Không chỉ thuốc điều trị COVID-19 bị làm giả, nhập lậu, mà nhiều loại thuốc điều trị ung thư, đông máu, trị xương khớp cũng bị nghi ngờ là giả. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc hàng “xách tay”, thực phẩm chức năng và nhiều mặt hàng rao bán trên mạng.

Thời gian vừa qua, mặt hàng thuốc kháng virus “xách tay” được rao bán “rầm rộ” trên mạng xã hội, nhiều người mua thuốc kháng virus được quảng cáo xuất xứ từ Nga, Ấn Độ… Có thời điểm sốt, giá 1 lọ thuốc kháng virus Molnupiravir lên tới 12 triệu đồng; hoặc 2,7-5 triệu đồng/lọ thuốc của Ấn Độ.

Mua thuốc “xách tay”, trôi nổi - coi chừng giả! -0

Người tiêu dùng nên chọn mua thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện hoặc nhà thuốc có uy tín.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng, chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu. Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.

Không chỉ thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu, “xách tay” vào trong nước để cung cấp cho thị trường “chợ đen”, mà một số đối tượng đã lợi dụng dịch bệnh để sản xuất thuốc điều trị COVID-19 giả. Điển hình là Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ Nguyễn Đức Thuận, SN 1975, trú tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Khám xét khẩn cấp 3 địa điểm Thuận thường đến, cơ quan Công an phát hiện nơi sản xuất thuốc giả là khu vực nhà vệ sinh dơ bẩn cùng nhiều dụng cụ chế biến, thu giữ hơn 63.000 viên thuốc giả các loại, gồm các nhãn hiệu Neo - Cordion, Augmentin, Fugacar. Thuận khai nhận tự mua nguyên liệu về sản xuất tân dược giả và thuốc điều trị COVID-19.

Thuốc giả được sản xuất tinh vi, nhãn mác, bao bì như thuốc thật, người tiêu dùng không thể phân biệt, ngay cả nhà thuốc cũng khó phát hiện. Thời gian qua, qua kiểm tra, kiểm soát thị trường Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng phát đi nhiều cảnh báo về thuốc giả, yêu cầu thu hồi thuốc giả đang được bán trên thị trường.

Ngày 28/3, Cục Quản lý Dược phát đi cảnh báo thuốc Actemra 400mg/20mL chưa cấp phép nhập khẩu, chưa cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nhưng trên thị trường phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả, trên nhãn ghi: Actemra 400mg/20mL, số lô B2101B32. Actemra có tác dụng giảm tình trạng viêm nên thuốc được bác sĩ chỉ định dùng trong các trường hợp viêm khớp dạng thấp hoặc phối hợp với methotrexate và/hoặc thuốc chống thấp khớp để điều trị thấp khớp.

Mua thuốc “xách tay”, trôi nổi - coi chừng giả! -0

Phân biệt thuốc Stivarga thật và nghi ngờ giả.

Theo Cục Quản lý Dược, trước đó Cục nhận được văn thư của Văn phòng đại diện Công ty F.Hoffmann – La Roche Ltd Thụy Sĩ tại Hà Nội thông tin về việc phát hiện mẫu sản phẩm nghi ngờ là thuốc giả nói trên.

Cách đó 2 ngày, Cục Quản lý Dược cũng phát đi cảnh báo nghi ngờ xuất hiện thuốc ung thư và chống đông trên thị trường. Hai mẫu thuốc nghi giả này là Stivarga 40mg và Xarelto 10mg/15mg/20mg. Thuốc Stivarga có hoạt chất Regorafenib. Hoạt chất này được sử dụng trong điều trị ung thư đại tràng và trực tràng. Đồng thời thuốc cũng được sử dụng điều trị ung thư gan và một số cơ quan của hệ tiêu hóa. Cơ chế hoạt động chính của thuốc được cho là làm chậm và ngăn chặn sự lây lan phát triển của tế bào ung thư. Thuốc Xarelto chỉ định điều trị và dự phòng huyết khối. Thuốc hoạt động bằng cách ngăn chặn yếu tố đông máu và do đó làm giảm xu hướng máu hình thành cục máu đông.

Cục Quản lý Dược yêu cầu nhà sản xuất Bayer AG hoặc cơ sở đăng ký thuốc Stivarga 40mg, Xarelto 10mg, Xarelto 15mg, Xarelto 20mg phải cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan và khẩn trương báo cáo trực tiếp gửi về Cục Quản lý Dược.

Hiện nay, thuốc giả, thuốc nhập lậu được sử dụng thủ đoạn tinh vi đưa vào trong nước, trà trộn vào thuốc thật hoặc rao bán trên các trang mạng xã hội. Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện mẫu thuốc Voltarén 75 mg nghi ngờ giả và đề nghị cho Sở Y tế các địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Mẫu sản phẩm Voltarén 75mg nghi ngờ giả có nhiều dấu hiệu khác biệt so với mẫu thuốc Voltaren 75mg/3ml, SĐK: VN-20041-16 do Lek Pharmaceuticals d.d. (Slovenia) sản xuất, Công ty TNHH Novartis Việt Nam nhập khẩu, cung cấp.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, mỗi khi phát hiện mẫu thuốc nghi ngờ giả, đơn vị đều có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành tăng cường việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bán buôn, bán lẻ thuốc trên địa bàn đảm bảo kinh doanh thuốc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ; kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc nhập lậu.

Trần Hằng

Chuyên gia cảnh báo về thuốc kháng virus xách tay Chuyên gia cảnh báo về thuốc kháng virus xách tay
Từ 15/10/2020, người bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng? Từ 15/10/2020, người bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng?
Buôn hàng “xách tay” có thể bị phạt đến 200 triệu đồng: “Thuốc đắng” có đủ để “giã tật”? Buôn hàng “xách tay” có thể bị phạt đến 200 triệu đồng: “Thuốc đắng” có đủ để “giã tật”?

/ cand.com.vn