Các tỉnh miền Bắc bắt đầu ghi nhận trường hợp mắc sốt xuất huyết, chủ yếu từ miền Nam ra.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang điều trị cho một bệnh nhân trẻ ở Hải Dương, vừa đi du lịch ở TP.HCM. Về nhà 6 ngày thì người này thấy sốt, đau đầu, đau người, da và mắt xung huyết và xuất hiện các biểu hiện điển hình của sốt xuất huyết. Bệnh nhân được một cơ sở y tế ở Hải Dương xét nghiệm dương tính với Dengue.  

Tránh tâm lý chủ quan khi sốt

Tthời điểm nhập viện Bệnh viện Bạch Mai, tiểu cầu của ngời này chỉ còn 20 G/L, đồng thời xuất hiện tình trạng cô đặc máu, tràn dịch màng phổi, thoát huyết tương, chảy máu chân răng, men gan tăng, xuất huyết dưới da. Sau gần  tuần điều trị tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm ghi nhận các trường hợp sốt xuất huyết sau khi đi du lịch, đi công tác… ở các tỉnh phía Nam, khi về nhà xuất hiện tình trạng sốt. Nhiều người chủ quan cho rằng sốt bình thường nhưng tới ngày thứ 5, 6 thì xảy ra biến chứng. Có người mắc sốt xuất huyết được chuyển đến trong tình trạng tiểu cầu hạ chỉ còn 6 G/L, biểu hiện cô đặc máu kèm theo các hiện tượng thoát huyết tương, tràn dịch màng bụng, suy thận…

Sau chuyến du lịch, nhiều người sốt xuất huyết nguy kịch phải nhập viện - 1

Bác sĩ Cường thăm khám bệnh nhân tại BV Bạch Mai.

PGS Cường khuyến cáo, miền Bắc đang vào giữa hè, thời tiết nắng nóng, kèm mưa nhiều, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn Aedes egypti phát triển. Bên cạnh đó nhu cầu di du lịch, nghỉ hè, lại gia tăng. Người dân cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn khi đi du lịch như mang theo kem chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.

Sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị nên hiện người bị bệnh này chủ yếu được điều trị triệu chứng kết hợp với chế độ chăm sóc.

Những lưu ý khi điều trị 

Với trường hợp bị nhẹ, bệnh nhân tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong 3 - 7 ngày cần theo dõi các triệu chứng của bệnh. Nếu xuất hiện các dấu hiệu như lờ đờ, li bì, vật vã, tiểu ít, nôn nhiều, đau vùng gan, xuất huyết trong với biểu hiện đại tiện ra máu hoặc phân đen, nôn máu thì cần chuyển người bệnh đi cấp cứu.

Nếu bị sốt xuất huyết, mẹ vẫn cho con bú bình thường.

Trẻ em khi bị sốt xuất huyết thường biểu hiện nặng như dễ bị sốc hoặc tái sốc hơn so với người lớn. Nếu trẻ dần hết sốt vào ngày thứ 4 và không kèm theo biểu hiện nào khác thì có nghĩa là sốt xuất huyết bắt đầu thuyên giảm, nhưng vẫn cần theo dõi tiếp.

Trong trường hợp bé bị li bì, lừ đừ, xuất huyết niêm mạc, nôn nhiều, đau vùng gan, tiểu ít,... thì cha mẹ phải đưa bé tới viện.    

Nếu người bệnh bị sốt dưới 38,5 độ C thì người nhà nên kết hợp các biện pháp vật lý như: cho bệnh nhân mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi; chườm khăn ấm vào trán, nách và bẹn. Khi bệnh nhân sốt từ 38,5 độ C trở lên thì ngoài chườm ấm cần dùng thêm thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10 - 15 mg/kg, mỗi liều cách nhau 4 - 6 giờ. Bác sĩ lưu ý tuyệt đối không dùng aspirin hoặc ibuprofen vì dùng thuốc này khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn.

Bên cạnh đó, người bệnh cần uống nhiều nước và bù điện giải (sốt dưới 38,5 độ C), trong đó hydrite và oresol được khuyến cáo sử dụng để bù điện giải. Bệnh nhân cần được cung cấp đủ nước cho cơ thể qua nước lọc, nước trái cây (dừa, cam,...), sữa, súp, cháo loãng.

Nếu người bệnh mất nước mức độ vừa và nặng, nôn nhiều không tự uống được thì cần truyền dung dịch Nacl 0,9%.

https://vtc.vn/sau-chuyen-du-lich-nhieu-nguoi-sot-xuat-huyet-nguy-kich-phai-nhap-vien-ar685463.html

Ngọc Anh / VTC News