Ngày 22/2 (giờ địa phương), tại TP Rio de Janeiro của Brazil, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc sau hai ngày thảo luận hàng loạt vấn đề nóng của quốc tế đang diễn ra. Trong chương trình nghị sự của hội nghị năm nay, nước Chủ tịch luân phiên G20 năm 2024 Brazil nhấn mạnh 3 lĩnh vực ưu tiên gồm cuộc chiến chống bất bình đẳng, đói nghèo; phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng; cải cách các thể chế quản trị toàn cầu.
- Trung Quốc: G20 không phải nơi cãi vã về địa chính trị
- Hội nghị G20: Tin tưởng là chìa khóa cho mọi kết nối
Nhấn mạnh vai trò của các nước G20 trong việc giải quyết “những căng thẳng đang diễn ra trên thế giới”, Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình quốc tế hiện nay “liên quan đến hòa bình và an ninh” bởi xung đột đang gia tăng trên khắp thế giới không chỉ ở Ukraine và Dải Gaza. Ông cho biết, thay vì đầu tư cho các chương trình viện trợ phát triển, mỗi năm, thế giới lại chi cho ngân sách quân sự hơn 2.000 tỷ USD.
Ông cũng bày tỏ quan ngại về thực trạng bất bình đẳng và biển đổi khí hậu trên toàn cầu, đồng thời chỉ trích các nước thiếu hành động cụ thể để giải quyết những “mối đe dọa hiện hữu” này. Ông khẳng định đây là những nhiệm vụ quan trọng mà các thành viên G20 phải góp sức “cùng chiến đấu trong năm 2024”. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết cải cách Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) và các tổ chức đa phương để ứng phó tốt hơn với các thách thức và ngăn chặn xung đột toàn cầu.
Ông nói: “Các thể chế đa phương không được trang bị đầy đủ để đối phó với những thách thức hiện tại. Điều này đã được chứng minh bằng sự tê liệt không thể chấp nhận được của Hội đồng Bảo an trong giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra. G20 có thể là diễn đàn quốc tế quan trọng nhất, nơi các quốc gia có quan điểm đối lập vẫn có thể ngồi vào bàn và có những cuộc đối thoại hiệu quả mà không nhất thiết phải gánh chịu sức nặng của những quan điểm cứng nhắc đã ngăn cản sự tiến bộ tại các diễn đàn khác, chẳng hạn như Hội đồng Bảo an LHQ”.
Theo ông, các đại biểu tham dự hội nghị nhấn mạnh vai trò quan trọng của LHQ trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, tuy nhiên cần có sự cải tổ Hội đồng Bảo an với sự tham gia của đông đảo quốc gia hơn hiện nay.
Ngoại trưởng Mauro Vieira chỉ ra rằng, Brazil và nhiều quốc gia từ lâu đã bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an và “đối với Brazil, cải cách hệ thống quản trị toàn cầu là vấn đề cấp bách và là ưu tiên hàng đầu”. Ông cũng cho biết thêm rằng, sự cải tổ không chỉ tại LHQ mà còn đối với Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại thế giới (WHO).
Liên quan đến xung đột ở Trung Đông, tại hội nghị, các Ngoại trưởng đều bày tỏ sự ủng hộ rộng rãi giải giáp hai Nhà nước để thiết lập hòa bình giữa Israel và Palestine. Đây cũng được coi là giải pháp khả thi duy nhất để khu vực này thoát khỏi những xung đột kéo dài dai dẳng. Ông Mauro Vieira cho biết một số nước thành viên kêu gọi ngừng bắn và cho phép viện trợ nhân đạo tiếp cận Gaza trong khi nhiều nước khác chỉ trích chiến dịch quân sự của Israel ở Rafah. Trong khi đó, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng cho biết các đại biểu tham dự hội nghị đã đạt được đồng thuận về sự cần thiết của giải pháp hai Nhà nước như là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Ông nhấn mạnh “các bên đều nhất trí rằng sẽ không có hòa bình và sẽ không có an ninh bền vững cho Israel trừ khi người Palestine đạt được triển vọng chính trị rõ ràng trong việc xây dựng một Nhà nước của riêng họ”. Quan chức của EU tuyên bố, ông đã đề nghị với Brazil thông báo với toàn thế giới tất cả các bên tham dự hội nghị đều ủng hộ giải pháp này, đồng thời bày tỏ hy vọng các quốc gia Arab sẽ đưa ra đề xuất hòa bình tại Dải Gaza trong những ngày tới. Cũng tại hội nghị, các Ngoại trưởng đã một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng của việc sớm tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine.
Thế giới đang biến động phức tạp với các cuộc xung đột và bất ổn địa chính trị căng thẳng. Trong khi đó, các thể chế toàn cầu thì lại trong tình trạng mà như Tổng thống Brazil Lula da Silva than phiền là “không đủ mạnh để ngăn chặn”. Chính vì thế, cải cách các thể chế quản trị toàn cầu như LHQ, WB, WTO và IMF được dư luận rất quan tâm. Đặc biệt, Hội đồng Bảo an LHQ là cơ quan bị chỉ trích nhiều vì không đủ khả năng giải quyết các cuộc xung đột hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an phải bị bãi bỏ và các thành viên của Hội đồng phải là “những tác nhân theo chủ nghĩa hòa bình chứ không phải chiến tranh”. Và với quy mô chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu và 75% thương mại toàn cầu, 2/3 dân số thế giới, đóng góp tới 80% tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế…, G20 đủ sức giải quyết các vấn đề vĩ mô có ảnh hưởng tới nhân loại trước mắt và lâu dài.
Tuy nhiên, dù thừa uy tín và tiềm lực để trở thành “đầu tàu” dẫn dắt các cải cách thể chế toàn cầu, G20 không dễ dàng trong sứ mệnh khó khăn này. Vấn đề là bởi nội bộ của nhóm đầy chia rẽ, nhất là giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga trong cuộc cạnh tranh địa chính trị. Thêm vào đó, không dễ để hóa giải bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển trong G20 mà người ta gọi là mâu thuẫn Bắc - Nam. Nhiều nước phương Nam không muốn bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh theo khối như thời Chiến tranh Lạnh. Trong bối cảnh đó, tham vọng cải cách toàn cầu của G20 mới chỉ là chủ đề bàn thảo chứ chưa sớm trở thành kế hoạch hành động.
Ngay sau hội nghị này, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 sẽ được tổ chức vào ngày 28 và 29/2 tới, tại Sao Paulo, và Hội nghị Ngoại trưởng G20 lần thứ 2 trong năm dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới trong thời gian diễn ra phiên họp của Đại Hội đồng LHQ ở New York, Mỹ.