Theo thống kê từ một số cơ sở y tế, thời gian gần đây tỷ lệ người bệnh mắc cúm A nhập viện điều trị tăng cao, điều này khiến nhiều người lo lắng.

Trước khi nhập viện điều trị, bà Bùi Thị Mai (59 tuổi, Thái Nguyên) xuất hiện tình trạng sốt, hắt hơi, sổ mũi. Ban đầu, bà chủ quan nghĩ mắc cảm sốt thông thường nhưng sau vài ngày, bà Mai thấy tức ngực, khó thở.

Bà được người thân đưa đến bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp tiến triển trầm trọng, phải đặt ống thở máy. Kết quả xét nghiệm cho thấy bà Mai bị cúm A.

Bà Mai có bệnh nền béo phì, tiểu đường và tăng huyết áp. Do đó, khi mắc cúm A, sức khoẻ bệnh nhân tiến triển xấu rất nhanh, đặc biệt là tổn thương ở phổi.

Hiện, tình trạng phổi của bà Mai vẫn kém, phải phụ thuộc hoàn toàn vào thở máy. Bên cạnh đó, bà cũng gặp tình trạng sốc nhiễm trùng, phải duy trì thuốc vận mạch để đảm bảo huyết áp.

Người bệnh mắc cúm A dễ chuyển xấu khi có sẵn bệnh lý nền.

Người bệnh mắc cúm A dễ chuyển xấu khi có sẵn bệnh lý nền. 

Gặp tình trạng tương tự, ông Trần Văn Kiên (50 tuổi, Hà Nội) mắc cúm A, tiền sử suy thận mãn tính, cao huyết áp, tiểu đường, biến chứng tai biến mạch máu não. Hình ảnh phổi của người bệnh trên phim chụp X-quang cho thấy trắng xoá, tổn thương 50-60%.

Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tổn thương phổi là tình trạng nặng nhất của bệnh nhân Kiên ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh thở máy, người bệnh này cũng phải được lọc máu liên tục.

Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, các chức năng về hô hấp của bệnh nhân 50 tuổi đã được hỗ trợ bằng máy thở, tạm thời ổn định nhưng tiên lượng vẫn rất nặng nề, cần có thời gian điều trị lâu dài.

 

Bác sĩ Phúc cho biết, một tháng trở lại đây, số ca cúm A vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gia tăng nhanh chóng. Hiện cơ sở này đang điều trị cho hơn 15 bệnh nhân cúm A nặng, trong số đó có 8 bệnh nhân có bệnh lý nền. Riêng tại Khoa Hồi sức tích cực (cơ sở Kim Chung), có 3 trong số 4 ca cúm A nặng phải thở máy. Các ca này đều có bệnh nền.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số các trẻ đến thăm khám có chỉ định làm xét nghiệm mỗi ngày, có khoảng 100 - 150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A. Trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị.

Riêng tại Trung tâm bệnh nhiệt đới của bệnh viện này hiện đang điều trị hơn 70 ca mắc cúm, chiếm gần 1 nửa số bệnh nhi tại đây. Phần lớn bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Thậm chí có 2 ca suy hô hấp, đang phải thở máy do nhiễm cúm trên nền bệnh tim và thuyên tắc động mạch phổi. Ngoài ra, 1 số bị viêm tai giữa, thậm chí viêm màng não, viêm cơ tim.

TS Vũ Ngọc Long, Phó trưởng phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình cúm ở nước ta trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng nhưng chưa phải bất thường. Miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết giao mùa Đông Xuân, nhiệt độ thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.

Kết quả giám sát các trường hợp cúm cho thấy, các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B, hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).

Để phòng bệnh cúm, bác sĩ lưu ý, những người có bệnh nền, trẻ em nên tiêm vaccine phòng cúm; tránh nơi đông người vì cúm có thể dễ dàng lây qua đường hô hấp.

Người dân cũng cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Người dân cần tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

https://vtc.vn/ty-le-nguoi-mac-cum-a-nhap-vien-tang-cao-lieu-co-bat-thuong-ar846286.html

Nguyễn Ngoan / VTC News