầy cảm động và có sức truyền cảm hứng, lan tỏa rất lớn.
Thế nhưng ít ai biết rằng, đằng sau các quyết định hiến tạng đó là cả một “bầu trời áp lực”, là muôn vàn thách thức mà những người làm công tác vận động hiến tạng, đặc biệt là những gia đình hiến tạng phải đối mặt, thậm chí phải gánh chịu suốt cả cuộc đời.
Bị đồn “bán tạng”, hay “hiến tạng để chạy tội”…
Với những người cao tuổi hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, biết mình khó qua khỏi nên họ thường chủ động bày tỏ nguyện vọng hiến tạng sau khi qua đời, mọi thứ sẽ rạch ròi và đơn giản. Thế nhưng, với những ca hiến tạng từ người cho chết não, hầu hết là bệnh nhân bị tai nạn giao thông, sẽ phức tạp hơn rất nhiều bởi người quyết định hiến tạng của họ chính là những người ruột thịt như bố, mẹ, ông bà hay vợ, chồng, con cái. Chưa kể sự phức tạp về mặt pháp luật, quyết định hiến tạng của người thân khi bệnh nhân đã rơi vào tình trạng không nhận thức được, là cả một cuộc đấu tranh và sự dũng cảm vô cùng lớn, có thể đưa lại những áp lực khủng khiếp mà họ phải đối mặt.
Câu chuyện về một bà mẹ nghèo ở huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) hiến tạng của con trai sau khi con qua đời là một câu chuyện như vậy. Đứt từng khúc ruột khi bất lực nhìn con trai trên giường bệnh và không còn cơ hội sống, bà trăn trở rất nhiều khi quyết định hiến tạng con với tâm nguyện “tôi vẫn nghĩ một phần cơ thể con mình còn sống trên đời, đã cho đi không hề cầu mong nhận lại. Phước đức này là tài sản vô hình, tôi để lại cho con cháu mình”.
Thế nhưng sau hành động nhân văn đó, hàng ngày, bà phải đối mặt với những tiếng xì xầm từ xóm làng, nào là “bà già bán tạng con mình kiếm tiền”, nào là “nghèo thế kia, bán thận con để kiếm chút tiền trả nợ là phải rồi”… Miệng đời ác nghiệt khiến bà gần như phải trốn chạy, sống lủi thủi suốt 3 năm, trước khi được “minh oan”.
Cách đây chưa lâu, một gia đình ở huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự, sau khi họ đưa ra quyết định hiến tạng của người thân. Anh Ngọ Văn Soái chết não vì tai nạn giao thông, vợ và gia đình anh đã quyết định hiến tạng của anh (gồm 1 tim, 1 gan, 2 thận, 2 giác mạc, 10 gân và 3 đoạn mạch máu), giúp hồi sinh cuộc sống cho ít nhất 4 bệnh nhân hiểm nghèo không hề quen biết. Họ quyết định hiến tạng vì mong muốn 3 đứa con của anh Soái khi lớn lên sẽ được tự hào về bố mình, để một lúc nào đó các cháu được thấy hình ảnh của bố mình vẫn tồn tại trên cuộc đời này và vơi nỗi nhớ bố hơn.
Thế nhưng, khi trở về địa phương, sau đám tang anh Soái, vợ anh và gia đình anh đã phải đối mặt với nhiều điều tiếng, những lời dị nghị, gièm pha từ xóm làng. Có người đồn gia đình bán tạng của anh Soái được vài trăm triệu đồng. Những ánh mắt, những câu nói cay nghiệt cứa thêm vào nỗi đau mất mát vốn đã quá lớn. Vợ con anh Soái, người thân của anh chỉ biết gạt nước mắt mà sống. Chỉ đến khi Bộ Y tế truy tặng “Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân” cho gia đình anh Ngọ Văn Soái để ghi nhận nghĩa cử hiến tạng đầy cao quý, cuộc sống của gia đình mới được trở lại bình thường.
Tâm tư của cán bộ vận động hiến tạng
Với gia đình người hiến tạng, có nhiều góc khuất đằng sau những câu chuyện cảm động mà dư luận biết đến. Với những cán bộ làm công tác vận động hiến tạng, đằng sau những bảng thành tích khi số người đăng ký hiến tạng tăng cao, những ca ghép tạng thành công đặc biệt được tôn vinh, là không ít khó khăn, thậm chí tủi nhục phải vượt qua.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ, việc bác sĩ, cán bộ vận động hiến tạng bị “ăn chửi” té tát là chuyện “cơm bữa”. Bởi khi gia đình bệnh nhân đang đau buồn cùng cực vì biết người thân của mình sẽ qua đời, bỗng dưng lại có người đến tuyên truyền, vận động họ hiến tim, gan, thận của người thân mình, thì nếu họ có không kiềm chế nổi mà chửi bới lại cũng là điều hết sức bình thường. Thế nên, trong vài trăm ca chết não mà vận động được một gia đình có người chết não đồng ý hiến tạng, đó cũng là nguồn khích lệ to lớn.
