Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt ở trẻ nhỏ, nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy…
- Virus cúm A (H1N1) rất dễ lây lan trong môi trường tập trung đông người
- Phát hiện các chùm ca cúm A (H1N1) tại 1 trường học ở TP Hồ Chí Minh
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi…
Bệnh thường có xu hướng gia tăng trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường. Gần đây, số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.
Bác sĩ Lâm nhấn mạnh, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ có các bệnh mạn tính, cơ địa béo phì nếu bị nhiễm virus cúm A rất dễ gây các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí có thể viêm não, tử vong.
Đáng chú ý, triệu chứng của bệnh cúm A rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng của cúm A sẽ giúp cha mẹ có thể xử trí và đưa con đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm A gồm: đau họng và ho; hắt hơi, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; sốt và ớn lạnh; nhức đầu và nhức mỏi cơ thể; cảm thấy mệt mỏi; có thể kèm theo đau bụng, nôn, tiêu chảy…
Để phòng bệnh, người dân cần chú ý bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể; ăn uống đủ chất, bù đủ nước; hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh.
Bên cạnh đó, tiêm vaccine là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất, giúp tạo “lá chắn” bảo vệ trẻ khỏi virus cúm A cũng như nhiều bệnh lý khác.
Bác sĩ Lâm khuyến cáo thêm, khi thấy trẻ sốt cao liên tục từ 39 độ trở lên, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật; khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường; đau ngực, tím môi và đầu chi, tay chân lạnh; trẻ li bì, mệt mỏi, khó ăn… thì cần đưa trẻ nhập viện khẩn cấp.