Hai mắt con hổ mẹ vẫn mở trừng trừng. Từ cặp mắt màu vàng nhạt ấy lóe ra những tia sáng hờn căm, uất hận. Và ẩn sâu ở trong ánh mắt ấy là một sự chờ đợi gì đó.
Con hổ Leng (Kỳ 16) |
Con hổ Leng (Kỳ 15) |
Con hổ Leng (Kỳ 14) |
Phải huy động tới cả một tiểu đội người mới khênh được xác con hổ về. Về đến đồn, nhìn con hổ, ai cũng sợ hãi vì nó quá to. Không có cái cân nào đủ sức cân xem nó nặng bao nhiêu. Mọi người đành áng chừng nó nặng hơn 200kg.
Ðồn trưởng ra lệnh lột da con hổ, lấy phèn chua bôi vào rồi đem phơi khô, để sau nhồi bông, trưng bày ở hội trường của đồn. Thịt hổ được nấu cho anh em ăn. Tuy nhiên, thịt hổ là thứ thịt ăn rất chán, không những nhạt mà còn tanh nữa, dù đã bóp rất nhiều giềng và nấu theo kiểu giả thịt chó mà vẫn còn khó ăn. Và cũng tới hôm đó, mọi người mới thấy lời thiên hạ vẫn đồn đại là sai. Xác con hổ được mang về sân đồn, đầu tiên lũ chó ở đồn còn rụt rè, nhưng sau khi thấy con hổ đã chết, chúng bắt đầu lăn xả vào. Anh em phải lấy gậy xua thì lũ chó mới dạt ra ngoài. Lúc đó, anh em mới bảo nhau, cứ nói rằng cao hổ xịn thì ném ra, chó cũng phải chạy, nhưng hóa ra con hổ mới chết chưa nguội, giống chó còn không sợ thì chuyện cao hổ chỉ là đồn đại mà thôi.
Làm thịt con hổ xong, bộ xương hổ được cho vào rọ rồi đem ngâm ở suối. Phải ngâm mất hơn 3 tháng, những lớp thịt, gân bám ở xương hổ mới rữa hết. Lúc ấy, ông Tài vớt lên, mang về nhà.
Việc làm sạch bộ xương hổ cũng hết sức kỳ công. Ông Tài và mấy anh ở đội quân y phải lấy đá cuội dưới suối mài từng tý một, để không còn dính một tý thịt hổ nào ở xương. Sau đó, bộ xương hổ được đập vụn ra và được cạo hết tủy bằng dao cho đến khi từng chiếc xương trắng bóc. Xương hổ được đặt vào một cái vại to, rồi lấy gậy thò vào khoắng cho các xương nọ chạm vào xương kia để làm sạch tất cả tủy, gân, thịt. Chỉ khi nào ngửi thấy bộ xương hổ không còn mùi gì nữa, lúc ấy mới được coi là sạch. Nhưng thế chưa phải là đã xong, anh em còn phải luộc rau cải lấy nước để luộc xương hổ, rồi lại luộc với nước gừng, rồi lại tẩm rượu gừng. Tất cả những công đoạn ấy, anh em phải làm cả tuần mới xong.
Ðến khi đã xong hết mọi việc, đích thân đồn trưởng phải xem và lúc ấy, ông mới lấy hai miếng xương bánh chè hổ bỏ vào giữa cái rọ đựng xương hổ, rồi cho vào nồi đun.
Bộ xương con hổ đó, lúc còn tươi cân được hơn hai chục kilôgam. Làm sạch sẽ, còn được gần mười lăm cân. Nhưng cao hổ muốn nấu cho tốt phải có thêm 2 loại xương nữa, đó là xương sơn dương và xương khỉ. Thật ra xương sơn dương và xương khỉ chẳng có gì tốt. Cao khỉ cũng được, nhưng chỉ dành cho đàn bà, còn xương sơn dương thì cũng có người dùng để nấu cao, nhưng thực ra cao sơn dương chẳng có ý nghĩa gì đối với sức khỏe. Tuy nhiên, cao hổ thì lại phải có xương sơn dương và khỉ vì hai thứ đó dẫn thì cao hổ mới tốt được. Vì thế mới có câu rằng: “Phi sơn dương bất thành hổ cốt”.
