Trong 2 năm viện trợ vũ khí cho Ukraine, Mỹ vẫn luôn lo ngại về nguy cơ cạn kiệt kho vũ khí và đây là một nỗi lo hoàn toàn chính đáng.
Kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine vào năm 2022, Mỹ đã chuyển hơn 3 triệu viên đạn pháo 155 mm, loại đạn phổ biến thường được sử dụng trong giao tranh. Từ Thế chiến thứ nhất tới nay, đạn pháo 155 mm đã được phát triển thành nhiều biến thể khác nhau.
Thiếu hụt đạn dược cơ bản
Hiện nay, Mỹ đang lo ngại nguy cơ thiếu hụt đạn 155 mm. Sản lượng đạn 155 mm hàng năm hiện tại của Mỹ chỉ bằng khoảng 12% số lượng đã được chuyển đến Ukraine. Hoạt động sản xuất chỉ được thực hiện tại một khu phức hợp duy nhất là Scranton và Wilkes-Barre, ở Pennsylvania. Một nhà máy mới hiện vẫn đang được xây dựng tại Mesquite, Texas, với kỳ vọng tăng gấp đôi nằng lực sản xuất.
Ngay cả khi sản lượng tăng cao theo kế hoạch, Mỹ cũng sẽ cần thêm vài năm để xây dựng lại kho dự trữ do thời gian chuẩn bị cần thiết để thiết lập năng lực sản xuất mới. Và nếu không có đạn dược, pháo tự hành M109 của quân đội Mỹ sẽ chỉ là 28 tấn kim loại phế liệu.
Đạn 155 mm là loại đạn dược cơ bản được Mỹ viện trợ cho Ukraine. (Ảnh: National Interest)
Mỗi viên đạn 155 mm cần một liều thuốc phóng để đẩy nó ra khỏi ống súng cũng như cần một liều thuốc nổ gần 10kg bên trong. Thuốc phóng M6 không còn được sản xuất tại Mỹ nữa, quân đội cũng không có một nhà máy TNT nào cho thuốc nổ này; cho đến khi có thể tái lập sản xuất trong nước, Quân đội sẽ phải dựa vào các đồng minh như Ba Lan và Úc.
Ngược lại, Nga, với GDP theo sức mua tương đương chưa bằng một phần mười GDP của Mỹ và EU cộng lại, có thể sản xuất số lượng đạn pháo gần gấp ba lần so với tổng sản lượng của Mỹ và Châu Âu.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đối với các loại đạn dược và vũ khí khác được gửi tới Ukraine, thời gian tiếp tế cũng tương tự. Ví dụ như tên lửa chống tăng Javelin sẽ cần 5,5-8 năm để tiếp tế; tên lửa dần đường HIMARS cần 2-3 năm; tên lửa phòng không Stinger từ 6,5-18 năm.
Số liệu này đã cho thấy một thực tế: Với số tiền khủng chi tiêu cho quốc phòng, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn phải chật vật để cung cấp đủ vũ khí cho một cuộc chiến trên bộ quy mô vừa phải và cường độ cao suốt hơn một năm.
Tình trạng của cả ngành quốc phòng
Sự thâm hụt của ngành sản xuất vũ khí Mỹ không chỉ giới hạn ở thiết bị dành cho lực lượng bộ binh ở Ukraine. Hải quân Mỹ đang trong một cuộc khủng hoảng kéo dài, diễn ra chậm rãi: Cơ sở đóng tàu thu hẹp đáng kể, trong khi lực lượng lao động giảm dần với số lượng nhân viên nghỉ hưu ngày một tăng. Chi phí đóng tàu tăng cao, Hải quân không năng lực chi trả.
Và điều đáng buồn nhất là là hải quân Mỹ dường như đã quên cách thiết kế và đóng tàu: Hai lớp được cho là sẽ phục hồi hạm đội mặt nước, tàu khu trục lớp Zumwalt và tàu chiến ven biển, đã trở thành thảm họa không thể giảm thiểu.
Ngành đóng tàu của Mỹ đã trở nên xuống cấp đến mức người đứng đầu ngành hải quân Mỹ Carlos Del Toro phải thốt lên rằng ông đã "bị choáng ngợp" bởi năng lực và kỹ năng đóng tàu của Hàn Quốc sau một chuyến công du gần đây. Ông khen ngợi việc Hàn Quốc tiến hành giám sát quy trình sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ số hóa, cho phép các công ty dự đoán ngày giao tàu. Khả năng đó vượt xa các xưởng đóng tàu của Mỹ.