GS Trịnh Hồng Sơn kể, từng có trường hợp bị chết não do tai nạn lao động, 6 người thân trong gia đình nạn nhân đã đồng ý hiến tạng, chỉ còn duy nhất người anh trai không liên lạc được. Khi các thủ tục hiến, ghép tạng đang được tiến hành, những bệnh nhân ghép tạng phù hợp chuẩn bị lên bàn mổ thì anh trai nạn nhân bất ngờ xuất hiện và không đồng ý. Sau đó, ca hiến, ghép tạng đành phải huỷ bỏ, nạn nhân qua đời còn người bệnh cần ghép tạng mất đi cơ hội sống. Thậm chí có trường hợp người em mắc bệnh hiểm nghèo, anh trai không may bị tai nạn giao thông dẫn đến tình trạng chết não nhưng những người thân trong gia đình nhất định không cho lấy tạng của người anh để ghép cho người em. Cuối cùng, người anh ra đi và người em cũng mất đi cơ hội được sống.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ, ở những trường hợp trên, dù rất cảm thông vì nỗi mất mát quá lớn lao của gia đình, bởi họ không muốn ảnh hưởng thi thể người quá cố, nhưng cán bộ vận động hiến tạng cũng chạnh lòng, tiếc nuối vì gia đình bệnh nhân không hiểu rằng sự ra đi của người thân của họ không có nghĩa là chấm dứt. Trong phút đau lòng, họ quên đi rằng có cơ hội để người thân được tiếp tục hiện hữu, nối dài sự sống trong thân thể người khác qua nghĩa cử hiến tạng.
Ngược lại, có những trường hợp tình nguyện hiến tạng nhưng vì lý do pháp lý hay các lý do khác mà cơ sở ghép tạng buộc phải từ chối nhận. Ông Nguyễn Hoàng Phúc dẫn ví dụ, có một nhà sư tình nguyện hiến tặng một quả thận cho người vô danh không quen biết qua Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tuy nhiên qua xét nghiệm, đánh giá các chỉ số có liên quan, tại thời điểm đó, phát hiện nhà sư có nguy cơ tiền tiểu đường. Về mặt lý thuyết, tại thời điểm đó hoàn toàn có thể tiếp nhận một quả thận hiến của nhà sư nhưng về lâu dài, nếu nguy cơ tiểu đường đó biến thành tiểu đường thật thì sẽ ảnh hưởng đến quả thận còn lại. “Vì thế chúng tôi đã không thể tiếp nhận quả thận hiến tặng của nhà sư đó vì một lẽ đơn giản cần phải bảo vệ tối đa về tính mạng, sức khoẻ cho người hiến” - ông Phúc kể.
Hiện nay, cả nước có 19 cơ sở đủ khả năng lấy và ghép mô tạng. Theo số liệu thống kê, đến tháng 10-2019, cả nước đã thực hiện được hơn 4.200 ca ghép tạng, tuy nhiên phần lớn là ghép tạng từ người cho sống, trong khi số người chết não, chết tuần hoàn hiến mô tạng rất ít, mới chỉ hơn 220 trường hợp…
Tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều khẳng định việc hiến tạng là một nghĩa cử cao đẹp, hết sức nhân văn. Thế nhưng, để việc hiến tạng được nhiều người dân nhìn nhận một cách nghiêm túc hơn, nhất là hiểu biết hơn về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tặng mô tạng khi còn sống hoặc sau khi chết, chết não, còn rất nhiều gian nan.
Duy Tiến
Bé 22 ngày chết vì rắn cắn, sự thật về lời đồn rắn thích mùi sữa mẹ Có nhiều đồn thổi cho rằng rắn độc thích mùi sữa mẹ nên gia đình nào có trẻ nhỏ thường dễ hấp dụ rắn vào ... |
Lời đồn và thực tế tại Arab Saudi Alexis Carey đã đến 58 quốc gia, nhưng đất nước bí ẩn này là nơi cô chưa bao giờ tưởng tượng sẽ đi du lịch. |
Lời đồn "1 vốn 4 lời", tham vọng triệu USD đại gia trắng tay Kinh doanh chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, đầu tư hàng triệu đô nhưng đây là ngành nghề không “một vốn bốn lời” như nhiều ... |