Trẻ trong những gia đình thường xuyên dùng bữa chung với nhau có xu hướng có kỹ năng xã hội và mức độ khỏe mạnh tốt hơn.

Tờ UPI dẫn nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Đại học Montreal (Canada) cho rằng bữa ăn gia đình mang lại nhiều lợi ích sức khỏe thể chất và tâm thần.

“Sự hiện diện của ba mẹ trong giờ ăn có thể cung cấp cho con trẻ sự tương tác xã hội trực tiếp, các cuộc trao đổi về những vấn đề xã hội và những mối quan tâm thường nhật”, tác giả nghiên cứu Linda Pagani giải thích.

Theo nghiên cứu, tại bàn ăn của gia đình, trẻ học được những tương tác xã hội trong một bối cảnh tương tự và an toàn về mặt xúc cảm. “Việc trải nghiệm những hình thức giao tiếp tích cực có thể giúp trẻ tiếp xúc tốt hơn với những người bên ngoài đơn vị gia đình”, bà Pagani nói thêm.

Bà Pagani và các cộng sự đã sử dụng dữ liệu từ cuộc Nghiên cứu về phát triển trẻ em Quebec, được thực hiện với trẻ em từ 5 tháng tuổi. Những trẻ này chào đời vào các năm 1997-1998 và ba mẹ chúng bắt đầu cung cấp thông tin về các bữa ăn gia đình vào lúc 6 tuổi. Ở tuổi lên 10, thông tin về những thói quen lối sống của trẻ và tình trạng sức khỏe của chúng được các bậc phụ huynh, giáo viên và chính các em cung cấp.

So với trẻ không có những bữa ăn gia đình thường xuyên vào lúc 6 tuổi, trẻ trải nghiệm những bữa ăn như vậy khỏe mạnh hơn, uống nước ngọt có ga ít hơn và có nhiều kỹ năng xã hội hơn ở tuổi lên 10.

Chúng cũng ít có nguy cơ phát sinh những vấn đề về hành vi hơn.

“Phát hiện của chúng tôi cho thấy các bữa ăn gia đình không chỉ là chỉ dấu cho chất lượng môi trường gia đình mà còn là những mục tiêu dễ dàng để các bậc cha mẹ giáo dục về việc cải thiện sức khỏe cho con trẻ”, bà Pagani nhấn mạnh.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên chuyên san Journal of Developmental & Behavioral Pediatrics.

/ Báo Thanh Niên