Thời tiết chuyển mùa nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển. Dù chưa vào "mùa" nhưng số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng.
Lo ngại sốt xuất huyết, tìm cách diệt muỗi
Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thu Hồng (Hai Bà Trưng) đi hỏi khắp bạn bè kinh nghiệm diệt muỗi bởi cách đây 1 tuần, gia đình đã tự phun thuốc nhưng muỗi vẫn không giảm.
"Tôi thấy nhiều bạn quảng cáo loại thuốc diệt muỗi sinh học đã pha sẵn chuyên phun phòng chống muỗi gián dùng trong bệnh viện, nên tôi mua về dùng, nhưng không thấy hiệu quả. Mấy người bạn đang giới thiệu tôi đèn bắt muỗi Rạng Đông, chắc tôi phải đặt mua sớm", chị Hồng cho hay.
Nhiều người phân vân khi lựa chọn loại thuốc diệt muỗi.
Năm trước, 2 đứa con chị Hồng thay phiên nhau mắc sốt xuất huyết, phải nhập viện điều trị vì sốt, chỉ số tiểu cầu hạ thấp, chỉ số men gan lại tăng cao. Sau đợt nằm viện, hai đứa nhỏ nhà chị Hồng phải mất cả tháng mới phục hồi lại sức khỏe như trước.
Chị Hồng cho biết thêm, "những ngày nồm ẩm như thời gian gần đây, khu vực quanh và trong nhà muỗi xuất hiện rất nhiều nên vợ chồng tôi càng lo ngại các thành viên trong gia đình mắc bệnh sốt xuất huyết".
Dù được đánh giá chưa vào "mùa sốt xuất huyết" nhưng theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, 3 tháng đầu năm 2024, đã có 527 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 342 ca so với cùng kỳ năm 2023.
Còn theo Cục Y tế dự phòng, tính đến ngày 22/3 ghi nhận tổng cộng 12.937 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên cả nước, chưa vào mùa cao điểm của dịch nhưng nhiều nơi vẫn ghi nhận những trường hợp sốt xuất huyết nặng. Trong năm 2023, cả nước ghi nhận 170.792 mắc, trong đó có 43 ca tử vong vì sốt xuất huyết.
Dùng thuốc diệt muỗi sao cho hiệu quả?
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt là cách hiệu quả để phòng bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, trong quá trình phun thuốc diệt muỗi, nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình sẽ không diệt được muỗi, thậm chí gây dị ứng thuốc phun muỗi ở người với biểu hiện như ngứa, rát da, đỏ mắt… Do vậy cần lưu ý, thuốc diệt muỗi phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo, chỉ số an toàn cao với con người.
TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương lưu ý cách dùng thuốc diệt muỗi.
Theo TS Nguyễn Văn Dũng, hiện nay có 2 cách phun thuốc diệt muỗi. Cách đầu tiên là phun tồn lưu, đây là cách kiểm soát côn trùng hiệu quả trong thời gian dài từ vài tuần đến vài tháng. Việc sử dụng thuốc để phun trực tiếp lên bề mặt tường, hốc tủ… khiến côn trùng khi tiếp xúc sẽ bị tiêu diệt. Khi sử dụng cách phun tồn lưu thì không cần phải đóng cửa.
Cách phun thứ hai là phun không gian, cách phun này không có hiệu quả lâu dài. Khi phun bắt buộc phải đóng kín cửa.
Thời gian phun thuốc tốt nhất nên vào sáng sớm. Với cơ quan hay trường học thì cần chọn thời điểm vào cuối tuần khi học sinh được nghỉ học.
"Với các gia đình nếu phun vào buổi chiều thì lượng hóa chất còn tồn dư lại trong không gian, đồ đạc, sẽ sớm tiếp xúc với con người hơn, vì buổi chiều mọi người thường có mặt ở nhà sau giờ tan sở. Phun vào buổi sáng sẽ có thời gian "chờ" để lượng hóa chất giảm bớt. Còn với cơ quan hay trường học, cuối tuần mọi người không đi làm hay đi học nên thời gian "chờ" để tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng cũng lâu hơn", ông Dũng cho hay.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, người dân không tự ý mua thuốc về pha và phun cho gia đình. Bởi phun thuốc muỗi cần đúng liều lượng, nếu không có thể dẫn tới tình trạng côn trùng kháng thuốc, hay phun không đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong gia đình.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội.
Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ như chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi. Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.
Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.