Thời gian qua, trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành có các quy định khác nhau, trong đó giấy xét nghiệm được phản ánh nhiều nhất. Nơi quy định giấy xét nghiệm COVID-19 có hiệu lực trong 3 ngày, nơi thì 7 ngày, gây khó khăn và làm cho người dân bức xúc.

Anh Võ Anh Quang ở quận 4, TP Hồ Chí Minh cho biết, anh đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 và có chứng nhận thẻ xanh của ngành y tế. Công việc thường xuyên phải đi lại giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai nên ngày 8/10 anh đến bệnh viện xét nghiệm COVID-19 và có giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2. Những ngày đầu đi lại bình thường, ngày 12/10, buổi sáng đến tỉnh Đồng Nai để làm việc, chiều cùng ngày anh quay trở về TP Hồ Chí Minh.

Lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát dịch bệnh của tỉnh Đồng Nai điểm giáp ranh với TP Hồ Chí Minh kiểm tra giấy tờ, anh đáp ứng đầy đủ quy định nên được lưu thông. Nhưng khi đến chốt kiểm soát của TP Hồ Chí Minh giáp ranh với tỉnh Đồng Nai thì lực lượng tại chốt không cho anh về thành phố với lý do giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 đã hết hạn. Người kiểm tra giấy tờ tại chốt này cho biết giấy xét nghiệm chỉ có hiệu lực 3 ngày.

“Mỗi nơi quy định một kiểu, TP Hồ Chí Minh thì quy định giấy xét nghiệm có hiệu lực 3 ngày, còn tỉnh Đồng Nai quy định 7 ngày… Quá bất cập, cơ quan chức năng cần thống nhất quy định này để người dân lưu thông không bị làm khó”, anh Quang cho biết.

Cũng là người thường xuyên phải di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai để làm việc, anh Nguyễn Văn Gia ở TP Thủ Đức bức xúc: “Tôi đã tiêm 2 mũi vaccine và có chứng nhận thẻ xanh, tôi cũng đã có giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 âm tính. Sáng tôi đến Đồng Nai làm việc, chiều trở về TP Hồ Chí Minh, bản thân tôi luôn ý thức và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Giấy xét nghiệm của tôi là ngày thứ 4 nên người kiểm tra tại chốt không cho tôi về thành phố, tôi đưa căn cước công dân để chứng minh tôi là công dân của TP Hồ Chí Minh và năn nỉ mãi thì người này cho qua chốt. Loại giấy tờ này không thể để mỗi nơi quy định một kiểu được, làm cho người dân rất mệt mỏi”.

Không chỉ hai tỉnh này quy định thời gian hiệu lực giấy xét nghiệm COVID-19 khác nhau, mà các tỉnh khác cũng có những quy định không thống nhất về xét nghiệm.

Anh Lê Anh Ngọc ở TP Thủ Đức cho biết, anh có thẻ xanh COVID-19 và giấy xét nghiệm âm tính, nhưng khi đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chốt kiểm dịch ở tỉnh này không cho vào tỉnh, mà yêu cầu quay đầu xe về. “Tôi đi cả trăm kilômét đến giải quyết công việc nhưng ấm ức phải quay về thành phố. Người kiểm tra giấy tờ tại chốt kiểm dịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không cho vào địa bàn tỉnh và nói đây là quy định của cấp trên. Việc thực hiện phòng, chống dịch, trách nhiệm của chúng tôi phải thực hiện, nhưng hiện nay cơ bản đã kiểm soát dịch, người dân đã tiêm 2 mũi vaccine cũng như giấy xét nghiệm âm tính mà còn làm khó thì biết bao giờ mới phát triển được?”, anh Ngọc bức xúc nói.

Theo hướng dẫn của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tất cả người dân trước khi về tỉnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật PCR trong thời hạn 3 ngày hoặc test nhanh kháng nguyên trong vòng 72h (có thể thực hiện tại chốt kiểm soát dịch).

Theo quy định của tỉnh này, hiện nay mới chỉ có hướng dẫn việc xét nghiệm, cách ly phòng, chống dịch COVID-19 đối với những trường hợp người dân của tỉnh về từ các vùng nguy cơ gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Như vậy, người dân của tỉnh thành khác thì chưa được đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh vừa có hướng dẫn về việc lưu thông trong tỉnh cho người lao động. Còn đối với lưu thông liên tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản trao đổi với TP Hồ Chí Minh, cho người lao động tại TP Dĩ An, TP Thuận An của Bình Dương sử dụng xe máy, ôtô để lưu thông qua Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Nhưng chưa có sự thống nhất quy định chung nên người dân vẫn phải đợi.

Các nơi còn quy định khác nhau về hình thực xét nghiệm. Anh Nguyễn Văn Thiện ở TP Hồ Chí Minh cho biết, công ty của anh thực hiện công trình xây dựng ở tỉnh Long An, công trình đã thực hện từ trước đợt dịch vừa qua, do dịch nên phải tạm dừng. Sau khi hết giãn cách xã hội, tỉnh cho người lao động đến làm việc, nhưng lại quy định phải xét nghiệm COVID-19 bằng hình thức PCR. “Dịch bệnh kéo dài mấy tháng, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, với quy định của tỉnh Long An, tôi phải đưa 20 công nhân đi xét nghiệm PCR hết gần 15 triệu đồng, mặc dù các công nhân đều đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19. Nếu cứ 7 ngày phải xét nghiệm một lần bằng hình thức này thì quá tốn kém, nếu nghỉ làm thì công trình sẽ chậm trễ, vi phạm hợp đồng”, anh Thiện cho biết.

Anh Thiện cũng đề xuất chỉ cần xét nghiệm bằng hình thức test nhanh đối với người lao động đã tiêm vaccine theo quy định, nếu nghi có trường hợp nhiễm mới xét nghiệm bằng hình thức PCR. “Từ mấy tháng nay, cả nước đều thực hiện test nhanh và cho kết quả khá chính xác, nếu tỉnh Long An quy định bắt buộc phải xét nghiệm PCR đối với người lao động từ TP Hồ Chí Minh đến thì có phải cho rằng test nhanh không đáng tin cậy?”, anh Thiện đặt câu hỏi.

Từ đầu tháng 10, TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi các tỉnh giáp ranh để thống nhất phương án cho người dân lưu thông, tuy nhiên các địa phương vẫn chưa thống nhất. Việc quy định không thống nhất về xét nghiệm COVID-19, Bộ Y tế cần chủ động có văn bản hướng dẫn để các tỉnh, thành phố thực hiện. Đừng đợi khi có phản ánh của người dân hay cơ quan báo chí mới có quy định, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa sản xuất kinh doanh. Nhất là trong giai đoạn hiện nay đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và tỷ lệ cao người dân đã tiêm vaccine phòng COVID-19.

Nguyễn Cảnh

Gia tăng tai nạn sinh hoạt khi trẻ em ở nhà phòng dịch COVID-19 Gia tăng tai nạn sinh hoạt khi trẻ em ở nhà phòng dịch COVID-19
Vì sao nguồn cung vaccine COVID-19 khan hiếm? Vì sao nguồn cung vaccine COVID-19 khan hiếm?
Tổng thống Brazil tự tin miễn dịch tốt, không chịu tiêm vaccine COVID-19 Tổng thống Brazil tự tin miễn dịch tốt, không chịu tiêm vaccine COVID-19

/ cand.com.vn