Nhiều người dân đang lo lắng quá mức nên đổ xô đi mua máy thở, máy tạo oxy để dự trữ, nhằm phòng, chống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn. Việc tích trữ oxy không chỉ không có tác dụng chữa bệnh mà còn tiềm ẩn nguy hiểm.

Tự mua máy thở, máy tạo oxy: Không chữa được bệnh mà nguy cơ mất an toàn rất cao ảnh 1
Việc sử dụng máy thở, máy tạo oxy cần theo sự hướng dẫn của người có chuyên môn

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) vừa cảnh báo về tình trạng người dân đổ xô đi mua máy thở, máy tạo oxy để dự trữ và sẵn sàng dùng tại nhà khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Khảo sát của phóng viên cho thấy, các loại máy thở, máy tạo oxy đang được rao bán rất nhiều trên mạng. Các loại máy này thường có dung tích 3 lít và 5 lít, hoặc 10 lít. Tùy theo thương hiệu, chất lượng của thiết bị mà giá bán khác nhau.

Tại thị trường Việt Nam, các cá nhân đa số được giới thiệu sản phẩm có dung tích nhỏ, giá bán trung bình 14 triệu đồng đến gần 16 triệu đồng/ chiếc. Một số thiết bị khác dù dung tích 3 lít nhưng giá bán lại tới hơn 56 triệu đồng/chiếc.

Trao đổi với báo chí, Ths.BS Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế cho biết: Đối với các trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 có xuất hiện tình trạng suy hô hấp, khó thở thì việc sử dụng các thiết bị, hệ thống hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân là điều cần thiết. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân Covid-19 đều cần đến thở máy.

Đại diện Cục CT&BVNTD cũng cho hay, các chuyên gia của Bộ Y tế đã có cảnh báo việc người tiêu dùng tự ý mua các thiết bị tạo oxy để sử dụng tại nhà là không cần thiết, có thể gây lãng phí vì không thể tự sử dụng.

Khi mắc Covid-19, người bệnh cần được điều trị chuyên biệt, không thể đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế và máy thở. Hơn nữa, việc thiết lập và vận hành hệ thống máy thở cần được thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị phụ trợ (hệ thống oxy, hệ thống khí nén), cần có thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên môn bài bản để vận hành.

Bên cạnh đó nguồn oxy có từ bình nén, oxy lỏng, máy tách oxy, nếu không được kiểm tra, tư vấn trước khi dùng, người bệnh dễ bị ứ khí CO2, thậm chí ngưng thở.

Ngoài ra, bình chứa khí oxy là thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, là nguồn gây cháy, nổ rất lớn khi va đập hoặc biến đổi nhiệt nếu để gần nguồn lửa như hút thuốc, hay tháo lắp van giảm áp sai quy định.

Đáng chú ý, việc mua, tích trữ máy thở mà không sử dụng đến còn có thể tạo sự khan hiếm nguồn cung khiến các cơ sở y tế, bệnh viện có thể không thể mua được máy cho bệnh nhân cần trong trường hợp dịch có những diễn biến khó lường.

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, Cục CT&BVNTD khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần trong phòng, chống dịch bệnhCovid-19, thực hiện đúng các quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

Không tự ý đổ xô đi mua máy thở, máy tạo oxy tạo thành phong trào gây khan hiếm và đội giá sản phẩm dẫn đến việc tạo cơ hội cho kẻ xấu lừa đảo hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng; Không tự ý sử dụng máy thở, máy tạo oxy tại nhà vì đây là một công việc cần có chuyên môn cao được đào tạo bài bản và có đầy đủ trang thiết bị đi kèm.

Khi cần tư vấn về chuyên môn, người tiêu dùng có thể liên hệ với đường dây nóng của Bộ Y tế 1900.9095 để được hướng dẫn cụ thể.

Máy thở đủ cho bệnh nhân COVID-19 nặng Máy thở đủ cho bệnh nhân COVID-19 nặng

Chiều 19/7, TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố. ...

Bộ Y tế nói gì về việc người dân tích trữ máy thở? Bộ Y tế nói gì về việc người dân tích trữ máy thở?

Quanh vấn đề có nhiều người dân tìm mua các thiết bị thở máy, thiết bị tạo oxy, tích trữ các bình khí oxy trong ...

/ anninhthudo.vn