Sự suy giảm về số lượng các xưởng đóng tàu hải quân, sự “tuyệt chủng” thực sự của ngành đóng tàu thương mại, sự mất mát của các nhà cung cấp chuyên biệt và sự suy giảm mạnh mẽ khả năng thiết kế nội bộ của hải quân đã tạo ra một cơn bão hoàn hảo.
Những con tàu cũ kỹ sau hai thập kỷ triển khai liên tục trong "cuộc chiến tranh bất tận" ở Trung Đông cần được sửa chữa và đại tu. Nhưng danh sách tàu đang “xếp hàng” đợi dài hàng năm trời, trong khi các tàu mới lại chậm tiến độ. Hạm đội 600 tàu từng được ca ngợi của Tổng thống Ronald Reagan đã trở thành một lực lượng hải quân rỗng tuếch với 293 tàu và đang suy yếu dần.
Ngay cả vũ khí Mỹ, mặc dù nhìn chung có chất lượng cao và độ tin cậy tốt, nhưng không phải lúc nào cũng chứng minh được là vượt trội so với đối thủ. Nhiều đội xe tăng trong Thế chiến II phàn nàn rằng M4 Sherman tiêu chuẩn không thể chiến đấu ngang hàng với xe tăng Đức hiện đại nhất. Các phi công của thế hệ máy bay phản lực chiến đấu đầu tiên của Mỹ cũng đã vô cùng ngạc nhiên khi họ gặp MiG-15 của Liên Xô trên bầu trời Triều Tiên.
Một điểm vượt trội của Mỹ so với các quốc gia khác đó là số lượng lớn trang thiết bị quốc phòng mà họ có thể sản xuất và một hệ thống hậu cần tuyệt vời để đưa chúng đến nơi cần thiết đúng thời điểm. Điều đó có nghĩa là, nếu xe tăng Sherman không đủ khả năng đánh bại xe tăng Tiger của Đức trong một trận chiến một chọi một, thì Mỹ có thể áp đảo bằng cách huy động nhiều xe tăng cùng lúc.
Sự suy giảm của ngành vận tải thương mại Mỹ và sự thâm hụt trong kho dự trữ vật liệu chiến tranh từ những năm 1980 trở đi đồng nghĩa với việc Mỹ có ít thiết bị hơn và ít chuyến hàng vận chuyển vũ khí ra nước ngoài hơn.
Đến năm 2017, năng lực hậu cần của quân đội Mỹ đã suy giảm đến mức cần hơn 40 ngày để một lữ đoàn dỡ thiết bị, tổ chức và di chuyển ra mặt trận - thậm chí không tính đến thời gian tập hợp đơn vị tại Mỹ và băng qua Đại Tây Dương.
Xe tăng Sherman của Mỹ. (Ảnh: Bring a Trailer)
Liệu sự suy giảm đáng kể này về kho đạn dược, khả năng sản xuất và khả năng huy động và triển khai có phải là kết quả của việc thiếu nguồn lực không?
Năm 2021, Viện Nghiên cứu Chính sách ước tính bắt đầu từ sau sự kiện 11/9, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi tổng cộng 16,3 nghìn tỷ USD cho các hoạt động quốc phòng. Cộng thêm các khoản phân bổ cho hai năm tiếp theo, con số tăng lên 18 nghìn tỷ USD.
Theo giá trị USD cố định, ngân sách quân sự hàng năm sau ngày 11/9 cao hơn mức trung bình của Chiến tranh Lạnh và vượt quá các mức chi tiêu cao nhất trước đó. Hơn nữa, nó đã duy trì ở mức cao này trong hơn hai thập kỷ, lâu hơn nhiều so với các đợt gia tăng trước đó.
Nếu thiếu kinh phí là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng tiếc của Bộ Quốc phòng về quân sự và công nghiệp, thì không có số tiền nào có thể giải quyết được vấn đề.
Vấn đề bắt đầu sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là triệu chứng của sự thay đổi cơ bản trong cách thức chiến tranh của người Mỹ, vai trò của quân đội trong xã hội Mỹ và có lẽ trên hết là sự chuyển đổi dần dần nhưng sâu sắc của nền kinh tế Mỹ trong những thập kỷ gần đây. Không có quyết định đơn lẻ nào làm xói mòn cơ sở công nghiệp quốc phòng, cũng như nguyên nhân không phải lúc nào cũng giới hạn trong phạm vi kiểm soát của Lầu Năm Góc.
Tình trạng này xảy ra theo từng giai đoạn, trong nhiều thập kỷ, với các nhà lãnh đạo ở cả hai đảng đều góp phần khiến sự thiếu hụt này trầm trọng hơn.
https://vtcnews.vn/vi-sao-my-lo-ngai-can-kiet-vu-khi-ar894000.html