Ông Tài nhớ khi nồi cao bắt đầu quánh lại, đồn trưởng lấy ra một cục thuốc phiện to bằng nửa bao thuốc lá bỏ vào nồi cao. Ngày đó, thuốc phiện ở vùng này sẵn lắm. Anh em xuống bản vận động bà con đừng hút thuốc phiện. Có những người mang ra nộp cho bộ đội biên phòng cả cân thuốc phiện. Thuốc đó được anh em mang về, để lưu cữu trong kho ngày này qua ngày khác chứ có ai lập biên bản xử phạt hay thu hồi đâu.
Pha thêm 5kg xương khỉ và sơn dương, vậy là được nồi cao đầy đặn. Cứ 1kg xương thì được 1 lạng cao… Ðịnh lượng này là hầu như bất di bất dịch.
Ðun hết một ngày thì nước thứ nhất được đổ ra để riêng, sau đó lại đổ nước, đun thêm một ngày, đổ nước thứ hai ra, rồi lại đổ nước, đun một ngày, đổ nước thứ ba ra. Lúc ấy, bộ xương hổ đã mủn ra, mịn như vôi, bóp thấy tơi ra là được. Rồi lại đổ cả ba lần nước nấu xương hổ vào, đun lửa nhỏ, lúc nào cũng cháy liu riu khoảng 2 ngày. Ðến khi nồi cao hổ đã keo lại thì lại mang ra, cho vào một nồi nhôm khác, rồi đặt nồi nhôm ấy vào một nồi nước sôi to. Khi ấy, anh em phải thay nhau khuấy để cho nước cô đặc lại. Ðây là công đoạn mệt nhất, vất vả nhất. Bình thường cứ phải 4 người thay nhau… Mỗi người quấy được khoảng ba mươi phút là hai cánh tay đã mỏi nhừ. Mất 2 ngày như vậy, nồi cao mới đặc quánh lại. Khi nào, lấy đũa nhúng vào nồi cao, rồi rỏ một giọt vào bát nước mà thấy cô tròn lại thì là được. Lúc đó, cao sẽ được đổ ra một cái mẹt có rải một lớp xương hổ được tán vụn. Khi nguội, cao sẽ được cắt ra thành từng miếng to bằng bao diêm để chia nhau.
Mỗi anh lính biên phòng có một miếng cao hổ để phòng thân và thường chỉ để ngâm rượu, khi nào mệt mỏi lắm mới dám lấy ra uống.
Rượu cao hổ có màu trắng đục. Uống vào, hồi lâu sau cảm thấy có vị beo béo ở cổ họng
Ông Tài vẫn nhớ cảm giác khi uống rượu cao hổ. Trong bữa ăn cơm tối, uống một chén rượu cao hổ, đến khi đi ngủ là thấy tay chân buồn bực, người cứ như phát phiền và phải trằn trọc mãi mới ngủ được. Nhưng khi đã ngủ thì giấc ngủ rất sâu và đến sáng tỉnh dậy thì tự nhiên thấy người như tăng thêm sức lực.
Ði đường núi, leo dốc leo đèo mệt đến mấy mà tối đến có một hớp rượu cao hổ thì đến ngày hôm sau, sức khỏe trở lại bình thường.
Sau này, ông Tài có nghe người ta kể rằng ở dưới xuôi, người ta nấu cao hổ cả xương cả thịt và bảo rằng nấu như thế mới là tốt. Thật ra đó chỉ là cái lý của những kẻ tham lam. Nấu theo cách như vậy thì lượng cao sẽ được nhiều hơn, chứ cao hổ mà nấu theo kiểu như vậy thì uống vào cũng chẳng có tích sự gì.
