Ngạc nhiên, thích thú, xen lẫn một chút khâm phục là cảm giác chung của những người mua sách ủng hộ Dự án LoHi khi nhận hàng từ tay “ shipper ” người Mỹ, Alfred Meza, cũng đồng thời là người sáng lập dự án rất nhân văn này.

Buổi sáng cuối tuần của “shipper” Alfred Meza, người sáng lập Dự án LoHi. Ảnh: B.T

Ngạc nhiên, thích thú, xen lẫn một chút khâm phục là cảm giác chung của những người mua sách ủng hộ Dự án LoHi khi nhận hàng từ tay “shipper” người Mỹ, Alfred Meza, cũng đồng thời là người sáng lập dự án rất nhân văn này.

Lịch trình “không hở chút nào”

Buổi sáng cuối tuần của anh Alfred Meza vẫn bắt đầu từ 4h30 sáng. Từng có thời gian phục vụ trong quân đội Mỹ, đến nay anh luôn giữ thói quen sinh hoạt tuân theo kỷ luật khắt khe. Hơn nữa, quãng thời gian yên tĩnh buổi sáng giúp anh giải quyết được nhiều công việc.

Dự án mới đi vào hoạt động nên có quá nhiều thứ phải làm, trong khi vẫn phải đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các lớp tiếng Anh buổi tối – nguồn thu nhập chính được anh chuyển thẳng sang cho các chương trình tình nguyện. Còn một lý do khác, hôm nay anh “nhận” thêm nhiệm vụ: đi “ship” sách.

Việc đưa sách tận tay người ủng hộ giúp Alfred Meza có thêm nhiều bạn mới. Ảnh: B.T

Khi nghe người bạn nêu ý tưởng bán sách để gây quỹ cho Dự án LoHi, Alfred đã rất hào hứng vì tính chất nhân văn của nó: Theo dự kiến, với mỗi cuốn sách được bán đúng giá bìa, nhóm có thể thu được ít nhất 40.000 đồng. Dù vậy, anh vẫn không khỏi ngạc nhiên khi bắt tay thực hiện, đã có rất nhiều người ủng hộ.

Các đơn hàng đến ngày một nhiều hơn, một mình người bạn kia không có đủ thời gian để vận chuyển. Vì không muốn người mua sách phải chịu thêm phí ship, song cũng muốn tiết kiệm triệt để từng đồng cho dự án, Alfred quyết định tranh thủ mọi thời gian có thể để làm “shipper”.

“Rất may là khi tôi còn đang loay hoay việc tìm phương tiện di chuyển thì một chị sống gần nhà nghe bạn bè nói về dự án, đã gợi ý cho mượn chiếc xe máy mà gia đình tạm thời không dùng đến”, Alfred kể, “Ban đầu tôi còn chưa hiểu vì sao chị ấy có thể tin tưởng dù không biết rõ mình là ai. Dường như từ khi bắt đầu dự án, tôi toàn gặp được những người tử tế vô cùng”.

Thầy giáo Tây đi đưa sách, tiết kiệm từng đồng để giúp trẻ mồ côi. Ảnh: B.T

Nhận sách và các thông tin cần thiết từ tay người bạn, Alfred bật google map để tra đường đi. Có cả bằng lái… xe tăng nên việc đi xe máy với anh “dễ như ăn kẹo”, song lúc đầu Alfred cũng khá lúng túng với vì đường xá trên thực địa không như trong bản đồ.

Nhất là cách đánh số nhà, có khi cả dãy nhà cùng một số hoặc số lẻ nằm bên chẵn, mà tiếng Việt thì chỉ biết mấy từ bập bõm như “xin chào” với “cảm ơn” nên Alfred cũng mất nhiều thời gian hơn. Đôi lúc còn phải nhờ đến sự trợ giúp từ xa của người bạn trong cùng dự án, song chung quy lại anh vẫn hoàn thành đủ các “đơn hàng” cần đưa trong buổi sáng.

Cầu nối cho những tấm lòng thiện nguyện

Tính đến giờ thì Alfred mới ở Việt Nam chưa đầy 2 tháng, nhưng Dự án LoHi (Low Overhead, High Impact – Đầu tư thấp, Hiệu quả cao) mà anh khởi xướng đã có trong tay một chương trình thành công tốt đẹp, và giờ thì chuẩn bị thực hiện chương trình thứ hai. Ở chương trình lần này, Dự án LoHi sẽ tài trợ 100% kinh phí và trực tiếp giúp xây dựng mô hình nuôi gà đẻ trứng quy mô ban đầu 100 con cho chị Nguyễn Thị Hiên ở Văn Yên, Yên Bái.

Chồng mất trong một tai nạn điện hồi năm ngoái, chị Hiên hết sức khó khăn trong việc xoay sở nuôi 3 con nhỏ vì ngoài việc làm ruộng, gia đình chỉ sống nhờ vào tiền công lao động của người chồng. Không còn cách nào khác, chị Hiện định gửi con cho ông bà, theo bạn ra Hà Nội rửa bát thuê cho tới khi được giới thiệu đến Dự án LoHi.

Buổi sáng cuối tuần của “shipper” Alfred Meza. Ảnh: B.T

“Sau khi hoàn thành chương trình đầu tiên, tặng 1 con bò cái cho ông bà cháu bé mồ côi ở xã Yên Thái, Dự án LoHi còn cả một danh sách khá dài những trường hợp khác cần hỗ trợ, song chúng tôi đã ưu tiên gia đình chị Hiên trước, vì tôi tin rằng trẻ con cần được sống bên cạnh mẹ”, Alfred chia sẻ lý do anh dồn sức vào làm chương trình lần này.

Kinh phí cho chương trình dự kiến là 30 triệu đồng, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, song 3 nguồn chính là thù lao anh nhận được từ các lớp tiếng Anh, tiền quyên góp từ bạn bè ở Mỹ và tiền ủng hộ của bạn bè ở Việt Nam.

Thú vị nhất là khi biết đến chương trình bán sách gây quỹ của Dự án LoHi, nhiều người đã liên hệ để gửi tặng tiền mà không cần lấy sách. Họ tin tưởng ở cam kết sử dụng đúng mục đích 100% tiền quyên góp được, nên đã ủng hộ một cách hết sức chân thành và hào phóng. Mỗi người góp sức một phần, và “chuồng gà tương lai” của mẹ con chị Hiên sắp sửa trở thành hiện thực.


Hải Minh  02/12/2019 | 09:40

 

Chỉ một bức ảnh chụp lén, thầy giáo “soái Tây” liền chiếm sóng mạng xã hội

Hình ảnh chụp lén một thầy giáo nước ngoài đang giảng dạy tại TP.HCM bất ngờ được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều ...

Thầy giáo Tây đâm vào khối bê tông ngang đường: Lời dân

Nhiều người dân bức xúc cho rằng, đơn vị thi công quá cẩu thả, để hai khối bê tông giữa đường chẳng khác gì đánh ...

Thầy giáo Tây chưa làm việc với nhà chức trách sau phát ngôn về Đại tướng

Sáng 30/1, Daniel Hauer không đến Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử để làm việc với lý do "chưa nhận được ...

 

 

/ laodong.vn