Ngoài tác dụng xông thơm phòng, tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên còn đuổi côn trùng, lọc không khí, giảm căng thẳng.
Tinh dầu thiên nhiên trên thị trường hiện nay được chiết xuất từ các loại hoa cỏ như hoa hồng, hoa nhài, hoa bưởi, sả, hương nhu và các loại trái như chanh, cam... Nhiều loại từ các nguyên liệu quý như hương trầm, ngọc lan tây, xạ hương, hoắc hương, hoàng đàn... Giá bán khoảng 80.000 đến 600.000 đồng tùy dung tích, mùi hương và xuất xứ.
Anh Linh, nhân viên tư vấn của một cửa hàng ở TP HCM cho biết khách mua tinh dầu với nhiều mục đính như xông thơm phòng, đuổi muỗi, lọc không khí, giảm căng thẳng. Người mua thường từ 30 đến 45 tuổi.
Tinh dầu thiên nhiên thường có hai tông màu chủ yếu là màu trắng trong và vàng nhạt. Chúng thường được đựng trong chai thủy tinh màu nâu, đen hoặc hổ phách. Để bảo quản, bạn nên đóng kín chai và đặt ở chỗ mát trong bóng tối. Khi mua, ngoài ngửi trực tiếp trên nắp chai thì bạn nên xông thử tại cửa hàng để cảm nhận chính xác nhất mùi hương, anh Linh cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội tinh dầu hương liệu mỹ phẩm Việt Nam, tinh dầu thiên nhiên có một số tác dụng tốt cho sức khỏe và tinh thần. Tuy nhiên, do chưa quản lý chặt chẽ nên chất lượng tinh dầu trên thị trường còn nhiều bất cập.
Bên cạnh hàng của các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh uy tín thì cũng có nhiều sản phẩm trôi nổi với chất lượng không được kiểm định. "Tinh dầu được gắn mác 100% thiên nhiên nhưng lại là sản phẩm nhân tạo, trộn lẫn nhiều hóa chất và hương liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ", ông Minh nhấn mạnh.
Các loại tinh dầu thiên nhiên được bán trên thị trường hiện nay. Ảnh: Cẩm Anh |
Tiến sĩ Huỳnh Khánh Duy, khoa Kỹ thuật Hóa học của trường Đại học Bách khoa TP HCM cho biết, những loại tinh dầu giá rẻ thường là hương liệu tổng hợp chứa chất tạo mùi thơm có độc tính đối với cơ thể như toluene, acetone, formaldehyde... Nếu ta ngửi lâu ngày có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh và tổn thương hệ thần kinh.
Ngoài ra, một số thành phần có trong tinh dầu khi tương tác với khí ozone trong không khí sinh ra các aerosol siêu mịn hữu cơ thứ cấp gây kích ứng mắt, đường hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe nếu dùng lâu dài.
Tương tác của tinh dầu với thực phẩm và thuốc có thể gây dị ứng, hen, suyễn ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào cơ địa. Thêm vào đó, người dùng có nguy cơ bị ngộ độc bởi các tạp chất hoặc loại dung môi được sử dụng để pha loãng tinh dầu.
Theo ông Duy, tinh dầu được chiết xuất từ hoa, lá cây, thân, vỏ và rễ cây nếu sử dụng bằng cách ngửi, xoa bóp, đốt, xông đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích. Hương thơm làm giảm căng thẳng, mệt mỏi, ngăn ngừa một số chứng bệnh như cảm lạnh, ho, cúm... và tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thích ứng với các loại tinh dầu. Nhiều người mẫn cảm với hương thơm và dị ứng thành phần có trong tinh dầu có thể bị nhức đầu, buồn nôn, mệt mỏi. Nếu dùng nhiều sẽ gây kích ứng đường hô hấp, nặng hơn là viêm phổi.
Trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người bệnh không nên tiếp xúc với tinh dầu lâu dài, đặc biệt là những người có tiền sử hay bệnh ở đường hô hấp. Một số loại tinh dầu như bạc hà nên hạn chế dùng khi nhà có trẻ em dưới 6 tuổi. Nguyên nhân bởi menthol là một trong những hóa chất chính trong dầu bạc hà có thể gây ra sự ngưng thở ở trẻ.
"Khi sử dụng tinh dầu cần phải chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc. Nên thận trọng, nhất là những gia đình có con nhỏ, mỗi lần xông chỉ nên dùng 1 đến 2 giọt. Không nên đốt tinh dầu cả đêm trong phòng kín vì có thể hút hết khí oxy trong phòng. Sử dụng phải đúng liều lượng và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa", ông Duy khuyến cáo.
10 loại tinh dầu tốt cho da Chẳng cần đến spa bạn cũng có thể tự dưỡng da và thư giãn tại nhà bằng các loại dầu sau đây. |
Những ông chồng mang vợ \'làm thử\' trò mát xa yoni Vừa đặt chân vào phòng, tôi suýt ngất vì cô vợ xinh xắn đến thót tim. Cô ta chỉ khoảng 25 tuổi. Như đã quen ... |