Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian học online kéo dài khiến học sinh phải thường xuyên sử dụng điện thoại, máy tính bảng. Hiện tại, năm học 2021 - 2022 đã kết thúc nhưng sự phụ thuộc vào các thiết bị thông minh vẫn tiếp tục. Việc lạm dụng các thiết bị này khiến trẻ dễ mắc các bệnh về khúc xạ mắt, có nguy cơ cong vẹo cột sống, gù lưng.

veo-cot-song
Việc lạm dụng điện thoại, máy tính bảng dễ khiến trẻ mắc các bệnh về khúc xạ mắt, có nguy cơ cong vẹo cột sống, gù lưng. Ảnh: Thùy Giang

Ngồi sai tư thế gây ảnh hưởng tới xương sống

Gần như suốt năm học vừa qua, học sinh phải học trực tuyến, điều này khiến cho nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong việc bố trí thiết bị dùng để học tập trực tuyến cho con em mình. Phần lớn các gia đình đều cho con học qua điện thoại, máy tính bảng.

Nguy cơ trẻ mắc các bệnh về mắt, bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế là điều mà các chuyên gia y tế đã cảnh báo. Nguy cơ này càng tăng trong quá trình trẻ học trực tuyến. Trẻ mới vào lớp 1, chưa được đến trường để thầy cô giáo rèn tư thế ngồi học cho đúng đã phải học trực tuyến qua màn hình điện thoại nhỏ xíu. Điều đáng nói, các bậc phụ huynh ít chú ý đến việc hướng dẫn con ngồi học sao cho đúng tư thế.

Chị Nguyễn Thị Mai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Suốt năm học vừa qua, hai cháu nhà tôi phải học luân phiên bằng cả máy tính bàn và điện thoại di động vì nhà chật chội, không thể bố trí hai máy tính bàn cho các con học cùng một lúc. Buổi sáng, khi hai con học trực tuyến thì bố mẹ đã đi làm nên không thể nhắc nhở con liên tục về việc ngồi học đúng tư thế. Sau quá trình học tập trực tuyến kéo dài, khi được nghỉ hè, các cháu vẫn có thói quen sử dụng điện thoại, máy tính bảng nhiều nên tôi rất lo các cháu mắc bệnh về mắt, bị vẹo cột sống, gù lưng”.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cong, vẹo cột sống

Ngày 4-6 vừa qua, Bệnh viện Việt Đức đã tổ chức chương trình khám an sinh miễn phí về bệnh lý cong vẹo cột sống ở trẻ em. Đáng lo ngại, qua thăm khám 150 trường hợp, các bác sĩ của khoa Phẫu thuật cột sống của bệnh viện phát hiện có rất nhiều trẻ bị cong vẹo cột sống ở mức nặng.

Một số trường hợp khi đến bệnh viện khám thì đã rất muộn; nhiều trẻ phải phục hồi chức năng và mặc áo chỉnh hình 13 giờ mỗi ngày, đợi khi trưởng thành mới có thể phẫu thuật. Theo PGS.TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống, tỷ lệ trẻ bị cong vẹo cột sống vào khoảng 0,5 - 1%. Có đến 80 - 85% trường hợp bị gù, vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số bị bệnh bẩm sinh hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày.

Cột sống không chỉ là cột đỡ cơ thể mà còn liên quan đến lồng ngực, ổ bụng. Với trẻ từ 3 - 8 tuổi, tạng đang phát triển, nhưng nhiều trẻ do bị vẹo cột sống nên bị xẹp một bên phổi, lồng ngực không phát triển được, các phế nang bị xẹp dẫn đến suy hô hấp. Có trẻ hơn 10 tuổi đã bị suy hô hấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng. Tim, phổi cũng không phát triển tốt được. Khoang gan mật bị hẹp lại, ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác.

Bệnh về cột sống không được chữa trị dễ dẫn tới tai biến nguy hiểm, để lại hậu quả nặng nề như liệt chân tay, liệt cả người... Do đó, PGS.TS Đinh Ngọc Sơn khuyến cáo, khi người lớn thấy những thay đổi bất thường trong hình dáng, cột sống của trẻ thì phải nhanh chóng đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.

Khi tắm cho trẻ, bố mẹ cần quan sát kỹ, cột sống của các con phải nằm trên 1 đường thẳng, nếu cong hình chữ C, chữ S hoặc thấy điểm gồ lên, lưng ngắn lại thì đó là dấu hiệu gù, cần can thiệp sớm. Bố mẹ cũng có thể cho các cháu đứng thẳng, 2 đầu gối chạm nhau rồi cúi xuống. Nếu thấy 2 vai trẻ không cân bằng mà một bên bị gồ lên, thì đó là dấu hiệu vẹo cột sống” - PGS.TS Đinh Ngọc Sơn cho biết.

Nếu phát hiện sớm, trẻ có thể chỉ cần thay đổi tư thế ngồi học, tích cực tập vận động, đu xà, mặc áo nẹp chỉnh hình... Việc điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ ngăn chặn tình trạng vẹo cột sống tiến triển nặng hơn, không phải phẫu thuật.

Bảo Ngọc / Hà Nội Mới