Tài tử Huỳnh Anh Tuấn bình phục sau 10 ngày đột quỵ, nhờ các bác sĩ tận tình cứu chữa, cộng thêm ý chí bản thân. Nam diễn viên đang trong giai đoạn phục hồi chức năng.
Ngày 16/7, người đại diện của diễn viên Huỳnh Anh Tuấn cho biết, ông bất tỉnh trong nhà vệ sinh khi đang ghi hình ở TPHCM. Nam tài tử được đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược (TPHCM) cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, bác sĩ thông báo ông đột quỵ và tiên lượng xấu. Sau 10 ngày tích cực điều trị, sức khỏe của diễn viên 57 tuổi hồi phục tốt. Hiện ông đã xuất viện về nhà theo dõi thêm và tập vật lý trị liệu.

Đột quỵ là gì?
Liên quan tới bệnh lý đột quỵ, Tiến sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, đột quỵ là một tình trạng cấp tính nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao. Đây là bệnh lý xảy ra khi dòng máu lên não bị gián đoạn, dẫn đến tổn thương não. Đột quỵ được chia thành hai loại chính:
Nhồi máu não: Xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn, khiến máu không thể đến được một phần não, gây tổn thương mô não.
Xuất huyết não: Xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu tràn vào mô não (xuất huyết trong não) hoặc vào màng não (xuất huyết dưới nhện).
Khi đột quỵ xảy ra, một phần não bị hư hại, làm mất chức năng của vùng não đó. Tùy thuộc vào khu vực não bị ảnh hưởng, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như:
- Yếu hoặc liệt nửa người (do tổn thương vùng vận động).
- Mất cảm giác (do tổn thương vùng cảm giác).
- Rối loạn thị giác (do tổn thương vùng thị giác).
- Khó khăn trong giao tiếp hoặc mất khả năng ngôn ngữ (do tổn thương vùng ngôn ngữ).
Người bệnh được cấp cứu kịp thời, các triệu chứng có thể hồi phục một phần hoặc hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu chậm trễ, người bệnh có thể chịu di chứng nặng nề như yếu liệt, khó nói, thậm chí tử vong.
Ai có nguy cơ đột quỵ?
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Quyên - Khoa Thần Kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kể độ tuổi. Tuy nhiên, một số nhóm có nguy cơ cao hơn, được chia thành hai loại:
1. Yếu tố không thể thay đổi
Tuổi tác: Nguy cơ tăng theo tuổi.
Giới tính: Nam giới có nguy cơ cao hơn nhưng đột quỵ ở nữ thường nghiêm trọng hơn.
Chủng tộc và gene di truyền: Một số người có nguy cơ cao do yếu tố di truyền hoặc bất thường mạch máu bẩm sinh.
2. Yếu tố có thể thay đổi
Các yếu tố này liên quan đến lối sống và bệnh lý, bao gồm:
Tăng huyết áp: Nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương mạch máu.
Đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì: Gây xơ vữa động mạch, làm hẹp lòng mạch.
Hút thuốc lá và nghiện rượu: Tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa và làm huyết áp tăng cao.
Lối sống ít vận động, chế độ ăn thiếu lành mạnh: Góp phần làm tổn thương mạch máu.
Đặc biệt, bác sĩ Quyên nhấn mạnh với người mắc rung nhĩ (rối loạn nhịp tim) có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần do dễ hình thành cục máu đông. Các nghiên cứu chỉ ra rằng 20-30% ca đột quỵ thiếu máu não xuất phát từ cục máu đông từ tim. Đột quỵ do rung nhĩ có nguy cơ tử vong cao hơn 20% và nguy cơ tàn phế lên đến 60%. Để phòng ngừa, người bệnh cần sử dụng thuốc kháng đông theo chỉ định của bác sĩ.
Cơ chế gây đột quỵ
Các yếu tố nguy cơ làm hẹp hoặc tắc mạch máu nuôi não. Ví dụ:
Xơ vữa động mạch: Cholesterol tích tụ tạo thành mảng xơ vữa, làm hẹp lòng mạch. Khi mảng xơ vữa bong ra, có thể trôi theo dòng máu và gây tắc mạch não.
Cục máu đông: Hình thành trong mạch máu, đặc biệt ở những người hút thuốc lá hoặc mắc rung nhĩ, dẫn đến tắc mạch.
Tăng huyết áp: Gây áp lực lớn lên thành mạch, làm tăng nguy cơ vỡ mạch, dẫn đến xuất huyết não.
Phòng ngừa đột quỵ
Bác sĩ Thắng cho biết đột quỵ nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Dưới đây là những biện pháp hiệu quả:
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Tăng huyết áp là nguyên nhân chính thúc đẩy cơn đột qụy nhưng 90% bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng rõ ràng. Kiểm tra và điều trị huyết áp về mức mục tiêu giúp giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch.
Rung nhĩ phát hiện qua siêu âm tim, điện tim và điều trị bằng thuốc kháng đông để ngăn ngừa cục máu đông.
Ngoài ra, khám sức khỏe còn phát hiện đái tháo đường, rối loạn mỡ máu để bạn có thể kiểm soát tốt các bệnh lý này, bảo vệ mạch máu.
Thay đổi lối sống
Người hút thuốc cần bỏ ngay vì đây là “sát thủ” của mạch máu; hạn chế rượu bia; tập thể dục thường xuyên.
Hằng ngày, mỗi người nên xây dựng một chế độ ăn lành mạnh: Giảm muối, giảm chất béo, tăng rau xanh và trái cây, tránh béo phì để giảm áp lực lên mạch máu.Những người có bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim cần tuân thủ điều trị lâu dài và uống thuốc theo chỉ định.
Nếu gia đình có tiền sử đột quỵ, nên thực hiện tầm soát chuyên sâu để phát hiện sớm nguy cơ.