Khi ông Tài rời công an vũ trang và đi làm kiểm lâm, ông cũng là người được trạm kiểm lâm giao cho nấu cao hổ. Tuy nhiên, càng về sau này, việc nấu cao hổ càng bị biến tướng. Ngày xưa, nấu cao hổ thì 7 phần là xương hổ, 3 phần xương sơn dương và xương khỉ. Sau này, lượng xương sơn dương, xương khỉ cứ tăng dần, thậm chí họ còn pha cả mai rùa, rồi xương gấu, miễn là những người góp tiền nấu cao hổ nhìn thấy bộ xương hổ. Nhưng thế chưa đủ cho lòng tham, người ta còn nấu cao hổ tồn tính, nghĩa là cho ráo cả xương, thịt ruột gan vào nấu… Kiểu nấu cao này chỉ lừa được người dưới xuôi, người không biết gì về cao hổ. Và nấu cao như vậy, lãi ghê gớm. Một con hổ khoảng một tạ, nấu tồn tính sẽ cho khoảng gần chục cân cao, trong khi con hổ đó chỉ cho 10 cân xương nấu lên chỉ được 1 cân cao…
Thợ nấu cao giả có vô vàn mánh khóe để lừa, mà cái trò phổ biến nhất là trộn nhiều thuốc phiện vào cao để lừa bán cho người bị thấp khớp. Trộn thuốc kích dục vào để bán cho người yếu sinh lý. Cao hổ thật thì chỉ làm cho người ta khỏe mạnh, không bị đau xương, đau cốt chứ không có tính chất tăng cường sinh lý.
Hổ càng ngày càng hiếm. Có những lúc người ta còn mang hổ từ Lào, từ Thái Lan về, nhưng ông Tài thì không tin bây giờ còn miếng cao hổ tử tế nào nữa.
Câu chuyện quanh con hổ chợt rôm rả hẳn lên và ắt nó sẽ còn kéo dài cho đến khi hũ rượu cần nhạt như nước suối nếu như không có tiếng “Uôm... uôm...” vang lên ngay bãi nương ngô phía trước nhà.
- Hổ về! - Trạm trưởng quân thốt lên rồi chạy đến bên cửa sổ. Anh ta khoa chân múa tay rối rít - Hổ thật kìa... to quá... to quá!
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Mọi người đổ xô ra thì thấy một con hổ chả hiểu sao đang đứng ngơ ngác ngoài nương ngô, cách trạm không đầy ba trăm mét. Chưa ai kịp nghĩ là phải xử lý thế nào với con hổ này thì sau nhà có tiếng ngeo... ngeo khàn khàn. Và mọi người tưởng như mắt bị hoa khi thấy một chú hổ con chỉ to bằng con chó nhỡ đang bò vào nhà qua vách nứa thủng. Ông Tài quát lên:
- Chạy ngay đi... chạy đi. Kẻo con mẹ nó xông vào thì khốn.
Trạm trưởng quắc mắt nhìn ông:
- Việc gì phải chạy. Bố cứ để tôi.
Dứt lời anh ta lao tới tóm chú hổ con ném ra ngoài sân và vồ lấy khẩu AK lên đạn. Ông Tài thất sắc, ông tóm lấy tay anh ta:
- Quân, mày điên à? Nó đang nuôi con...
- Con thì cũng bắn. Ðang cần kiếm miếng cao đây.
- Ðừng... tao xin mày. Ðây là rừng cấm.
- Bố lạc hậu bỏ mẹ. Cấm là cấm trên giấy thôi...
- Bắn đi anh Quân... Nó đang vào đấy - Một anh giục rối rít.
Quân kê súng lên cửa sổ. Ông Tài giật anh ta ngã ngửa:
- Quân...! Tao cấm mày...
- Ông im đi! Tôi làm tôi chịu... Mẹ kiếp, sắp về hưu rồi mà còn lắm chuyện.
Rồi không ai bảo ai, mấy gã kia giữ chặt ông Tài, bịt miệng ông lại để cho Quân nhằm bắn. Con hổ mẹ thấy con ở sân nhà liền gầm lên xông vào. Và mọi việc xảy ra trong khoảnh khắc. Khẩu AK điểm xạ hai viên đanh gọn. Con hổ mẹ đang đà lao, nhảy vọt lên rồi nặng nề rơi xuống. Nó chết ngay vì cả hai viên đạn chụm giữa đỉnh đầu. Chú hổ con lao đến bên xác mẹ, nó vội vàng rúc đầu vào vú mẹ, hai chân trước thúc liên hồi.
Hai mắt con hổ mẹ vẫn mở trừng trừng. Từ cặp mắt màu vàng nhạt ấy lóe ra những tia sáng hờn căm, uất hận. Và ẩn sâu ở trong ánh mắt ấy là một sự chờ đợi gì đó. Ông Tài nhìn như xoáy vào ánh mắt ấy và bỗng dưng ông muốn đến vuốt cặp mắt cho con hổ. Nhưng chẳng hiểu sao ông lại cứ đứng chôn chân.
Ông Tài nhìn cảnh ấy mà đôi chân muốn khuỵu xuống. Người ông run lên bần bật. Khẩu súng CKC trong tay ông cứ như muốn cựa quậy. Ông muốn quay súng lại nổ vào cái mặt của thằng Quân đang đầy vẻ khoái chí đắc ý vì bắn được con hổ. Ông nhìn thằng Quân và mấy người bằng ánh mắt nảy lửa. Ánh mắt của ông cũng giống như ánh mắt con hổ đã chết. Những tia lửa ở mắt ông khiến cả đám sững sờ. Cả bọn chúng lùi lại và nhìn ông ngơ ngác. Dường như hiểu tâm trạng của ông nên một tay kiểm lâm đến khẽ ôm ông lại nhưng thực chất là để giữ tay khẩu súng. Hắn bảo:
- Thôi lỡ rồi, bố đừng có nghĩ quẩn.
Ông Tài nói như rít lên:
- Sao mày khốn nạn thế. Nhẽ ra mày bắn chỉ thiên thì con hổ nó cũng chạy đi. Sao mày nỡ làm việc độc ác như vậy. Rồi mày cũng sẽ chết không toàn thây đâu.
Nghe ông nói vậy, tay Quân cũng nổi khùng lên và bảo:
- Ông thần kinh à? Thế nếu nó vào đây nó tát chết tôi với ông thì sao?
Ông Tài gầm lên:
- Thằng khốn nạn. Nó vào nó cứu con chứ nó làm gì chúng mày, mà sao mày nỡ làm như vậy?
Ông Tài đặt khẩu súng xuống và đến ôm lấy chú hổ con, gỡ chú hổ con ra khỏi vú mẹ. Và đúng lúc đấy. Cặp mặt mở trừng trừng của con hổ mẹ như nhìn ông bằng ánh mắt biết ơn và dịu hẳn đi. Ông ôm con hổ con vào lòng rồi ông nói với con hổ mẹ: “Con ơi, ta sẽ nuôi nó”. Và thật kỳ lạ, ông nói vừa dứt lời thì đôi mắt con hổ từ từ khép lại. Ông Tài ngồi thụp xuống, nhấc cái đầu con hổ mẹ đang bê bết máu lên đùi mình, rồi ông khóc nức nở. Chú hổ con đang giãy giụa trong lòng ông cũng tự nhiên nằm im và nó gí mũi vào chiếc áo đẫm mồ hôi của ông hít hít... như thể đứa con hít hơi bố sau bao ngày xa cách.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong